Phan Đình Phương "Lão gàn" nhận bằng sáng chế Mỹ bên thùng bia

[Baohothuonghieu.com] - Ăn cơm hộp, đi xe máy tàng tàng, đêm xuống trải chiếu ngủ văn phòng... đấy là cuộc đời thực của một nhà sáng chế được thế giới khâm phục.

Nhiều năm liền, ông Phan Đình Phương (62 tuổi, quê Quảng Trị, ngụ quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng) đều bị thiên hạ cho rằng "có vấn đề về thần kinh" khi đánh đổi cả gia tài để sống trọn niềm đam mê với những sáng chế gắn liền với tưởng tượng, bay bổng. Nhưng dần dà những công trình như sáng kiến ướp tinh động vật; tạo A-xê-ti-len từ đá vôi và than dùng để hàn kim loại, rồi đến máy thu hồi khí xăng; đặc biệt chiếc máy chữa cháy đa năng được Cơ quan phát minh sáng chế Hoa Kỳ cấp bằng độc quyền... đã khiến quan niệm về ông thay đổi.

"Nghề chọn người"

Có thể tóm tắt sơ lược về "động lực" đã thúc đẩy ông Phương quyết tâm sống trọn với niềm đam mê của mình là bởi ông đã lỗi hẹn không đi trọn con đường học vấn của mình. Năm 1972, đang làm luận văn tốt nghiệp Khoa Hóa Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, ông xếp bút nghiên lên đường vào chiến trường. Khi ấy Quảng Trị quê ông chìm trong khói lửa và ông được điều về mặt trận Khe Sanh. "Giữa khói lửa chiến tranh ác liệt, giữa ranh giới sống chết, tôi đã tự nhủ với lòng, nếu còn sống trở về ngày hòa bình, tôi sẽ dành trọn cuộc đời cho sáng tạo, niềm đam mê ấp ủ mà tôi đã theo đuổi nhưng chưa lấy được tấm bằng", ông trải lòng.

Hòa bình lập lại, ông được phân công về Bộ Tư lệnh Phòng không không quân (Bộ Quốc phòng), phụ trách khâu chất lượng xăng dầu máy bay chuyên cơ A, đúng như chuyên ngành học. Lúc đó máy bay của miền Bắc dùng một loại xăng và máy bay chiến lợi phẩm của chính quyền Sài Gòn lại dùng một loại xăng khác. Vì vậy mỗi lần bay từ Hà Nội vào Tp HCM, người ta lại phải chở xăng bằng đường bộ vào để máy bay có xăng trở ra, cực kỳ rất bất tiện. Trước đòi hỏi thực tế, ông đã pha chế thành công nhiên liệu xăng dùng cho cả hai loại máy bay, đưa vào sử dụng thành công.

Năm 1977 ông được điều về làm việc tại Nhà máy dưỡng khí Đà Nẵng. Bảy năm làm việc tại đây, ông đã chế nhiều sáng kiến hữu ích như phương pháp ướp tinh động vật bằng ni-tơ lỏng, khiến tinh bò như đông cứng lại, chết lâm sàng, có thể để trăm năm và mang đi khắp thế giới. Kế tiếp ông làm ra A-xê-ti-len từ đá vôi và than, dùng để hàn kim loại.

Năm 1984, ông Phương được chuyển về công tác tại Kho xăng dầu KV5. Khi thấy hiện tượng nhớt gặp nước mưa sẽ bị nhũ hóa, màu đục như sữa, không thể sử dụng, rất lãng phí, ông nghĩ ra phương pháp tách nước khỏi nhớt để có thể sử dụng lại bình thường. Sáng kiến này được áp dụng tại kho xăng dầu KV5, được Viện nghiên cứu hóa học dầu mỏ của Liên Xô mời sang báo cáo khoa học.

Song song với thời gian công tác tại đây, ông nhận thấy, cứ bơm 100 tấn nhiên liệu sẽ bốc hơi mất 1,5 tấn, không khí toàn bộ khu vực bị ô nhiễm, công nhân ngột thở... nên ông sáng chế ra cách "tóm" khí cho vào bình. Sau đó ông lại tiếp tục mất ăn, mất ngủ để ép khí xăng nhẹ tựa khí ga có thể dùng chạy xe máy, ô tô ngưng tụ thành từng giọt. Khi đổ vào xe máy, nghe tiếng máy nổ giòn tan, ông mừng muốn rơi nước mắt. Với những sáng chế mang đậm hơi thở cuộc sống, đóng góp thiết thực cho xã hội, ông xứng đáng được gọi là nhà khoa học.

Thế nhưng khi ai đó gọi như vậy, ông ngượng ngùng: "Nhà khoa học phải có kiến thức hệ thống còn tôi chỉ chắp vá, nhặt nhạnh từ cuộc sống. Ai như tui.."

Nhà sáng chế không nhà bên máy chữa cháy
Nhà sáng chế không nhà bên máy chữa cháy

Sáng chế vươn tầm thế giới

Có thể nói có lúc chỉ cần... tưởng tượng là ông Phương có thể sáng chế. Nghĩ về hình ảnh chị lao công hằng đêm quét rác trong những câu thơ của nhà thơ Tố Hữu, ông cho ra đời chiếc máy hút rác đa năng: Hút cả rác, bụi, bùn; hút đinh của đinh tặc; hút lúa, ngô, sắn, cà phê tùy theo yêu cầu... Chưa để thiên hạ kịp thán phục với kỳ tích này, thì từ những nỗi đau, sự hủy hoại khủng khiếp của "giặc" lửa, ông lao vào làm máy chữa cháy. Cái máy đã "đốt" nhẵn của ông cả một gia tài, nhưng chính nó đã đem đến cho ông sự khâm phục của thế giới.

Ông Phương kể, ý tưởng này đã "thai nghén" trong ông hơn 15 năm trời khi nhìn thấy một cái chợ bị cháy, chỉ trong giây lát, hàng trăm tiểu thương sạt nghiệp, cuộc sống lâm vào khốn khó. Ông bắt tay vào nghiên cứu và tự đặt mục tiêu cho bản thân đây là công trình "để đời". Nguyên lý chế tạo máy được ông vô tình phát hiện trong một lần uống bia: Khí CO2 đã bị ép vào nước, không tồn tại thể tích, nếu lon một lít thì thu về một lít bia nhưng lại có bọt lớn gấp 3 lần bia thoát ra. Mà bọt là thứ chữa cháy hiệu quả nhất nên ông nghĩ ra cách làm lạnh bình chứa nước để ép CO2 xuống, khi máy hoạt động sẽ phun một lượng bọt lớn gấp nhiều lần nước để chữa cháy. Bọt lại nhẹ nên có thể bay cao, xa, chữa cháy hiệu quả với các tòa cao ốc.

Chiếc máy chữa cháy hiện tại của ông là thế hệ thứ tư với "bốn không" và "bốn được": Bốn không là không cần bơm nước, không cần điện, không cần máy nổ và không ngủ (luôn tự động chữa cháy 24/24h); Bốn được là chữa được cho chất lỏng, chất khí (gas), chất rắn và điện. Một lít nước hầu như không chữa được một đám cháy, nhưng cái máy này có thể chuyển một lít nước thành 1,5 ngàn lít hơi nước chỉ trong tích tắc.

Với sản phẩm này, ông là người Việt Nam đầu tiên được Cơ quan phát minh sáng chế Hoa Kỳ cấp bằng độc quyền. Năm 2008, các giải pháp của máy đã được Nhà nước xây dựng thành tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy Quốc gia, Bộ Trưởng Bộ KH&CN cũng đã đưa vào chương trình trọng điểm quốc gia về KHCN năm 2012 và sẽ lắp đặt cho nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận. Đặc biệt, Cơ quan Sở hữu Trí tuệ Thế giới WIPO đã xét nghiệm công bố giải pháp này đạt tính mới Thế giới và nhận được sự đồng thuận của 147 nước.

Tỉ phú ...vô gia cư

Thời điểm lao vào sáng chế máy chữa cháy, ông Phương đang là Phó Giám đốc Cty gas Petrolimex Đà Nẵng, có nhà cao cửa rộng, xe hơi, xe đầu kéo... Nhưng khi làm máy chữa cháy, lần lượt sổ đỏ, xe hơi được ông đem cầm cố Ngân hàng và trở thành "mối quen" cho tới lúc phải bán nhà, bán xe.

Điều ngạc nhiên khi ông có hàng chục mang tầm thế giới nhưng ông vẫn là người vô gia cư, không hơn không kém. Trước đây Công ty thuê căn nhà cấp bốn giá 3 triệu đồng/tháng làm trụ sở, nhưng ọp ẹp quá ông bấm bụng thuê một căn phòng tại tòa nhà SPT. Phòng của ông chỉ vài mét vuông vừa làm nơi giao dịch tiếp khách, cũng là nơi ăn, ngủ, nơi những sáng chế bùng phát và thăng hoa. Ăn cơm hộp, đi xe máy tàng tàng, đêm xuống trải chiếu ngủ văn phòng... đấy là cuộc đời thực của một nhà sáng chế được thế giới khâm phục. Ông nói: "Tôi ít ngủ lắm, mỗi ngày 16-17 tiếng dành suy nghĩ cho sáng chế. Nhắm mắt là ngủ. Mà ngủ ở đâu thì cũng chỉ là "ngả lưng nhờ thế gian"".
Thật ra những hợp đồng sáng chế luôn mang về tiền tỉ, nhưng số tiền thu được có cái vài tỉ, có cái gần cả chục tỉ... thì ngoài trả chi phí vật liệu, nhân công, lãi ngân hàng, phí đăng ký sáng chế, ông lại đổ hết vào... sáng chế khác. Lo tạo việc làm cho nhân công, lo những sáng chế đem lại an sinh cho mọi người, đấy là điều ông trăn trở chứ không phải lo cho bản thân. Ông tâm sự cứ như một người luôn "treo ngược cành cây": "Tôi sống thế này cũng là đủ. Một chỗ ăn, một chỗ ngủ, một việc làm yêu thích. Quan trọng mình đã làm được điều cuộc sống đang cần. Khi ở chiến trường, giữa ranh giới mong manh, được sống đã là hạnh phúc rồi, mơ gì tới giàu sang?".

Hiện ông Phương đang ấp ủ dự định "gom" máy hút rác và chữa cháy vào một. Khi máy hút rác hoạt động trên đường, nhận được lệnh cháy ở bất cứ điểm nào, ngay lập tức máy gần khu vực cháy sẽ "chuyển hướng" và thực hiện việc chữa cháy với tốc độ siêu nhanh. Máy hút rác và chữa cháy có diện tích nhỏ, có thể chui vào các ngõ ngách rất nhanh khi mà xe chữa cháy chưa tới kịp hoặc không vào được. Được biết, một tập đoàn nước ngoài khi nghe được thông tin này trên mạng đã nhanh chân ký một hợp đồng nhờ lắp đặt hệ thống "2 trong một" này trụ sở một công ty của họ tại Lâm Đồng vào cuối năm nay.

Theo Đời sống& Pháp luật

SBLAW tư vấn về bảo hộ thương hiệu và các tài sản trí tuệ khác một cách nhanh chóng, chính xác và hiệu quả:
Quý khách cần sử dụng dịch vụ bảo hộ tài sản trí tuệ, vui lòng liên hệ trực tiếp đến.
  • Điện thoại - Chat Zalo
  • Email address
Tin tức liên quan

SOS bản quyền nhạc Trịnh!

Theo cảm nhận của nhạc sĩ Phó Đức Phương, bản quyền nhạc Trịnh một năm có thể lên tới hàng tỉ đồng, đạt mức thu