Vấn nạn xâm phạm bản quyền truyền hình

Vấn nạn xâm phạm bản quyền truyền hình

Trong tất cả các lĩnh vực bị xâm phạm bản quyền thì bản quyền truyền hình khiến nhiều quốc gia đau đầu giải quyết nhất bởi mức độ vi phạm càng ngày càng tăng theo cấp số nhân.

Hội thảo “Hợp tác bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan Việt Nam – Hàn Quốc năm 2015” do Cục Bản quyền tác giả phối hợp với Văn phòng Đại diện Ủy ban bản quyền tác giả Hàn Quốc tại Việt Nam và các cơ quan hữu quan tổ chức diễn ra vào ngày 16/4tại Hà Nội đã nêu ra nhiều thực trạng đang tồn tại tại 2 quốc gia về việc xâm phạm bản quyền.

Hội thảo đã xoay quanh thảo luận các vấn đề về thực thi luật quyền tác giả của 2 quốc gia trong thời đại số; phương hướng bảo hộ nội dung chương trình truyền hình của 2 quốc gia trong thời đại số; phương án tăng cường hoạt động giao lưu nội dung sáng tạo giữa 2 nước trong thời đại số; giao lưu kinh doanh công nghệ quyền tác giả 2015.

Thiếu công nghệ giám sát vi phạm bản quyền

Theo bà Phạm Thị Kim Oanh, Phó Cục trưởng Cục bản quyền tác giả, môi trường internet đã làm này sinh các vấn đề mới về bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan. Các vi phạm về quyền tác giả, quyền liên quan trong các lĩnh vực như âm nhạc, văn học, truyền hình, …đang rất phức tạp, đa dạng và vượt ra khỏi địa lý biên giới quốc gia.

“Việc thiếu cơ sở hạ tầng công nghệ quốc gia để giám sát và theo dõi vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan như phải có phần mền theo dõi hành vi vi phạm… là một thách thức khi giải quyết vấn nạn xâm phạm bản quyền”, bà Oanh nói.

Đồng quan điểm, nhạc sĩ Phó Đức Phương, Giám đốc trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam cũng cho rằng khó khăn lớn nhất mà ông và các cộng sự đang gặp phải là công nghệ phần mềm, công cụ cần thiết để theo dõi sự vi phạm trong các lĩnh vực kinh doanh truyền hình, nhạc số, hoạt động lưu trữ, phân phối cho các thành viên.

VTV bị thiệt hại ‘khủng khiếp'

Ông Nguyễn Thanh Vân, Trưởng phòng Sở hữu trí tuệ, Đài truyền hình Việt Nam (VTV) cho rằng, bản quyền chương trình của VTV đang bị vi phạm theo nhiều hình thức và khá nghiêm trọng, đặc biệt trên Internet. Nhiều đơn vị khi sử dụng chương trình của Đài mà không xin phép, khi tiếp phát sóng chương trình của Đài đã tự ý cắt quảng cáo và chèn quảng cáo của đơn vị mình vào.

Bản quyền, truyền hình, quyền tác giả, VTV

Hình ảnh trong phim Những đứa con biệt động Sài Gòn

Ông Vân lấy ví dụ, Youtube phát lại phim Những đứa con biệt động Sài Gòn với lượng view lên tới hơn 6 triệu, The Voice Kid bị tv.Zing phát lại lượng người xem kỷ lục hơn 32 triệu. Nếu tính vào số view để tính ra số tiền những đơn vị này phải chi trả bản quyền thì con số này rất lớn, vậy suy ra số tiền mà nhà Đài bị thiệt hại quả là ‘khủng khiếp’.

Bà Jeong Mi Sun, Quản lý đội các nội dung hợp tác SBS Contents Hub cũng cho hay vấn đề vi phạm bản quyền truyền hình ở Hàn Quốc cũng nan giải không kém. Ước tính quy mô xâm hại thị trường hợp pháp các chương trinh của SBS lên đến 20 tỷ Won.

Sau khi nghe những khó khăn, thách thức và cả kinh nghiệm để hạn chế xâm phạm bản quyền, các chuyên gia Việt Nam đề nghị phía Hàn Quốc hỗ trợ về những phần mềm chuyên dụng. Đây cũng là thách thức lớn nhất đối với Việt Nam để tiến tới hạ tầng công nghệ quốc gia, ngăn chặn các hành vi vi phạm bản quyền trên không gian số.

Bên cạnh đó, việc nâng cao nhận thức của mọi người về quyền tác giả vẫn được xem là giải pháp lâu dài và mấu chốt nhất với cả Hàn Quốc và Việt Nam trong vấn đề này.




Việt Nam đã tham gia và thực hiện hầu hết các cam kết quốc tế về sở hữu trí tuệ trong đó có quyền tác giả và quyền liên quan như Công ước Berne 1971 bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật; Công ước Pome 1961 bảo hộ người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, tổ chức phát sóng; Công ước Geneva bảo hộ nhà sản xuất bản ghi âm chống lại việc sao chép không được phép bản ghi âm của họ; Công ước Brussels 1974 liên quan đến việc phân phối tín hiệu mang chương trình truyền hình qua vệ tinh; Hiệp định TRIPS 1994 về những khía cạnh liên quan đến thương mại…

Tại Việt Nam, nhiều năm qua Nhà nước cũng đặc biệt quan tâm đến công tác bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan. Nhiều hoạt động nghiên cứu, xây dựng hoàn thiện việc thực thi pháp luật cũng đã được thực hiện. Chỉ thị số 36/2008/CT-TTg ngày 31/12/2008 về tăng cường quản lý và thực thi bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan được triển khai. Công tác bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan ở Việt Nam những năm qua đã có nhiều chuyển biến tích cực song vẫn còn tồn tại nhiều bất cập cần tháo gỡ.

Theo vietnamnet.vn

»  Đăng ký bản quyền chương trình ghi hình

SBLAW tư vấn về bảo hộ thương hiệu và các tài sản trí tuệ khác một cách nhanh chóng, chính xác và hiệu quả:
Quý khách cần sử dụng dịch vụ bảo hộ tài sản trí tuệ, vui lòng liên hệ trực tiếp đến.
  • Điện thoại - Chat Zalo
  • Email address
Tin tức liên quan