Hỏi đáp về chuyển giao công nghệ tại Việt Nam.
Chuyển giao công nghệ là chuyển nhượng quyền sở hữu công nghệ hoặc chuyển giao quyền sử dụng công nghệ từ bên có quyền chuyển giao công nghệ sang bên nhận công nghệ.
SB xin giải đáp những thắc mắc của Quý độc giả về các vấn đề xung quanh Chuyển giao công nghệ
Firewall Cisco| | Juniper switch | Router cisco | thiết bị mạng cisco | thiết bị chống sét | Bộ lưu điện UPS
1. Hợp đồng chuyển giao công nghệ gồm những nội dung gì?
Câu hỏi: Mình là Kiên, ở Hà Nội. Cho mình hỏi: Trong một hợp đồng chuyển giao công nghệ thì cần phải có những nội dung gì?
Trả lời:
Baohothuonghieu.com cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:
Theo quy định tại Điều 23 Luật chuyển giao công nghệ năm 2017 (có hiệu lực từ ngày 01/07/2018) thì hợp đồng chuyển giao công nghệ sẽ bao gồm những nội dung sau:
- Tên công nghệ được chuyển giao.
- Đối tượng công nghệ được chuyển giao, sản phẩm do công nghệ tạo ra, tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm.
- Chuyển nhượng quyền sở hữu, chuyển giao quyền sử dụng công nghệ.
- Phương thức chuyển giao công nghệ.
- Quyền và nghĩa vụ của các bên.
- Giá, phương thức thanh toán.
- Thời hạn, thời điểm có hiệu lực của hợp đồng.
- Khái niệm, thuật ngữ sử dụng trong hợp đồng (nếu có).
- Kế hoạch, tiến độ chuyển giao công nghệ, địa điểm thực hiện chuyển giao công nghệ.
- Trách nhiệm bảo hành công nghệ được chuyển giao.
- Phạt vi phạm hợp đồng.
- Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng.
- Cơ quan giải quyết tranh chấp.
- Nội dung khác do các bên thỏa thuận.
2. Giao kết hợp đồng chuyển giao công nghệ bằng miệng có được không?
Câu hỏi: Tôi là Việt, ở Hà Nội. Bên mình đang có ý định chuyển giao công nghệ cho 1 đối tác nhưng thấy việc lập hợp đồng bằng văn bản khá phức tạp. Quý công ty cho mình hỏi: Bên mình có thể giao kết hợp đồng trên bằng miệng được không?
Trả lời:
Công ty chúng tôi cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:
Điều 22 Luật chuyển giao công nghệ năm 2017 (có hiệu lực từ ngày 01/07/2018) có quy định về việc giao kết hợp đồng chuyển giao công nghệ như sau:
“1. Việc giao kết hợp đồng chuyển giao công nghệ phải được lập thành văn bản hoặc hình thức khác được coi là giao dịch bằng văn bản theo quy định của Bộ luật Dân sự. Văn bản hợp đồng phải được các bên ký, đóng dấu (nếu có); ký, đóng dấu giáp lai (nếu có) vào các trang của hợp đồng, phụ lục hợp đồng ...”.
Như vậy, theo quy định trên thì việc giao kết hợp đồng chuyển giao công nghệ phải được lập thành văn bản hoặc hình thức khác được coi là giao dịch bằng văn bản theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2015 (có thể là fax, telex, …). Việc giao kết hợp đồng chuyển giao công nghệ bằng miệng sẽ khiến cho hợp đồng có thể vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức.
3. Thủ tục chấp thuận và cấp giấy phép chuyển giao công nghệ theo quy định của Luật chuyển giao công nghệ năm 2017
Câu hỏi: Công ty mình có trụ sở tại Hà Nội. Bên mình đang có dự định chuyển giao công nghệ hạn chế chuyển giao. Cho mình hỏi: theo quy định trong Luật CGCN mới thì thủ tục chấp thuận và cấp giấy phép chuyển giao được quy định như thế nào?
Trả lời:
Công ty chúng tôi cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:
Trước hết, theo quy định tại Điều 28 Luật chuyển giao công nghệ năm 2017 (có hiệu lực từ ngày 01/07/2018) thì tổ chức, cá nhân chuyển giao công nghệ hạn chế chuyển giao quy định tại Điều 10 của Luật này phải thực hiện thủ tục đề nghị cấp Giấy phép chuyển giao công nghệ.
Việc cấp Giấy phép chuyển giao công nghệ được thực hiện theo trình tự sau đây:
a) Chấp thuận chuyển giao công nghệ.
Đối với chuyển giao công nghệ của dự án đầu tư đã được thẩm định, lấy ý kiến công nghệ trong giai đoạn quyết định chủ trương đầu tư hoặc quyết định đầu tư thì không phải chấp thuận chuyển giao công nghệ;
b) Cấp Giấy phép chuyển giao công nghệ.
Thứ nhất, về chấp thuận chuyển giao công nghệ
Căn cứ Điều 29 Luật chuyển giao công nghệ năm 2017 thì việc chấp thuận chuyển giao công nghệ sẽ được tiến hành như sau:
Tổ chức, cá nhân chuyển giao công nghệ hạn chế chuyển giao gửi hồ sơ đến Bộ Khoa học và Công nghệ để đề nghị chấp thuận chuyển giao công nghệ.
Hồ sơ bao gồm:
- Văn bản đề nghị chấp thuận chuyển giao công nghệ;
- Văn bản về tư cách pháp lý của bên đề nghị;
- Tài liệu giải trình về công nghệ;
- Tài liệu giải trình về điều kiện sử dụng công nghệ theo quy định của pháp luật;
- Tài liệu giải trình về việc phù hợp với quy định của pháp luật về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.
Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì phối hợp với Bộ, ngành có liên quan ra văn bản chấp thuận chuyển giao công nghệ; trường hợp không chấp thuận thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Thứ hai, đối với việc cấp giấy phép chuyển giao công nghệ
Căn cứ theo Điều 30 Luật chuyển giao công nghệ năm 2017 thì việc cấp giấy phép chuyển giao công nghệ sẽ được tiến hành như sau:
Sau khi nhận được văn bản chấp thuận của Bộ Khoa học và Công nghệ, tổ chức, cá nhân chuyển giao công nghệ tiến hành ký kết hợp đồng chuyển giao công nghệ.
Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày ký kết hợp đồng chuyển giao công nghệ, bên có nghĩa vụ thực hiện việc đề nghị cấp Giấy phép chuyển giao công nghệ gửi 01 bộ hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép chuyển giao công nghệ đến Bộ Khoa học và Công nghệ.
Hồ sơ bao gồm:
- Văn bản đề nghị cấp Giấy phép chuyển giao công nghệ, trong đó ghi rõ cam kết trách nhiệm của các bên bảo đảm nội dung hợp đồng tuân thủ các quy định của pháp luật có liên quan;
- Văn bản về tư cách pháp lý của các bên trong hợp đồng chuyển giao công nghệ;
- Bản gốc bằng tiếng Việt hoặc bản sao có chứng thực hợp đồng chuyển giao công nghệ; trường hợp không có hợp đồng bằng tiếng Việt thì phải có bản dịch sang tiếng Việt và được công chứng hoặc chứng thực;
- Danh mục tài liệu công nghệ, máy móc, thiết bị (nếu có) kèm theo hợp đồng chuyển giao công nghệ;
- Bản sao có chứng thực văn bằng bảo hộ các đối tượng sở hữu trí tuệ (nếu có);
- Tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm, dịch vụ do ứng dụng công nghệ chuyển giao;
- Giải trình về điều kiện sử dụng công nghệ;
- Văn bản thẩm định giá công nghệ được chuyển giao trong trường hợp bên nhận chuyển giao công nghệ sử dụng vốn nhà nước.
Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Bộ Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm thẩm định và cấp Giấy phép chuyển giao công nghệ; trường hợp từ chối cấp Giấy phép thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
4. Bên nhận chuyển giao công nghệ có quyền và nghĩa vụ gì?
Câu hỏi: Công ty mình là công ty TNHH, có trụ sở ở Hà Nội. Sắp tới công ty mình có nhận chuyển giao công nghệ từ đối tác. Để đảm bảo quyền lợi của bên mình và tránh những vướng mắc về sau, quý công ty cho mình hỏi: Bên nhận chuyển giao công nghệ có quyền và nghĩa vụ gì?
Trả lời:
Công ty chúng tôi cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:
Căn cứ theo Điều 26 Luật chuyển giao công nghệ năm 2017 (có hiệu lực từ ngày 01/07/2018) thì:
- Bên nhận công nghệ có quyền sau đây:
+ Yêu cầu bên giao công nghệ thực hiện đúng cam kết trong hợp đồng;
+ Yêu cầu cơ quan có thẩm quyền bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp liên quan đến công nghệ được chuyển giao;
+ Được thuê tổ chức, cá nhân thực hiện dịch vụ chuyển giao công nghệ theo quy định của pháp luật;
+ Yêu cầu bên giao công nghệ áp dụng biện pháp khắc phục, bồi thường thiệt hại trong trường hợp bên giao công nghệ không thực hiện đúng nghĩa vụ quy định trong hợp đồng, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác;
+ Các quyền khác theo quy định của pháp luật.
- Bên nhận công nghệ có nghĩa vụ sau đây:
+ Thực hiện đúng cam kết trong hợp đồng; bồi thường thiệt hại cho bên giao công nghệ, bên thứ ba do vi phạm hợp đồng;
+ Giữ bí mật thông tin về công nghệ và thông tin khác trong quá trình đàm phán, ký kết, thực hiện hợp đồng chuyển giao công nghệ theo thỏa thuận;
+ Đề nghị cấp Giấy phép chuyển giao công nghệ trong trường hợp chuyển giao công nghệ hạn chế chuyển giao từ nước ngoài vào Việt Nam, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác;
+ Thực hiện nghĩa vụ về tài chính, nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
5. Có phải tất cả hợp đồng chuyển giao công nghệ đều bắt buộc phải đăng ký?
Câu hỏi: Công ty mình có dự định ký kết hợp đồng chuyển giao công nghệ với công ty đối tác. Cho mình hỏi: Có phải tất cả hợp đồng chuyển giao công nghệ đều bắt buộc phải đăng ký?
Trả lời:
Công ty chúng tôi cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:
Điều 31 Luật chuyển giao công nghệ năm 2017 (có hiệu lực từ ngày 01/07/2018) về Đăng ký chuyển giao công nghệ quy định như sau:
Hợp đồng chuyển giao công nghệ và phần chuyển giao công nghệ quy định tại khoản 2 Điều 5 của Luật này thuộc một trong những trường hợp sau đây phải đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ, trừ công nghệ hạn chế chuyển giao đã được cấp Giấy phép chuyển giao công nghệ:
- Chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam;
- Chuyển giao công nghệ từ Việt Nam ra nước ngoài;
- Chuyển giao công nghệ trong nước có sử dụng vốn nhà nước hoặc ngân sách nhà nước, trừ trường hợp đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ.
Do thông tin bạn cung cấp không rõ nêu chúng tôi sẽ chia ra 02 trường hợp để bạn tham khảo:
Trường hợp 01 : Nếu công nghệ bên bạn chuyển giao là công nghệ hạn chế chuyển giao đã được cấp Giấy phép chuyển giao công nghệ hoặc chuyển giao công nghệ trong nước không sử dụng vốn nhà nước, ngân sách nhà nước hoặc chuyển giao công nghệ trong nước có sử dụng vốn nhà nước, ngân sách nhà nước nhưng đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ thì bên bạn không cần phải đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước.
Trường hợp 02 : Nếu công nghệ bên bạn chuyển giao không phải là công nghệ hạn chế chuyển giao, bên bạn chuyển giao công nghệ từ Việt Nam ra nước ngoài hoặc chuyển giao công nghệ trong nước có sử dụng vốn nhà nước, ngân sách nhà nước thì bên bạn phải đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước.
6. Các đối tượng công nghệ nào được chuyển giao?
Câu hỏi: Mình là Dung, ở Hà Nội. Quý công ty cho mình hỏi: Những đối tượng công nghệ nào được chuyển giao theo quy định mới?
Trả lời:
Công ty chúng tôi cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:
Điều 4 Luật Chuyển giao công nghệ năm 2017 có quy định về đối tượng công nghệ được chuyển giao như sau:
“1. Công nghệ được chuyển giao là một hoặc các đối tượng sau đây:
a) Bí quyết kỹ thuật, bí quyết công nghệ;
b) Phương án, quy trình công nghệ; giải pháp, thông số, bản vẽ, sơ đồ kỹ thuật; công thức, phần mềm máy tính, thông tin dữ liệu;
c) Giải pháp hợp lý hóa sản xuất, đổi mới công nghệ;
d) Máy móc, thiết bị đi kèm một trong các đối tượng quy định tại các điểm a, b và c khoản này.
2. Trường hợp đối tượng công nghệ quy định tại khoản 1 Điều này được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ thì việc chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ được thực hiện theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ”.
Như vậy, căn cứ theo quy định trên thì công nghệ được chuyển giao là: Bí quyết kỹ thuật, bí quyết công nghệ; phương án, quy trình công nghệ; giải pháp, thông số, bản vẽ, sơ đồ kỹ thuật; công thức, phần mềm máy tính, thông tin dữ liệu; giải pháp hợp lý hóa sản xuất, đổi mới công nghệ; …
7. Các hình thức chuyển giao công nghệ tại Việt Nam
Câu hỏi: Quý công ty cho tôi hỏi: Ở Việt Nam, có bao nhiêu hình thức chuyển giao công nghệ?
Trả lời:
Công ty chúng tôi cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:
Chuyển giao công nghệ là chuyển nhượng quyền sở hữu công nghệ hoặc chuyển giao quyền sử dụng công nghệ từ bên có quyền chuyển giao công nghệ sang bên nhận công nghệ. Theo quy định tại Điều 5 Luật Chuyển giao công nghệ năm 2017 thì chuyển giao công nghệ có các hình thức sau:
1. Chuyển giao công nghệ độc lập.
2. Phần chuyển giao công nghệ trong trường hợp sau đây:
a) Dự án đầu tư;
b) Góp vốn bằng công nghệ;
c) Nhượng quyền thương mại;
d) Chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ;
đ) Mua, bán máy móc, thiết bị quy định tại điểm d khoản 1 Điều 4 của Luật này.
3. Chuyển giao công nghệ bằng hình thức khác theo quy định của pháp luật.
8. Những công nghệ nào được khuyến khích chuyển giao?
Câu hỏi: Mình là Hà Anh, ở Hà Nội. Cho mình hỏi: Theo quy định mới, những công nghệ nào được khuyến khích chuyển giao?
Trả lời:
Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:
Điều 9 Luật Chuyển giao công nghệ năm 2017 có quy định về công nghệ khuyến khích chuyển giao, theo đó:
- Công nghệ cao; máy móc, thiết bị đi kèm công nghệ cao được khuyến khích chuyển giao theo pháp luật về công nghệ cao.
- Công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ sạch phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam được khuyến khích chuyển giao từ nước ngoài vào Việt Nam, chuyển giao trong nước khi đáp ứng một trong các yêu cầu sau đây:
+ Tạo ra sản phẩm có chất lượng, có khả năng cạnh tranh cao hơn so với sản phẩm được tạo ra từ công nghệ cùng loại hiện có;
+ Tạo ra sản phẩm quốc gia, trọng điểm, chủ lực từ kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong nước;
+ Tạo ra dịch vụ, ngành, nghề sản xuất, chế tạo, chế biến sản phẩm mới; nuôi, trồng giống mới đã qua kiểm nghiệm;
+ Tiết kiệm tài nguyên, năng lượng, nguyên liệu so với công nghệ cùng loại hiện có ở Việt Nam;
+ Sản xuất, sử dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo; lưu trữ năng lượng hiệu suất cao;
+ Tạo ra máy móc, thiết bị nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo; máy móc, thiết bị y tế, dược phẩm phục vụ khám, điều trị, bảo vệ sức khỏe con người, nâng cao chất lượng thể chất người Việt Nam;
+ Phát hiện, xử lý, dự báo để phòng chống thiên tai, dịch bệnh; cứu hộ, cứu nạn; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính;
+ Sản xuất đồng bộ theo chuỗi có hiệu quả kinh tế - xã hội cao;
+ Tạo ra sản phẩm sử dụng đồng thời cho quốc phòng, an ninh và dân dụng;
+ Phát triển, hiện đại hóa nghề thủ công truyền thống.
9. Công nghệ cấm chuyển giao theo quy định mới
Câu hỏi:
Theo Luật chuyển giao công nghệ mới nhất, những công nghệ nào bị cấm chuyển giao?
Trả lời:
Công ty chúng tôi cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:
Điều 11 Luật chuyển giao công nghệ năm 2017 có quy định về công nghệ cấm chuyển giao, theo đó:
- Cấm chuyển giao từ nước ngoài vào Việt Nam và chuyển giao trong nước công nghệ sau đây:
+ Không đáp ứng quy định của pháp luật về an toàn lao động, vệ sinh lao động, bảo đảm sức khỏe con người, bảo vệ tài nguyên, môi trường và đa dạng sinh học;
+ Tạo ra sản phẩm gây hậu quả xấu đến phát triển kinh tế - xã hội; ảnh hưởng xấu đến quốc phòng, an ninh, trật tự và an toàn xã hội;
+ Công nghệ; máy móc, thiết bị kèm theo công nghệ không còn sử dụng phổ biến và chuyển giao ở các quốc gia đang phát triển và không đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia;
+ Công nghệ sử dụng hóa chất độc hại hoặc phát sinh chất thải không đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường;
+ Sử dụng chất phóng xạ, tạo ra chất phóng xạ không đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.
- Cấm chuyển giao từ Việt Nam ra nước ngoài công nghệ thuộc Danh mục bí mật nhà nước, trừ trường hợp luật khác cho phép chuyển giao.
10. Quyền và nghĩa vụ của bên giao công nghê theo quy định của Luật chuyển giao công nghệ năm 2017
Câu hỏi:
Bên mình đang muốn chuyển giao một công nghệ bên mình. Cho mình hỏi: Bên mình có được thuê tổ chức thực hiện dịch vụ chuyển giao công nghệ không?
Trả lời:
Công ty chúng tôi cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:
Điều 25 Luật chuyển giao công nghệ năm 2017 có quy định về quyền và nghĩa vụ của bên giao công nghệ, theo đó bên giao công nghệ sẽ có các quyền sau đây:
“a) Yêu cầu bên nhận công nghệ thực hiện đúng cam kết trong hợp đồng;
b) Được thanh toán đầy đủ và hưởng quyền, lợi ích khác theo thỏa thuận trong hợp đồng;
c) Được thuê tổ chức, cá nhân thực hiện dịch vụ chuyển giao công nghệ theo quy định của pháp luật;
d) Yêu cầu cơ quan có thẩm quyền bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp liên quan đến công nghệ được chuyển giao;
đ) Yêu cầu bên nhận công nghệ áp dụng biện pháp khắc phục, bồi thường thiệt hại trong trường hợp bên nhận công nghệ không thực hiện đúng nghĩa vụ quy định trong hợp đồng, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác;
e) Các quyền khác theo quy định của pháp luật ...”.
Như vậy, theo quy định tại Điểm c Khoản 1 của Điều này thì bên bạn hoàn toàn có thể thuê tổ chức thực hiện dịch vụ chuyển giao công nghệ.
Bên cạnh về quyền, Điều 25 Luật này cũng quy định nghĩa vụ của bên giao công nghệ như sau:
- Bảo đảm quyền chuyển giao công nghệ là hợp pháp và không bị hạn chế bởi bên thứ ba, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác;
- Thực hiện đúng cam kết trong hợp đồng; bồi thường thiệt hại cho bên nhận công nghệ, bên thứ ba do vi phạm hợp đồng;
- Giữ bí mật thông tin về công nghệ và thông tin khác trong quá trình đàm phán, ký kết, thực hiện hợp đồng chuyển giao công nghệ theo thỏa thuận;
- Thông báo cho bên nhận công nghệ và thực hiện các biện pháp thích hợp khi phát hiện có khó khăn về kỹ thuật của công nghệ được chuyển giao làm cho kết quả chuyển giao công nghệ có khả năng không đúng cam kết trong hợp đồng;
- Đề nghị cấp Giấy phép chuyển giao công nghệ trong trường hợp chuyển giao công nghệ hạn chế chuyển giao từ Việt Nam ra nước ngoài, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác;
- Thực hiện nghĩa vụ về tài chính, nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.