Chuyển giao công nghệ là một phần quan trọng của quá trình đổi mới công nghệ, thúc đẩy nghiên cứu khoa học và công nghệ, các kỹ năng và thủ tục liên quan đến xã hội và thị trường rộng lớn hơn.
Câu hỏi: Công ty mình muốn chuyển giao công nghệ, tuy nhiên chưa hiểu rõ về đối tượng, hình thức, phương thức chuyển giao. Mong Quý công ty tư vấn cụ thể giúp mình.
Luật sư trả lời:
Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi, liên quan đến yêu cầu của bạn, tôi xin tư vấn cho bạn như sau:
Khái niệm
Công nghệ là một đầu vào cần thiết cho sản xuất, vì vậy, nó được mua - bán trên thị trường như một hàng hóa. Công nghệ là tập hợp các kiến thức về một qui trình hoặc các kĩ thuật chế biến cần thiết để sản xuất ra các sản phẩm công nghiệp hoàn chỉnh.
Theo Điều 2 Luật Chuyển giao công nghệ sửa đổi năm 2017:
Công nghệ là giải pháp, quy trình, bí quyết kỹ thuật có kèm hoặc không kèm công cụ, phương tiện dùng để biến đổi nguồn lực thành sản phẩm.
Chuyển giao công nghệ là chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng một phần hoặc toàn bộ công nghệ từ bên có quyền chuyển giao công nghệ sang bên nhận công nghệ.
Phạm vi quyền chuyển giao công nghệ
Theo Điều 7 Luật Chuyển giao công nghệ năm 2017:
+ Chủ sở hữu công nghệ có quyền chuyển nhượng quyền sở hữu, chuyển giao quyền sử dụng công nghệ.
+ Tổ chức, cá nhân có quyền sử dụng công nghệ được chuyển giao quyền sử dụng công nghệ đó cho tổ chức, cá nhân khác khi chủ sở hữu công nghệ đồng ý.
+ Phạm vi chuyển giao quyền sử dụng công nghệ do các bên thỏa thuận bao gồm:
· Độc quyền hoặc không độc quyền sử dụng công nghệ;
· Quyền chuyển giao tiếp quyền sử dụng công nghệ của bên nhận chuyển giao cho bên thứ ba.
Đối tượng công nghệ được chuyển giao
Theo Điều 4 Luật Chuyển giao công nghệ năm 2017, đối tượng chuyển giao được quy định gồm:
+ Công nghệ được chuyển giao là một hoặc các đối tượng sau đây:
a) Bí quyết kỹ thuật, bí quyết công nghệ;
b) Phương án, quy trình công nghệ; giải pháp, thông số, bản vẽ, sơ đồ kỹ thuật; công thức, phần mềm máy tính, thông tin dữ liệu;
c) Giải pháp hợp lý hóa sản xuất, đổi mới công nghệ;
d) Máy móc, thiết bị đi kèm một trong các đối tượng quy định tại các điểm a, b và c khoản này.
+ Trường hợp đối tượng công nghệ quy định tại khoản 1 Điều này được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ thì việc chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ được thực hiện theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ.
Hình thức chuyển giao công nghệ
- Theo Điều 5 Luật Chuyển giao công nghệ năm 2017
+ Chuyển giao công nghệ độc lập.
+ Phần chuyển giao công nghệ trong trường hợp sau đây:
a) Dự án đầu tư;
b) Góp vốn bằng công nghệ;
c) Nhượng quyền thương mại;
d) Chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ;
đ) Mua, bán máy móc, thiết bị quy định tại điểm d khoản 1 Điều 4 của Luật này.
+ Chuyển giao công nghệ bằng hình thức khác theo quy định của pháp luật.
+ Việc chuyển giao công nghệ quy định tại khoản 1 và điểm b khoản 2 Điều này phải được lập thành hợp đồng; việc chuyển giao công nghệ tại các điểm a, c, d và đ khoản 2 và khoản 3 Điều này được thể hiện dưới hình thức hợp đồng hoặc điều, khoản, phụ lục của hợp đồng hoặc của hồ sơ dự án đầu tư có các nội dung quy định tại Điều 23 của Luật này.
Phương thức chuyển giao công nghệ
Điều 6 Luật Chuyển giao công nghệ năm 2017 có quy định về các phương thức CGCN gồm:
1. Chuyển giao tài liệu về công nghệ.
2. Đào tạo cho bên nhận công nghệ nắm vững và làm chủ công nghệ trong thời hạn thỏa thuận.
3. Cử chuyên gia tư vấn kỹ thuật cho bên nhận công nghệ đưa công nghệ vào ứng dụng, vận hành để đạt được các chỉ tiêu về chất lượng sản phẩm, tiến độ theo thỏa thuận.
4. Chuyển giao máy móc, thiết bị kèm theo công nghệ quy định tại điểm d khoản 1 Điều 4 của Luật này kèm theo các phương thức quy định tại Điều này.
5. Phương thức chuyển giao khác do các bên thỏa thuận.
» Quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng chuyển giao công nghệ