Tại sao cần phải đăng ký sáng chế?

Trong quá trình tư vấn về sở hữu trí tuệ, SBLAW từng gặp khá nhiều trường hợp các tác giả sáng chế đặt câu hỏi rằng liệu sáng chế do mình sáng tạo ra có cần thiết phải đăng ký hay không? Dưới đây là những lý do chính tại sao cần phải đăng ký sáng chế.

Công ty luật SBLAW: Bước vào tuổi 13 với những đổi mới mạnh mẽ

Đăng ký sáng chế nhằm bảo hộ tài sản trí tuệ

Mục đích đầu tiên và cũng là mục đích quan trọng nhất của việc đăng ký sáng chế đó là nhằm đảm vệ tài sản trí tuệ của cá nhân, tổ chức tạo ra nó. 

Sáng chế là một giải pháp kỹ thuật (có thể dưới dạng sản phẩm hoặc quy trình hoặc kết hợp cả hai), do con người tạo ra để phục vụ cho đời sống. Lưu ý để phân biệt với “phát minh” là những gì con người phát hiện ra, nhận thức được đã tồn tại sẵn trong tự nhiên, không do con người tạo ra. Trong thời hạn bảo hộ sáng chế, chủ sở hữu sáng chế có quyền độc quyền sử dụng, chuyển nhượng hoặc chuyển giao quyền sử dụng sáng chế của mình, bất kỳ bên thứ ba nào khai thác sáng chế mà không được phép của chủ sở hữu sẽ bị coi là xâm phạm quyền của chủ sở hữu và sẽ bị xử lý theo pháp luật. Khi có tranh chấp xảy ra, văn bằng bảo hộ độc quyền sáng chế là chứng cứ chứng minh quyền sở hữu độc quyền của chủ sở hữu.

Bằng việc khai thác và sử dụng độc quyền sáng chế, chủ sáng chế có thể được bù đắp các đầu tư về vật chất và trí tuệ và được hưởng lợi nhuận từ việc khai thác thành qủa sáng tạo của mình.

Theo pháp luật hiện hành, chủ sở hữu sáng chế có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý các hành vi xâm phạm sáng chế đã được bảo hộ của mình.

Đăng ký sáng chế nhằm khai thác thương mại

Việc đăng ký sáng chế còn giúp mở ra cho chủ sở hữu sáng chế những cơ hội kinh doanh tiềm năng, cụ thể thông qua một số phương thức sau:

Mở rộng cơ hội kinh doanh cho chủ sở hữu

Được xem là hình thức khai thác thương mại chủ đạo, sử dụng sáng chế là việc chủ sở hữu sáng chế sản xuất, áp dụng sản phẩm hoặc quy trình được bảo hộ sáng chế để thực hiện các hoạt động kinh doanh thương mại. Việc các sản phẩm, quy trình được đưa ra trên thị trường cần có “tấm khiên” là văn bằng bảo hộ để tạo ra lợi thế cạnh tranh, qua đó mở rộng cơ hội kinh doanh với các đối tác, cũng như tạo được uy tín, thương hiệu trên thị trường.

  Sáng chế “Đui bóng đèn” nổi tiếng của Thomas Edison được cấp bằng tại Mỹ

Thu lợi nhuận bằng cách bán sáng chế, cấp quyền sử dụng sáng chế

Sáng chế được coi là một loại tài sản trí tuệ, được sở hữu bởi các cá nhân, tổ chức. Đây là tài sản vô hình, tuy nhiên có thể được “hữu hình hóa” bằng việc đăng ký sáng chế, cụ thể dưới dạng đơn đăng ký sáng chế và văn bằng bảo hộ sáng chế. Quan trọng hơn, tài sản này có thể định giá được. Theo đó, các chủ sở hữu sáng chế có thể thu được lợi nhuận thông qua việc bán các sản phẩm hoặc quy trình được cấp bằng sáng chế. Việc này sẽ bù đắp cho thời gian, công sức và chi phí chủ sở hữu sáng chế đã đầu tư trong giai đoạn R&D (Nghiên cứu và Phát triển) sáng chế. Ngoài ra, chủ sở hữu sáng chế cũng có thể khai thác sáng chế bằng việc cấp quyền sử dụng sáng chế cho bên thụ hưởng và nhận lại tiền thù lao cho việc cấp quyền này.

Để hợp thức hóa việc mua bán hay cấp quyền sử dụng nêu trên, các bên có thể ký kết hợp đồng mua bán, hợp đồng chuyển giao công nghệ, hợp đồng liên doanh.

Tạo vị thế độc tôn trên thị trường

Thông qua những độc quyền sử dụng, khai thác thương mại đó, chủ sở hữu sáng chế có quyền ngăn cấm người khác sử dụng sáng chế được bảo hộ với mục đích thương mại, qua đó làm giảm áp lực cạnh tranh và tạo cho sản phẩm của chủ sở hữu có ưu thế độc quyền trên thị trường.

Xây dựng lợi thế cạnh tranh, sức mạnh thị trường

Khi chủ thể sáng chế sử dụng sáng chế được bảo hộ độc quyền gắn với một công nghệ trong doanh nghiệp thì nó phải có khả năng cải thiện sức mạnh thị trường của bạn, tạo ra cho doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh nhất định và giúp doanh nghiệp có dòng lợi nhuận, kiếm nhiều tiền hơn.

Bằng độc quyền sáng chế mang lại cho doanh nghiệp sự độc quyền, đổi lại doanh nghiệp phải bộc lộ sáng chế một cách công khai. Ví dụ, doanh nghiệp có thể tham gia triển lãm, hội chợ hoặc một triển lãm ngành công nghiệp thương mại và trưng bày sáng chế mà không sợ bị mất nó. Bằng độc quyền sáng chế cũng cho phép doanh nghiệp tìm đến các nhà phân phối mà không sợ rằng sẽ có một bên sản xuất, bán, sử dụng hoặc phân phối sản phẩm mới hoặc được cải tiến sản phẩm đó khi không có sự cho phép của doanh nghiệp. Điều này sẽ giảm bớt sự cạnh tranh. Vì vậy, doanh nghiệp có thể sử dụng sáng chế được bảo hộ cho một công nghệ trong doanh nghiệp thì nó sẽ giúp doanh nghiệp của bạn nâng cao sức mạnh thị trường, tạo cho doanh nghiệp một lợi thế so với đối thủ cạnh tranh và giúp doanh nghiệp kiếm được nhiều tiền hơn.

Đóng góp vào công cuộc sáng tạo của con người và nâng cao giá trị, vị thế của chủ sở hữu sáng chế

Các đối tác kinh doanh, nhà đầu tư và cổ đông có thể nhận thức được tài sản sáng chế là biểu hiện của kiến thức chuyên môn, khả năng chuyên môn hóa và năng lực công nghệ cao của chủ sở hữu sáng chế dù là cá nhân hay doanh nghiệp. Đặc biệt đối với doanh nghiệp là chủ sở hữu sáng chế có thể dùng các sản phẩm sáng tạo này của mình để huy động vốn, tìm kiếm đối tác kinh doanh mới và nâng cao giá trị của doanh nghiệp trên thị trường.

Đăng ký sáng chế nhằm phục vụ cộng đồng

Bên cạnh khía cạnh thương mại, sáng chế được tạo ra còn nhằm đến một mục đích cao cả hơn, đó là phục vụ cộng đồng. Từ đơn giản đến phức tạp, các chủ sở hữu sáng chế không ngừng tạo ra sáng chế mới, cũng như cải tiến sáng chế dựa trên các công nghệ, nguyên lý đã có sẵn, để góp phần thúc đẩy xã hội phát triển nhanh hơn, cũng như giải quyết các vấn đề còn tồn tại cần khắc phục. Theo đó, việc đăng ký sáng chế được xem là một cách thức ghi nhận giá trị mà chủ sở hữu sáng chế đã đống góp cho sự phát triển của nhân loại.

Một ví dụ điển hình có thể kể đến là vắc xin chống Sars-CoV2, được nghiên cứu và phát triển kể từ khi dịch bệnh hoành hành trên khắp thế giới cho đến nay. Chính các sáng chế này đã cứu sống hàng triệu người trên thế giới. Đây chính là mục đích cao đẹp trong việc phục vụ cộng đồng của các đơn đăng ký sáng chế.

Sáng chế về vắc xin chống lại vi rút corona Sars-CoV2 của Viện Pasteur

Một số hạn chế khi không đăng ký bằng độc quyền sáng chế là gì?

Bên cạnh những lợi ích mà bằng độc quyền sáng chế đem lại cho doanh nghiệp thì cần xem xét đến những hạn chế khi không đăng ký bảo hộ sáng chế để củng cố thêm cho việc nên tiến hành đăng ký bảo hộ sáng chế. Một số hạn chế có thể kể đến như sau:

– Người khác nộp đơn đăng ký bảo hộ sáng chế đó: Với nguyên tắc ưu tiên nộp đơn, một khi có người khác đã nộp đơn đăng ký trước bạn thì điều đó có nghĩa rằng đơn đăng ký của bạn sẽ bị từ chối và đương nhiên người nộp trước đó sẽ có đầy đủ các quyền, lợi ích hợp pháp đối với sáng chế đó nếu được cấp bằng độc quyền sáng chế

– Đối thủ sử dụng sáng chế: Một khi sáng chế của bạn không được bảo hộ và được thương mại hóa, các đối thủ cạnh tranh có thể sản xuất các sản phẩm tương tự với chất lượng và giá thành kém hơn. Điều đó tác động đáng kể tới vị thế cạnh tranh của công ty bạn

– Khả năng li xăng, bán hoặc chuyển giao công nghệ bị cản trở: Một khi không được cấp bằng độc quyền sáng chế, các đối tác, khách hàng sẽ không đủ niềm tin để thực hiện một giao dịch mua bán vì những rủi ro mà nó đem lại.

Trên đây là bài phân tích về sự cần thiết của việc đăng ký bảo hộ sáng chế của Công ty luật SBLAW. Cảm ơn quý khách hàng đã quan tâm theo dõi. Xem thêm các bài viết về sở hữu trí tuệ tại:

» Thủ tục đăng ký sáng chế

» Dịch vụ xử lý vi phạm sở hữu trí tuệ

SBLAW tư vấn về bảo hộ thương hiệu và các tài sản trí tuệ khác một cách nhanh chóng, chính xác và hiệu quả:
Quý khách cần sử dụng dịch vụ bảo hộ tài sản trí tuệ, vui lòng liên hệ trực tiếp đến.
  • Điện thoại – Chat Zalo
  • Email address
Tin tức liên quan