Các điểm mới về chỉ dẫn địa lý theo Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022

[Baohothuonghieu.com] - Các điểm mới về đăng ký chỉ dẫn địa lý theo Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022

Chỉ dẫn địa lý đồng âm

Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 đã chỉnh sửa về kỹ thuật khái niệm chỉ dẫn địa lý tại khoản 22 nhằm bảo đảm sự hợp lý về cách diễn đạt mà không thay đổi nội hàm. Đồng thời, Luật mới cũng bổ sung khoản 22a về khái niệm chỉ dẫn địa lý đồng âm tại Điều 4. Theo đó, khái niệm Chỉ dẫn địa lý đồng âm là một khái niệm hoàn toàn mới, được áp dụng từ năm 2023 dưới định nghĩa sau:

“Điều 4. Giải thích từ ngữ

22a. Chỉ dẫn địa lý đồng âm là các chỉ dẫn địa lý có cách phát âm hoặc cách viết trùng nhau.”

Đồng thời với khái niệm này, điều kiện bảo hộ đối với các Chỉ dẫn địa lý đồng âm cũng được bổ sung tại khoản 2 Điều 79, cụ thể bao gồm các tiêu chí sau:

  • Được sử dụng trên thực tế theo cách thức không gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về nguồn gốc địa lý của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý;
  • Bảo đảm nguyên tắc đối xử công bằng giữa các tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý đó.

Theo đó, hồ sơ đăng ký chỉ dẫn địa lý đồng âm cần bổ sung tài liệu thuyết minh về điều kiện sử dụng và cách thức trình bày chỉ dẫn địa lý để bảo đảm khả năng phân biệt giữa các chỉ dẫn địa lý.

Các điểm mới về chỉ dẫn địa lý theo Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022
Các điểm mới về chỉ dẫn địa lý theo Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022

Quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý nước ngoài

Để phù hợp với cam kết trong EVFTA và thực tiễn, Luật mới đã bổ sung quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý nước ngoài của tổ chức, cá nhân nước ngoài là chủ thể quyền đối với chỉ dẫn địa lý theo pháp luật của nước xuất xứ tại Việt Nam tại khoản 2 Điều 88. Việc đăng ký đơn dưới dạng đề nghị quốc tế được thực hiện theo Điều 120a mới được bổ sung tại Luật Sở hữu trí tuệ.

Trường hợp chỉ dẫn địa lý nước ngoài không còn được bảo hộ ở nước xuất xứ được bổ sung thành một căn cứ để chấm dứt toàn bộ hoặc một phần hiệu lực văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý theo Điều 95.1(k) Luật Sở hữu trí tuệ.

Văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý

Để phù hợp với EVFTA và thực tiễn, Điều 92.2 của Luật mới đã bỏ đi quy định thông tin về “tổ chức, cá nhân có quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý” là một nội dung được ghi nhận trong văn bằng bảo hộ.

Đồng thời, các quy định về sửa đổi văn bằng bảo hộ tại Điều 97 của Luật mới cũng có bổ sung liên quan đến người có quyền yêu cầu sửa đổi và thông tin được phép thay đổi, sửa chữa thiếu sót. Cụ thể, các “tổ chức, cá nhân thực hiện quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý theo quy định tại Điều 88” cũng có quyền yêu cầu sửa đổi tương tự như đối với chủ văn bằng bảo hộ. Bên cạnh các nội dung liên quan đến tên và địa chỉ thì Luật mới cũng cho phép việc sửa đổi nội dung về (i) quốc tịch và (ii) tên của tác giả, chủ văn bằng, tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý để phù hợp với những nội dung cập nhật về quyền đăng ký, quyền yêu cầu sửa đổi ở trên.

Quyền quản lý chỉ dẫn địa lý

Liên quan đến việc thực hiện quyền quản lý, Chính phủ có trách nhiệm hướng dẫn việc thực hiện quyền này tại Điều 37, 38 Nghị định 65/2023/NĐ-CP để phân định rõ vai trò quản lý nhà nước và vai trò của chủ sở hữu tài sản là Nhà nước tại Điều 121 Luật Sở hữu trí tuệ.

Bỏ quy định về tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý có quyền cho phép người khác sử dụng tại Điều 123.2(a) Luật Sở hữu trí tuệ. Theo đó, các chủ thể được trao quyền sử dụng, quản lý chỉ dẫn địa lý hiện nay chỉ có quyền ngăn cấm người khác sử dụng theo quy định của pháp luật để phù hợp với quy định sửa đổi của Điều 121 về chủ sở hữu chỉ dẫn địa lý.

Tham khảo thêm >> Dịch vụ bảo hộ chỉ dẫn địa lý

SBLAW tư vấn về bảo hộ thương hiệu và các tài sản trí tuệ khác một cách nhanh chóng, chính xác và hiệu quả:
Quý khách cần sử dụng dịch vụ bảo hộ tài sản trí tuệ, vui lòng liên hệ trực tiếp đến.
  • Điện thoại - Chat Zalo
  • Email address
Tin tức liên quan