Tranh cãi về thương hiệu Jetstar

Tranh cãi về thương hiệu Jetstar

(PL)- Cục Hàng không cho rằng Jetstar Pacific không được dùng biểu tượng của Jetstar Airways.

Một lần nữa Cục Hàng không Việt Nam lại có ý kiến phản đối việc sử dụng thương hiệu Jetstar tại Việt Nam của Công ty cổ phần Hàng không Jetstar Pacific Airlines.

Xung quanh vấn đề này còn có nhiều ý kiến trái ngược nhau về, thương quyền, thương hiệu giữa cơ quan quản lý với hãng hàng không.

Sử dụng tràn lan

Việc tranh cãi bất phân thắng bại về thương hiệu, thương quyền Jetstar tại Việt Nam đã âm ỉ hơn một năm qua giữa Cục Hàng không và Jetstar Pacific.

Giữa tháng 4-2008, Jetstar Pacific chính thức chuyển đổi thành mô hình hãng hàng không giá rẻ với sự góp vốn của Tập đoàn Qantas (Úc). Tuy nhiên kể từ đó đến nay, hãng này liên tục bị Cục Hàng không yêu cầu chấm dứt sử dụng thương hiệu, logo... của Hãng hàng không Jetstar Airways (thuộc Tập đoàn Qantas). Lý do này là một trong những nguyên nhân để Cục Hàng không không cấp thương quyền cho hãng này bay tới 10 điểm quốc tế.

Trong công văn gửi Bộ Giao thông Vận tải ngày 22-10, Cục Hàng không nêu: Dù chưa đăng ký chính thức vào giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không nhưng hiện nay Jetstar Pacific đang sử dụng tràn lan biểu tượng “Jetstar”, “Jet và hình ngôi sao”. Jetstar Pacific quảng cáo cho dịch vụ của chính mình mà không khác gì quảng cáo cho Jetstar Airways với lời quảng cáo “Jetstar là hãng hàng không giá rẻ tại Việt Nam”. Theo Cục Hàng không, đây chính là sự mập mờ biến biểu tượng thành tên thương mại chung của các hãng hàng không độc lập.

Cục Hàng không khẳng định, dù Jetstar Pacific đã hoàn tất thủ tục đăng ký về nhượng quyền thương hiệu và nhượng quyền thương mại với Cục Sở hữu trí tuệ và Bộ Công thương nhưng những thủ tục này không thể thay thế cho các pháp luật chuyên ngành khác mà Jetstar Pacific có nghĩa vụ phải tuân thủ. Jetstar Pacific không thể dùng các giấy chứng nhận đó để thực hiện hoạt động kinh doanh của mình trái với quy định của pháp luật về hàng không dân dụng.

Dùng biểu tượng “Jetstar” là sai?

Theo Cục Hàng không, Jetstar Pacific được phép hoạt động theo thương quyền được cấp quy định bởi Luật Hàng không chứ không phải là kinh doanh hoạt động “xây dựng và vận hành một mô hình hãng hàng không” như được nhượng quyền. Do vậy, Jetstar Pacific không thể sử dụng biểu tượng của Jetstar Airways làm biểu tượng kinh doanh vận chuyển hàng không.

Việc Jetstar Airways chuyển nhượng bản quyền về phương thức xây dựng và vận hành một hãng hàng không không thể là cơ sở pháp lý cho việc quảng bá, kinh doanh dịch vụ vận chuyển của Jetstar Pacific dưới thương hiệu, biểu tượng của Jetstar Airways. Hơn nữa, theo quy định của Luật Hàng không, hoạt động này không thể được đăng ký vì Jetstar Airways không có quyền kinh doanh nội địa Việt Nam và các đường bay quốc tế của Việt Nam mà hãng không có thương quyền.

Cục Hàng không cũng khẳng định không thể lập luận rằng giấy chứng nhận đăng ký hợp đồng licence (ở đây là nhượng quyền sử dụng thương hiệu - PV) là cơ sở pháp lý cho Jetstar Pacific có toàn quyền kinh doanh quyền vận chuyển hàng không được cấp theo quy định của Luật Hàng không dưới biểu tượng, thương hiệu của Jetstar Airways.

Jestar Pacific: “Phù hợp Luật Sở hữu trí tuệ”

Về phần mình, Jetstar Pacific đã nhiều lần báo cáo Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải và cơ quan chủ quản của Jetstar Pacific là Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC). Trong các văn bản này, Jetstar Pacific chứng minh rằng việc sử dụng thương hiệu Jetstar tại Việt Nam là hợp lệ và không đi ngược với khuôn khổ luật pháp.

Theo Tổng Giám đốc Jetstar Pacific Lương Hoài Nam, việc sử dụng thương hiệu Jetstar của hãng là hoàn toàn phù hợp với Luật Sở hữu trí tuệ. Một khi việc nhượng quyền được thực hiện phù hợp với Luật Sở hữu trí tuệ trong khi Luật Hàng không không có bất kỳ quy định hạn chế nào về thương hiệu thì không thể nói việc nhượng quyền lại vi phạm Luật Hàng không.

Ông Nam cho biết Jetstar không phải là một hãng hàng không mà là một thương hiệu được ba hãng hàng không Jetstar Airways (Úc), Jetstar Asia Airways (Singapore) và Jetstar Pacific Airlines (Việt Nam) cùng sử dụng. Vì vậy, không có bất kỳ hãng hàng không nước ngoài nào với thương hiệu Jetstar được khai thác nội địa ngoài hãng hàng không của Việt Nam là Jetstar Pacific. Điều này tương tự như Air Asia Malaysia (Malaysia), Thai Air Asia (Thái Lan), Indonesia Air Asia (Indonesia) là ba hãng hàng không của ba nước khác nhau nhưng cùng sử dụng chung một thương hiệu là Air Aisa của Air Asia Malaysia.

Được gián tiếp khai thác

Luật Hàng không hiện hành và các nghị định của Chính phủ liên quan đến hàng không cho phép các nhà đầu tư nước ngoài (kể cả các hãng hàng không nước ngoài) gián tiếp khai thác vận chuyển hàng không nội địa và quốc tế của Việt Nam thông qua việc đầu tư vốn vào các hãng hàng không Việt Nam. Như vậy việc Tập đoàn Qantas gián tiếp khai thác thương quyền vận chuyển hàng không Việt Nam thông qua đầu tư vốn vào Jetstar Pacific hiện tại chiếm 27% (luật cho phép chiếm 30%) là phù hợp với pháp luật Việt Nam.

Về bản chất, việc Qantas đầu tư vào Jetstar Pacific và gián tiếp khai thác các thương quyền vận chuyển của Việt Nam tương tự như Vietnam Airlines đầu tư vào hãng hàng không Cambodia Angkor (Campuchia) và gián tiếp khai thác các thương quyền vận chuyển hàng không của đất nước này.

Chưa kể là mới đây Chính phủ đã đồng ý về nguyên tắc cho phép Vietnam Airlines được bán tối đa 20% cổ phần cho các nhà đầu tư nước ngoài. Khi đó nhà đầu tư nước ngoài cũng sẽ gián tiếp khai thác thương quyền bay nội địa Việt Nam thông qua việc có cổ phần ở Vietnam Airlines.

Trong công văn gửi cho SCIC, Jetstar Pacific cho rằng việc hãng mua thương hiệu Jetstar theo hình thức nhượng quyền là vì thương hiệu cũ Pacific Airlines không đủ mạnh tại Việt Nam và nước ngoài để có thể cạnh tranh hiệu quả với các hãng hàng không khác. Khoản phí thương hiệu 0,2% doanh thu (nếu doanh thu 100 triệu USD/năm thì Jetstar Pacific phải trả 200.000 USD/năm) hiệu quả hơn so với việc Pacific Airlines bỏ ra hàng chục triệu USD và mất nhiều năm để xây dựng Pacific Airlines thành thương hiệu nổi tiếng.

theo phapluattp.vn

SBLAW tư vấn về bảo hộ thương hiệu và các tài sản trí tuệ khác một cách nhanh chóng, chính xác và hiệu quả:
Quý khách cần sử dụng dịch vụ bảo hộ tài sản trí tuệ, vui lòng liên hệ trực tiếp đến.
  • Điện thoại - Chat Zalo
  • Email address
Tin tức liên quan