Từng bước vực dậy các làng nghề truyền thống

Nhãn hiệu tập thể được xem là hàng rào chắc chắn giúp chống lại nạn hàng giả, hàng kém chất lượng, từ đó nó sẽ từng bước giúp vực dậy các làng nghề truyền thống.

Nhãn hiệu tập thể là gì?

Theo Khoản 17, Điều 4, Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam, nhãn hiệu tập thể là nhãn hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của các thành viên của tổ chức là chủ sở hữu nhãn hiệu đó với hàng hoá, dịch vụ của tổ chức, cá nhân không phải là thành viên của tổ chức đó.

Nhãn hiệu tập thể thường do một Hiệp hội, một Hợp tác xã sở hữu phải đảm bảo việc kiểm soát và quản lý nhãn hiệu tập thể có hiệu quả, việc công khai các thông tin liên quan đến nhãn hiệu tập thể, việc sử dụng nhãn hiệu tập thể sẽ giúp hạn chế các tranh chấp phát sinh và đảm bảo được uy tín trên thị trường. Các thành viên của nhãn hiệu tập thể cần phải có tinh thần đoàn kết trong việc xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể của tổ chức mình, để phát huy được sức mạnh, lợi thế cạnh tranh của nhãn hiệu tập thể trong quá trình cạnh tranh với các đối thủ trên thị trường. Xây dựng mạng lưới thị trường bền vững, ổn định. Tích cực, chủ động trong việc phát hiện ra các hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu tập thể của tổ chức mình và xử lý nghiêm, triệt để các hành vi này.

 

Vai trò của nhãn hiệu tập thể đối với các làng nghề truyền thống

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Việt Nam hiện nay có trên 5.000 làng nghề, góp tỷ trọng lớn trong 1,7 tỷ USD tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành thủ công mỹ nghệ mỗi năm. Trong những năm vừa qua, các địa phương đã tạo ra nhiều cơ chế khuyến khích doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tại làng nghề phát triển. 


Trong đó, sử dụng công cụ sở hữu trí tuệ để xây dựng thương hiệu, định vị cho sản phẩm làng nghề là một trong những giải pháp tốt, được nhiều địa phương thực hiện. Tuy nhiên, một số làng nghề dù đã xây dựng được nhãn hiệu tập thể nhưng vẫn chưa bảo vệ và khai thác hiệu quả.

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, nhãn hiệu là cách để các làng nghề thể hiện sức mạnh của thương hiệu, tạo điều kiện xuất khẩu sản phẩm ra nhiều quốc gia trên thế giới.

Nhãn hiệu sẽ trở thành hàng rào chắc chắn giúp chống lại nạn hàng giả, hàng kém chất lượng. Do đó, cùng với sự hỗ trợ của ngành chức năng, các hộ dân làng nghề cần đổi mới tư duy, chủ động đề xuất xây dựng nhãn hiệu tập thể và có ý thức gắn lợi ích cá nhân với lợi ích chung để cùng phát triển trong quá trình khai thác, quản lý, phát triển nhãn hiệu tập thể. Có như vậy, các làng nghề mới giữ vững được vị thế và khẳng định được tên tuổi trên thị trường.

 

Nhãn hiệu tập thể cần được khai thác hiệu quả

Theo Phó Cục trưởng Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) Phan Ngân Sơn, Việt Nam là quốc gia có nhiều nghệ nhân, nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ được quốc tế đánh giá cao về chất lượng và mẫu mã đẹp. Tuy nhiên, chúng ta lại yếu kém trong khâu xây dựng thương hiệu khiến các sản phẩm không đủ sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế. “Số lượng các đơn vị sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ chưa xứng đáng với làng nghề hiện nay. Tài sản trí tuệ là tài sản vô hình, cần được bảo hộ và ngày càng được xã hội thừa nhận về vấn đề quan trọng của nó”, ông Phan Ngân Sơn chỉ ra.

Vẫn biết, việc xây dựng và quản lý nhãn hiệu tập thể cho một sản phẩm là một chuỗi các công việc phức tạp bao gồm nhiều khâu. Vì vậy, việc xây dựng và quản lý nhãn hiệu tập thể cần được thực hiện một cách thận trọng với lộ trình và bước đi cụ thể cho từng giai đoạn. Trong đó, cần chú trọng việc tuyên truyền, phổ biến về lợi ích của việc xây dựng nhãn hiệu tập thể nhằm đạt được sự đồng thuận và ủng hộ tuyệt đối của các chủ thể này.

Để phát huy thế mạnh nhãn hiệu tập thể được bảo hộ, biện pháp trước mắt là cần phải đánh giá đúng tầm quan trọng của sở hữu trí tuệ và có chiến lược bảo vệ những tài sản trí tuệ của mình; tăng cường công tác tuyên truyền, đào tạo, phổ biến kiến thức về sở hữu trí tuệ thông qua các lớp đào tạo tập huấn, hội thảo nhằm nâng cao nhận thức của các thành viên trong tổ chức tập thể, các tổ chức Hiệp hội, hợp tác xã, các cán bộ quản lý trong các cấp lãnh đạo ở địa phương có đăng ký nhãn hiệu tập thể nói riêng và toàn tỉnh nói chung.

Mặt khác, việc xây dựng quy chế quản lý sử dụng nhãn hiệu tập thể cần xác định rõ quyền lợi và nghĩa vụ của các thành viên kết hợp xây dựng các văn bản mang tính quy phạm pháp luật khác liên quan (quy trình cấp, thu hồi quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể; quy trình kiểm định sản phẩm đạt tiêu chuẩn mang nhãn hiệu tập thể, tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, quy định đóng gói bao bì, gắn tem nhãn...). Ngoài ra, bộ máy tổ chức điều hành việc quản lý sử dụng nhãn hiệu tập thể cũng cần được đầu tư ngay từ bước đầu như việc cử các cán bộ có năng lực, có hiểu biết về sở hữu trí tuệ tham gia và thường xuyên được tập huấn nâng cao. Như vậy thì các sản phẩm đặc sản, truyền thống của tỉnh mới có thể phát huy được hết giá trị truyền thống của nó, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà trong các giai đoạn tiếp theo.

Nguồn: https://sohuutritue.net.vn/cc.

Tổng hợp (Diễm Lệ)

SBLAW tư vấn về bảo hộ thương hiệu và các tài sản trí tuệ khác một cách nhanh chóng, chính xác và hiệu quả:
Quý khách cần sử dụng dịch vụ bảo hộ tài sản trí tuệ, vui lòng liên hệ trực tiếp đến.
  • Điện thoại - Chat Zalo
  • Email address
Tin tức liên quan