Quy định mới về thành lập tòa án chuyên biệt về Sở hữu trí tuệ trong luật Tổ chức Toà án Nhân dân (Sửa đổi)

Mới đây, ngày 24 tháng 06 năm 2024, Quốc hội chính thức thông qua Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (“TAND”) (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 01/01/2025. Luật sửa đổi tập trung vào những nội dung lớn như: quy định nội hàm quyền tư pháp (Điều 2); sửa đổi, bổ sung nhiệm vụ quyền hạn của Tòa án (các Điều 3, 15, 26, 28, 29); hoàn thiện tổ chức bộ máy Tòa án (các Điều 51, 61, 62); đổi mới, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Tòa án (các Điều 8, 21, 91, 95, 96, 97, 103, 104, 105, 112, 113, 114, 117, 118, 150); thành lập Hội đồng Tư pháp quốc gia trên cơ sở bổ sung chức năng, nhiệm vụ, thành phần của Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia để bảo đảm độc lập tư pháp (các Điều 38, 39, 40, 41, 42); đổi mới chế định nhân dân tham gia xét xử (các Điều 122, 123, 124, 127, 130, 131, 132, 134, 135);...

Trong đó, điểm mới nổi bật là quy định về TAND sơ thẩm chuyên biệt trong hệ thống Tòa án, nhằm đáp ứng yêu cầu giải quyết các vụ việc có tính chất đặc thù, điển hình như trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ (“SHTT”). Sự cần thiết để thành lập tòa án chuyên biệt về SHTT đã được nhiều chuyên gia phân tích trong các bài báo, tạp chí Luật học trước đây, và đến nay, đề xuất này đã được luật hóa.

Quy định mới về thành lập tòa án chuyên biệt về Sở hữu trí tuệ
Quy định mới về thành lập tòa án chuyên biệt về Sở hữu trí tuệ

Cụ thể, những nội dung quan trọng về Tòa án chuyên biệt về SHTT quy định trong Dự thảo Luật Tổ chức TAND sửa đổi như sau:

Những nội dung quan trọng về Tòa án chuyên biệt về SHTT quy định trong Dự thảo Luật Tổ chức TAND sửa đổi

Thứ nhất, về vị trí trong hệ thống Tòa án, các TAND sơ thẩm chuyên biệt về SHTT độc lập so với hệ thống TAND cấp huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, TAND cấp cao và TAND tối cao cũng như không trùng lặp với các Tòa chuyên trách thuộc hệ thống TAND các cấp hiện hành. Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thẩm quyền quyết định thành lập, giải thể TAND sơ thẩm chuyên biệt.

Song, hoạt động của TAND sơ thẩm chuyên biệt về SHTT vẫn có mối quan hệ chặt chẽ với hệ thống TAND các cấp hiện hành. Ví dụ, theo Điều 50 và Điều 54, TAND cấp cao cùng với các Tòa chuyên trách thuộc TAND cấp cao có nhiệm vụ, quyền hạn phúc thẩm vụ án, vụ việc mà bản án, quyết định của TAND sơ thẩm chuyên biệt SHTT thuộc phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định của luật tố tụng. Đồng thời, đối với các bản án của TAND thuộc phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ của mình, TAND cấp cao và TAND tối cao có nhiệm vụ, quyền hạn giám đốc thẩm, tái thẩm, không ngoại trừ TAND sơ thẩm chuyên biệt SHTT.

Thứ hai, thẩm quyền thành lập, giải thể Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt về SHTT được quy định tại khoản 2 Điều 4, khoản 11 Điều 77 Dự thảo Luật Tổ chức TAND sửa đổi. Theo đó, Chánh án TAND tối cao trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định thành lập, giải thể Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt Sở hữu trí tuệ. Như vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội là cơ quan duy nhất có thẩm quyền quyết định thành lập, giải thể TAND sơ thẩm chuyên biệt. 

Thứ ba, về cơ cấu tổ chức, căn cứ Điều 63 Dự thảo, TAND sơ thẩm chuyên biệt về SHTT có cơ cấu gồm: Chánh án, các Phó Chánh án, Thẩm phán, Thẩm tra viên Tòa án, Thư ký Tòa án, công chức khác và người lao động. 

Trong đó, Chánh án, Phó Chánh án do Chánh án TAND tối cao bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, hoạt động theo nhiệm kì 05 năm (tương tự như Chánh án, Phó Chánh án TAND cấp cao, cấp thành phố thuộc tỉnh và thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, cấp huyện, quận, thị xã). Quyền hạn, nhiệm vụ của Chánh án, Phó Chánh án quy định tại Điều 82, 83 Dự thảo Luật sửa đổi.

Thẩm phán do Chủ tịch nước bổ nhiệm theo đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, có nhiệm kỳ 05 năm khi được bổ nhiệm lần đầu, nhiệm kỳ đến khi nghỉ hưu hoặc chuyển công tác khác nếu được bổ nhiệm lại. 

Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt có bộ máy giúp việc do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quyết định thành lập và quy định nhiệm vụ, quyền hạn.

Thứ tư, theo Điều 62(2), TAND sơ thẩm chuyên biệt SHTT có những nhiệm vụ và quyền hạn như sau: (a) Sơ thẩm các vụ việc về SHTT theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính; (b) Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng theo quy định của pháp luật; (c) Thực hiện việc tổng kết thực tiễn xét xử, đề xuất án lệ; (d) Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại điểm d và điểm đ khoản 2 Điều 3 của Luật này và nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của luật. TAND sơ thẩm chuyên biệt SHTT có nhiệm vụ, quyền hạn tương đương với Tòa án cấp sơ thẩm khác được quy định tại Điều 23, tuy nhiên sẽ tập trung vào các vụ việc liên quan đến SHTT. Các nhiệm vụ, quyền hạn khác đều tương đương với nhiệm vụ, quyền hạn của TAND các cấp hiện hành.

Đánh giá sơ bộ tác động của việc thay đổi

Thực tiễn giải quyết tranh chấp sở hữu trí tuệ tại Tòa án ở Việt Nam hiện nay bộc lộ một số hạn chế, bất cập như: cơ chế kiện dân sự rườm rà, tốn kém và ít hiệu quả, việc đào tạo, tập huấn chuyên môn về SHTT cho cán bộ xét xử chưa đầy đủ và hiệu quả thấp, số vụ tranh chấp ngày càng tăng nhưng các chủ thể bị xâm phạm quyền SHTT lại có tâm lý e ngại việc khởi kiện ra Tòa án mà thay vào đó, họ chọn việc xử lý hành vi xâm phạm bằng các biện pháp thương lượng, hòa giải và biện pháp hành chính, v.v. 

Nhìn chung, việc thành lập Tòa án sơ thẩm chuyên biệt về SHTT, tập trung các Thẩm phán có chuyên môn cao trong lĩnh vực này sẽ là một bước tiến lớn giúp tháo gỡ những vướng mắc trên, để Tòa án thật sự đưa ra được những phán quyết chính xác, giải quyết được tận gốc rễ các xâm phạm về SHTT. 

Song, việc đưa chế định này vào thực tế cũng là một thách thức. TAND sơ thẩm chuyên biệt là một mô hình hoàn toàn mới ở Việt Nam, để thay đổi một bộ máy tổ chức Tòa án truyền thống đã tồn tại qua nhiều năm không phải dễ dàng. Các nội dung về Tòa chuyên biệt SHTT trong Dự thảo Luật sửa đổi hiện mới là những quy định khung về cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn, sẽ phải chờ thêm các văn bản hướng dẫn, sửa đổi, bổ sung trong quá trình đi vào áp dụng, mà trước mắt là Bộ luật Tố tụng dân sự sửa đổi với các quy định chi tiết về hoạt động của Tòa chuyên biệt, cụ thể là trình tự, thủ tục giải quyết vụ việc liên quan đến SHTT tại Tòa này. Bên cạnh đó, đáp ứng yêu cầu về đội ngũ nhân lực đông với trình độ chuyên môn về SHTT cao tại các TAND sơ thẩm chuyên biệt không phải là một bài toán dễ, đòi hỏi phải có những thay đổi về chế độ phúc lợi đối với cán bộ Tòa án cũng như nâng cao chất lượng đào tạo Thẩm phán chuyên trách. Cuối cùng, một vấn đề được nhiều nhà nghiên cứu lập pháp quan tâm - nguy cơ chồng chéo về thẩm quyền xét xử của Tòa sơ thẩm chuyên biệt SHTT với Tòa dân sự sơ thẩm. Đây sẽ là câu hỏi khó cần được giải đáp khi xây dựng Bộ Luật Tố tụng dân sự sửa đổi.

Đánh giá sơ bộ tác động của việc thay đổi
Đánh giá sơ bộ tác động của việc thay đổi

Lưu ý về thời điểm TAND sơ thẩm SHTT đi vào hoạt động

Căn cứ Điều 152 Dự thảo Luật Tổ chức TAND sửa đổi, kể từ ngày Luật này có hiệu lực (01/01/2025), TAND sơ thẩm chuyên biệt SHTT cùng các TAND sơ thẩm chuyên biệt khác được hoạt động sau khi Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính và Luật Phá sản được sửa đổi, bổ sung. Như vậy, thời điểm Tòa chuyên biệt SHTT chưa được xác định chính xác và để hiểu rõ hơn về hoạt động của TAND sơ thẩm chuyên biệt SHTT  sẽ cần chờ việc sửa đổi các luật trên được hoàn thành.

Việc thành lập các TAND sơ thẩm chuyên biệt theo Dự thảo Luật Tổ chức TAND sửa đổi phù hợp với Nghị quyết số 755/NQ-UBTVQH15  ngày 27/3/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội “bổ sung, hoàn thiện pháp luật, tổ chức bộ máy phù hợp để đáp ứng yêu cầu giải quyết các vụ án, vụ việc có tính chất đặc thù như phá sản, sở hữu trí tuệ, tư pháp đối với người chưa thành niên...” và nhằm mục đích “bảo đảm tính chuyên nghiệp trong tổ chức và hoạt động; phát huy trình độ chuyên môn sâu của Thẩm phán, Hội thẩm trong xét xử”, và “nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết các loại việc này”. Hoạt động của TAND sơ thẩm chuyên biệt SHTT cần nhiều thời gian và suy xét trong thời gian tới, tuy nhiên việc Dự thảo Luật TAND sửa đổi được thông qua và có hiệu lực sẽ tạo ra nhiều triển vọng cho các hoạt động liên quan đến lĩnh vực SHTT của Việt Nam trong tương lai. 

Tham khảo thêm >> Xử lý vi phạm sở hữu trí tuệ

SBLAW tư vấn về bảo hộ thương hiệu và các tài sản trí tuệ khác một cách nhanh chóng, chính xác và hiệu quả:
Quý khách cần sử dụng dịch vụ bảo hộ tài sản trí tuệ, vui lòng liên hệ trực tiếp đến.
  • Điện thoại - Chat Zalo
  • Email address
Tin tức liên quan