Sự cần thiết của sở hữu trí tuệ đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ
1. Thưa Ông, thời gian qua có thể thấy những câu chuyện về vi phạm quyền sở hữu trí tuệ diễn ra khá phổ biến ở nước ta. Điển hình như vụ việc gạo ST25 bị đăng ký bảo hộ nhãn hiệu ở nước ngoài, hay nước mắm Phú Quốc.... Hay ngay ở trong nước, cũng diễn ra nhiều vụ việc tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ đặc biệt đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp. Ông có thể chỉ ra những vi phạm phổ biến trong việc sở hữu trí tuệ ở nước ta hiện nay được không ạ?
Trả lời:
Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009) quy định đối tượng sở hữu trí tuệ gồm 3 nhóm chính:
– Quyền sở hữu công nghiệp;
– Quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả;
– Quyền liên quan đến giống cây trồng vật nuôi.
Với bất kì hành vi xâm phạm nào đối với 3 đối tượng nêu trên đều được coi là hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Cụ thể, các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bao gồm:
– Hành vi xâm phạm quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả;
– Hành vi xâm phạm quyền đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn;
– Hành vi xâm phạm đối với bí mật kinh doanh;
– Hành vi xâm phạm đối với nhãn hiệu, tên thương mại và chỉ dẫn địa lý;
– Hành vi xâm phạm quyền đối với giống cây trồng.
Trong số đó, ở nước ta hiện nay, các hành vi vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ phổ biến trong kinh doanh- thương mại là các hành vi xâm phạm đối với nhãn hiệu, tên thương mại, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí.
Có thể kể đến một số vụ việc tiêu biểu như Vụ việc tranh chấp giữa Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Đông Phương (Công ty Đông Phương) với Công ty Cổ phần Điện tử Asanzo Việt Nam (Công ty Asanzo) liên quan đến nhãn hiệu “Asano và hình” vào năm 2019; vụ việc tranh chấp Nhãn hiệu “MIXIFOOD và hình” giữa youtuber nổi tiếng Độ Mixi và một văn phòng luật sư.
Đối với hành vi xâm phạm kiểu dáng công nghiệp, thì có thể kể đến vụ việc Tranh chấp về kiểu dáng, thiết kế xe điện giữa Công ty Piaggio Việt Nam và Công ty Detech vào năm 2018.
Bên cạnh đó là hàng loạt các vụ việc phát hiện các cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái khác có quy mô từ nhỏ lẻ cho tới phức tạp được các cơ quan chức năng phát hiện trong thời gian gần đây.
2. Đăng ký sở hữu trí tuệ có thể coi là một chiếc khiên bảo vệ thương hiệu, nhãn hàng, sản phẩm rất hữu hiệu, tuy nhiên trong thời gian qua, vấn đề này chủ yếu được các tập đoàn, doanh nghiệp lớn thực hiện sát sao, còn lại rất nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa, hay các cá nhân khởi nghiệp chưa tiếp cận. Theo Ông nguyên nhân là do đâu?
Trả lời:
Việc các doanh nghiệp lớn đã nhận thức rõ được tầm quan trọng và lợi ích của việc đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, so với số lượng các đơn đăng ký về bảo quyền sở hữu trí tuệ của các doanh nghiệp lớn thì bên các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn hạn chế. Nguyên nhân đằng sau của việc các doanh nghiệp vừa và nhỏ hay các cá nhân khởi nghiệp chưa tiếp cận với việc đăng ký sở hứu trí tuệ có thể là do:
Thứ nhất, các doanh nghiệp vừa và nhỏ hay các cá nhân khởi nghiệp đến nay vẫn chưa thực sự quan tâm đến vấn đề sở hữu trí tuệ, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, Cục sở hữu trí tuệ đã có rất nhiều chính sách và giải pháp nhằm giúp doanh nghiệp đổi mới sáng tạo để tạo ra các tái sản trí tuệ, công nghệ mới, cũng như sử dụng quyền sở hữu trí tuệ để tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm, dịch vụ trên thị trường.
Thứ hai, nhận thức của các doanh nghiệp vừa và nhỏ còn hạn chế nên không nắm được quyền lợi do việc đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ mang lại. Các doanh nghiệp vửa và nhỏ hay các cá nhân khởi nghiệp không quan tâm đến quyền lợi của mình cho đến khi các quyền lợi của các doanh nghiệp hay các cá nhân bị ảnh hưởng bởi các tổ chức hay cá nhân khác.
Thứ ba, vấn đề nhân lực, hầu hết các doanh nghiệp vừa và nhỏ hay các cá nhân khởi nghiệp của Việt Nam không có các cán bộ chuyên trách trong lĩnh vực này. Điều này dẫn đến khó khăn cho các doanh nghiệp và các cá nhân này gặp khó khăn trong việc nghiên cứu và xử lý vấn đề này.
Bên cạnh đó, việc hạn chế về mặt tài chính cũng là một trong những nguyên nhân căn bản dẫn đến tình trạng trên.
3. Là một luật sư có kinh nghiệp trong việc tư vấn cho các doanh nghiệp về sở hữu trí tuệ, ông đánh giá văn bản luật hiện nay của chúng ta có những bất cập gì và cần phải thay đổi những nội dung gì để có thể thúc đẩy các đẩy các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hay các cá nhân tổ chức tiếp cận tới chiếc khiên bảo vệ này?
Trả lời:
Trước hết, để giúp cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hay các cá nhân, tổ chức tiếp cận với việc bảo vệ sở hữu trí tuệ thì cần có những chương trình, tuyên truyền để nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức ý thức được về tầm quan trọng của việc bảo vệ sở hữu trí tuệ. Đặc biệt là với những doanh nghiệp quy mô nhỏ, thường rất dễ bỏ sót tầm quan trọng của việc bảo vệ những ý tưởng kinh doanh, hình ảnh sản phẩm, thương hiệu của mình. Điều này sẽ giúp cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa có ý thức chủ động tìm kiếm sự giúp đỡ, tư vấn từ các bên có liên quan hoặc từ những cơ quan có thẩm quyền.
Về khía cạnh pháp luật, Luật sở hữu trí tuệ ra đời từ năm 2005 đến nay cũng đã được áp dụng với sự ổn định nhất định, tuy nhiên vẫn còn phát sinh nhiều bất cập trong nhiều khía cạnh khác nhau, về từng nhánh bảo hộ của quyền sở hữu trí tuệ, về vấn đề tương thích với các cam kết quốc tế của Việt Nam về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Nhưng, cụ thể, để khuyến khích sự chủ động tiếp cận của doanh nghiệp vừa và nhỏ, hệ thống pháp luật sở hữu trí tuệ cần có những sửa đổi như sau:
(i) Quy định pháp luật cần tạo thuận lợi cho quá trình thực hiện thủ tục đăng ký và xác lập quyền hơn
Đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, lý do họ chưa thật sự quan tâm đến việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ là do những kiến thức về sở hữu trí tuệ đối với người mới là rất phức tạp và khó hiểu, ngoài ra là do vấn đề chi phí. Việc đơn giản hoá thủ tục đăng ký quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt là với việc phát triển cổng đăng ký trực tuyến, sẽ đẩy nhanh thủ tục đăng ký, cũng là cơ sở giúp cho các công ty tư vấn có thể giảm nhẹ một chút chi phí đăng ký cho những doanh nghiệp nhỏ và vừa.
(ii) Quy định pháp luật về thực thi quyền sở hữu trí tuệ
Hiện, việc thực thi quyền SHTT tại Việt Nam còn nhiều hạn chế về các cơ chế, chế tài xử phạt cho nên chưa kiểm soát được hoàn toàn hoạt động vi phạm. Vì thế, pháp luật cần hoàn thiện theo hướng bảo đảm cơ chế bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ hiệu quả, hợp lý và khả thi hơn, hoàn thiện các quy định về thực thi quyền trong môi trường số; sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến cách thức và phạm vi áp dụng các biện pháp kiểm soát biên giới đối với hàng xuất, nhập khẩu.
Các cơ quan nhà nước cần tiếp tục tổ chức các cuộc thanh tra thường xuyên, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, điều này một mặt giúp cho các doanh nghiệp cảm nhận được sự yên tâm khi tài sản trí tuệ của mình được bảo vệ thích đáng, rằng việc đăng ký bảo vệ quyền là đúng đắn, nên làm; ngoài ra, cũng là động thái giúp dần dần nâng cao nhận thức chung về sở hữu trí tuệ.