Tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ thường gặp đối với doanh nghiệp tại Việt Nam

[Baohothuonghieu.com] SBLAW trân trọng giới thiệu bài trả lời phỏng vấn của luật sư Nguyễn Thanh Hà trên báo về vấn đề: Tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ thường gặp đối với các doanh nghiệp tại Việt Nam và một số kiến nghị. Nội dung cụ thể như sau:

Tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ

Hiện nay tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) ở Việt Nam ngày càng phức tạp, trong đó tập trung nhiều vào tranh chấp quyền tác giả và quyền sở hữu công nghiệp. Để góp phần giải quyết vấn đề này, theo tác giả cần thường xuyên rà soát, đánh giá tính hiệu lực, hiệu quả và sự phù hợp của các biện pháp bảo vệ quyền SHTT theo hướng bảo đảm tính chất dân sự của quyền SHTT, thành lập tòa án chuyên trách về SHTT, xây dựng đội ngũ thẩm phán chuyên xét xử các vụ việc về SHTT…

Theo bản Báo cáo đặc biệt 301 của Văn phòng Đại diện Bộ Thương mại Hoa Kỳ (USTR) – báo cáo thường niên năm 2019 đánh giá về tình trạng thực thi và bảo hộ quyền SHTT của quốc gia là đối tác thương mại của Hoa Kỳ, năm thứ 4 liên tiếp Việt Nam vẫn nằm trong danh sách các quốc gia cần theo dõi (watch list) về SHTT. Điều này cho thấy, Nhà nước cũng như các doanh nghiệp cần dành sự quan tâm hơn nữa tới quyền SHTT, từ đó bảo vệ một cách hiệu quả các quyền SHTT – loại tài sản vô hình có giá trị rất lớn đối với doanh nghiệp.

Hiện nay, theo quy định trong việc giải quyết các tranh chấp quyền SHTT tại tòa án nhân dân, các tranh chấp và xâm phạm quyền SHTT được phân thành 4 nhóm chính:

(i) tranh chấp quyền tác giả có thể có tính chất thuần túy liên quan quyền nhân thân và/hoặc thuần túy liên quan đến quyền tài sản;

(ii) tranh chấp quyền liên quan;

(iii) tranh chấp quyền sở hữu công nghiệp; và

(iv) tranh chấp quyền đối với giống cây trồng. Trong khuôn khổ bài viết này, tác giả chỉ đề cập tới 2 loại tranh chấp phổ biến nhất hiện nay là tranh chấp về quyền tác giả và quyền sở hữu công nghiệp.
TRANH CHẤP QUYỀN SỞ HỮU TRÍ TUỆ THƯỜNG GẶP ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP TẠI VIỆT NAM VÀ MỘT SỐ KIẾN NGHỊ

Hai loại tranh chấp quyền SHTT thường gặp

Tranh chấp về quyền tác giả

Đối với tranh chấp về quyền tác giả, các tranh chấp bản quyền liên quan đến nhiều loại hình tác phẩm khác nhau nhưng chủ yếu là các tranh chấp phổ biến xuất phát từ quyền tác giả và quyền chủ sở hữu tác phẩm. Nhắc đến tranh chấp bản quyền có thể kể tên vụ kiện giữa họa sỹ Lê Phong Linh và Công ty Phan Thị kéo dài hơn 10 năm. Bộ truyện tranh nổi tiếng “Thần đồng đất Việt” ban đầu được đăng ký bản quyền tác giả dưới tên của họa sỹ Lê Phong Linh và bà Phan Thị Mỹ Hạnh – Giám đốc Công ty Phan Thị. Sau khi ông Linh không còn làm việc cho Công ty Phan Thị thì phát sinh tranh chấp quyền tác giả đối với các hình tượng nhân vật trong bộ truyện này. Phía ông Linh cho rằng việc Công ty Phan Thị tiếp tục khai thác hình ảnh từ các hình tượng nhân vật là vi phạm quyền tác giả, ngược lại phía Công ty Phan Thị khẳng định mình mới là chủ sở hữu của các hình tượng nhân vật nên họ được quyền sử dụng. Ngày 18/2/2019, hội đồng xét xử đã đưa ra phán quyết, công nhận Lê Phong Linh là tác giả duy nhất của 4 hình tượng trong Thần đồng đất Việt, xác nhận bà Hạnh không phải là đồng tác giả.

Ngoài ra, tại Việt Nam, các vi phạm liên quan tới bản quyền đối với phần mềm cũng đáng báo động. Có thể thấy rõ trong lĩnh vực điện ảnh. Tình trạng vi phạm bản quyền trực tuyến tại Việt Nam đang làm ảnh hưởng trực tiếp đến ngành sản xuất phim do các bộ phim mới thường bị phát tán trên mạng internet (thông qua các trang website và mạng xã hội phổ biến như facebook) ngay khi phim còn đang chiếu ngoài rạp, hay các chương trình thu hút đông đảo khán giả như chương trình gặp nhau cuối năm (rất nhiều bộ phim bị quay lén chuyên nghiệp trong rạp rồi được phát tán trên mạng thông qua “các đơn vị vi phạm bản quyền trung gian”).Và cũng chính vì vấn đề vi phạm bản quyền số này mà không ít lần Đài Truyền hình Việt Nam – VTV đã bị cắt quyền phát sóng các chương trình bóng đá quốc tế…, gây ảnh hưởng tới các đơn vị trong nước, ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi người tiêu dùng cũng như làm mất uy tín, ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh của doanh nghiệp Việt Nam trong mắt các đối tác nước ngoài.

Tranh chấp về quyền sở hữu công nghiệp

Nếu như tranh chấp quyền tác giả thường xảy ra trong các lĩnh vực sân khấu, điện ảnh thì các hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp lại tập trung chủ yếu ở hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp trên hàng hóa, biển hiệu, phương tiện kinh doanh, và gần đây xuất hiện cả hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu trong tên doanh nghiệp, tên thương mại, tên miền (domain name) internet; cạnh tranh không lành mạnh trên mẫu nhãn, kiểu dáng bao bì sản phẩm và cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến đăng ký sử dụng tên miền trên Internet. Thực tế hiện nay cho thấy, các hành vi sản xuất, nhập khẩu, tiếp thị, mua bán các hàng hóa giả mạo, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp tại Việt Nam đang có chiều hướng gia tăng, diễn biến phức tạp. Các mặt hàng giả mạo, hàng hóa xâm phạm quyền SHTT ngày càng đa dạng về chủng loại và tinh vi về hình thức, trong khi ý thức của người tiêu dùng về SHTT cũng như khả năng phân biệt hàng thật/hàng giả còn hạn chế, cũng như tâm lý hám rẻ trong một bộ phận dân cư dẫn tới tiếp tay cho hàng nhái, hàng giả tồn tại, từ đó khiến sụt giảm doanh thu của doanh nghiệp, làm suy giảm nghiêm trọng uy tín thương hiệu của các nhà sản xuất lớn làm ăn trung thực, lâu dài, giữ chữ tín đối với người tiêu dùng. Theo thông tin từ Tổng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), qua rà soát chứng cứ tại hiện trường, từ tháng 10/2018 tới nay, tổng lũy kế giao dịch qua tài khoản của Trần Thành Phú – chủ kho hàng lậu có diện tích hơn 10.000 m2 tại TP Lào Cai chuyên livestream bán hàng lậu và 5 đối tượng trong nhóm là trên 649 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, xuất phát từ việc Việt Nam tuân theo nguyên tắc “First to file” (Quyền đăng ký bảo hộ được dành cho người nộp đơn đầu tiên) trong thẩm định đơn, đã không ít tranh chấp xảy ra liên quan tới việc xác định chủ sở hữu đích thực của quyền sở hữu công nghiệp. Pháp luật Việt Nam có đề cập tới việc hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ trên cơ sở người nộp đơn đăng ký không có quyền đăng ký và không được chuyển nhượng quyền đăng ký đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, nhãn hiệu tại Điểm a, Khoản 1, Điều 96 Luật SHTT 2005, sửa đổi bổ sung các năm 2009, 2019. Tuy nhiên, việc hủy bỏ hiệu lực văn bằng trên thực tế còn gặp khó khăn. Việc đăng ký chiếm quyền, đầu cơ trong lĩnh vực này tại Việt Nam cũng chưa có cơ chế xử lý nghiêm minh, tạo ra lỗ hổng để các bên tiếp tục hành vi này trên thực tế.

Một số hệ lụy từ bất cập trong xử lý tranh chấp

Hiện nay, có thể thấy khi tình trạng tranh chấp SHTT xảy ra mà chưa được giải quyết triệt để, dẫn đến một số vấn đề cần quan tâm như:

Một là, thời gian xử lý tranh chấp kéo dài, hiệu quả xử lý chưa cao, dẫn tới mất lợi thế cạnh tranh và mất cơ hội của doanh nghiệp trong nước trên trường quốc tế

Có thể thấy, trong những năm gần đây, việc giải quyết các tranh chấp về SHTT tại Việt Nam đã cải thiện đáng kể cả về số lượng cũng như chất lượng, đặc biệt là sau khi Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 có hiệu lực, theo đó, hình sự hóa tội xâm phạm quyền SHTT của pháp nhân thương mại. Tuy nhiên, trên thực tế, việc bảo hộ quyền SHTT tại Việt Nam chủ yếu vẫn được thực hiện bằng cách áp dụng các hình phạt hành chính với các hành vi vi phạm, các giải pháp hình sự và dân sự gần như chưa được áp dụng, hoặc áp dụng không hiệu quả. Nguyên nhân của tình trạng này là do các chủ thể quyền SHTT còn e ngại khởi kiện ra tòa án bởi thời gian khởi kiện thường kéo dài, năng lực, kiến thức về SHTT của các thẩm phán trong lĩnh vực SHTT vẫn còn bất cập nên kết quả hạn chế. Thời gian kéo dài khiến tiêu tốn chi phí cho doanh nghiệp, cùng với đó là mất lợi thế cạnh tranh và cơ hội trên trường quốc tế.

Hai là, việc xử lý chậm hoặc thiếu nghiêm minh dẫn đến suy giảm khả năng thu hút doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, nảy sinh tâm lý không muốn đầu tư phát triển sản xuất cho ra sản phẩm mới hoặc gián tiếp hạn chế hoạt động chuyển giao công nghệ mới từ khu vực này

Điều cần thẳng thắn chỉ ra là tình trạng hàng hóa giả mạo quyền sở hữu công nghiệp đáng báo động nêu trên đã ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế, tiếp tay cho các thực thể trong khu vực “kinh tế ngầm” thu lợi từ việc trốn thuế, trong khi số hàng giả được bán trót lọt ra thị trường còn đem lại rủi ro cho sức khỏe người tiêu dùng. Bên cạnh đó, vấn nạn kinh doanh hàng giả tràn lan cũng làm giảm lợi thế của Việt Nam trong việc thu hút doanh nghiệp lớn có nguyên tắc kinh doanh bài bản, lâu dài, tuân thủ nghiêm luật pháp từ các quốc gia phát triển. Một trong những vụ xử lý vi phạm trên thực tế kéo dài có thể kể đến là giữa Purolite Coporation (chủ văn bằng nhãn hiệu “PUROLITE” và  “”) và Công ty Cổ phần Vũ Môn (bị nghi ngờ xâm phạm nhãn hiệu). Theo đó, vào ngày 30/10/2015, Viện Khoa học SHTT đã ra kết luận giám định số NH499-14YC/KLGĐ. Kết luận nêu rõ, sản phẩm hạt nhựa trao đổi ion có gắn dấu hiệu “PUROLITE”  của Công ty Vũ Môn là sản phẩm giả mạo đối với các nhãn hiệu nêu trên đã được bảo hộ tại Việt Nam theo đăng ký quốc tế số 1137346 và 1137351. Hồ sơ khởi kiện đã được lập từ năm 2016, tuy nhiên cho đến nay vụ việc vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Việc kéo dài thời gian xử lý vi phạm khiến suy giảm khả năng thu hút doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Cách thức và phương hướng xử lý vi phạm chưa linh  hoạt, gây thiệt hại cho các chủ sở hữu và đồng thời cũng không đủ tính chất răn đe để hạn chế, ngăn ngừa các vi phạm về sau, các vụ việc này cũng gián tiếp hạn chế hoạt động chuyển giao công nghệ mới từ khu vực đầu tư trực tiếp từ nước ngoài.

Ba là, mức độ vi phạm ngày càng đa dạng, tinh vi, trong khi lực lượng xử lý tranh chấp về SHTT còn hạn chế

Trên thực tế, các vi phạm về SHTT ngày càng tinh vi về phương pháp và cách thức thực hiện, trong khi tiềm lực của các đơn vị quản lý được giao trực tiếp xử lý các tranh chấp về SHTT lại chưa đủ mạnh ngang tầm nhiệm vụ, dẫn tới chưa đáp ứng kịp yêu cầu đấu tranh bảo vệ quyền SHTT. Có thể thấy về phương thức vi phạm, các đối tượng có xu hướng chuyển dịch từ tiếp thị, phân phối theo phương thức truyền thống sang hình thức thương mại điện tử (thông qua các kênh bán hàng trực tuyến, website bán hàng và đặc biệt là mạng xã hội (Facebook, Zalo…). Bên cạnh đó, vi phạm trên Internet là “không có biên giới, không có rào cản địa lý”, thậm chí có doanh nghiệp phải rời bỏ “sân chơi” tại Việt Nam. Một số khác bị hao tổn, tốn kém (máy móc, nhà xưởng) đã đầu tư trước đó, dẫn tới giải tán doanh nghiệp khiến suy giảm việc làm, sụt giảm thuế…

Kiến nghị hoàn thiện cơ chế xử lý tranh chấp SHTT

Trong thời gian tới, chính sách về SHTT ở nước ta cần có sự điều chỉnh phù hợp. Cụ thể:

Thứ nhất, cần thường xuyên rà soát, đánh giá tính hiệu lực, hiệu quả và sự phù hợp của các biện pháp bảo vệ quyền SHTT theo hướng bảo đảm tính chất dân sự của quyền SHTT, dần tiến tới xóa bỏ tình trạng hành chính hóa các quan hệ dân sự về SHTT. Điều đó sẽ giúp các doanh nghiệp trong và ngoài nước tin tưởng và yên tâm phát triển sản xuất, thu hút lực lượng lao động nội địa.

Thứ hai, cần nghiên cứu thành lập tòa án chuyên trách về SHTT, có kế hoạch xây dựng đội ngũ thẩm phán chuyên xét xử các vụ việc về SHTT. Chỉ khi có tòa án chuyên trách và đội ngũ thẩm phán giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực này, chủ sở hữu quyền SHTT, trong đó có các doanh nghiệp mới tin tưởng để đưa các tranh chấp ra giải quyết tại tòa và hiệu quả xử lý được nâng cao.

Thứ ba, khuyến khích giải quyết các tranh chấp SHTT bằng hình thức trọng tài; đẩy mạnh và tăng cường hoạt động hòa giải các tranh chấp về SHTT. Việc giải quyết tranh chấp SHTT bằng hình thức trọng tài có thể giúp cho các bên giải quyết vụ việc một cách nhanh chóng, hiệu quả và tiết kiệm chi phí. Đây là điều mà các doanh nghiệp mong muốn để có thể yên tâm mở rộng quy mô sản xuất.

Thứ tư, trước mắt, khi các biện pháp xử lý bằng biện pháp dân sự chưa được ban hành, áp dụng thì nên xem xét tăng mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực SHTT nhằm răn đe và triệt tiêu khả năng thu lợi bất chính từ hoạt động kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền SHTT của các đối tượng vi phạm.

Thứ năm, mở rộng xã hội hóa đi đôi với nâng cao chất lượng hoạt động bổ trợ tư pháp về SHTT: rà soát, bổ sung và củng cố đội ngũ giám định viên tư pháp về SHTT; khuyến khích việc tham gia cung ứng, đồng thời tăng cường kiểm soát chất lượng dịch vụ giám định chuyên môn theo yêu cầu cũng như dịch vụ tư vấn pháp luật phục vụ hoạt động bảo vệ quyền SHTT. Có thể thấy rằng, công tác phối hợp giữa các cơ quan liên quan và giữa trung ương với địa phương là một trong những chìa khóa quan trọng trong thực hiện tốt nhiệm vụ nâng cao năng lực thực thi quyền SHTT tại Việt Nam, giúp phát huy sức mạnh của toàn lực lượng. Để làm được điều này, các cơ quan chức năng tại địa phương cần phải quan tâm đúng mức tới việc bố trí nguồn lực (kinh phí, nhân lực) và thời gian cho nhiệm vụ thực thi quyền sở hữu công nghiệp, cử cán bộ tham gia các khóa/lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực. Các cơ quan chức năng ở trung ương có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực giải quyết tranh chấp chịu trách nhiệm trong việc đào tạo, nâng cao nghiệp vụ cho các cơ quan chức năng địa phương, từ đó, đồng bộ hóa chuyên môn cũng như cơ chế xử lý tranh chấp SHTT cho tất cả các cơ quan từ trung ương tới địa phương.

Link nguồn: https://vjst.vn/vn/tin-tuc/3928/tranh-chap-quyen-so-huu-tri-tue-thuong-gap-doi-voi-doanh-nghiep-tai-viet-nam-va-mot-so-kien-nghi.aspx?fbclid=IwAR1wuCey88bDt3xG0bocUnqUeAcAG3BtHDe-tBX_aU57TDEzHcnEz9bEVVY

SBLAW tư vấn về bảo hộ thương hiệu và các tài sản trí tuệ khác một cách nhanh chóng, chính xác và hiệu quả:
Quý khách cần sử dụng dịch vụ bảo hộ tài sản trí tuệ, vui lòng liên hệ trực tiếp đến.
  • Điện thoại – Chat Zalo
  • Email address
Tin tức liên quan