Sao Việt dùng thời trang nhái, ứng xử thế nào?

Sao Việt dùng thời trang nhái, ứng xử thế nào?

NTK Thế Uy Hải Long cũng cho rằng, điều quan trọng vẫn là lòng tự trọng và đạo đức của các NTK.

Trong khi vấn đề bản quyền âm nhạc, phim ảnh, mỹ thuật đang được nhiều người quan tâm, thì lĩnh vực thời trang hiện tượng sản xuất và sử dụng các sản phẩm nhái các nhãn hiệu nổi tiếng diễn ra phổ biến và được xem như sự đã rồi.

Sao Việt diện váy nhái như “cơm bữa”

Thường xuyên xuất hiện trên thảm đỏ trong những bộ cánh thướt tha, lộng lẫy và cố gắng nổi bật và ấn tượng nhất bằng những bộ đồ hàng hiệu đắt đỏ, nên việc thi thoảng các sao Việt bị phát hiện mặc đồ phiên bản lỗi cũng không có gì khó hiểu. Bởi lẽ, không phải ai cũng có khả năng chi tiền khủng để diện những bộ đồ hiệu thực sự, hoặc không phải ai cũng tinh tường để phát hiện ra bộ cánh mình đang mặc là đồ nhái, hàng fake. Cũng bởi vậy, dăm bữa nửa tháng, các ngôi sao lại được truyền thông và cư dân mạng “mổ xẻ” vì bị tố mặc hàng fake. Cá biệt hơn, Á hậu Huyền My từng bị NTK trong nước tố mặc váy nhái mẫu thiết kế của anh.

Vừa qua, trong một sự kiện tại TP HCM, cô “hoa hậu quốc dân” Phạm Hương xuất hiện với trang phục vô cùng nổi bật. Chiếc váy đỏ cổ lọ lấp lánh với phần chân váy xòe phồng. Tuy nhiên, bộ váy nhanh chóng bị khán giả phát hiện giống thiết kế nằm trong bộ sưu tập trong Haute Couture xuân hè 2016 của Micheal Cinco, được trình diễn tại Tuần lễ thời trang Dubai.

Trước lùm xùm này, quản lý truyền thông của Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2015 Phạm Hương đã phủ nhận mẫu thiết kế là đạo nhái, còn Phạm Hương và NTK thì im lặng. Thực ra, sự im lặng này chính là cách lựa chọn mà hầu hết các ngôi sao và NTK Việt khi dính scandal hoặc, có những NTK lên tiếng phủ nhận mẫu thiết kế của mình là đạo nhái và chỉ cho rằng, đó là trùng hợp ý tưởng. Cứ như thế, hành động “tiện tay mượn xài” vẫn diễn ra ngày càng nhiều và khó kiểm soát được trong ngành nghề thời trang cao cấp tại Việt Nam.

Chấp nhận “sống chung với lũ”

NTK Sĩ Hoàng đã từng thực hiện việc đăng ký bản quyền cho mẫu thiết kế của mình từ năm 1997. Tuy nhiên, việc này gần như không mang lại hiệu quả gì cho anh trong việc chống mẫu thiết kế của mình bị nhái lại. Thậm chí, anh từng phát hiện có những mẫu nhái giống y hệt từ chữ ký đến cách làm, tới mức bạn bè và người thân của anh còn khó phân biệt được. Đến lúc phát hiện ra, NTK Sĩ Hoàng đã yêu cầu dừng và gỡ bỏ sản phẩm nhái của anh ở shop, nhưng vài hôm sau đi qua lại thấy họ trưng bày để bán.

Anh tâm sự: “Việc đi thưa kiện cũng rất khó khăn mà làm mãi không xong. Cuối cùng, tôi phải tự an ủi là chất lượng mẫu của mình có tốt, có đẹp thì người ta mới nhái. Cứ coi như mình đang gián tiếp tạo công ăn việc làm cho người khác vậy. Người làm nghệ thuật mà cứ vướng vào những chuyện này thì tâm thế rất khó tĩnh để làm ra bộ khác”.

NTK Sĩ Hoàng cũng cho rằng, điều quan trọng có thể giải quyết được điều này chính là đạo đức và danh dự của những người làm nghề. Không chỉ vậy, hành lang pháp lý cũng phải chặt chẽ để có thể quản lý, xử lý và răn đe những trường hợp vi phạm một cách triệt để nhất. Anh phân tích, ở Pháp có luật là ngay ở cửa nhập khẩu, khách đi vào mà phát hiện dùng hàng nhái như túi xách, quần áo… sẽ bị tịch thu tại chỗ và phạt tiền rất nặng. Tất nhiên ở Việt Nam, tình trạng này không thể giải quyết một sớm một chiều nhưng không có nghĩa là không giáo dục người trong ngành nghề, celebs, người tiêu dùng nên ý thức dùng hàng thật, tránh tiếp tay cho cái xấu tồn tại.

Cùng quan điểm trên, NTK Thế Uy Hải Long cũng cho rằng, điều quan trọng vẫn là lòng tự trọng và đạo đức của các NTK trong ngành nghề thời trang. Bởi thực hiện và liên quan đến Luật Sở hữu trí tuệ rất nhiều thủ tục rắc rối, mà ai cũng ngại động vào pháp luật. Do đó, nếu những người nhái mẫu vẫn không trọng danh dự và không có lòng tự trọng thì trước khi chờ đợi các cơ quan chức năng vào cuộc, chính các NTK nên tự cứu mình trước.

Có thể bằng cách thiết kế những mẫu có các chi tiết, chất liệu đặc biệt để khó có thể làm nhái được và chỉ làm với số lượng nhất định. Anh cho biết thêm, ở Mỹ có những quy định rất rõ ràng về thiết kế. Thiết kế mà làm mới 50% là mẫu thuộc về chất xám của mình. Và các xu hướng thời trang xoay vòng nên một NTK thông minh có thể lấy cảm hứng từ những bộ sưu tập để phát triển thành thiết kế của mình chứ không sao chép. Do đó, nhìn vào một mẫu thiết kế có thể biết được cảm xúc, giá trị và cái tâm của NTK.

NTK Hải Long cũng nhìn nhận, để đi tới chuyên nghiệp hóa thì cần luật hóa bản quyền thời trang, “ai cũng mong muốn cơ quan chức năng có sự can thiệp để bảo vệ tư duy và sở hữu trí tuệ của người nghệ sĩ. Nghệ sĩ sống bằng cảm xúc mà giờ cảm xúc bị sao chép thì sống sao được? Tôi nghĩ điều này khó có thể thực hiện ngay, nhưng sẽ làm được nếu cơ quan chức năng thực sự nhận thấy tiềm năng của nền công nghiệp thời trang Việt Nam và tiềm năng sáng tạo của những NTK”, anh chia sẻ.

Chia sẻ điều này với Báo Giao thông, luật sư Nguyễn Thanh Hà, Giám đốc Hãng luật SB LAW (Baohothuonghieu.com) cho hay, các mẫu thời trang là sản phẩm sáng tạo nên có thể được bảo hộ dưới dạng kiểu dáng công nghiệp hoặc bảo hộ quyền tác giả.

Tuy nhiên, các nhà thiết kế thường không đăng ký quyền sở hữu trí tuệ, vì thời trang có tính đặc thù là mẫu thay đổi liên tục và có quá nhiều. Luật sư Hà cũng cho hay, việc chứng minh một mẫu thiết kế có vi phạm bản quyền hay không thường rất mất thời gian. Do đó, hầu hết các công ty thời trang và các NTK bỏ qua khi phát hiện có người đạo mẫu thiết kế của mình.

Theo Hoàng Anh baogiaothong.vn

» Thủ tục Đăng ký Bản quyền tác giả

SBLAW tư vấn về bảo hộ thương hiệu và các tài sản trí tuệ khác một cách nhanh chóng, chính xác và hiệu quả:
Quý khách cần sử dụng dịch vụ bảo hộ tài sản trí tuệ, vui lòng liên hệ trực tiếp đến.
  • Điện thoại - Chat Zalo
  • Email address
Tin tức liên quan