Đăng ký lưu hành sản phẩm hàng hóa

Trong thời buổi hội nhập nền kinh tế toàn cầu hiện nay, việc các thương nhân trong và ngoài nước xuất nhập khẩu hàng hóa để mua bán không còn xa lạ. Tuy nhiên, không phải mọi loại sản phẩm đều được phép xuất nhập khẩu qua cửa khẩu hải quan. Để hợp pháp hóa cho việc lưu thông hàng hóa, các thương nhân cần phải làm thủ tục đăng ký lưu hành sản phẩm hàng hóa tại cơ quan có thẩm quyền. Cụ thể sẽ được làm rõ qua bài viết dưới đây:

Giấy phép lưu hành sản phẩm hàng hoá là gì?

Giấy phép lưu hành sản phẩm gọi đầy đủ là Giấy chứng nhận lưu hành tự do (CFS- certificate of free sale) là một loại chứng từ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền của nước xuất khẩu cấp cho thương nhân xuất khẩu đối với hàng hóa để lưu hành tại thị trường nước xuất khẩu. CFS có hiệu lực 02 năm kể từ ngày cấp và không quá thời hạn hiệu lực của Giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy hoặc Xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm.

Giấy phép lưu hành sản phẩm gồm những thông tin cơ bản nào?

Căn cứ khoản 3 Điều 10 Nghị định 69/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật Quản lý ngoại thương, CFS phải được làm trên giấy màu trắng, khổ A4, bằng tiếng Anh và bao gồm những thông tin tối thiểu sau đây:

  •  Tên cơ quan cấp CFS.
  • Số tham chiếu của CFS.
  •   Ngày cấp CFS.
  •  Tên sản phẩm, hàng hoá được cấp CFS.
  •  Loại hoặc nhóm sản phẩm, hàng hoá được cấp CFS.
  • Tên và địa chỉ của nhà sản xuất.
  •  Trên CFS phải ghi rõ là sản phẩm, hàng hóa được sản xuất và bán tự do tại thị trường của nước sản xuất.
  •  Họ tên, chữ ký, chức danh của người cấp CFS và con dấu của cơ quan cấp CFS.

Lưu ý:

- Trường hợp Giấy chứng nhận lưu hành tự do áp dụng cho nhiều lô hàng thì phải theo quy định của Bộ, cơ quan ngang bộ có thẩm quyền quản lý.

- Trường hợp có yêu cầu của bộ, cơ quan ngang bộ có thẩm quyền quản lý, Giấy chứng nhận lưu hành tự do phải được hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp được miễn hợp pháp hóa lãnh sự theo các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc trên cơ sở có đi có lại.

- Trường hợp có nghi ngờ tính xác thực của Giấy chứng nhận lưu hành tự do hoặc hàng hóa nhập khẩu không phù hợp với nội dung Giấy chứng nhận lưu hành tự do, cơ quan có thẩm quyền gửi yêu cầu kiểm tra, xác minh tới cơ quan, tổ chức cấp Giấy chứng nhận lưu hành tự do.

Danh sách các cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép lưu hành sản phẩm

Thẩm quyền cấp và quản lý giấy phép lưu hành sản phẩm được phân theo loại sản phẩm. Cụ thể như sau:

  • Bộ Y tế: Thực phẩm chức năng, thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng, thực phẩm bổ sung, phụ gia thực phẩm, nước uống, nước sinh hoạt, nước khoáng thiên nhiên; thuốc lá điếu; hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế; Thuốc, mỹ phẩm; Trang thiết bị y tế.
  •  Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Giống cây trồng, giống vật nuôi; nông sản, lâm sản, thủy sản, muối; gia súc, gia cầm, vật nuôi; Vật tư nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; phân bón; thức ăn, nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi; Dụng cụ đánh bắt thủy sản, các thiết bị đòi hỏi yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn trong ngành thủy sản.
  •  Bộ Giao thông vận tải: Các loại phương tiện giao thông, phương tiện, thiết bị xếp dỡ, thi công chuyên dùng trong giao thông vận tải (trừ phương tiện phục vụ vào mục đích quốc phòng, an ninh và tàu cá) và trang bị, thiết bị kỹ thuật chuyên ngành giao thông vận tải.
  • Bộ Xây dựng: Vật liệu xây dựng.
  •  Bộ Công Thương: Hóa chất, vật liệu nổ công nghiệp; Máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ; Sản phẩm công nghiệp tiêu dùng, công nghiệp thực phẩm và công nghiệp chế biến khác theo quy định của pháp luật; Sản phẩm, hàng hóa khác không thuộc thẩm quyền quản lý của các Bộ, cơ quan nêu tại Phụ lục này.
  •  Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội: Máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động; phương tiện bảo vệ cá nhân đối với người lao động; Các sản phẩm đặc thù về an toàn lao động theo quy định của pháp luật.
  •  Bộ Thông tin và Truyền thông: Sản phẩm báo chí; xuất bản; bưu chính và chuyển phát; Thiết bị viễn thông; Sản phẩm, bưu chính, viễn thông, điện tử và công nghệ thông tin; Thiết bị phát, thu phát sóng vô tuyến điện.
  •  Bộ Tài nguyên và Môi trường: Tài nguyên, khoáng sản; Đo đạc bản đồ.
  •  Bộ Giáo dục và Đào tạo: Sách giáo khoa, giáo trình, tài liệu hướng dẫn giáo viên; Thiết bị dạy học, đồ chơi cho trẻ em trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ theo quy định của pháp luật.
  •  Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Ấn phẩm văn hóa, văn học, nghệ thuật; Trang thiết bị luyện tập, thi đấu của các cơ sở thể dục thể thao và của các môn thể thao.
  •  Ngân hàng Nhà nước Việt Nam: Các thiết bị chuyên dùng cho ngân hàng.
  •  Bộ Quốc phòng: Phương tiện, trang thiết bị quân sự, vũ khí đạn dược, sản phẩm phục vụ quốc phòng, công trình quốc phòng không thuộc đối tượng bí mật quốc gia.
  •  Bộ Công an: Trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy, trang thiết bị kỹ thuật, vũ khí, khí tài, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và các loại sản phẩm khác sử dụng cho lực lượng công an nhân dân không thuộc đối tượng bí mật quốc gia.
  •  Bộ Khoa học và Công nghệ: Thiết bị an toàn bức xạ hạt nhân; phương tiện, dụng cụ đo lường và các sản phẩm, hàng hóa khác.

Quy trình thực hiện đăng ký lưu hành sản phẩm

 Thành phần hồ sơ

Theo quy định pháp luật, hồ sơ cấp giấy phép lưu hành sản phẩm bao gồm:

+ Đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận lưu hành sản phẩm (CFS) được kê khai hoàn chỉnh và hợp lệ.

+ Giấy chứng nhận Đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp.

+ Bản công bố hợp quy đối với sản phẩm; hàng hóa kèm theo cách thể hiện; (trên nhãn hàng hoá hoặc trên bao bì hàng hoá hoặc tài liệu kèm theo sản phẩm, hàng hoá)

+ Giấy chứng nhận vệ sinh An toàn thực phẩm đối với sản phẩm là thực phẩm.

+ Các giấy tờ khác tuỳ thuộc vào yêu cầu đặc thù của cơ quan cấp CFS.

Trình tự thủ tục

- Bước 1. Thương nhân gửi 1 bộ hồ sơ trực tiếp hoặc qua đường bưu điện hoặc trực tuyến (nếu có áp dụng) đến cơ quan thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận lưu hành sản phẩm.

- Bước 2: Cơ quan thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ 

+ Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, đúng quy định, trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, cơ quan cấp Giấy chứng nhận lưu hành sản phẩm thông báo để thương nhân hoàn thiện hồ sơ.

+ Trường hợp hồ sơ đã đầy đủ và hợp lệ sẽ được cấp Phiếu tiếp nhận hồ sơ.

- Bước 3: Xử lý hồ sơ 

- Bước 4: Nhận kết quả

Thời hạn cấp Giấy chứng nhận lưu hành sản phẩm không quá 3 ngày làm việc, kể từ ngày thương nhân nộp hồ sơ đầy đủ, đúng quy định. Trường hợp không cấp Giấy chứng nhận lưu hành tự do, cơ quan cấp Giấy chứng nhận lưu hành tự do có văn bản trả lời nêu rõ lý do.

Cơ quan cấp Giấy chứng nhận lưu hành sản phẩm có thể tiến hành kiểm tra tại nơi sản xuất trường hợp nhận thấy việc kiểm tra trên hồ sơ là chưa đủ căn cứ để cấp Giấy chứng nhận lưu hành tự do hoặc phát hiện có dấu hiệu vi phạm quy định đối với Giấy chứng nhận lưu hành tự do đã cấp trước đó.

Số lượng Giấy chứng nhận lưu hành tự do được cấp cho hàng hóa theo yêu cầu của thương nhân.

Lưu ý:

- Việc cấp sửa đổi, bổ sung giấy phép, cấp lại giấy phép do mất, thất lạc thực hiện theo nguyên tắc sau:

  •  Thương nhân chỉ phải nộp các giấy tờ liên quan đến nội dung cần sửa đổi, bổ sung.
  • Thời gian cấp sửa đổi, bổ sung, cấp lại không dài hơn thời gian cấp giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu.
  • Trường hợp từ chối sửa đổi, bổ sung, cấp lại giấy phép, bộ, cơ quan ngang bộ có văn bản trả lời, nêu rõ lý do.

Lệ phí cấp giấy phép lưu hành sản phẩm

Theo Thông tư 279/2016/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí trong công tác an toàn vệ sinh thực phẩm, phí xin giấy chứng nhận lưu hành tự do đối với thực phẩm xuất khẩu là 1.000.000 đồng/ lần/giấy chứng nhận

Cách tra cứu giấy phép lưu hành sản phẩm

Sau khi đã xin giấy phép lưu hành sản phẩm và công bố chất lượng sản phẩm, doanh nghiệp cần tra cứu giấy phép lưu hành sản phẩm theo các bước tra cứu quy định tại Nghị định 15/2018/NĐ-CP.

- Bước 1: Truy cập vào website của cơ quan nhà nước có thẩm quyền chịu trách nhiệm công bố sản phẩm. Đối với tra cứu số công bố sản phẩm bắt buộc, bạn sẽ truy cập vào trang thông tin điện tử của Bộ Y tế tại địa chỉ https://nghidinh15.vfa.gov.vn/ còn nếu muốn tra cứu số công bố mỹ phẩm thì truy cập Cổng thông tin một cửa quốc gia tại địa chỉ:

https://vnsw.gov.vn/

- Bước 2: Khi vào trang chủ của website thì click tìm mục tra cứu số công bố sản phẩm/ mỹ phẩm.

- Bước 3: Điền thông tin cần tra cứu để tra cứu giấy công bố sản phẩm.

- Bước 4: Sau khi điền đầy đủ thông tin, bạn hãy click nút “tìm” và chờ đợi thông tin xuất hiện trên màn hình.

- Bước 5: Thông tin sẽ xuất hiện trên màn hình. Doanh nghiệp có thể kiểm tra thông tin trực tuyến ngay tại website đồng thời cũng có thể in ra thành bản cứng để sử dụng.

SBLAW tư vấn về bảo hộ thương hiệu và các tài sản trí tuệ khác một cách nhanh chóng, chính xác và hiệu quả:
Quý khách cần sử dụng dịch vụ bảo hộ tài sản trí tuệ, vui lòng liên hệ trực tiếp đến.
  • Điện thoại - Chat Zalo
  • Email address
Tin tức liên quan