SBLAW đánh giá về Sự khác biệt giữa thương hiệu và nhãn hiệu
Để có chỗ đứng và khẳng định được vị thế của mình trên thị trường mỗi doanh nghiệp cần tạo dựng thương hiệu. Vậy thương hiệu là gì? Thương hiệu có thể đăng ký và được pháp luật bảo hộ không?
Trên phương diện pháp lý, cụ thể là luật sở hữu trí tuệ Việt Nam chưa có định nghĩa về thương hiệu, cũng như không có bất kể quy định trong văn bản nào hướng dẫn thủ tục đăng ký về bảo hộ thương hiệu. Theo đó, có thể nói thương hiệu là một khái niệm trừu tượng và rất dễ gây nhầm lẫn với nhãn hiệu.
Trong quy định của Luật sở hữu trí tuệ Việt và các văn bản pháp luật quy phạm về Sở hữu trí tuệ chỉ ghi nhận và sử dụng thuật ngữ nhãn hiệu. Theo đó, được hiểu chỉ có nhãn hiệu mới là đối tượng được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Vậy thương hiệu và nhãn hiệu hiệu khác nhau như thế nào?
Thứ nhất, về định nghĩa
– Thương hiệu (brands) theo quy định của tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới WIPO là dấu hiệu (hữu hình hoặc vô hình) đặc biệt để nhận biết một sản phẩm hàng hóa hay một dịch vụ nào đó được sản xuất hay được cung cấp bởi một cá nhân hoặc một tổ chức.
– Nhãn hiệu (Trade mark) được định nghĩa tại khoản 6 Điều 14 Luật sở hữu trí tuệ là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân.
Thứ hai, dấu hiệu nhận biết
– Thương hiệu có thể là dấu hiệu vô hình và hữu hình, có thể là hình tượng, tưởng tượng, cảm nhận trong tâm trí.
– Nhãn hiệu phải là dấu hiệu hữu hình nhìn thấy được , có thể được thể hiện dưới dạng từ ngữ, hình ảnh, biểu tượng. Hay có thể ví von, thương hiệu là phần hồn, nhãn hiệu là phần xác của một cô gái đẹp.
Thứ ba, góc độ tiếp cận
– Thương hiệu là kết quả phấn đấu lâu dài của doanh nghiệp và được người tiêu dùng thừa nhận. Thương hiệu có thể được tạo dựng từ nhãn hiệu, sự chuyên nghiệp, chất lượng của sản phẩm, dịch vụ, chi phí thực hiện dịch vụ. Như vậy, thương hiệu được tiếp cận dưới góc độ người sử dụng.
– Nhãn hiệu nếu đáp ứng đủ tiêu chuẩn bảo hộ theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ sẽ được pháp luật công nhận bằng văn bản (cụ thể là Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu). Như vậy, nhãn hiệu được tiếp cận dưới góc độ pháp luật.
Thứ tư, phạm vi sử dụng
– Thương hiệu có phạm vi rộng, bao gồm cả nhãn hiệu, được sử dụng trong thực tiễn hoạt động kinh doanh, cung ứng hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng. Ví dụ như thương hiệu honda có những nhãn hiệu như: Dream, Vision, Wave, Air Blade..
– Nhãn hiệu có phạm vi hẹp hơn, nhãn hiệu chỉ là một trong các dấu hiệu để xây dựng thương hiệu. Nhãn hiệu được pháp luật thừa nhận nên được sử dụng trong tất cả các loại giấy tờ pháp lý gắn liền với sản phẩm, dịch vụ
Thứ năm, hiệu lực sử dụng
– Thương hiệu có hiệu lực tồn tại lâu hơn nhãn hiệu. Có những thương hiệu nổi tiếng mãi theo thời gian. Ví dụ như khi nói “Nâng niu bàn chân Việt” là nghĩ đến thương hiệu Bitis.
– Nhãn hiệu có hiệu lực 10 năm kể từ ngày nộp đơn và có thể gia hạn nhiều lần, mỗi lần 10 năm. Tuy nhiên, hiệu lực sử dụng của nhãn hiệu thường thay đổi hoặc có được tiếp tục được sử dụng hay không phụ thuộc những tác động từ yếu tố bên ngoài như thị hiếu người tiêu dùng, hình thức kinh doanh của doanh nghiệp.
Thứ sáu, vấn đề làm giả làm nhái
– Không có thương hiệu giả
– Có thể làm giả, làm nhái nhãn hiệu
Thứ bảy, thời gian xây dựng
– Thương hiệu cần rất nhiều thời gian để tạo dựng về hình ảnh của hàng hóa dịch vụ trong tâm lý người tiêu dùng, thời gian này đôi khi là cả cuộc đời của doanh nghiệp
– Nhãn hiệu được tạo ra trong khoảng thời gian luật định, thường là 16 đến 18 tháng theo thủ tục thông thường
Như vậy nhãn hiệu và thương hiệu là hai đối tượng hoàn toàn khác biệt. Đăng ký bảo hộ nhãn hiệu là một trong những cách thức tạo dựng thương hiệu riêng của mỗi cá nhân/doanh nghiệp. Sau một quá trình phấn đấu để chiếm được lòng tin của khách hàng, nhãn hiệu trở thành thương hiệu ăn sâu vào tiềm thức khách hàng theo các cung bậc sau: Nhãn hiệu→ Nhãn hiệu tin tưởng → Nhãn hiệu yêu thích → Thương hiệu.