Ngày 2.8, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam (VIPA) tổ chức hội thảo “Bảo hộ và quản lý tài sản sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp Việt Nam trong thời đại công nghiệp 4.0”.
Phát biểu tham luận tại Hội thảo, ông Lương Minh Huân, Viện Phát triển doanh nghiệp (VCCI) cho rằng, trong thời đại của Cách mạng Công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế sâu rộng, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ lại càng trở nên phức tạp khi mà sự phát triển của khoa học, công nghệ vừa giúp phát huy và lan tỏa mạnh mẽ những mặt tích cực nhưng đồng thời cũng khuếch đại gấp nhiều lần các vấn đề nổi cộm về sở hữu trí tuệ mà doanh nghiệp phải đối mặt.
Điển hình là các hành vi xâm phạm đang diễn ra ngày càng nhanh chóng hơn, tinh vi hơn với quy mô rộng lớn hơn, vượt qua cả ranh giới về địa lý và lãnh thổ quốc gia, thay đổi hình thức từ môi trường kinh doanh truyền thống lên môi trường thương mại điện tử và internet. “Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp phải nhận thức cao hơn nữa về vai trò sở hữu trí tuệ, phải có ý thức bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ”, ông Huân nói.
Cùng tham luận về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Thanh Hà đến từ Công ty Luật TNHH SB nhận định, yếu tố quyền SHTT tại doanh nghiệp Việt sở dĩ vẫn chưa được coi trọng phần lớn là do các nguồn cung cấp thông tin về sở hữu trí tuệ tại nước ta chưa nhiều.
Bên cạnh đó, các yếu toó khách quan như một số quy định trong Luật Sở hữu trí tuệ còn chung chung dẫn đến việc thực thi thiếu hiệu quả. Ngoài ra, chúng ta đã học hỏi được khá nhiều kinh nghiệm quốc tế để áp dụng cho Luật Sở hữu trí tuệ của ta nhưng lại chưa tính đến đặc thù của đất nước mình. Đặc biệt, khu vực kinh tế nhà nước đóng vai trò quan trọng và quản lý khối tài sản trí tuệ rất lớn của quốc gia nhưng chưa có những quy định đặc thù để bảo vệ hữu hiệu…
Trong những năm gần đây, cùng với sự vươn mình ra thế giới, các doanh nghiệp trong nước cũng đã dần nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của quyền sở hữu trí tuệ, xây dựng, bảo vê, phát triển tà sản trí tuệ cũng như bảo hộ tài sản sở hữu trí tuệ trong công cuộc xây dựng và phát triển doanh nghiệp.
Điều này được thể hiện qua thống kê công bố tại Hội thảo: Năm 2015 có gần 37.300 đơn đăng ký nhãn hiệu của các doanh nghiệp thì đến năm 2020 có 55.600 đơn, tăng gần 50%. Số lượng đơn đăng ký nhãn hiệu quốc tế thông qua Cục Sở hữu trí tuệ cũng tăng gấp đôi từ 105 đơn vào năm 2015 lên 269 đơn vào năm 2020.
Mặc dù đã có sự gia tăng nhưng con số này khi đưa ra xét trong tổng thể với gần 800.000 doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam hiện nay thì vẫn còn rất khiêm tốn và thể hiện sự xem nhẹ của các đơn vị trong các vấn đề bảo hộ nhãn hiệu, thương hiệu.
Theo Luật sư Nguyễn Thanh Hà, sở hữu trí tuệ, bảo vệ ý tưởng, bảo hộ thương hiệu là quyền pháp lý rất quan trọng đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp khởi nghiệp trong thời đại CMCN 4.0.
Nếu có thể làm tốt các vấn đề liên quan tới sở hữu trí tuệ ngay từ những viên gạch đầu tiên thì bất kể sản phẩm start-up của doanh nghiệp là gì những yếu tố này đều sẽ là những món tài sản có thể giúp doanh nghiệp sinh lời đồng thời giúp doanh nghiệp được bảo vệ trong những vấn đề pháp lý liên quan.
Do đó, dù lựa chọn cung cấp sản phẩm hay dịch vụ gì tới thị trường, điều mà các doanh nghiệp Việt cần làm ngay lập tức chính là tổ chức xem xét một cách có hệ thống các biện pháp cần thiết để bảo hộ, quản lý và thực thi quyền sở hữu trí tuệ của mình nhằm đạt được hiệu quả kinh doanh tốt nhất.
Ngoài các ý kiến trên, trong khuôn khổ hội thảo “Bảo hộ và quản lý tài sản sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp Việt Nam trong thời đại công nghiệp 4.0”, các tham luận khác cũng đều khẳng định sở hữu trí tuệ có vai trò rất lớn đối với sự phát triển của các doanh nghiệp ở tất cả các quy mô và loại hình kinh doanh.
Với mỗi doanh nghiệp, quyền sở hữu trí tuệ sẽ đóng vai trò tạo ra những giá trị tài sản, đồng thời là một trong những trụ cột giúp tạo nên một nền móng vững chắc để phát triển lâu dài, vừng bền, đặc biệt trong thời đại CMCN 4.0 với sự cạnh tranh vô cùng gắt gao ở cả thị trường trong nước và quốc tế như hiện nay.