Quốc hội tranh luận về bản quyền phần mềm

Quốc hội tranh luận về bản quyền phần mềm

Có hai luồng ý kiến trái ngược về cơ quan nào quản lý NN về bản quyền phần mềm, coi phần mềm như tác phẩm viết tại buổi thảo luận của Quốc hội. Sáng ngày 1/6/2009, Quốc hội đã thảo luận tại Hội trường về dự án sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.

Mặc dù không có trong nội dung được gợi ý thảo luận nhưng qua ý kiến của đại biểu Quốc hội về các vấn đề liên quan đến bản quyền phần mềm cho thấy việc dự án Luật sửa đổi,

bổ sung một số điều của Luật SHTT không “đụng chạm” đến phần mềm là một khiếm khuyết lớn.

Phải "cởi trói" cho bản quyền phần mềm

Ông Đặng Vũ Minh, đại biểu tỉnh Tây Ninh đã chỉ ra sự bất cập của việc bảo hộ chương trình máy tính như tác phẩm viết. Theo ông Minh, có phần mềm có hàng nghìn người tham gia cùng viết và theo quy định của luật thì phải ghi đầy đủ tên hàng nghìn người đó vào giấy chứng nhận bản quyền phần mềm – điều mà thực tế chưa bao giờ được thực hiện. Ông Minh cho rằng không thực tế nếu quyền tác giả phần mềm máy tính được bảo hộ như quyền tác phẩm viết vì công ty chủ sở hữu phần mềm muốn sửa đổi, nâng cấp phần mềm phải đi hỏi ý kiến từng tác giả của nó.

Về vấn đề này, có độc giả đã phản hồi tới ICTnews rằng khi luật định những lập trình viên được thuê soạn thảo phần mềm ứng dụng thì lại có quyền sở hữu đối với phần mềm đó, thì không công ty nước ngoài nào sẽ ký hợp đồng gia công phát triển phần mềm với công ty trong nước. Đây là một báo động cho các công ty phát triển phần mềm gia công ở Việt Nam.

Theo ông Minh, nên giao cho Bộ Thông tin và Truyền thông dự thảo, tách ra một điều riêng, quy định về sản phẩm phầm mềm và dữ liệu số để góp phần trong việc thúc đẩy lĩnh vực công nghệ thông tin phát triển.

Đồng tình với ý kiến của ông Minh, ông Nguyễn Trung Nhân, đại biểu TP.Cần Thơ nói quy định bảo hộ chương trình máy tính như tác phẩm viết “cần nghiên cứu lại”, trong đó có quy định không cho phép tác giả phần mềm máy tính là một pháp nhân. Ngoài ra, cần phải mở rộng nội dung về chương trình máy tính vì hiện nay nó không đại diện cho tất cả các sản phẩm phần mềm gồm phần mềm máy tính, phần mềm điện thoại, chương trình điều khiển robot…

Ông Nguyễn Việt Dũng, đại biểu TP.HCM cũng dành khá nhiều thời gian giải thích về tính bất khả thi khi quy định sản phẩm phần mềm, ký tự máy tính như là một tác phẩm văn học. Ông đề nghị bổ sung công nhận quyền được đăng ký sở hữu bản quyền phần mềm là một pháp nhân, không riêng là một cá nhân.

Liên quan đến vấn đề này, chỉ có đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) nói đây là quy định trong điều 10 Hiệp định TRIPS nên không thể thay đổi. Ông giải thích rõ hơn nếu như tác giả phần mềm làm theo đơn đặt hàng thì quyền sở hữu là người đặt hàng song tác giả vẫn có hai quyền nhân thân là quyền ghi tên và quyền can thiệp để cho không ai làm méo mó tác phẩm của mình. Tuy nhiên, ông Thuyết không có lý giải cho vấn đề bất cập hiện nay của ngành phần mềm là lập trình viên có quyền nhân thân đối với phần mềm họ tham gia viết như các đại biểu đã đặt ra trước đó.

Về phạt vi phạm bản quyền phần mềm, có đại biểu cho rằng mức phạt tối đa 500 triệu đồng là không đủ sức răn đe (đại biểu Trần Thị Quốc Khánh, Hà Nội), song cũng có ý kiến đề nghị mức xử phạt 50 triệu đồng – 500 triệu đồng và thậm chí gợi ý điều luật quốc tế còn xử lý hình sự đối với hành vi kinh doanh, buôn bán phần mềm lậu.

Cơ quan nào thực thi bảo vệ bản quyền phần mềm hơn?

Về cơ quan quản lý nhà nước về bản quyền phần mềm, chương trình thu tín hiệu vệ tinh, môi trường kỹ thuật số, đa số đại biểu cho rằng nên giao cho Bộ Thông tin và Truyền thông. Theo bà Trần Thị Quốc Khánh, như vậy là “tránh chồng chéo”. Còn đại biểu Trần Thị Hoa Ry (Bạc Liêu) nói: “Nếu chúng ta cứ tiếp tục để cho Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch quản lý Nhà nước về chương trình máy tính, sưu tập dữ liệu tôi e là không phù hợp. Bởi vì đây là chức năng của Bộ Thông tin và Truyền thông”. Đại biểu Nguyễn Trung Nhân cũng nêu hiện chức năng giữa hai Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã rõ ràng nên giao Bộ TT&TT quản lý NN về bản quyền phần mềm vì đồng thời giao trách nhiệm phải đi đôi với quyền hạn.

Ông Nguyễn Việt Dũng nói những hình thức vi phạm bản quyền trong lĩnh vực CNTT-TT và Internet xuất hiện dưới nhiều cách thức đa dạng và tinh vi. Do vậy, yêu cầu đối với cơ quan thực thi phải có chuyên môn cao trong lĩnh vực liên quan và thường xuyên được cập nhật thông tin, kiến thức và am hiểu trong lĩnh vực đó.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Minh Thuyết là ý kiến duy nhất khác với ý kiến các đại biểu nói trên, cho rằng nên cân nhắc việc giao quản lý nhà nước về phần mềm cho Bộ Thông tin và Truyền thông vì ở các nước phát triển chỉ có một cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ và nếu giao phần mềm máy tính cho Bộ Thông tin và Truyền thông thì có nghĩa nhãn hiệu hàng hóa phải giao cho Bộ Công thương, chỉ dẫn địa lý giao Bộ Tài nguyên, Môi trường… Do vậy, ông đề nghị giữ nguyên như dự thảo là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quản lý Nhà nước về bản quyền.

Sáng nay, đã có tất cả 24 ý kiến thảo luận về dự án luật này. Tuy nhiên, nhiều ý kiến tỏ ra chưa hài lòng với dự thảo với nhiều lý do khác nhau. Có ý kiến cho rằng Luật sửa đổi, bổ sung mới chỉ dưới nhãn quan của Ban soạn thảo, tức Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chứ chưa có cái nhìn tổng thể. Như đại biểu Nguyễn Văn Huy (Quảng Nam) nói còn hàng loạt điều cần sửa đổi, bổ sung nhưng chưa được phát hiện nhưng ngược lại, có những điều dự thảo luật vượt quá các cam kết quốc tế về sở hữu trí tuệ. Nhiều đại biểu cũng nêu thực tế Việt Nam là nước nhập khẩu trí tuệ hơn là xuất khẩu nên Luật SHTT sửa đổi vừa phải bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ nhưng phải có lợi ích cho người dân.

Các ý kiến của đại biểu Quốc hội sẽ được Ban soạn thảo chỉnh sửa, tiếp thu. Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua vào ngày 19/6 tới.

Theo ICTNews

SBLAW tư vấn về bảo hộ thương hiệu và các tài sản trí tuệ khác một cách nhanh chóng, chính xác và hiệu quả:
Quý khách cần sử dụng dịch vụ bảo hộ tài sản trí tuệ, vui lòng liên hệ trực tiếp đến.
  • Điện thoại - Chat Zalo
  • Email address
Tin tức liên quan