SBLAW xin trân trọng giới thiệu bài trả lời phỏng vấn của luật sư Nguyễn Thanh Hà trên chương trình của Đài truyền hình VTV1 về vấn đề: Bản quyền hình ảnh của cá nhân.
Chúng tôi giới thiệu nội dung như sau:
- Những năm gần đây mạng xã hội phát triển, việc tải những hình ảnh của bất kì ai hay bất kì đơn vị dễ hơn bao giờ hết. Bởi vậy mà rất nhiều cá nhân hay tổ chức đã "ăn cắp" những hình ảnh đó và phục vụ cho mục đích kinh doanh, bán hàng online của mình. Ví dụ như 1 người phụ nữ đăng ảnh giảm cân do tập luyện đã bị lấy xuống quảng cáo cho thuốc giảm cân (mặc dù chị chưa từng dùng) hay việc các cửa hàng bán quần áo lấy những hình ảnh của shop khác chụp để quảng bá cho shop mình).
1. Ông nhận định như thế nào về việc này?
Trước hết, phải khẳng định rằng việc sử dụng hình ảnh thuộc bản quyền của một cá nhân, tổ chức cho mục đích thương mại mà chưa được tác giả cho phép là hành vi vi phạm quyền tác giả. Tuy nhiên, do thời đại bùng nổ công nghệ như hiện nay, cộng với thực tế các tác giả đôi khi còn chưa sát sao hoặc không đủ khả năng để quản lý tác phẩm của mình, hành vi vi phạm dạng này đang ngày càng phổ biến, tạo nên một bức tranh xấu xí về việc bảo hộ và quản lý bản quyền tại nước ta. Tuy nhiên, do các đối tượng sử dụng công nghệ một cách tinh vi, cộng với năng lực quản lý còn hạn chế của chính bản thân tác giả, việc xử lý các hành vi này tuy có, nhưng vẫn chưa hoàn toàn triệt để và gặp nhiều khó khăn.
2. Theo luật pháp, chế tài xử lí với hành động sử dụng hình ảnh của người khác khi chưa nhận được sự đồng ý cho mục đích kinh doanh online là như thế nào, thưa ông?
Các hành vi vi phạm quyền tác giả và quyền liên quan tùy vào mức độ có thể bị xử lý hành chính, hình sự hoặc kiện dân sự. Thông thường, các hành vi vi phạm về bản quyền nói riêng và sở hữu trí tuệ nói chung sẽ bị buộc chấm dứt hành vi vi phạm và bị áp dụng một hoặc toàn bộ các hình thức xử phạt hành chính như cảnh cáo hoặc phạt tiền. Nếu hành vi vi phạm có dấu hiệu cấu thành tội phạm thỏa mãn quy định của bộ luật hình sự thì sẽ bị xử lý theo pháp luật hình sự.
Đối với hành vi sử dụng trái phép hình ảnh thuộc bản quyền của người khác cho mục đích kinh doanh trực tuyến, ở góc độ pháp lý, đây là hành vi xâm phạm quyền công bố tác phẩm. Theo điều 11 của nghị định số 131/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan, hành vi này có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng và buộc cải chính công khai trên phương tiện thông tin đại chúng.
3. Vậy những tác giả, chủ sở hữu hình ảnh, làm thế nào để bảo vệ hình ảnh của mình trên mạng xã hội?
Đối với các cá nhân thì việc bảo vệ hình ảnh của mình trên mạng xã hội là rất khó khăn do năng lực có hạn cũng như thủ đoạn tinh vi của bên vi phạm. Bbiện pháp có thể áp dụng ở đây đó là lập tức chụp lại để lưu trữ bằng chứng vi phạm, sau đó tiến hành báo cáo với cơ quan quản lý nền tảng xã hội (ví dụ như facebook) để yêu cầu rỡ bỏ hình ảnh vi phạm, rồi báo cáo với cơ quan chức năng bằng chứng vi phạm để yêu cầu xử lý.
Đối với các tổ chức có quy mô, việc bảo vệ hình ảnh có thể dễ dàng hơn một chút bằng việc thành lập hoặc thuê dịch vụ theo dõi, giám sát cũng như báo cáo tình trạng xâm phạm bản quyền và tiến hành làm việc với các cơ quan chức năng để giải quyết sự việc.
4. Theo ông, làm thế nào để hạn chế sự việc này?
Để hạn chế sự việc này, theo tôi cần có các hành động mạnh mẽ và quyết liệt đến từ các cơ quan nhà nước, cụ thể như:
+ Tăng cường ứng dụng các tiến bộ công nghệ vào thực thi quyền tác giả. Vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan có xu hướng diễn ra ngày càng phổ biến trên môi trường Internet, với phạm vi xuyên quốc gia. Vì vậy, tăng cường ứng dụng kỹ thuật công nghệ thông tin vào thực thi quyền tác giả là xu hướng tất yếu. Một số công nghệ tìm kiếm mới có thể giúp phát hiện và thực hiện các biện pháp để xóa bỏ các video, các bản ghi âm thanh vi phạm quyền tác giả.
+ Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách để bảo hộ và thực thi quyền tác giả, quyền liên quan: Cần xây dựng, bổ sung và hoàn thiện các cơ chế, chính sách phát triển ngành công nghiệp văn hóa trong thời kỳ mới, nhằm cải thiện điều kiện kinh doanh sản phẩm, dịch vụ văn hóa để từ đó nâng cao hiệu quả việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ và các quyền liên quan, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh trên thị trường.
+ Củng cố mô hình tổ chức, nâng cao năng lực của các trung tâm bảo vệ quyền tác giả và các tổ chức dịch vụ quyền tác giả. Hiện nay ở nước ta, các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan, như: Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, Trung tâm quyền tác giả văn học Việt Nam, Hội bảo vệ quyền của nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc Việt Nam, Hội truyền thông số Việt Nam…Để nâng cao năng lực hoạt động của các đơn vị này, cần tiếp tục hoàn thiện tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác này.
+ Tuyên truyền nâng cao nhận thức về các quy định của pháp luật trong thực thi bản quyền tác giả. Thực tiễn những vi phạm về quyền tác giả, quyền liên quan trong công nghiệp văn hóa cho thấy, bên cạnh những vi phạm cố tình nhằm thu lợi nhuận bất chính, có một bộ phận không nhỏ các đối tượng không ý thức được hành vi vi phạm của mình. Do đó, để giảm thiểu vi phạm đòi hỏi sự vào cuộc của các cấp, các ngành, trong đó nòng cốt là hệ thống các phương tiện thông đại chúng.