giữ nguyên quyết định của cục sở hữu trí tuệ

Vụ nhãn hiệu bảo xuân bị xâm hại: giữ nguyên quyết định của cục sở hữu trí tuệ

Vụ nhãn hiệu bảo xuân bị xâm hại: giữ nguyên quyết định của cục sở hữu trí tuệ

Ngày 29/8, tại TP.HCM đã diễn ra phiên tòa phúc thẩm vụ án đại diện cơ sở Ngân Anh kiện Cục Sở hữu trí tuệ về việc “khiếu kiện quyết định hành chính trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về sở hữu trí tuệ”.

Quang cảnh phiên toà phúc thẩm sáng 29/8/2016.

Sau 4 năm kéo dài, Tòa án nhân dân cấp cao tại TP.HCM đã tuyên bác đơn khởi kiện, sửa bản án sơ thẩm, giữ nguyên Quyết định số 11692/QĐ-SHTT của Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ.

Trình bày tại tòa, đại diện cơ sở mỹ phẩm Ngân Anh – nguyên đơn khởi kiện cho rằng, Quyết định số 11692/QĐ-SHTT của Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ không đúng các qui định của pháp luật cả về nội dung và hình thức. Việc từ chối cấp chứng nhận không phải thẩm quyền của Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ mà phải là thẩm quyền của “tập thể Cục”. Hai sản phẩm cùng mang nhãn hiệu Bảo Xuân nhưng thuộc hai nhóm khác nhau, không trùng nhau.

Tuy nhiên, ông Lê Ngọc Lâm – Phó cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, đại diện bên bị kiện vẫn giữ nguyên quan điểm kháng cáo và trình bày nhiều căn cứ bác bỏ lập luận của Cơ sở Ngân Anh. Theo ông Lê Ngọc Lâm, Cục Sở hữu trí tuệ không thể cấp chứng nhận cho những sản phẩm có thể gây nhầm lẫn, gây thiệt hại cho người tiêu dùng.

Vụ việc nếu không được giải quyết khách quan, đúng pháp luật sẽ ảnh hưởng đến hiệu lực quản lý nhà nước và bộ mặt của bức tranh sở hữu trí tuệ Việt Nam, ảnh hưởng cả đến niềm tin của nhà đầu tư, các doanh nghiệp làm ăn chân chính cũng như các nhà đầu tư nước ngoài.

“Hai loại hàng hóa có chung một kênh phân phối thương mại là hệ thống các nhà thuốc trong phạm vi cả nước và việc sử dụng dấu hiệu “Bảo Xuân” của cơ sở Ngân Anh có thể gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về nguồn gốc sản phẩm cho nên Cơ sở Ngân Anh đã nhiều lần bị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xử lý hành chính về hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu

Các bản kết luận giám định của Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đều khẳng định dấu hiệu Bảo Xuân bị coi là tương tự với nhãn hiệu Bảo Xuân” – Luật sư Nguyễn Thắng Cảnh thay mặt các luật sư bảo vệ Công ty Ích Nhân – đơn vị có nghĩa vụ liên quan trình bày tại phiên tòa.

Có kinh nghiệm 20 năm theo dõi lĩnh vực sở hữu trí tuệ, Luật sư Nguyễn Minh Hương (TP Hồ Chí Minh) cho biết, có tới 14 cặp sản phẩm trùng nhau gây ra nhầm lẫn thực tế trên thị trường, thiệt hại cho khách hàng. Cơ sở Ngân Anh đã từng thừa nhận sai phạm sau khi bị cơ quan chức năng kiểm tra nhưng sau đó lại tiếp tục vi phạm. Để tránh tạo ra tiền lệ xấu, tòa án cần xem xét khách quan, để pháp luật về sở hữu trí tuệ được thực thi nghiêm minh.

Sau khi xét hỏi thêm nhiều nội dung cần được làm rõ, ông Võ Chí Thiện – đại diện Viện KSND Tối cao cho rằng: Phiên tòa sơ thẩm đã đánh giá chứng cứ chưa đúng các qui định của pháp luật, chưa làm rõ có hay không sự trùng lắp giữa hai sản phẩm.

Trong khí đó, Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ đã có kết luận giám định chỉ rõ hai sản phẩm trùng lắp nhau và Cơ sở Ngân Anh cũng không có khiếu nại gì đối với quyết định giám định. Viện KSND Tối cao nhận thấy kháng nghị của Viện KSND tỉnh Hậu Giang và kháng cáo của Cục Sở hữu trí tuệ là có căn cứ. Đề nghị áp dụng Luật tố tụng hành chính chấp nhận kháng nghị và kháng cáo, sửa án sơ thẩm, giữ nguyên quyết định Quyết định số 11692/QĐ-SHTT của Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ.

Chủ tọa phiên tòa, ông Đặng Quốc Khởi kết luận: Quyết định số 11692/QĐ-SHTT của Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ là đúng pháp luật, đúng thẩm quyền. Nội dung quyết định đúng các quy định của pháp luật. Kết luận giám định của Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ là một trong những chứng cứ quan trọng để xác định hàng hóa có trùng và gây nhầm lẫn hay không. Tòa quyết đinh chấp nhận đơn kháng cáo của Cục Sở hữu trí tuệ và Công ty Ích Nhân, kháng nghị của Viện KSND tỉnh Hậu Giang. Tuy nhiên, với nội dung kiến nghị của Công ty Ích Nhân về việc đề nghị thu hồi sản phẩm mang nhãn hiệu Bảo Xuân của Cơ sở Ngân Anh, Tòa phúc thẩm cho rằng, vấn đề này không thuộc phạm vi giải quyết của vụ án tại phiên tòa. Bản án có hiệu lực ngay từ ngày 29/8/2016.

Trao đổi với phóng viên Báo Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Lê Ngọc Lâm – Phó cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ đánh giá cao phán quyết hết sức khách quan, đúng pháp luật của hội đồng xét xử. Kết quả đó tạo niềm tin cho cơ quan quản lý Nhà nước đồng thời thúc đẩy mỗi doanh nghiệp và cá nhân không ngừng sáng tạo khi quyền sở hữu trí tuệ được bảo vệ.

Còn đại diện Công ty Ích Nhân cho biết, kết quả phiên tòa rất công minh, khách quan, đúng pháp luật, được cộng đồng doanh nghiệp hoan nghênh vì góp phần bênh vực các doanh nghiệp làm ăn chân chính. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng mong muốn tới đây, các cơ quan chức năng sớm thực hiện vai trò quản lý, kiểm tra và thu hồi các sản phẩm xâm hại nhãn hiệu Bảo Xuân của Công ty Ích Nhân mà cơ sở Ngân Anh đã cho sản xuất và phân phối trên toàn quốc nhiều năm qua, đồng thời xử lý nghiêm minh những trường hợp vi phạm.

Bài và ảnh: Nam Minh

theo enternews.vn


»

» Tư vấn xử lý vi phạm nhãn hiệu

SBLAW tư vấn về bảo hộ thương hiệu và các tài sản trí tuệ khác một cách nhanh chóng, chính xác và hiệu quả:
Quý khách cần sử dụng dịch vụ bảo hộ tài sản trí tuệ, vui lòng liên hệ trực tiếp đến.
  • Điện thoại - Chat Zalo
  • Email address
Tin tức liên quan