Công cụ tra cứu sở hữu trí tuệ

Giới thiệu về công cụ tra cứu đăng ký sáng chế, đăng ký nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp,..

GIỚI THIỆU CHUNG

Sử dụng thông tin SHCN trong xác lập quyền Sở hữu trí tuệ (SHTT)

Để có được quyền sở hữu trí tuệ và nhận được sự bảo hộ của pháp luật, cần phải tiến hành thủ tục nộp đơn đăng ký sáng chế, đăng ký nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp,v.v. tại cơ quan sở hữu trí tuệ. Trước khi tiến hành nộp đơn, cần phải tra cứu toàn bộ các thông tin có liên quan đến đối tượng dự định sẽ nộp đơn để biết được mức độ tương tự hoặc trùng lặp với những đối tượng đã nộp đơn đăng ký trước đó. Thông qua các thư viện điện tử trên mạng internet, chủ đơn có thể tự mình thực hiện tra cứu thông tin hoặc nộp đơn yêu cầu cơ quan sở hữu trí tuệ tra cứu nhằm đánh giá khả năng bảo hộ của đối tượng.

Trước khi quyết định lựa chọn biểu tượng (logo) cho doanh nghiệp, cần tra cứu xem có trùng hoặc tương tự với các nhãn hiệu đã được bảo hộ nhằm giảm các chi phí thuê chuyên gia thiết kế, vẽ mẫu. Tiến hành tra cứu các cơ sở dữ liệu nhãn hiệu của các nước sẽ giúp sàng lọc trước khả năng trùng lặp, gây nhầm lẫn khi phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh sang các nước này mà không phải thay đổi lại nhãn hiệu, biểu tượng của doanh nghiệp đã gây dựng trong nhiều năm trước đó.

Quyền sở hữu trí tuệ chỉ có giá trị trong phạm vi một quốc gia, vùng lãnh thổ nhất định. Nếu chủ đơn được cấp văn bằng bảo hộ tại Việt Nam không có nghĩa là quyền sở hữu trí tuệ này sẽ được thừa nhận ở các nước khác trên thế giới. Do vậy, khi xây dựng chiến lược xuất khẩu sản phẩm sang các nước, cần thiết phải đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ tại những nước này và phải thực hiện tra cứu thông tin sở hữu trí tuệ có liên quan đã được công bố tại các nước đó.

Sử dụng thông tin SHCN trong khai thác thương mại quyền SHTT

Sau khi có được văn bằng bảo hộ, đối tượng sở hữu công nghiệp có thể được quyền khai thác thương mại theo nhiều cách khác nhau như: thông qua mua bán, trao đổi trực tiếp hoặc bằng cách đưa vào sản xuất, bán sản phẩm có chứa đối tượng được bảo hộ. Phương thức chuyển giao quyền sử dụng, hoặc chuyển giao quyền sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp sẽ đem lại lợi nhuận cho các chủ sở hữu văn bằng bảo hộ.

Các cơ sở dữ liệu sáng chế, nhãn hiệu, KDCN được công bố sẽ giúp cho công chúng dễ dàng tra cứu, biết đến các giải pháp công nghệ mới có thể phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của mình, nhờ đó, biết được các địa chỉ cần tiến hành đàm phán, thương lượng về các hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng (li xăng). Do vậy, thay vì phải đi nghiên cứu hoặc thiết kế từ đầu, có thể tiến hành chuyển giao quyền sử dụng sáng chế, nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp sẽ đỡ tốn kém hơn và hạn chế được nhiều  rủi ro.

Để thuyết phục và thu hút nhà đầu tư vào doanh nghiệp và dự án kinh doanh có triển vọng, cần phải chỉ ra được sản phẩm có khả năng cạnh tranh, chất lượng vượt trội và điều quan trọng là đã áp dụng biện pháp nhằm ngăn chặn hành vi làm nhái của đối thủ cạnh tranh không trung thực thông qua việc đăng ký sáng chế cho sản phẩm. Để chứng minh được giải pháp công nghệ là độc đáo, sáng tạo, cần phải chỉ ra được các sáng chế liên quan đến sản phẩm đã được cấp bằng độc quyền sáng chế đang có hiệu lực. Tra cứu các nguồn thông tin sáng chế sẽ có sức thuyết phục cao trong đàm phán thương mại.

Trong lĩnh vực công nghệ cao, khả năng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của bên thứ ba là không nhỏ, điều này khiến các nhà đầu tư lo ngại. Trong những trường hợp như vậy, thông qua các báo cáo, phân tích kết quả tra cứu thông tin sáng chế sẽ giúp nhà đầu tư tin tưởng hơn vào dự án phát triển kinh doanh của doanh nghiệp.

Sử dụng thông tin SHCN để bảo vệ quyền SHTT

Căn cứ pháp lý để chứng minh hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đó chính là văn bằng bảo hộ. Việc đối chiếu, so sánh giữa hành vi xâm phạm với phạm vi hiệu lực của văn bằng bảo hộ đã được cấp sẽ là căn cứ pháp lý để xác định hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp. Tra cứu thông tin sáng chế, thông tin nhãn hiệu để tìm ra thông tin đầy đủ về văn bằng bảo hộ sẽ giúp xác định các yếu tố xâm phạm quyền được chính xác và tin cậy.

Nếu một doanh nghiệp thực hiện xuất khẩu sản phẩm sang một nước khác, nếu không tiến hành tra cứu trước thông tin sở hữu trí tuệ có liên quan đến sản phẩm đó như sáng chế, nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, v.v. thì dễ bị gặp rắc rối tạm giữ hàng tại cửa khẩu hoặc bị khởi kiện tại toà án, đòi bồi thường thiệt hại. Phải biết được một cách chắc chắn sản phẩm dự định xuất khẩu không xâm phạm, không trùng hoặc tương tự với các đối tượng sở hữu trí tuệ khác đã được đăng ký tại nước sở tại. Nếu tìm được một số sáng chế hoặc nhãn hiệu có nhiều khả năng gây ra xung đột hoặc xâm phạm quyền sở trí tuệ đã tồn tại trước, cần phải tra cứu kỹ tình trạng pháp lý và đánh giá mức độ xâm phạm để cân nhắc các giải pháp đối phó phù hợp.

CÁC CÔNG CỤ TRA CỨU

Công cụ tra cứu Sáng chế

Cách thức khai thác và sử dụng thông tin sáng chế phục vụ hoạt động nghiên cứu – triển khai

Các công cụ tra cứu sáng chế

  • Các cơ sở dữ liệu tra cứu trên internet;
  • Phân loại sáng chế quốc tế (IPC);
  • Các bộ phân loại sáng chế quốc gia (USclass, ECLA…);
  • Bảng tra theo từ khóa;
  • Các ấn phẩm thông tin thư mục và tóm tắt sáng chế;
  • Các đĩa quang dùng để tra cứu;
  • Công báo sáng chế và/hoặc Công báo SHCN;
  • Các bộ từ điển.

Phân loại sáng chế quốc tế (IPC)

Thỏa ước về Phân loại sáng chế quốc tế được ký kết ngày 24/03/1971 tại Hôi nghị ngoại giao các nước thành viên Công ước Paris về Bảo hộ quyền SHCN tổ chức tại Strassbourg (Cộng hòa Pháp). Phân loại sáng chế quốc tế là công cụ để phân loại sáng chế một cách thống nhất trên phạm vi thế giới, và là công cụ tra cứu có hiệu quả, giúp nhanh chóng tìm ra những bản mô tả sáng chế thích hợp phục vụ cho việc đánh giá tính mới, trình độ sáng tạo của một giải pháp kỹ thuật, cũng như để xác định tình trạng kỹ thuật của một vấn đề cụ thể. Hiện nay, hầu hết các nước trên thế giới đều đã sử dụng phân loại sáng chế quốc tế, một vài nước vẫn dùng phân loại sáng chế quốc gia nhưng cũng vẫn ghi cả chỉ số phân loại sáng chế quốc tế tương ứng trên tư liệu sáng chế của mình. Nhờ đó mà việc tra cứu tư liệu sáng chế của các nước trở nên đơn giản, dễ dàng và thuận tiện hơn rất nhiều so với trước đây khi mỗi nước sử dụng phân loại sáng chế quốc gia riêng.

Phân loại sáng chế quốc tế được sử dụng để:

  • Sắp xếp tư liệu sáng chế, giúp cho người đọc dễ dàng tiếp cận chúng;
  • Phổ biến thông tin có chọn lọc;
  • Xác định trình độ kỹ thuật trong từng lĩnh vực kỹ thuật cụ thể;
  • Thống kê tình hình bảo hộ sáng chế, từ đó đánh giá hiện trạng và dự báo xu hường phát triển của từng lĩnh vực kỹ thuật cụ thể.

Cấu trúc của Phân loại sáng chế quốc tế

Hai nguyên tắc cơ bản của Phân loại sáng chế quốc tế là: Các sáng chế có nội dung như nhau được xếp vào cùng một vị trí và sáng chế có thể được phân loại theo bản chất kỹ thuật hoặc theo lĩnh vực áp dụng của nó. Ngoài ra, Phân loại sáng chế quốc tế còn phải dành các vị trí dự trữ cho các vấn đề kỹ thuật mới có thể xuất hiện trong tương lai.

Phân loại sáng chế quốc tế IPC chia các đối tượng kỹ thuật thành các mức theo cấu trúc thứ bậc từ tổng quát đến cụ thể, chi tiết theo trật tự sau:

  • Các phần
  • Các lớp
  • Các phân lớp
  • Các nhóm (nhóm chính và phân nhóm)

Phần: Hệ thống IPC gồm có 8 phần, mỗi phần được ký hiệu bằng một chữ cái Latinh, tên của phần phản ánh nội dung bao quát của phần:

  1. Các nhu cầu của đời sống con người
  2. Các qui trình công nghệ; Giao thông vận tải
  3. Hóa học; Luyện Kim
  4. Dệt; Giấy
  5. Công trình xây dựng; Mỏ
  6. Cơ khí; Chiếu sáng; Cấp nhiệt; Vũ khí; Chất nổ
  7. Vật lý
  8. Điện

Lớp: Mỗi phần được chia thành nhiều lớp, tên gọi của lớp phản ánh nội dung của lớp đó. Ký hiệu của lớp gồm ký hiệu của phần và hai chữ số Ả rập bắt đầu từ số 01.

Phân lớp: Mỗi lớp lại bao gồm nhiều phân lớp. Tên gọi của phân lớp chỉ ra một cách chính xác nhất nội dung của phân lớp. Ký hiệu của phân lớp bao gồm ký hiệu của lớp và tiếp theo là một chữ cái Latinh in hoa.

Nhóm chính, phân nhóm: Mỗi phần lại tiếp tục được chia thành các nhóm, bao gồm nhóm chính và phân nhóm. Ký hiệu của nhóm chính bao gồm ký hiệu của Phân lớp, tiếp theo là cụm chỉ số Ả rập gồm từ 1 đến 3 chữ số (thường là số lẻ), tiếp theo là gạch chéo, rồi đến hai chữ số 00. Tên của nhóm chính chỉ rõ đặc điểm của đối tượng kỹ thuật cần tìm kiếm trong tra cứu thông tin sáng chế.

Các phân nhóm là thành phần của nhóm chính. Ký hiệu của phân nhóm gồm ký hiệu của phân lớp, tiếp theo là cụm chỉ số gồm từ 1 đến 3 chữ số Ả rập của nhóm chính mà phân nhóm đó trực thuộc, rồi đến gạch chéo và cuối cùng là cụm chỉ số ít nhất gồm 2 chữ số và bắt đầu từ số 02. Tên gọi của phân nhóm xác định rõ đặc điểm của đối tượng nằm trong phạm vi của nhóm chính, được coi là có ích cho việc tra cứu thông tin sáng chế.

Cơ sở dữ liệu ESP@CENET của Cơ quan Sáng chế Châu Âu

- Cơ sở dữ liệu này bao gồm khoảng 90 triệu sáng chế của 85 nước từ năm 1836 đến nay.

- Sử dụng Phân loại sáng chế quốc tế (IPC) & Phân loại sáng chế của EPO (ECLA) là phân loại IPC được chi tiết hóa.

- Trong đó 30,5 triệu sáng chế có tên tiếng Anh.

- 29,5 triệu sáng chế có phân loại ECLA.

- 19,5 triệu sáng chế có tóm tắt tiếng Anh.

- Dữ liệu sáng chế của EPO & WIPO được cập nhật hàng tuần, dữ liệu sáng chế của các nước khác được cập nhật hàng tháng.

- Tra cứu sáng chế: https://worldwide.espacenet.com/advancedSearch?locale=en_EP

Cơ sở dữ liệu PATENTSCOPE  của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới

- Tra cứu full-text của hơn 3,1 triệu đơn PCT được công bố từ 1978 đến nay. Trư cứu hơn 59 triệu tư liệu sáng chế của các nước trong đó 3,1 triệu đơn PCT.

- MTSC được công bố bằng tiếng Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Nga, Nhật Bản.

- Mô tả sáng chế dạng PDF và dạng text.

- Báo cáo tình trạng đơn PCT từ 1998.

- Tra cứu sáng chế: » Tra cứu sáng chế quốc tế

Kho sáng chế quốc gia của một số nước như:

Cơ sở dữ liệu sáng chế của Cơ quan sáng chế và nhãn hiệu hàng hóa Hoa Kỳ (USPTO)

- Lấy MTSC full-text từ 1790.

- Có thể tra cứu US patent full-text từ 1976.

- Có thể tra cứu đơn US full-text công bố từ tháng 03/2001.

- Có thể tra cứu tập hợp từ (“) (phrase searching).

- Lệnh tìm kiếm phức hợp bằng cách kết hợp các toán tử (nested search).

- Tra cứu sáng chế: https://www.uspto.gov/patents-application-process/search-patents#heading-1

Cơ sở dữ liệu sáng chế của Cơ quan sáng chế Nhật Bản

- Tra cứu tóm tắt sáng chế của Nhật (PAJ) từ năm 1976.

- Từ 1990 có thể tra cứu cả tình trạng pháp lý của đơn và Bằng độc quyền sáng chế của Nhật Bản.

- Có chương trình tự động dịch MTSC từ tiếng Nhật ra tiếng Anh.

- Cập nhật hàng tháng, tình trạng pháp lý đưọc cập nhật 2 tuần 1 lần.

- Có thông tin về kết quả xét nghiệm đơn sáng chế.

- Tra cứu sáng chế: https://www.j-platpat.inpit.go.jp/web/all/top/BTmTopEnglishPage

Công cụ tra cứu Kiểu dáng công nghiệp

Bảng Phân loại quốc tế về Kiểu dáng công nghiệp (Locarno 8):

Nhóm 01

Thực phẩm

Nhóm 02

Quần áo và đồ may khâu

Nhóm 03

Đồ dùng mang theo khi đi du lịch và đồ dùng cá nhân

Nhóm 04

Các loại chổi lông và bàn chải

Nhóm 05

Các sản phẩm dệt, vải tự nhiên và vải nhân tạo

Nhóm 06

Đồ đạc trong nhà

Nhóm 07

Dụng cụ gia đình, chưa được xếp ở nhóm khác

Nhóm 08

Các loại dụng cụ và đồ ngũ kim

Nhóm 09

Bao gói, hộp đựng, đồ chứa dùng để vận chuyển và bảo quản hàng hoá

Nhóm 10

Đồng hồ để bàn, đồng hồ đeo tay, đồng hồ treo tường, các thiết bị đo, các thiết bị kiểm tra và các thiết bị báo hiệu khác

Nhóm 11

Đồ trang trí

Nhóm 12

Các phương tiện vận chuyển và nâng hạ

Nhóm 13

Các thiết bị sản xuất, phân phối và biến đổi điện

Nhóm 14

Các thiết bị ghi, truyền thông và truy tìm thông tin

Nhóm 15

Các loại máy không được xếp ở các nhóm khác

Nhóm 16

Máy chiếu phim, chụp ảnh và thiết bị quang học

Nhóm 17

Nhạc cụ

Nhóm 18

Máy in và máy văn phòng

Nhóm 19

Đồ dùng và thiết bị cho văn phòng, dạy học và mỹ thuật

Nhóm 20

Dụng cụ bán hàng và quảng cáo, dấu hiệu chỉ dẫn

Nhóm 21

Trò chơi, đồ chơi, lều trại và dụng cụ thể thao

Nhóm 22

Vũ khí, pháo hoa, dụng cụ săn bắt, đánh cá và tiêu diệt các loại côn trùng có hại

Nhóm 23

Các thiết bị phân phối chất lỏng và chất khí, các thiết bị vệ sinh, sưởi, thông gió và điều hoà không khí, nhiên liệu rắn

Nhóm 24

Dụng cụ y tế và phòng thí nghiệm

Nhóm 25

Vật liệu xây dựng và cấu kiện xây dựng

Nhóm 26

Thiết bị và dụng cụ chiếu sáng

Nhóm 27

Thuốc lá và các dụng cụ cho người hút thuốc

Nhóm 28

Dược phẩm, đồ mỹ phẩm và đồ vệ sinh cá nhân

Nhóm 29

Trang thiết bị chống hoả hoạn, phòng và cứu nạn

Nhóm 30

Trang thiết bị để chăm sóc và chăn dắt động vật

Nhóm 31

Máy và các dụng cụ để chuẩn bị thức ăn và đồ uống chưa được xếp ở các nhóm khác

Nhóm 99

Các loại khác

Hướng dẫn tra cứu KDCN trong thư viện điện tử IPLib của Cục SHTT

- Nhập yêu cầu cần tra cứu vào Tên trường tương ứng trong màn hình đặt yêu cầu tra cứu Kiểu dáng công nghiệp, cụ thể như sau :

+ Tên kiểu dáng công nghiệp dùng để nhập tên của kiểu dáng cần tìm

+ Phân loại Locarno  dùng để nhập Phân loại Quốc tế Locarno cần tìm

+ Tên Người nộp đơn dùng để nhập tên của người nộp đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp cần tìm

+ Số đơn dùng để nhập số đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp cần tìm

- Ngoài ra, có thể lựa chon Tên trường cần tìm kiếm phù hợp theo Số đơn, Số bằng, Ngày nộp đơn, Ngày cấp bằng, v.v.

- Tra cứu KDCN: http://iplib.noip.gov.vn/WebUI/WSearchIND.php

Công cụ tra cứu Nhãn hiệu

Phân loại hàng hoá, dịch vụ quốc tế Ni-xơ 10 (Nice 10)

Khi tiến hành các thủ tục đăng ký nhãn hiệu, cần phải xác định rõ danh mục hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu và được phân loại theo Phân loại hàng hoá, dịch vụ quốc tế Ni-xơ 10 bao gồm chỉ số phân loại cho các sản phẩm, hàng hoá.

Phân loại hàng hoá, dịch vụ quốc tế Ni-xơ 10 do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới xuất bản và thống nhất áp dụng trong phạm vi toàn thế giới với mục đích đăng ký nhãn hiệu. Nội dung của Ni-xơ 10 bao gồm : danh sách các nhóm hàng hoá từ nhóm 1 đến nhóm 34 và danh sách các nhóm dịch vụ từ nhóm 35 đến nhóm 45. Các nhóm hàng hoá được phân loại theo chức năng hoặc lĩnh vực sử dụng. Ví dụ: Nhóm 1 bao gồm các sản phẩm hoá học dùng trong nông nghiệp, khoa học, nhiếp ảnh,v.v. Nhóm 2 bao gồm các sản phẩm thuốc màu, sơn, vecni, thuốc nhuộm,v.v. Các nhóm dịch vụ được phân loại theo lĩnh vực. Ví dụ: Nhóm 35 bao gồm các dịch vụ quảng cáo, hoạt động văn phòng,v.v. Nhóm 36 bao gồm các dịch vụ bảo hiểm, tài chính, tiền tệ,v.v.

Nhờ có phân loại Ni-xơ 10, cho phép dữ liệu đơn đăng ký nhãn hiệu được phân loại, sắp xếp theo từng nhóm sản phẩm, dịch vụ cùng loại, thuận tiện cho tra cứu thông tin và xác định khả năng phân biệt của nhãn hiệu.

Tra cứu thông tin nhãn hiệu

Cần phải tiến hành tra cứu trước khi nộp đơn đăng ký nhãn hiệu. Trên thực tế, thường có một số dạng tra cứu nhãn hiệu phổ biến như sau :

- Tra cứu trùng lặp (giống hoàn toàn với các nhãn hiệu đã được đăng ký trước đó);

- Tra cứu tương tự.

- Nguyên tắc chung để đánh giá tính tương tự của hai nhãn hiệu :

*  Tương tự về cấu trúc

*  Tương tự về ý nghĩa

*  Tương tự về cách phát âm

*  Tương tự về hình thức thể hiện, các yếu tố hình của nhãn hiệu

*  Tương tự về nhóm sản phẩm/dịch vụ

Một số kỹ thuật tra cứu nhãn hiệu cơ bản

- Sử dụng ký tự thay thế *,? để tìm các nhãn hiệu có cùng chung tiền tố/hậu tố hoặc có chung một yếu tố xác định;

- Thay thế các âm tiết có cách phát âm gần giống nhau để tra cứu các nhãn hiệu tương tự về cách phát âm ( tr-ch, ph-f, x-s-sh, i-y,l-n ...);

- Để tránh bỏ sót nhãn hiệu tương tự nhau về ngữ nghĩa, cần xác định danh từ tương ứng trong các ngôn ngữ khác nhau (tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Hán...);

- Cần phân biệt 2 loại nhãn hiệu: nhãn hiệu không có nghĩa (tự tạo ra bằng cách ghép các âm tiết lại) và nhãn hiệu có ngữ nghĩa xác định, từ đó sử dụng các kỹ thuật tra cứu thông tin phù hợp.

Khi so sánh hai nhãn hiệu được coi là tương tự nhau, cần kết hợp hai yếu tố là bản thân chính nhãn hiệu đó và nhóm sản phẩm, dịch vụ. Nhãn hiệu bị coi là  trùng với nhãn hiệu được bảo hộ nếu nhãn hiệu đó chỉ gồm toàn bộ các dấu hiệu tạo thành nhãn hiệu đã được thể hiện như mẫu nhãn hiệu ghi trong văn bằng bảo hộ đối với cùng nhóm sản phẩm, dịch vụ đã quy định trong phân loại quốc tế Nixơ.

Cơ sở dữ liệu dùng trong tra cứu thông tin nhãn hiệu

Để thực hiện tra cứu nhãn hiệu đã được nộp đơn đăng ký hoặc bảo hộ tại Việt Nam, cần sử dụng các cơ sở dữ liệu nhãn hiệu quan trọng sau:

- Thư viện điện tử IPLib trên website của Cục Sở hữu trí tuệ:

- Cơ sở dữ liệu ROMARIN của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO): http://www.wipo.int/romarin/

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Bảng phân loại Sáng chế (IPC): http://www.noip.gov.vn/NOIP/RESOURCE.NSF/vwResourceList/882E6C2D7B92FC6C47257C54001533B7/$FILE/IPC_2011(HIEU_DINH).pdf
  1. Bảng phân loại Kiểu dáng công nghiệp (Locarno): http://www.vipri.gov.vn/Portals/0/Vipri/tai%20lieu/2014.08.13.09.16.23B%E1%BA%A3ng%20Ph%C3%A2n%20lo%E1%BA%A1i%20qu%E1%BB%91c%20t%E1%BA%BF%20v%E1%BB%81%20ki%E1%BB%83u%20d%C3%A1ng%20c%C3%B4ng%20nghi%E1%BB%87p.docx
  1. Bảng phân loại Nhãn hiệu (Nice): http://www.vipri.gov.vn/Portals/0/Vipri/tai%20lieu/Nice%2010th_Vietnamese_OFFICIAL_10_2016.01_11.10.16.pdf
  1. Bảng phân loại Hình (Vienne): http://www.vipri.gov.vn/Portals/0/Vipri/tai%20lieu/Vienna%2007_B%E1%BA%A3ng%20ph%C3%A2n%20lo%E1%BA%A1i%20c%C3%A1c%20y%E1%BA%BFu%20t%E1%BB%91%20h%C3%ACnh.xls
  1. Giới thiệu, hướng dẫn tra cứu sáng chế online:http://www.vipri.gov.vn/Portals/0/Vipri/tai%20lieu/tailieuhuongdanCacCSDLGuiVipri02_2017.compressed.pdf
  1. Tra cứu thông tin Sáng chế: http://www.vipri.gov.vn/Portals/0/Vipri/tai%20lieu/Tra-cuu-thong-tin_.pdf

Theo vipri.gov.vn

Tham khảo thêm » Dịch vụ đăng ký nhãn hiệu thương hiệu

SBLAW tư vấn về bảo hộ thương hiệu và các tài sản trí tuệ khác một cách nhanh chóng, chính xác và hiệu quả:
Quý khách cần sử dụng dịch vụ bảo hộ tài sản trí tuệ, vui lòng liên hệ trực tiếp đến.
  • Điện thoại - Chat Zalo
  • Email address
Tin tức liên quan