Trong ngày 29/2, người dùng YouTube đã không thể truy cập vào kênh VTVgo của Đài Truyền hình Việt Nam. Theo Google, kênh này có thể đang bị tạm đóng để xem xét lại lỗi vi phạm.
Trong ngày 29/2, người dùng YouTube đã không thể truy cập vào kênh VTVgo của Đài Truyền hình Việt Nam...
VTV vi phạm bản quyền: Chuyện này có gì vui?
Gần chục năm nay theo đuổi mong muốn những vi phạm về bản quyền ở Việt Nam được xử lý để việc nghề được nhẹ nhàng. Ấy vậy nhìn cảnh kênh youtube VTVgo bị dừng do vi phạm bản quyền, một kết quả sau rất nhiều lần vi phạm của VTV mà sao thấy không vui.
Vạch áo cho người xem lưng
Có vẻ quá? Nhưng một việc đơn thuần thuộc về nội bộ giữa các bên tại Việt Nam, tuy nhiên, lại được "xử" bởi một "ông tây" thông qua thông báo ngắn: dừng do vi phạm bản quyền. Một kết luận không có giá trị pháp lý nhưng trong trường hợp này nó có sức nặng hơn bất kỳ phán quyết của một phiên toà nào. Nặng đến mức một kênh truyền hình quốc gia sau nhiều lần né tránh đã thừa nhận vi phạm bản quyền. Dư luận trong nước không đủ để VTV lên tiếng, nhưng một thao tác nhẹ của Youtube đã làm lộ rõ vấn đề. Vậy mới thấy sức ép từ các ông lớn. Nhưng xấu chàng hổ ai!!
Thói quen rồi sẽ thành thói hư
Ai dám chắc chắn rằng mình chưa hề copy, cut & paste giống như của VTV. Ngồi trong ghế nhà trường những việc đơn giản như đạo văn có bao giờ được đề cập đến? Tư duy dùng chùa đã vô tình len lỏi theo từ những thời xa như vậy nên không khó hiểu khi thấy hễ có cơ hội là việc dùng phần mềm không xin phép, vi phạm bản quyền diễn ra không một vết gợn. Khách quan mà nói thói quen này được phen gia tăng nhờ việc phần mềm của các ông lớn bị hacked một cách dễ dàng.
Vì vậy, không dễ để thay đổi một điều đã ăn vào máu thịt của cả một thế hệ. Tuyên truyền chỉ là muối bỏ bể. Trừ khi có bàn tay thép và trong thời gian tới khi hiệp định TPP đi vào thì đây sẽ là sức ép buộc các doanh nghiệp phải đổi thay. Liệu bao nhiêu doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ có khả năng để trang bị phần mềm? Khi đó các vi phạm thay vì bị xử lý hành chính là chủ yếu như bây giờ sẽ được đẩy sang hướng hình sự cũng như tăng mức phạt. Nếu như mức phạt đưa về mức tối đa 1 triệu đô thay vì 500 triệu như hiện nay thì hẳn là một thách thức với doanh nghiệp. Như trường hợp của VTV, mức phạt sẽ tăng lên nếu như trước đó VTV đã nhận được cảnh báo vi phạm nhưng bỏ qua. Tự dưng tôi lại mong TPP đến chậm thôi.
Ngây thơ trong biện pháp bảo vệ mình
Việc Youtube dừng hoạt động của kênh VTV trên Youtube được coi là hành động tự cứu mình phổ biến của Youtube. Họ không làm vậy thì sẽ là tự giết mình, kinh nghiệm bị phạt hàng triệu đô đã cho Youtube bài học đầy đủ. Youtube vốn dĩ nhận được rất nhiều cáo buộc về vi phạm bản quyền nhưng nhờ vào Đạo luật Bản quyền DMCA của Mỹ đã đưa ra cho Youtube một lối thoát. Theo đó, Youtube sẽ không bị coi là vi phạm bản quyền nếu như tiến hành gỡ ngay video vi phạm bản quyền khi nhận được thông báo từ một bên thứ 3 về sự tồn tại như vậy. Đây là Đạo luật cũng được Google dùng khi có khiếu nại vi phạm bản quyền bài viết.
Thực ra, việc chứa nội dung vi phạm bản quyền do người dùng up lên trang web là một hiện tượng rất phổ biến. Chính vì vậy các web thương mại điện tử trên thế giới thường lập ra quy trình take-down nội dung vi phạm. Đơn cử như hàng năm Ebay và Alibaba nhận tiến hành hàng triệu take-down như vậy. Đây là cách các ông lớn kiếm thật nhiều tiền mà vẫn biết cách bảo vệ mình.
Còn ta thì sao? Quay trở lại môi trường Việt Nam, những kênh cung cấp nội dung như vậy không phải là ít? vậy bao nhiêu kênh đang biết và có cách tự bảo vệ mình? Một hệ thống pháp luật về sở hữu trí tuệ có đủ bảo vệ doanh nghiệp trong nước sau hội nhập.
Chúng ta giờ hầu như đã là cá nằm trên thớt mà số phận tuỳ thuộc vào bàn tay của người khác. Và thật sự tôi lại ước TPP đến chậm thôi.
Luật sư Phạm Duy Khương theo zing.vn