Thực trạng đăng ký nhãn hiệu tại Việt Nam như thế nào? Vấn đề hay những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong công tác bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và bài học kinh nghiệm? SBLAW giới thiệu bài viết những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong công tác bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và bài học kinh nghiệm đăng trên báo Diễn đàn doanh nghiệp của luật sư Nguyễn Thanh Hà.
SHTT là một loại tài sản quan trọng đối với doanh nghiệp. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, dường như các doanh nghiệp Việt chưa thực sự quan tâm đến công tác bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Ông đánh giá như thế nào về thực trạng này, thưa ông? Theo ông, đâu là nguyên nhân của tình trạng này?
Trả lời:
Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) là một trong những điều thiết yếu của mỗi doanh nghiệp trước khi đưa ra những ý tưởng, sản phẩm, thương hiệu xuất hiện trên thị trường.
So với thời gian trước đây, hiện nay các doanh nghiệp đã bắt đầu quan tâm hơn đến việc bảo hộ tài sản SHTT, tuy nhiên mặc dù số lượng đơn đăng ký quyền SHTT tăng nhưng ở mức độ rất khiêm tốn. Điều này cho thấy, nhận thức về SHTT, SHCN của các doanh nghiệp và cả người tiêu dùng Việt Nam hiện vẫn còn hạn chế, dù đã hội nhập sâu rộng nhưng vẫn chưa hình thành văn hóa tôn trọng quyền SHTT của chủ thể khác. Minh chứng rất rõ như lượng đăng ký bảo hộ vẫn còn ít, chủ yếu là đối với nhãn hiệu, còn đối với các đối tượng có giá trị lớn như sáng chế, giải pháp hữu ích thì tỷ lệ thấp so với số lượng đơn đăng ký từ nước ngoài.
Nguyên nhân của thực trạng này là do:
Thứ nhất, hầu hết các doanh nghiệp mới chỉ quan tâm đến vấn đề phát triển sản phẩm, gọi vốn đầu tư, lập kế hoạch marketing, bán hàng mà quên mất vấn đề bảo hộ tài sản sở hữu trí tuệ, bảo vệ ý tưởng, bảo hộ thương hiệu vốn là quyền pháp lý rất quan trọng.
Thứ hai, nhận thức và nguồn cung cấp thông tin về sở hữu trí tuệ tại Việt Nam chưa nhiều, đặc biệt quan trọng đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp – những nhân tố rất cần quan tâm đến vấn đề này. Điều này dẫn đến việc các doanh nghiệp thường không đánh giá được đầy đủ tiềm năng của quyền SHTT.
Thứ ba: Đối với các đối tượng SHTT là thành quả đầu tư như sáng chế, kiểu dáng, giải pháp hữu ích, Việt Nam chưa có nhiều đơn đăng ký và được cấp văn bằng bảo hộ do doanh nghiệp chưa đầu tư nhiều nguồn lực cho nghiên cứu và sáng tạo.
Vậy, bên cạnh nguyên nhân từ bản thân doanh nghiệp, thì theo quan sát của Ông, liệu còn có khó khăn, vướng mắc gì trong công tác bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ khiến các doanh nghiệp e ngại không, thưa ông?
Trả lời:
Ngoài nguyên nhân xuất phát từ bản thân doanh nghiệp thì hiện nay, nhiều quy định, vấn đề được đưa ra trong Luật SHTT còn chung chung, nên dẫn đến việc thực thi thiếu hiệu quả. Hơn nữa, Luật SHTT đã được ban hành cách đây 15 năm, chắc chắn đã có những quy định trở nên lỗi thời, không theo kịp sự phát triển nhanh chóng về nhu cầu của các doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, trong quá trình hội nhập quốc tế, chúng ta đã học hỏi được khá nhiều kinh nghiệm để áp dụng cho Luật SHTT của ta nhưng lại chưa tính đến đặc thù của đất nước mình...
Từ lâu việc bảo hộ quyền SHTT ở các nước bạn đã phát triển hơn nước ta, với sự ra đời của các công ước quốc tế về bảo hộ SHTT, bảng quy ước, … trở thành nền tảng rất tốt cho Việt Nam học hỏi. Việt Nam chỉ mới bước đầu phát triển nhưng chúng ta lại đang “tham” bê nguyên kiến thức của quốc tế mà chưa thật sự chú trong đến việc xây dựng một cái khung phù hợp hơn, dễ dàng hơn để áp dụng.
Bên cạnh đó, việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ chưa nghiêm và triệt để, khi một doanh nghiệp phát hiện ra hàng hoá của mình bị xâm phạm, cần nhiều chi phí và thời gian với những thủ tục tương đối phức tạp để có thể liên hệ với các cơ quan thực thi như quản lý thị trường, công an, thanh tra, hải quan để có thể được hỗ trợ xử lý, đôi khi, nhiều kết quả xử lý chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp.
Vậy giải pháp nào để có thể khắc phục những vấn đề trên, thưa ông?
Trả lời:
Các doanh nghiệp cần chú trọng đầu tư vào hoạt động nghiên cứu và phát triển sản phẩm (R&D), từ đó mới là nền tảng tạo ra các tài sản ở hữu trí tuệ.
Bên cạnh đó, việc nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp về bảo hộ SHTT là vấn đề cốt lõi cần quan tâm và thực hiện, trước khi sản phẩm đưa ra thị trường, cần quan tâm tới vấn đề bảo hộ quyền.
Quan trọng nhất, để nâng cao hiệu quả công tác thực thi quyền SHTT trong doanh nghiệp thì cần hoàn thiện chính sách pháp luật, sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới và hoàn thiện các quy định để sao cho phù hợp với thực tiễn, tránh tình trạng có nhiều cơ quan cùng có thẩm quyền xử lý vi phạm sở hữu trí tuệ như hiện nay.
Có thể tiếp thu, học hỏi các chính sách pháp luật của nước ngoài để hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam, giúp các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân hạn chế những rủi ro và sẵn sàng đương đầu với thách thức trong việc đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.
Nhiều quy định khắt khe về sở hữu trí tuệ trong các điều ước quốc tế, đòi hỏi các cơ quan chức năng cần tập huấn cho các cán bộ thực thi quyền ở địa phương để hiểu được các quy định và có cách xử lý phù hợp.
Hiện nay, Việt Nam đã ban hành chiến lược quốc gia về sở hữu trí tuệ, chúng ta cần cương quyết để có thể thực hiện và đạt được các mục tiêu của đề án.
Vậy, lưu ý nào cho doanh nghiệp trong việc bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ, thưa ông?
Trả lời:
Trước tiên, doanh nghiệp phải có ý thức bảo vệ tài sản của mình. Quyền sở hữu công nghiệp đều là những tài sản có giá trị được tạo ra từ trí tuệ của cả một doanh nghiệp. Vì vậy, khi có tài sản sở hữu trí tuệ cần tiến hành đăng ký bảo hộ ngay trước khi đưa ra thị trường.
Bên cạnh đó, khi doanh nghiệp bị vi phạm quyền, cần tiến hành xử lý vi phạm và nhờ các chuyên gia là các luật sư tư vấn để xử lý triệt để, chúng tôi cũng nhấn mạnh là quyền sở hữu trí tuệ là quyền dân sự, có nghĩa là các doanh nghiệp cần có yêu cầu cơ quan chức năng mới có thể xử lý các vi phạm để bảo vệ mình.
Các doanh nghiệp trong quá trình nghiên cứu sản phẩm mới, cần tiến hành tra cứu thông tin sáng chế, nhiều giải pháp đã được thế giới nghiên cứu và triển khai từ rất lâu, các doanh nghiệp có thể tận dụng khối kiến thức khổng lồ của nhân loại để rút ngắn và tiết kiệm chi phí đầu tư nghiên cứu.
Đồng thời, doanh nghiệp cần tự bảo vệ bằng cách kiểm soát, tìm hiểu thông tin xem liệu có đối thủ cạnh tranh đăng ký quyền tương tự ngay từ đầu để phản đối, khiếu nại, phối hợp với cơ quan thực thi để bảo vệ cho mình.
Quốc tế xử lý vấn đề này như thế nào?
Trả lời:
Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ngày càng trở nên quan trọng, trở thành mối quan tâm của Việt Nam nói riêng cũng như thế giới nói chung. Vì vậy mỗi hành động xâm phạm bản quyền đều phải được xử lý một cách khắt khe, triệt để, đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ một cách tối ưu nhất.
Mỗi nước sẽ dựa vào thực trạng hiện hữu quyền sở hữu trí tuệ tại lãnh thổ của mình cũng như dựa vào tình hình kinh tế - xã hội của mình để xây dựng, ban hành những biện pháp nhằm tăng cường công tác bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tại đất nước mình.
Đơn cử như tại Nhật Bản chỉ có một cơ quan duy nhất là Cơ quan Sáng chế Nhật Bản là được phép cấp bằng sáng chế tại nước này. Quy định này là để tránh sự chồng chéo trong việc cấp bằng sáng chế cho chủ sở hữu tài sản trí tuệ.
Hay như ở Bắc Kinh – Trung Quốc, bắt đầu từ tháng 1/2019, Tòa án nhân dân tối cao Trung Quốc sẽ bắt đầu xử phúc thẩm các vụ án vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, mà trước đây các vụ án này chỉ được thụ lý bởi tòa án cấp tỉnh. Điều này cho thấy rằng Chính phủ Trung Quốc đã nhìn nhận tầm quan trọng của quyền sở hữu trí tuệ tại nước này.
Tại Hàn Quốc, Chính phủ nước này tích cực đẩy mạnh áp dụng công nghệ vào việc bảo vệ quyền tác giả. Điển hình là để giảm sự phân phối trực tuyến các bản sao bất hợp pháp, chính phủ nước này đã vận hành “hệ thống đăng ký webhard” đồng thời cũng vận hành hệ thống thu thập và phân tích các bằng chứng liên quan đến xâm phạm bản quyền kỹ thuật số, tăng cường đáng kể khả năng điều tra của lực lượng cảnh sát tư pháp đặc biệt bảo vệ bản quyền.
Bên cạnh đó, các quốc gia như Mỹ, đã áp dụng hệ thống nộp đơn điện tử đối với các đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ một cách có hiệu quả, hiện nay, Việt Nam chưa áp dụng.
Các quốc gia luôn có hệ thống dữ liệu sáng chế mở, các doanh nghiệp, nhà khoa học và nghiên cứu luôn tiếp cận dễ dàng để có thể khai thác hiệu quả thông tin sáng chế.
Chúng ta có thể học gì từ họ, thưa ông?
Trả lời:
Từ kinh nghiệm thực tiễn của các nước, Việt Nam có thể đúc kết được những bài học riêng cho mình.
Đầu tiên, cần có một khung pháp lý về bảo hộ và phát triển các tài sản trí tuệ bảo đảm tính chính xác, rõ ràng; những cải cách về hệ thống các biện pháp bảo tồn và phát triển các tài sản trí tuệ theo hướng có sự phân quyền rõ ràng, đối với các loại hình tài sản trí tuệ khác nhau được quản lý bởi các cơ quan khác nhau. Tuy nhiên, việc xét xử các vụ tranh chấp và vi phạm liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ nên tập trung vào một tòa án duy nhất - tòa án về sở hữu trí tuệ.
Thứ hai, cần có các biện pháp chủ động hỗ trợ các doanh nghiệp trong hoạt động phòng, chống hàng giả, hàng nhái với sự phối hợp của nhiều cơ quan liên quan của Chính phủ, của các trường đại học, doanh nghiệp, các tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước, cũng như cộng đồng.
Thứ ba, thực hiện nghiêm túc và triệt để xử phạt các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, có thể nâng cao khung hình phạt đồng thời ban hành thêm các hình thức xử phạt nhằm mang tính răn đe hơn các cá nhân, tổ chức có ý định xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Ngoài ra, trong thời đại số như hiện nay, cần tăng cường áp dụng các biện pháp công nghệ trong xây dựng cơ sở dữ liệu và quản lý thông tin quyền tác giả, quyền liên quan. Đồng thời nâng cao hơn nữa nhận thức của người dân trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.
|