Sẽ vượt ngưỡng 1 triệu USD

1 triệu USD là con số mà Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả Âm nhạc VN dự kiến thu trong năm qua nhưng chưa chạm tới. Tuy nhiên, với sự vào cuộc của nhiều bộ, ban ngành, chính quyền các địa phương theo tinh thần của Chỉ thị 36/2008/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ (ban hành ngày 31/12/2008) về việc tăng cường quản lý và thực thi bảo hộ quyền tác giả,

quyền liên quan thì khả năng thu tác quyền của Trung tâm năm 2009 có thể sẽ tăng gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi.

Các đơn vị quản lý tập thể quyền tác giả không còn “đơn độc”

Thu 15 tỷ 200 triệu/năm 2008, Trung tâm Bảo vệ quyền tác Âm nhạc VN được xếp vào hàng “kỷ lục” về thu tác quyền. Đứng sau trung tâm này, Hiệp hội Ghi Âm VN cũng nắm chắc trong tay một số hợp đồng với trị giá khoảng 4,5 tỷ. Khởi động chậm chạp nhưng hứa hẹn sẽ quyết liệt không kém 2 bậc đàn anh, Trung tâm quyền tác giả Văn học VN tạm vui với con số khiêm tốn: 280 triệu.






Cả 3 đơn vị quản lý tập thể quyền tác giả này đều rất hào hứng vì họ đã không còn đơn độc trên hành trình đòi quyền lợi cho các tác giả, khi mà các đối tượng tưởng chừng “chây ì” nhất như nhà hàng kinh doanh karaoke, hệ thống khách sạn nội địa, khu vui chơi giải trí, siêu thị, nhà hàng, các website sử dụng tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng… đã được “đích danh” liệt vào danh sách phải trả tiền tác quyền.

Đơn vị kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghĩa vụ trả tác quyền của các “đối tượng” này là Bộ Công thương. Theo Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương có trách nhiệm chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân lưu thông hàng hóa trên thị trường nội địa vi phạm quy định pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan. Bên cạnh đó, Bộ Công thương cũng phối hợp để xây dựng văn bản quy trách nhiệm cho các nhà cung cấp dịch vụ internet. Theo đó, những website vi phạm quyền tác giả sẽ phải đối diện với việc phải đóng của, bị “đánh sập” và… rút tên miền.

Ông Vũ Mạnh Chu, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả VHNT cho biết: “Trong năm 2008, đã có 2 website bị “xử lý” vì vi phạm tác quyền trầm trọng. Tuy nhiên, đó chỉ là 2 trong số rất nhiều trang web đang “xài chùa” tác phẩm. Thủ đoạn “xài chùa” của những trang web này khá tinh vi và khi cơ quan có trách nhiệm hỏi đến thì chưa khi nào họ thừa nhận “đã sai”, thậm chí còn cãi chày, cãi cối”.

Vào cuộc đồng bộ, toàn diện

Để việc thu tác quyền của các đơn vị bảo vệ tập thể quyền tác giả đi theo quỹ đạo chuyên nghiệp, chuẩn mực - thu công khai, phân bổ minh bạch, Bộ VH-TT&DL được chỉ thị chỉ đạo Hội Nhạc sĩ VN, Hội Nhà văn VN, Hiệp hội Ghi âm VN xây dựng đề án “Tăng cường năng lực quản lý thực thi có hiệu quả pháp luật bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan” theo từng lĩnh vực chuyên ngành trình Chính phủ phê duyệt; hỗ trợ, tạo điều kiện việc ra đời và hoạt động của các tổ chức quản lý tập thể khác; tăng cường nhân lực, cơ sở vật chất và các điều kiện thuận lợi cho Cục Bản quyền tác giả VHNT... Bởi hiện tại với quân số là 25 người thuộc Cục Bản quyền tác giả VHNT và hơn 200 người thực thi nhiệm vụ này ở các địa phương trong toàn quốc là quá ít ỏi. “Chưa đủ “tay, chân” để làm việc, chứ đừng nói đến làm có hiệu quả” - Ông Vũ Mạnh Chu khẳng định.






Mặt khác, Bộ VH-TT&DL có trách nhiệm tổ chức tổng kiểm tra việc thực thi pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh và dịch vụ liên quan trên phạm vi cả nước trong quý I năm 2009, đề xuất các biện pháp cần thiết để thực thi pháp luật, báo cáo Chính phủ trong Quý II năm 2009. Phối hợp với tòa án, kiểm sát và các cơ quan tố tụng khác trong hoạt động điều tra, xử lý nghiêm minh kịp thời các hành vi phạm quyền tác giả.

Bộ Thông tin và Truyền thông chịu trách nhiệm hướng dẫn các tổ chức, cá nhân tham gia ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin tuân thủ các quy định pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan; chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm tra các đơn vị thuộc bộ thực hiện nghĩa vụ xin phép, trả tiền sử dụng tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng và các nghĩa vụ pháp lý liên quan khác.

Để hỗ trợ các tổ chức, cá nhân VN thực hiện giao dịch liên quan đến quyền tác giả ở nước ngoài và bảo vệ quyền lợi của các tác giả VN, Thủ tướng cũng chỉ thị Bộ Ngoại giao chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan đại diện của VN ở nước ngoài làm việc với các cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài để ngăn chặn các hành vi xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân VN.

Theo ông Vũ Mạnh Chu, thì mức xử phạt hành chính cao nhất (theo Nghị định 56) đối với hành vi xâm phạm tác quyền là 30 triệu, chưa đủ mạnh để răn đe. Vì thế, các cơ quan chức năng đang đề nghị phải đẩy mức phạt này lên đến 500 triệu đồng.

Theo Nguyệt Anh (TT&VH)

SBLAW tư vấn về bảo hộ thương hiệu và các tài sản trí tuệ khác một cách nhanh chóng, chính xác và hiệu quả:
Quý khách cần sử dụng dịch vụ bảo hộ tài sản trí tuệ, vui lòng liên hệ trực tiếp đến.
  • Điện thoại - Chat Zalo
  • Email address
Tin tức liên quan