Luật sư Thanh Hà trả lời phóng viên ANTV về tình trạng hàng giả
Luật sư Thanh Hà trả lời phóng viên ANTV về tình trạng hàng giả
Trong khuôn khổ Triển lãm “Hàng thật – Hàng giả năm 2013” được tổ chức bởi Cục Quản Lý Thị Trường, Bộ Công Thương tại Hà Nội từ ngày 16 tháng 10 đến 20 tháng 10 năm 2013, luật sư Nguyễn Thanh Hà đã trao đổi với phóng viên truyền hình ANTV về vấn đề hàng giả hiện nay.
Luật sư Nguyễn Thanh Hà đã đưa ra những con số liên quan tới việc vi phạm sở hữu trí tuệ và tình hình hàng giả trên thị trường.
Ngoài ra, luật sư Hà còn phân tích về những nguyên nhân của tình trạng hàng giả, hàng nhái trên thi trường đồng thời cũng kiến nghị những biện pháp để giảm tình trạng nêu trên.
Chúng tôi trân trọng giới thiệu một số nội dung của bài phỏng vấn:
Tình hình xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hiện nay vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp. Theo thống kê của Thanh tra Bộ khoa học và công nghệ công bố tại hội thảo sở hữu trí tuệ, cạnh tranh và thực thi quyền sở hữu trí tuệ: kinh nghiệm của Việt Nam, Lào và Cam-pu-chia diễn ra ngày 4-5/6/2013 tại Hà Nội thì trong năm 2012 các cơ quan chức năng đã phát hiện và xử lý khoảng 10.000 vụ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, trong đó đã khởi tố hình sự 66 vụ với 76 bị can, các vụ việc còn lại đều bị xử lý hành chính.
Với số lượng các vụ việc lớn như thế rõ ràng có thể thấy được phần nào quy mô, tính chất của các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hiện nay mặc dù các cơ quan chức năng đã có những nỗ lực để thực hiện các biện pháp phòng ngừa và ngăn chặn các hành vi xâm phạm nhằm bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ cũng như lợi ích của người tiêu dùng và toàn xã hội.
Hiện nay, để giải quyết các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, có một số biện pháp chính là biện pháp dân sự, biện pháp hành chính, biện pháp hình sự và kiểm soát biên giới. Tuy nhiên, việc xử lý các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực thi. Có nhiều nguyên nhân để dẫn đến vấn đề này.
Trả lời phóng viên ANTV về tình trạng hàng giả
Luật sư Nguyễn Thanh Hà đang trả lời phỏng vấn
Thư nhất: Xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là cách đơn giản nhất để có thể thu lại lợi nhuận cao với chi phí bỏ ra ít. Trong khi rất nhiều doanh nghiệp đầu tư thời gian, công sức, trí tuệ và tài chính để tạo ra các đối tượng quyền sở hữu trí tuệ thì các chủ thể thực hiện các hành vi xâm phạm quyền chỉ đơn giản là sao chép hoặc giả mạo các sản phẩm thu được từ quá trình trên với chi phí thấp nhất nhưng có thể bán với giá không hề thấp. Đặc biệt, đối với các mặt hàng có giá trị cao mang thương hiệu nổi tiếng thì khả năng thu lợi nhuận là rất lớn. Chính vì lợi nhuận lớn này đã khuyến khích các chủ thể thực hiện hành vi xâm phạm.
Thứ hai: Hiện có quá nhiều cơ quan có thẩm quyền tham gia vào việc xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, điều này dẫn đến sự chồng chéo về phạm vi, thẩm quyền của các cơ quan chức năng trong quá trình xử lý. Hơn nữa, hiện nay vẫn chưa xây dựng được một cơ chế phối hợp, cũng như cơ chế chia sẽ thông tin giữa các cơ quan chức năng với nhau, nên trên thực tế, hiệu quả của việc xử lý hành vi xâm phạm quyền vẫn chưa thực sự được như mục tiêu đặt ra của các cơ quan chức năng có thẩm quyền cũng như chủ thể quyền.
Thứ ba: Ý thức tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ của người tiêu dùng vẫn chưa được nâng cao. Do các sản phẩm vi phạm sở hữu trí tuệ thường được bán với giá rẻ hơn rất nhiều so với hàng thật, nên Người tiêu dùng thường ưu tiên sử dụng hàng xâm phạm hơn so với hàng thật, hàng chính hãng. Người tiêu dùng trong trường hợp này đã vô tình tiếp tay, cổ vũ cho các hành vi xâm phạm.
Thứ tư: Hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ thường là các hành vi cố ý, nên chủ thể thực hiện hành vi xâm phạm thường sử dụng nhiều thủ đoạn, cách thức để che dấu hành vi của mình, điều này khiến cho việc xử lý của các cơ quan chức năng càng gặp nhiều khó khăn.
Để có thể khắc phục được các khó khăn nêu trên, cần phải xem xét thực hiện các biện pháp sau đây:
Thực hiện việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về sở hữu trí tuệ để nâng cao nhận thức của Người tiêu dùng, chủ thể quyền sở hữu trí tuệ về ý nghĩa, giá trị của việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Chẳng hạn theo một nghiên cứu của liên minh các doanh nghiệp phần mềm (BSA) thì nếu tỷ lệ sử dụng phần mềm bản quyền tăng thêm 1% thì nền kinh tế của Việt Nam sẽ tăng thêm được 50 triệu USD. Hơn nữa, việc sử dụng các sản phẩm chính hãng sẽ đảm bảo bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của Người tiêu dùng.
Xây dựng cơ chế phối hợp, phân chia phạm vi, trách nhiệm quản lý, thanh tra, kiểm tra, tiến hành xử lý vi phạm giữa các cơ quan có thẩm quyền đặc biệt là giữa hai cơ quan chủ đạo trong việc xử lý xâm phạm là Thanh tra khoa học và công nghệ và cơ quan quản lý thị trường hoặc giữa Thanh tra khoa học và công nghệ với cơ quan đăng ký kinh doanh (để xử lý các hành vi xâm phạm liên quan đến tên doanh nghiệp) hoặc giữa thanh tra khoa học và công nghệ với thanh tra thông tin và truyền thông để xử lý các hành vi liên quan đến tên miền.
Đào tạo nâng cao năng lực, nghiệp vụ của các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xử lý vi phạm để đảm bảo xử lý được triệt để, đúng pháp luật các hành vi xâm phạm