Muốn lấy bản quyền, hãy đưa 3.000 chứng cứ trong 13 ngày!

Cục bản quyền tác giả Việt Nam sau khi bị dọa kiện ra tòa, đã hạn định cho các đơn vị khiếu nại phải cung cấp 3.000 chứng trong vòng 13 ngày!

25 đơn vị kinh doanh băng đĩa, chủ yếu trên địa bàn TP.HCM "dọa" nếu Cục bản quyền tác giả Việt Nam không xem xét việc hủy bản quyền 3.000 bài phối midi karaoke của công ty Maseco, họ sẽ kiện Cục bản quyền ra tòa hành chính.

Cục bản quyền trả lời rằng các đơn vị này hãy đưa ra chứng cứ trước ngày 20/1 thì "mới có thể xem xét".

Nếu không phân xử tác quyền, sẽ kiện luôn Cục bản quyền 

Vụ việc bắt đầu từ việc Công ty cổ phần dịch vụ Phú Nhuận (Maseco) kiện các doanh nghiệp kinh doanh băng đĩa khác đã vi phạm bản quyền bài phối midi karaoke của mình được Cục Bản quyền tác giả Việt Nam cấp từ năm 2007.

Hàng loạt các công ty trong ngành kinh doanh sản xuất bản ghi âm và dịch vụ liên quan như công ty dịch vụ sản xuất điện tử Cali, Trung tâm băng nhạc Bến Thành, Hãng phim Trẻ, công ty tổ chức biểu diễn Kim Lợi, v.v..., đã lên tiếng phản đối việc làm này của Maseco bằng cách đồng loạt gửi kiến nghị lên Bộ VH-TT-DL, Cục Bản quyền tác giả Việt Nam. Họ đề nghị Cục Bản quyền xem xét việc hủy bỏ giấy chứng nhận đăng ký bản quyền 3.000 bài phối âm midi karaoke của Maseco và tác giả Trần Việt Hùng.





Con dấu, chữ ký của 25 đơn vị kinh doanh băng đĩa và 16 nhạc sĩ trong những bản kiến nghị.

Theo các công ty, Maseco đã dựa trên chứng nhận thiếu cơ sở chứng minh quyền sở hữu của mình để đi kiện các đơn vị cùng ngành là điều phi lý: "Cục bản quyền thản nhiên cấp giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả bài phối cho riêng một doanh nghiệp để doanh nghiệp này khởi kiện tất cả các doanh nghiệp cùng ngành là điều không thể chấp nhận, chưa hề có tiền lệ trong luật pháp bất kỳ quốc gia nào".

16 nhạc sĩ như Đức Trí, Tuấn Khanh, Việt Anh, Quốc Dũng, Võ Thiện Thanh, Trần Thanh Tùng... cũng gửi kiến nghị phản đối rằng "thực chất các bản phối âm midi karaoke là bản phái sinh từ các bản hòa âm do chúng tôi là người sáng tạo ra". Các nhạc sĩ khẳng định chưa hề chấp nhận cho Maseco sử dụng các bản hòa âm phối khí, cũng chưa ủy quyền cho Maseco đăng ký sở hữu trí tuệ các bản phối âm: "Việc làm này của công ty Maseco là hành động tiếm quyền".

Những người khiếu nại gay gắt: "Nếu Cục tiếp tục làm ngơ trước các kiến nghị này, tập thể doanh nghiệp chúng tôi không còn lựa chọn nào khác là cùng thống nhất quyền hợp pháp của mình để khởi kiện Cục bản quyền tác giả ra tòa hành chính trong thời gian tới".

Cung cấp chứng cứ 3.000 bản phối âm trong 13 ngày!

Sau khi nhận kiến nghị tập thể của 25 doanh nghiệp cùng 16 nhạc sĩ hòa âm là đại diện quyền nhân thân của các bản phối âm, Cục Bản quyền tác giả Việt Nam đã có văn bản trả lời vào ngày 06/01/2010.

Cục Bản quyền khẳng định việc tiếp nhận, thụ lý hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả bài phối âm các tác phẩm âm nhạc trong chương trình ca nhạc karaoke vi tính Maseco midi vision của Maseco là đúng quy định của pháp luật về trình tự và thủ tục.





Đăng ký bản quyền bài phối âm midi karaoke chưa có tiền lệ tại Việt Nam.

Cục Bản quyền cho biết trong hồ sơ xin cấp bản quyền có văn bản cam kết tự làm bài phối âm của ông Trần Việt Hùng, cũng như bản cam kết của Maseco là đã xin phép và trả nhuận bút cho các tác giả có bài hát được phối âm sử dụng trong chương trình ca nhạc karaoke vi tính Maseco midi vision.

Cục Bản quyền dẫn luật Sở hữu trí tuệ rằng “tổ chức, cá nhân đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả không có nghĩa vụ chứng minh quyền tác giả thuộc về mình khi có tranh chấp, trừ trường hợp có chứng cứ ngược lại”, để nói rõ thêm về việc cấp bản quyền cho Maseco.

Trong văn bản trả lời, Cục Bản quyền khẳng định mình đủ thẩm quyền để ra quyết định hủy bỏ hiệu lực đối với giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả đã cấp cho Maseco, nếu phát hiện các bài phối do ông Trần Việt Hùng sao chép của các tác giả khác đúng như khiếu nại của 25 công ty và 16 nhạc sĩ.

Tuy nhiên, Cục Bản quyền lại hạn cho các đơn vị khiếu nại phải cung cấp danh mục, bản ghi các bài phối âm của tác giả bị vi phạm và tài liệu liên quan trước ngày 20/1 thì "mới xem xét trả lời đơn thư theo đúng quy định của pháp luật". Theo những người trong cuộc thì thời gian để tập hợp đầy đủ 3.000 bài phối và kiểm tra xét duyệt mất ít nhất phải... 6 năm. Hạn định mà Cục Bản quyền đưa ra cho các doanh nghiệp thực hiện là không khả thi.

Ngoài việc Maseco đăng ký tác quyền bài phối âm, trên thực tế, việc cấp bản quyền cho loại sản phẩm này chưa có tiền lệ tại Việt Nam.

Nắm quyền cấp bản quyền nhưng Cục Bản quyền tác giả lại bị dọa kiện về... bản quyền, nếu không xử lý rốt ráo vụ việc. Thực tế này cho thấy tuy Luật sở hữu trí tuệ đã ban hành khá lâu, nhưng tình hình thực thi tác quyền tác giả tại Việt Nam còn lắm ngổn ngang.

Nguồn "VietNamNet"

SBLAW tư vấn về bảo hộ thương hiệu và các tài sản trí tuệ khác một cách nhanh chóng, chính xác và hiệu quả:
Quý khách cần sử dụng dịch vụ bảo hộ tài sản trí tuệ, vui lòng liên hệ trực tiếp đến.
  • Điện thoại - Chat Zalo
  • Email address
Tin tức liên quan