Bảo vệ bản quyền trên mạng

SBLAW chia sẻ về bảo vệ bản quyền trên mạng

 

Bảo vệ bản quyền trên mạng

Nghị định 72 (ban hành ngày 31-7, có hiệu lực từ 1-9) quy định 3 loại trang thông tin điện tử không được cung cấp thông tin tổng hợp nhưng được chia sẻ thông tin.

Điều 20 , Nghị định 72 có nội dung: “Trang thông tin điện tử cá nhân là trang thông tin điện tử do cá nhân thiết lập hoặc thiết lập thông qua việc sử dụng dịch vụ mạng xã hội để cung cấp, trao đổi thông tin của chính cá nhân đó, không đại diện cho tổ chức hoặc cá nhân khác và không cung cấp thông tin tổng hợp”.

Chỉ trang thông tin điện tử tổng hợp chính thống mới được đưa nguyên vẹn thông tin lấy lại

Hạn chế vi phạm bản quyền

Theo điều 20, Nghị định 72, chỉ có 2 dạng trang thông tin điện tử được cung cấp thông tin tổng hợp, gồm: Các báo điện tử và các trang thông tin điện tử tổng hợp được cấp phép. Còn 3 loại trang tin điện tử, gồm: trang thông tin điện tử nội bộ, trang thông tin điện tử cá nhân và trang thông tin điện tử ứng dụng chuyên ngành là những trang không được cung cấp thông tin tổng hợp.

Đây là nội dung mà Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) đưa ra nhằm phân loại các loại hình trang thông tin điện tử, hoàn toàn không có hàm ý cấm đoán hay ngăn chặn việc chia sẻ thông tin của các trang thông tin điện tử nêu trên. Đồng thời, điều 26, Nghị định 72 (quy định về “Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng dịch vụ mạng xã hội”) cũng không có câu chữ nào cho thấy việc ngăn cấm người sử dụng mạng xã hội chia sẻ tin tức.

Quy định như vậy là nhằm ngăn chặn việc vi phạm bản quyền trên mạng. Đây là vấn đề đang xảy ra rất phức tạp ở nước ta. Quy định này cũng nhằm chấm dứt tình trạng nhiều trang mạng lấy lại các tin, bài trên các báo điện tử, đăng nguyên văn mà không xin phép hoặc cắt dán từ nhiều nguồn khác nhau, sửa đổi nội dung, giật tít câu khách… để thu hút lượng truy cập.

Theo Bộ TT-TT, quy định của Nghị định 72 về việc cấp phép các mạng xã hội chỉ điều chỉnh đối với các doanh nghiệp thành lập theo pháp luật Việt Nam, không điều chỉnh đối với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới không thành lập theo pháp luật Việt Nam.

Hiện nay, một số trang thông tin điện tử như Google News cũng đăng tải tin tức được lấy lại từ nhiều báo mạng khác nhau. Tuy nhiên, Google News chỉ hiển thị tiêu đề tin dưới dạng đường link với vài dòng giới thiệu hướng người truy cập đến trang báo gốc chứ không đăng tải, tổng hợp toàn bộ nội dung tin tức.

Nhiều trang thông tin điện tử khác trên thế giới cũng thực hiện tương tự, đúng theo quy chuẩn quyền sở hữu trí tuệ quốc tế. Tại Việt Nam, một số trang tin như Yahoo! News được đăng tải toàn bộ nội dung các bài báo hay tin tức do đã có ký kết hợp đồng trao đổi cũng như trả tiền bản quyền.

Do vậy, yêu cầu các trang thông tin điện tử, mạng xã hội cá nhân không đăng tải, tổng hợp toàn bộ tin tức lấy từ nơi khác là phù hợp với xu hướng quốc tế.

Không cấm chia sẻ thông tin

Ông Hoàng Vĩnh Bảo - Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử - cho biết: “Nghị định 72 không cấm trang tin điện tử cá nhân chia sẻ thông tin. Việc đăng tải nguyên văn thông tin từ các trang báo điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp đã được cấp phép thì các trang tin điện tử cá nhân không được thực hiện. Trang thông tin điện tử cá nhân trích dẫn, lấy thông tin của các cơ quan báo chí dù nguyên văn, có dẫn nguồn cũng không được, vì như thế sẽ thành trang tin tổng hợp. Chỉ có những trang thông tin điện tử tổng hợp mới được làm việc đó”.

Tuy vậy, theo ông Bảo, việc trang thông tin điện tử cá nhân trích dẫn một đoạn, chỉ nêu tiêu đề tin tức, bài báo hoặc viết lời bình luận về thông tin đó, rồi dẫn đường link để người đọc truy cập về trang gốc thì Nghị định 72 không cấm.

Trong khi đó, 2 nghị định về xử phạt các vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin, tần số vô tuyến điện và trong hoạt động báo chí, xuất bản, thông tin điện tử đang được Bộ TT-TT soạn thảo.

Bà Trương Thùy Trang, Phó Chủ tịch Hội Sở hữu trí tuệ TP HCM, nhận xét: “Nghị định 72 ra đời là cơ sở pháp lý phù hợp và hợp lý để giải quyết những vi phạm về quyền sở hữu trí tuệ trên mạng. Hiện nay, việc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ cũng như các tác phẩm báo chí diễn ra trên mạng rất phổ biến. Vì vậy, cần có các biện pháp xử lý bằng luật pháp cụ thể khi cá nhân, tổ chức chứng minh được mình bị vi phạm sở hữu trí tuệ bởi các trang mạng khác”.

 

 

Xử phạt rất nặng

 

Theo dự thảo nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản và thông tin điện tử, các hành vi vi phạm sẽ chịu các hình thức xử phạt: Cảnh cáo, phạt tiền, tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn và tịch thu tang vật vi phạm… Cụ thể, sẽ phạt 50 - 100 triệu đồng với một trong các hành vi xuất bản báo in hoặc báo điện tử không có giấy phép. Hành vi vi phạm các quy định về trang thông tin điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp bị phạt 5 - 30 triệu đồng và bị thu hồi tên miền. Phạt 10 - 100 triệu đồng nếu vi phạm các quy định về truyền đưa thông tin trên mạng...

 

Nguồn Chánh Trung - nld.com.vn

 

» Quy chế quản lý trang thông tin điện tử

SBLAW tư vấn về bảo hộ thương hiệu và các tài sản trí tuệ khác một cách nhanh chóng, chính xác và hiệu quả:
Quý khách cần sử dụng dịch vụ bảo hộ tài sản trí tuệ, vui lòng liên hệ trực tiếp đến.
  • Điện thoại - Chat Zalo
  • Email address
Tin tức liên quan