Giải đáp những thắc mắc liên quan đến vấn đề bảo vệ bản quyền

SBLAW giới thiệu về Công ước Berne.

Câu hỏi số 1:

Áp dụng Công ước Berne tại Việt Nam thì có thuận lợi là gì?

Trả lời:

Khi áp dụng Công ước Berne tại Việt Nam thì có một số thuận lợi là sự tương thích của một số quy định trong Công ước Berne với quy định về Quyền tác giả ở Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam.

Về đối tượng bảo hộ, Công ước Berne và Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam đều quy định bảo hộ tất cả các tác phẩm trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật và khoa học. Các đối tượng gồm: Tác phẩm văn học, khoa học, sách giáo khoa, giáo trình, bài giảng, bài phát biểu và bài nói, tác phẩm âm nhạc, tác phẩm sân khấu, tác phẩm điện ảnh và tác phẩm được tạo ra theo phương pháp tương tự, tác phẩm tạo hình, mỹ thuật ứng dụng, tác phẩm nhiếp ảnh, tác phẩm kiến trúc, bản họa đồ, sơ đồ, bản đồ, bản vẽ liên quan đến địa hình, kiến trúc, công trình khoa học, tác phẩm văn học.

Về tiêu chuẩn bảo hộ, Công ước Berne và Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam cùng quy định bảo hộ các tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện d­ưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ.

Về thời điểm phát sinh Quyền tác giả, cùng theo nguyên tắc bảo hộ tự động Công ước Berne, Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam quy định: Quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo, không phân biệt đã công bố hay ch­ưa công bố, đã đăng ký hay ch­ưa đăng ký.

Về thời hạn bảo hộ quyền tác giả, Công ước Berne và Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam cùng quy định, thời hạn bảo hộ quyền tác giả tối thiểu là suốt cuộc đời tác giả và 50 năm sau khi tác giả chết (trừ một số tác phẩm như điện ảnh, nhiếp ảnh, mỹ thuật ứng dụng, tác phẩm khuyết danh có thời hạn bảo hộ là 75 năm, kể từ khi tác phẩm được công bố lần đầu tiên). Và thời hạn bảo hộ đối với các tác phẩm có đồng tác giả thì thời hạn bảo hộ chấm dứt vào năm thứ 50 sau năm đồng tác giả cuối cùng chết.

Bên cạnh một số điều khoản phù hợp thì Công ước Berne và luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam có một số điều khoản quy định về Quyền tác giả riêng biệt.

Về quy định quyền của tác giả, chủ sở hữu tác phẩm, Công ước Berne quy định Quyền tác giả bao gồm quyền tinh thần (moral rights) và quyền kinh tế ( economic rights).

Quyền tinh thần gồm: đứng tên tác giả và quyền phản đối bất kỳ sự xuyên tạc, cắt xén hay sửa đổi tác phẩm, hoặc các hành vi khác đối với tác phẩm mà có thể phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả (Điều 6bis).

Quyền kinh tế bao gồm một số quyền sau đây: Quyền dịch, quyền thực hiện phóng tác tác phẩm, quyền chuyển thể tác phẩm, quyền cải biên, quyền trình diễn công cộng tác phẩm kịch, nhạc kịch, âm nhạc, quyền truyền đạt tới công chúng tác phẩm văn học, quyền truyền đạt tới công chúng cuộc biểu diễn; quyền phát sóng; quyền sao chép.

Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam quy định tại Điều 18: Quyền tác giả đối với tác phẩm quy định tại Luật này bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản.

Quyền nhân thân (Điều 19) quy định: Quyền đặt tên cho tác phẩm, quyền đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng, quyền công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm, quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.

Quyền tài sản (Điều 20) quy định: Quyền làm tác phẩm phái sinh, quyền biểu diễn tác phẩm trước công chúng, quyền sao chép tác phẩm, quyền phân phối, nhập khẩu bản gốc hoặc bản sao tác phẩm, quyền truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác, quyền cho thuê bản gốc hoặc bản sao tác phẩm điện ảnh, chương trình máy tính.

Về thời hạn bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm điện ảnh, nhiếp ảnh, mỹ thuật ứng dụng, tác phẩm khuyết danh, Công ước Berne quy định đối với tác phẩm điện ảnh, tác phẩm khuyết danh thì thời hạn này là 50 năm sau khi tác phẩm được công bố đến công chúng một cách hợp pháp; còn đối với tác phẩm nhiếp ảnh, các tác phẩm mỹ thuật ứng dụng thì thời hạn bảo hộ là 25 năm kể từ khi tác phẩm được thực hiện.

Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam quy định đối với các tác phẩm điện ảnh, nhiếp ảnh, mỹ thuật ứng dụng, tác phẩm khuyết danh có thời hạn bảo hộ là 75 năm, kể từ khi tác phẩm được công bố lần đầu tiên; Đối với tác phẩm điện ảnh, nhiếp ảnh, mỹ thuật ứng dụng chưa được công bố trong thời hạn 25 năm, kể từ khi tác phẩm được định hình thì thời hạn bảo hộ là 100 năm, kể từ khi tác phẩm được định hình.

Câu hỏi số 2:

Các bài giảng của giáo viên, bài phát biểu của các học giả có phải là đối tượng được bảo hộ quyền tác giả không?

Trả lời:

Theo quy định tại điểm b Khoản 1 Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ về các loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả : Tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học được bảo hộ bao gồm : “b. Bài giảng, bài phát biểu và bài nói khác”.

Vậy theo Luật Sở hữu trí tuệ, các bài giảng, bài phát biểu là đối tượng được bảo hộ quyền tác giả.

Câu hỏi số 3: 

Tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả có tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả là những ai?

Trả lời: 

Tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả có tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả là những đối tượng theo quy định tại  Điều 13 Luật Sở hữu trí tuệ:

“1. Tổ chức, cá nhân có tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả gồm người trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm và chủ sở hữu quyền tác giả quy định tại các điều từ Điều 37 đến Điều 42 của Luật này.

2. Tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả quy định tại khoản 1 Điều này gồm tổ chức, cá nhân Việt Nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài có tác phẩm được công bố lần đầu tiên tại Việt Nam mà chưa được công bố ở bất kỳ nước nào hoặc được công bố đồng thời tại Việt Nam trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày tác phẩm đó được công bố lần đầu tiên ở nước khác; tổ chức, cá nhân nước ngoài có tác phẩm được bảo hộ tại Việt Nam theo Điều ước Quốc tế về quyền tác giả mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.”

Câu hỏi số 4:

Đạo diễn, biên kịch được hưởng quyền gì trong một tác phẩm điện ảnh?

Trả lời: 

Những người làm công tác đạo diễn, biên kịch được hưởng quyền theo quy định tại các khoản 1, 2 và 4 Điều 19 Luật Sở hữu trí tuệ: 

“1. Đặt tên cho tác phẩm;

2. Đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng;

4. Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.”

Câu hỏi số 5: 

Quyền nhân thân bao gồm những quyền gì? Ai là người được hưởng quyền những quyền này?

Trả lời:

Quyền nhân thân theo quy định tại Điều 19 Luật Sở hữu trí tuệ bao gồm:

1. Đặt tên cho tác phẩm;

2. Đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng;

3. Công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm;

4. Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.”

Theo Luật Sở hữu trí tuệ, quyền nhân thân chỉ có tác giả, người trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm được hưởng quyền những quyền này.

Câu hỏi số 6: 

Quyền nhân thân bao gồm những quyền gì? Ai là người được hưởng quyền những quyền này?

Trả lời:

Quyền nhân thân theo quy định tại Điều 19 Luật Sở hữu trí tuệ bao gồm:

1. Đặt tên cho tác phẩm;

2. Đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng;

3. Công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm;

4. Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.”

Theo Luật Sở hữu trí tuệ, quyền nhân thân chỉ có tác giả, người trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm được hưởng quyền những quyền này.

Câu hỏi số 7:

Các nguyên tắc cơ bản của Công ước Berne?

Trả lời:

Các nguyên tắc cơ bản của Công ước Berne.

Nguyên tắc đối xử quốc gia: Là nguyên tắc đặt ra cho các quốc gia thành viên thực hiện bảo hộ tác phẩm có nguồn gốc từ các quốc gia thành viên khác, tương tự như sự bảo hộ tác phẩm của công dân quốc gia mình. Sự bảo hộ đó không kém thuận lợi, không thấp hơn sự bảo hộ đối với công dân thuộc quốc gia mình. Nguyên tắc này đặt ra sự bình đẳng trong đối xử với công dân và pháp nhân của các quốc gia thành viên.

Nguyên tắc bảo hộ tự động: Là sự bảo hộ không lệ thuộc vào bất kỳ thủ tục hình thức nào, như là thủ tục đăng ký cấp giấy chứng nhận, việc nộp lưu chiểu, hoặc các thủ tục tương tự khác.

Nguyên tắc bảo hộ độc lập: Là nguyên tắc mà việc công dân và các pháp nhân được hưởng và thực thi các quyền được bảo hộ theo Công ước là độc lập với những gì được hưởng tại nước xuất xứ của tác phẩm.

Công ước quy định sự bảo hộ tối thiểu, ngoài ra Công ước còn có các quy định đặc biệt dành cho các nước đang phát triển.

Câu hỏi số 8:

Việt Nam có là thành viên của Công ước Berne hay không?

Trả lời: 

Là Công ước quy định về bản quyền tác giả ra đời sớm nhất trên thế giới, với hơn 135 năm hình thành và phát triển. Công ước Berne đã được sửa đổi, bổ sung 8 lần. Công ước hiện nay có trên 170 quốc gia là thành viên.

Việt Nam đã nộp văn kiện xin gia nhập công ước Berne vào ngày 26 tháng 07 năm 2004, đến ngày 26 tháng 10 năm 2004 Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Công ước Berne và công ước này đã có hiệu lực tại Việt Nam. Khi gia nhập công ước, nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam tuyên bố bảo lưu các quy định tại Điều 33(1) về thẩm quyền xét xử của Tòa án quốc tế, đồng thời Việt Nam cũng tuyên bố áp dụng chế độ ưu đãi dành cho các nước đang phát triển theo Điều II và Điều III của Phụ lục Công ước Berne.

Như vậy, Việt Nam là thành viên của Công ước Berne kể từ ngày 26 tháng 10 năm 2004. 

Câu hỏi số 9:

Công ước Berne bảo hộ các quyền nào? 

Trả lời:

Các quyền được Công ước Berne bảo hộ bao gồm: quyền sao chép, quyền phân phối, quyền dịch, quyền phóng tác, quyền cải biên, chuyển thể, quyền biểu diễn công cộng, quyền kể lại trước công chúng, quyền phát sóng, quyền truyền đạt tới công chúng, quyền bán lại tác phẩm nghệ thuật gốc.

Quy định đặc biệt dành cho các nước đang phát triển trong Công ước được quy định tại phụ lục của Công ước. Nước đang phát triển được quyền tuyên bố là mình sẽ áp dụng những quy định ở Điều II phụ lục (hạn chế quyền dịch) , hoặc Điều III phụ lục (hạn chế quyền sao chép) hoặc cả hai điều đó. Nước đó cũng có thể ra tuyên bố theo quy định ở Điều V(1)(a) phụ lục (khả năng lựa chọn về hạn chế quyền dịch), thay cho tuyên bố tuân thủ những quy định ở Điều II

Câu hỏi số 10:

Công ước Berne là gì? 

Trả lời:

Công ước Berne là Công ước quốc tế về bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật. Công ước này được ký kết ngày 9 tháng 9 năm 1886 tại Berne - Thủ đô Thụy Sĩ, lần đầu tiên thiết lập và bảo vệ quyền tác giả giữa các quốc gia có chủ quyền. Đây là công ước lâu đời nhất về bảo hộ quyền tác giả và đến nay công ước vẫn được các nước sử dụng. Công ước đã có 8 lần sửa đổi bổ sung vào các năm 1896, 1908, 1914, 1928, 1948, 1967, 1971, 1979. Công ước hiện hành là Công ước được sửa đổi ngày 24 tháng 7 năm 1971 tại Paris và bổ sung vào ngày 2 tháng 10 năm 1979. Công ước gồm 38 điều chính, 9 điều bổ sung và phụ lục gồm 6 điều.

Công ước Berne được hình thành sau các nỗ lực vận động của nhà văn Victor Hugo. Trước khi có công ước Berne, các quốc gia thường từ chối quyền tác giả của các tác phẩm ngoại quốc. Ví dụ, một tác phẩm xuất bản ở một quốc gia được bảo vệ quyền tác giả tại đó, nhưng lại có thể bị sao chép và xuất bản tự do không cần xin phép tại quốc gia khác.

Các quốc gia tuân thủ công ước Berne công nhận quyền tác giả của các tác phẩm xuất bản tại các quốc gia khác cùng tuân thủ công ước này. Bảo hộ quyền tác giả theo công ước Berne là tự động, không cần phải đăng ký. Ngoài ra, những quốc gia ký công ước Berne không được đặt ra các thủ tục hành chính đối với các tác giả trong việc hưởng quyền tác giả. 

Câu hỏi số 11:

Theo Công ước Berne thì quyền tác giả được bảo hộ trong thời hạn bao lâu?

Trả lời:

Thời gian bảo hộ được quy định trong Công ước Berne như sau:

Về nguyên tắc, thời hạn bảo hộ quyền tác giả do pháp luật quốc gia quy định, nhưng theo Công ước Berne thì thời hạn này là suốt cuộc đời tác giả và 50 năm sau khi tác giả chết. Thời hạn này được tính từ thời điểm kết thúc năm mà tác giả qua đời. Tuy nhiên, đối với các tác phẩm điện ảnh, các quốc gia thành viên Liên hiệp có thể quy định chấm dứt thời hạn bảo hộ sau 50 năm, tính từ khi tác phẩm được công bố đến công chúng, với sự đồng ý của tác giả, hoặc nếu không có sự công bố như thế trong vòng 50 năm tính từ ngày thực hiện tác phẩm, thì thời hạn bảo hộ chấm dứt 50 năm sau khi tác phẩm được thực hiện.

Tuy nhiên, Công ước Berne quy định trong một số trường hợp, thời hạn bảo hộ không tính theo đời người. Ví dụ, đối với các tác phẩm nhiếp ảnh hay tác phẩm nghệ thuật ứng dụng coi như tác phẩm nghệ thuật, thời hạn bảo hộ tối thiểu là 25 năm kể từ khi tạo ra tác phẩm.

Cần lưu ý là trong bất kỳ trường hợp nào, thời hạn bảo hộ sẽ do luật pháp của nước công bố bảo hộ quy định. Tuy nhiên, nếu luật pháp của nước đó không có những quy định khác thì thời hạn bảo hộ sẽ không quá thời hạn được quy định ở quốc gia gốc của tác phẩm.

Những quy định trên cũng được áp dụng cho tác phẩm đồng tác giả, nhưng thời hạn bảo hộ sau khi chết được tính đến khi tác giả cuối cùng chết.

Nguồn: http://www.cov.gov.vn/hoi-dap?pageIndex=6&AspxAutoDetectCookieSupport=1

SBLAW tư vấn về bảo hộ thương hiệu và các tài sản trí tuệ khác một cách nhanh chóng, chính xác và hiệu quả:
Quý khách cần sử dụng dịch vụ bảo hộ tài sản trí tuệ, vui lòng liên hệ trực tiếp đến.
  • Điện thoại - Chat Zalo
  • Email address
Tin tức liên quan