Xây dựng nhãn hiệu tập thể cho quất cảnh Văn Giang

Xây dựng nhãn hiệu tập thể cho quất cảnh Văn Giang

SBLAW thông tin về nhãn hiệu tập thể quất cảnh Văn Giang:

Huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên hiện có khoảng 200 ha đất trồng cây quất cảnh, tuy nhiên việc tiêu thụ sản phẩm còn gặp nhiều khó khăn, và bị các thương lái ép giá do người dân chưa biết giới thiệu sản phẩm, thực hiện việc dán tem nhãn… Chính vì thế, việc triển khai Dự án xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể (NHTT) quất cảnh Văn Giang đã mang đến tin vui cho người dân trồng quất cảnh nơi đây.

Ở Văn Giang, quất cảnh được trồng nhiều nhất ở 3 xã Thắng Lợi, Liên Nghĩa, Mễ Sở. Hộ trồng nhiều quất cảnh lên tới gần 1.000 gốc, còn trung bình mỗi hộ cũng trồng khoảng trên dưới 300 gốc. Ông Nguyễn Văn Hải, chủ nhân của 600 gốc quất cảnh chia sẻ, vườn quất của gia đình ông từ tháng 11 âm lịch trở đi là nhộn nhịp, khách xem quất, đặt mua cây đông, họ không chỉ đến từ Hà Nội mà còn ở các tỉnh lân cận như Hải Dương, Hải Phòng...

Theo ông Hải, so với quất ở các vùng khác, quất Văn Giang có được những ưu thế riêng bởi lá có màu xanh đậm và dày, quả to đều, màu vàng tươi, thế đẹp. Thống kê của xã cho thấy, doanh thu bình quân của các hộ dân từ cây quất cảnh vào những năm được mùa và được giá có thể đạt từ 600 - 800 triệu đồng/ha.

Tuy nhiên, vài năm gần đây, quất cảnh Văn Giang đang đối mặt với tình trạng bị “ép giá” khiến giá quất rẻ hơn những nơi khác. Cùng những gốc quất có dáng tương tự, trong khi ở Văn Giang chỉ có giá khoảng 150 đến 500 nghìn đồng thì tại những vườn quất nổi tiếng Hà Nội như Quảng Bá, Tứ Liên giá tiền triệu, có khi đến hơn chục triệu… Chưa kể, mấy năm nay, chi phí trồng quất tăng mạnh, giá mua các loại vật tư (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, chi phí cải tạo đất) đều tăng cao nhưng giá bán đầu ra vẫn giữ nguyên khiến lợi nhuận của người trồng quất bị giảm đáng kể.

Theo ông Bùi Văn Tuất, Phó chủ tịch UBND huyện Văn Giang, giá quất nơi đây rẻ là do chưa xây dựng thương hiệu, chưa biết giới thiệu sản phẩm cũng như thực hiện dán tem nhãn… Có lẽ, cũng chính vì chưa xây dựng thương hiệu, nên mới có chuyện quất Văn Giang sau khi được thu mua về đã được “hô biến” thành quất Tứ Liên, Quảng Bá (Hà Nội).

Tin vui đã đến với những người dân trồng quất cảnh Văn Giang khi mới đây, Dự án xây dựng, quản lý và phát triển NHTT Quất Cảnh Văn Giang đã bắt đầu được triển khai vào thực tế. Dự án này nằm trong danh mục các dự án thuộc Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ đã được Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt theo Quyết định số 474/QĐ-BKHCN ngày 23/3/2012 và Quyết định số 54/QĐ-UBND ngày 10/1/2013 của UBND tỉnh Hưng Yên giao Công ty TNHH phát triển tài sản trí tuệ Việt làm chủ trì. Tổng kinh phí thực hiện dự án gần 900 triệu đồng, trong đó từ ngân sách Trung ương: 544 triệu đồng, còn lại từ nguồn ngân sách sự nghiệp khoa học địa phương.

Theo ông Lê Kinh Hải, Giám đốc Công ty TNHH phát triển tài sản trí tuệ Việt, mục tiêu của dự án là thiết lập cơ chế bảo hộ, quản lý và khai thác NHTT nhằm nâng cao giá trị, danh tiếng của sản phẩm mang NHTT trên thị trường, đồng thời đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho cộng đồng người dân vùng trồng quất cảnh Văn Giang trong việc sử dụng NHTT, chống các hành vi xâm phạm quyền. Dự án sẽ tiến hành các hoạt động cụ thể như thiết kế mẫu logo để đăng ký NHTT; lập hồ sơ đơn đăng ký nhãn hiệu; xây dựng quy trình kiểm soát việc sử dụng NHTT và kiểm soát chất lượng sản phẩm; xây dựng quy trình kỹ thuật canh tác, chăm sóc và tạo dáng sản phẩm quất cảnh; quy chế sử dụng tem, nhãn;  xây dựng bộ máy tổ chức quản lý NHTT; tìm kiếm, xác định các kênh tiêu thụ quất cảnh Văn Giang... Dự án sẽ kết thúc vào tháng 1/2015/.

Theo ven.vn

 

» Bảo hộ thương hiệu nhãn hiệu tập thể

SBLAW tư vấn về bảo hộ thương hiệu và các tài sản trí tuệ khác một cách nhanh chóng, chính xác và hiệu quả:
Quý khách cần sử dụng dịch vụ bảo hộ tài sản trí tuệ, vui lòng liên hệ trực tiếp đến.
  • Điện thoại - Chat Zalo
  • Email address
Tin tức liên quan