ĐÃ TƯƠNG THÍCH VỚI CPTTP?

SỬA LUẬT SỞ HỮU TRÍ TUỆ: ĐÃ TƯƠNG THÍCH VỚI CPTTP?

 




Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ là một trong những nội dung thu hút sự quan tâm của cử tri cả nước trong kỳ họp Quốc hội lần này.

 

 

Câu hỏi: Như PS chúng tôi vừa phản ánh thì vấn đề bảo hộ sở hữu trí tuệ hàng nông sản của VN, đặc biệt là bảo hộ chỉ dẫn địa lý vẫn còn nhiều bất cập. Vậy Ông thấy Dự thảo sửa đổi Luật sở hữu trí tuệ mới đã đáp ứng được nhu cầu sửa đổi trong lĩnh vực này hay chưa?

Trả lời:

 

Là một nước nông nghiệp, việc đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) cho sản phẩm nông nghiệp hết sức quan trọng đối với Việt Nam.

 

Việc chưa quan tâm đến thương hiệu, bảo hộ sở hữu trí tuệ sản phẩm có nguyên nhân bắt nguồn từ nền sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, năng lực hoạt động của các doanh nghiệp còn thấp; sự liên kết giữa chính quyền địa phương, người dân và doanh nghiệp chưa chặt chẽ; kỹ năng thương mại và tiếp thị, phát triển sản phẩm của người sản xuất còn hạn chế, mang tính tự phát. Bên cạnh đó, chính quyền cơ sở và người nông dân chưa ý thức được tầm quan trọng của việc phát triển thị trường, xây dựng và đăng ký xác lập bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp và nhãn hiệu nông sản, trong khi xu hướng chung của thị trường đòi hỏi sản phẩm phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, nhãn hiệu hàng hóa được các cơ quan chức năng nhà nước bảo hộ.

 

Ngoài ra, tồn tại lớn nhất là thiếu cơ sở pháp lý chung trong công tác quản lý và kiểm soát chỉ dẫn địa lý. Do đó, cần có sự thay đổi mạnh mẽ hình thức đăng ký và quản lý chỉ dẫn địa lý, thông qua đó, các địa phương, cá nhân sản xuất nông nghiệp rất cần sự hỗ trợ kịp thời, thường xuyên của Nhà nước về cơ chế, chính sách, của các cơ quan bảo vệ pháp luật về kiểm tra, đấu tranh với nạn làm giả, làm nhái, gây ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín, xâm phạm quyền lợi của các nhà sản xuất chân chính. 

 

Về chỉ dẫn địa lý, tại Dự thảo Luật sửa đổi Khoản 1, Điều 80 về cách đánh giá một thuật ngữ là tên gọi chung của hàng hóa tại Việt Nam, theo đó bổ sung quy định việc đánh giá phải dựa trên cách hiểu của người tiêu dùng tại Việt Nam. Đối với 4 nghĩa vụ có thời gian chuyển tiếp 3-5 năm (gồm: Bảo hộ nhãn hiệu âm thanh; bảo đảm thông tin và thời gian cho chủ bằng sáng chế thực thi quyền trước khi sản phẩm được đưa ra thị trường; bảo hộ độc quyền đối với dữ liệu thử nghiệm nông hóa phẩm; thẩm quyền mặc nhiên tiến hành các thủ tục biên giới của cơ quan hải quan), các nghĩa vụ này sẽ bắt đầu phải thi hành từ năm 2022, dự kiến sẽ được đưa vào Luật sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ được trình Quốc hội vào kỳ họp cuối năm 2021.

 

Câu hỏi:  Để làm rõ hơn về trường hợp không bảo hộ chỉ dẫn địa lý do chỉ dẫn địa lý đã trở thành “tên gọi chung”,  khoản 1, Điều 80, Dự thảo sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ  chỉ rõ: “Tên gọi, chỉ dẫn địa lý đã trở thành tên gọi chung của hàng hóa theo nhận thức của người tiêu dùng có liên quan ở Việt Nam”. Điều này có gây khó cho việc Bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm nông sản của chúng ta không, thưa Ông?

Trả lời:

Dự thảo dự kiến sửa quy định để làm rõ hơn về trường hợp không bảo hộ chỉ dẫn địa lý do chỉ dẫn địa lý đã trở thành “tên gọi chung” như sau: “Tên gọi, chỉ dẫn địa lý đã trở thành tên gọi chung của hàng hóa theo nhận thức của người tiêu dùng có liên quan ở Việt Nam”.

Trong khi đó, cam kết CPTPP đối với trường hợp này là: “Trong việc xác định liệu một thuật ngữ có phải là thuật ngữ thông thường trong ngôn ngữ phổ thông có nghĩa là tên gọi chung của hàng hóa tương ứng trong phạm vi lãnh thổ của một Bên hay không, cơ quan có thẩm quyền của Bên đó phải có thẩm quyền xem xét xem người tiêu dùng hiểu thuật ngữ đó trong lãnh thổ của Bên đó như thế nào”.

Cách quy định tại Dự thảo làm hẹp phạm vi đối tượng được xem xét (từ “người tiêu dùng trên lãnh thổ Việt Nam” thành “người tiêu dùng liên quan trên lãnh thổ Việt Nam), do đó làm gia tăng khả năng một thuật ngữ có thể bị coi là “tên gọi chung” và từ đó tăng khả năng từ chối bảo hộ chỉ dẫn địa lý có chứa tên gọi chung.

Do đó, cách tiếp cận này dường như là “cao hơn cam kết” và chưa phù hợp với lợi ích chung của các cộng đồng này ở Việt Nam.

Câu hỏi: Đặc biệt đối với cam kết của CPTPP về sở hữu trí tuệ, theo Ông chúng ta nên có những quy định như thế nào để hàng hóa nông sản của Việt Nam tiến sâu hơn vào thị trường thế giới? 

Trả lời:

Để hàng hóa nông sản của Việt Nam tiến sâu hơn vào thị trường thế giới, thiết nghĩ quy định trên cần sửa đổi theo hướng “Tên gọi, chỉ dẫn địa lý đã trở thành tên gọi chung của hàng hóa theo nhận thức của người tiêu dùng trên lãnh thổ Việt Nam”.

 




Câu hỏi: Vâng, trước hết xin Ông cho biết quy định hiện nay của chúng ta trong việc bảo hộ nhãn hiệu? So với Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành thì Dự thảo sửa đổi lần này có gì mới?

Trả lời:

Về nhãn hiệu, Dự thảo Luật đã bổ sung vào Điều 89 Luật Sở hữu trí tuệ quy định việc nộp đơn nhãn hiệu bằng phương tiện điện tử. Việc bổ sung quy định này nhằm đáp ứng nghĩa vụ tại Điều 18.24 của Hiệp định CPTPP. Tuy nhiên, trên thực tế, trong khuôn khổ thực hiện Nghị quyết 36A của Chính phủ về cải cách hành chính, Cục Sở hữu trí tuệ đã xây dựng hệ thống nộp đơn điện tử trực tuyến đối với các đối tượng SHCN, trong đó có nhãn hiệu và hệ thống này đã hoạt động từ năm 2017.

Sửa đổi khoản 2 Điều 136 Luật Sở hữu trí tuệ về nghĩa vụ sử dụng nhãn hiệu và sửa đổi khoản 2 Điều 148 Luật Sở hữu trí tuệ quy định về hợp đồng chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu nhằm đáp ứng quy định của Hiệp định CPTPP về việc không được yêu cầu phải đăng ký để xác định hiệu lực của việc chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu và phải coi việc sử dụng nhãn hiệu của bên được chuyển quyền được coi là sử dụng nhãn hiệu của chủ sở hữu liên quan đến các thủ tục xác lập, duy trì và bảo vệ quyền đối với nhãn hiệu.




 

Câu hỏi: Đối với nhãn hiệu, CPTPP quy định phải bảo hộ nhãn hiệu bằng cả âm thanh và nỗ lực bảo hộ nhãn hiệu mùi. Nhưng Dự thảo sửa đổi lại chưa đề cập nội dung này. Điều này sẽ gây ra những bất lợi như thế nào khi CPTPP có hiệu lực, thưa Ông?

Trả lời:




Dù có lộ trình 3 năm kể từ khi CPTPP có hiệu lực, cho phép Việt Nam chính thức bảo hộ nhãn hiệu âm thanh và nhãn hiệu mùi nhưng đây vẫn sẽ là thách thức lớn đối với Việt Nam khi điều chỉnh, sửa đổi các quy định pháp luật về bảo hộ nhãn hiệu phi truyền thống bởi từ trước đến nay, Việt Nam vẫn chỉ quen bảo hộ những nhãn hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ hay hình ảnh.

 

Câu hỏi: Để tận dụng được lợi thế việc chuyển hóa các cam kết CPTPP vào hệ thống pháp luật sở hữu trí tuệ chung của Việt Nam theo hướng có lợi nhất, theo Ông, chúng ta phải làm gì?

Trả lời:

Những quy định về SHTT trong CPTPP đã tạo ra một công cụ mạnh để bảo vệ tài sản trí tuệ. Như vậy, những DN có ý thức đầu tư các nguồn lực để tạo ra tài sản trí tuệ sẽ được hưởng lợi từ việc bảo hộ ở mức cao trong các hoạt động thương mại, từ xuất nhập khẩu, buôn bán, kinh doanh cũng như chuyển giao quyền.

Khi đổi mới, sáng tạo đã trở thành một chủ trương lớn, việc chủ động tuân thủ và vận dụng đúng đắn các quy định của CPTPP không chỉ trên lãnh thổ Việt Nam mà còn trên lãnh thổ của các quốc gia thành viên CPTPP khác sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng được những lợi thế mà các quy định đó mang lại.

Từ đó, họ có thể bảo vệ tốt hơn các quyền và lợi ích hợp pháp mà họ có được từ các đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ đã được bảo hộ theo CPTPP và phát huy chúng để tạo ra các lợi thế cạnh tranh và kinh doanh trên thị trường.

 

SBLAW tư vấn về bảo hộ thương hiệu và các tài sản trí tuệ khác một cách nhanh chóng, chính xác và hiệu quả:
Quý khách cần sử dụng dịch vụ bảo hộ tài sản trí tuệ, vui lòng liên hệ trực tiếp đến.
  • Điện thoại - Chat Zalo
  • Email address
Tin tức liên quan