Thể chế pháp lý cho ghi nhãn made in Vietnam

SBLAW giới thiệu bài viết Thể chế pháp lý cho ghi nhãn "made in Vietnam" đăng trên báo điện tử Diễn đàn doanh nghiệp để quý khách hàng hiểu thêm về vấn đề quan trọng này.

Trong thời gian vừa qua, hiện tượng gian lận thương mại thông qua ghi nhãn xuất xứ hàng hóa sản xuất tại Việt Nam ngày càng gia tăng.

Mới đây nhất, Bộ Công Thương cũng đã trao đổi với VCCI về việc tăng cường kiểm tra, giám sát việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ Việt Nam (C/O) cho mặt hàng xe đạp điện. 

Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương cho biết có hiện tượng xe đạp điện nước ngoài giả xuất xứ Việt Nam xuất sang châu Âu.

p/Xe đạp điện PEGA được xuất khẩu sang châu Âu

Xe đạp điện PEGA được xuất khẩu sang châu Âu

Gian lận thương mại?

Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cũng cho biết, Ủy ban châu Âu (EC) đã ban hành quyết định về việc áp dụng thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp chính thức đối với xe đạp điện nhập khẩu từ Trung Quốc vào Liên minh châu Âu (EU). Uỷ ban châu Âu (EC) thống kê được lượng xe đạp điện từ Việt Nam xuất sang EU đã tăng nhanh sau khi đơn vị này tiến hành điều tra đối với xe đạp điện nhập khẩu từ Trung Quốc. EC ghi nhận trong 11 tháng đầu năm 2018, số xe xuất sang EU là 138.467 chiếc, giá trị 66,9 triệu euro, tăng 47,4% về lượng và 22,6% về giá trị.

Việc lượng xuất khẩu xe đạp điện từ Việt Nam sang EU tăng nhanh, trùng với thời điểm EC điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc có thể dẫn đến nguy cơ EC tiến hành điều tra lẩn tránh thuế đối với một số doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam, gây ảnh hưởng liên đới tới các doanh nghiệp xuất khẩu chân chính.

 

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, đã có nhiều hàng hóa nước ngoài có xu hướng mượn xuất xứ Việt Nam để hưởng lợi “miễn phí” và bất hợp pháp từ các FTA Việt Nam tham gia.

 

Theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, việc này đưa đến hàng sản xuất trong nước sẽ “chết dần chết mòn”, còn Nhà nước bị thất thu ngân sách. Một chuyên gia khác đề nghị giấu tên thẳng thắn, về bản chất, Trung Quốc không thể gian lận. Câu chuyện hàng sản xuất ở Trung Quốc nhưng nhãn mác ghi “made in Vietnam” chính là gian lận thương mại, nó xảy ra là do các cơ quan quản lý nhà nước Việt Nam kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa nhập khẩu không chặt.

“Phần lớn là do các nhà kinh doanh thương mại Việt Nam chủ động sang Trung Quốc đặt hàng, rồi dán nhãn hàng Việt Nam đi đường tiểu ngạch nhập lại vào nội địa để ăn chênh lệch giá. Như vậy ở đây chính là người Việt đang làm hại người Việt và phải tự trách mình đầu tiên”, vị chuyên gia bày tỏ.

Thể chế pháp lý cho ghi nhãn "Made in Viet Nam"?

Ở các nước tiên tiến đều có quy định về việc ghi nhãn nước sản xuất. Đối với mặt hàng cần bảo hộ hoặc đã xây dựng được thương hiệu mang tầm quốc tế, các nước quy định tiêu chí cho một số sản phẩm cụ thể.

Các nước đưa ra quy định cụ thể về ghi nhãn xuất xứ hàng hóa nhằm mục tiêu bảo hộ ngành hàng sản xuất tại nước đó nói chung và bảo hộ thương hiệu của sản phẩm cụ thể.

Tiêu chí và điều kiện ghi nhãn xuất xứ có thể được quy định chung như “made in…, produced in…” hoặc chi tiết đến từng công đoạn sản xuất, gia công hoặc chứa giá trị gia tăng cụ thể như “designed by/in…, assembled in…”. Hiện Việt Nam chưa có quy định về tiêu chí để hàng hóa được ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam nên người tiêu dùng trong nước không có căn cứ để phân biệt thế nào là hàng “Made in Viet Nam” và họ đang sử dụng hàng “Made in Viet Nam” trên cơ sở tự nhận biết hoặc tin tưởng vào những nhãn hàng không được kiểm chứng.

Do chưa có quy định về tiêu chí ghi nhãn nước sản xuất hàng hóa, khái niệm “hàng hóa Việt Nam” có thể được hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau: hàng hóa có xuất xứ Việt Nam để hưởng ưu đãi thuế quan theo cam kết hội nhập kinh tế quốc tế.

Theo Cục Xuất nhập khẩu, vừa qua Bộ Công Thương đã cùng với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tư pháp, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và một số hiệp hội ngành hàng hoàn thiện thể chế pháp lý về ghi nhãn sản xuất "Made in Viet Nam". Trước mắt, việc ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam nên được áp dụng trên nguyên tắc tự nguyện, tự kê khai.

Tuy nhiên, khi cá nhân, tổ chức thực hiện ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam, hàng hóa bắt buộc phải đáp ứng tiêu chí và phải chứng minh việc đáp ứng tiêu chí đó khi được yêu cầu. Trong trường hợp cá nhân, tổ chức ghi công đoạn sản xuất tại Việt Nam thì phải chứng minh được việc hàng hóa trải qua công đoạn sản xuất, gia công có phát sinh giá trị tại Việt Nam.

Trở lại câu chuyện xe đạp điện, đại diện Bộ Công Thương cho biết sẽ tăng cường giám sát việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) cho xe đạp điện xuất EU. Đồng thời, Bộ này khuyến nghị các doanh nghiệp tuân thủ chặt chẽ các quy định về chứng nhận xuất xứ, không tiếp tay cho các hành vi gian lận, ảnh hưởng đến uy tín hàng Việt.

Nguyễn Việt

Dẫn nguồn: http://enternews.vn/

SBLAW tư vấn về bảo hộ thương hiệu và các tài sản trí tuệ khác một cách nhanh chóng, chính xác và hiệu quả:
Quý khách cần sử dụng dịch vụ bảo hộ tài sản trí tuệ, vui lòng liên hệ trực tiếp đến.
  • Điện thoại - Chat Zalo
  • Email address
Tin tức liên quan