Phạm vi bảo hộ của nhãn hiệu đen

SBLAW bàn về: Phạm vi bảo hộ của nhãn hiệu đen

Một số nhận định chung

Theo quy định về bảo hộ nhãn hiệu của Việt Nam và hầu hết các nước trên thế giới, một nhãn hiệu có thể xin đăng ký bảo hộ ở dạng đen-trắng, dạng màu hoặc cả đen-trắng lẫn màu sắc.

Tuy nhiên, các câu hỏi thường được đặt ra là: i) Phạm vi bảo hộ của một nhãn hiệu đen-trắng hoặc một nhãn hiệu trong dạng màu sắc đạt đến mức độ nào, nhãn hiệu nào được bảo hộ mạnh hơn? ii) Mối quan hệ như thế nào giữa một nhãn hiệu đen-trắng với cùng nhãn hiệu đó nhưng được thể hiện ở dạng màu sắc?

Các câu hỏi trên không dễ trả lời một cách chung nhất bởi lẽ không phải luật pháp sở hữu trí tuệ của quốc gia nào cũng có quy định cụ thể về phạm vi bảo hộ của nhãn hiệu đen-trắng và nhãn hiệu màu, thêm nữa không phải các quy định liên quan đến vấn đề trên cũng giống nhau giữa các quốc gia trên thế giới. Tuy vậy, thông qua quy định luật pháp và thực tiễn áp dụng có thể phân ra hai cách tiếp cận chính của các nước trong việc bảo hộ nhãn hiệu đen-trắng và nhãn hiệu màu.

Cách tiếp cận thứ nhất: Phạm vi bảo hộ của nhãn hiệu phụ thuôc chặt chẽ vào mẫu nhãn hiệu đã đăng ký, nhãn hiệu đăng ký thế nào sẽ được bảo hộ đúng như vậy. Do đó, chủ một nhãn hiệu đen-trắng không thể tự ý sử dụng nhãn hiệu đó dưới các dạng màu tùy ý, hay nói một cách khác là việc sử dụng như vậy không thuộc quyền được bảo hộ của chủ nhãn hiệu.

Cách tiếp cận thứ hai linh hoạt hơn: Một nhãn hiệu được đăng ký ở dạng đen-trắng thì có nghĩa nội dung (hình/chữ) của nó đã đươc bảo hộ,vì vậy nhãn hiệu có thể được sử dụng ở các màu khác với đen-trắng miễn là các hình/chữ của nó vẫn được giữ nguyên còn màu sắc sử dụng không phải là thành phần phân biệt của nhãn hiệu. Nếu màu sắc lại là thành phần tự thân đóng góp vào tính phân biệt của nhãn hiệu thì nhất thiết nhãn hiệu phải được đăng ký ở dạng màu sắc để đạt đươc sự bảo hộ hiệu quả nhất.

Vì vậy, liên quan đến lời giải đáp cho câu hỏi thứ nhất có thể thấy: Một nhãn hiệu được đăng ký ở dạng màu sắc nói chung được bảo hộ mạnh hơn so với cùng nhãn hiệu được bảo hộ dưới dạng đen-trắng. Bởi ngoài việc được bảo hộ về mặt nội dung (hình/chữ) như một nhãn hiệu đen-trắng, nhãn hiệu màu sắc còn được bảo hộ cả màu hoặc kết hợp màu, giúp bảo vệ nhãn hiệu chống lại cả các hành vi xâm phạm bằng cách sử dụng kết hợp màu sắc tương tự gây nhầm lẫn. Tuy nhiên, khi đã đăng ký dạng màu sắc chủ nhãn hiệu lại bị hạn chế trong việc sử dụng, nghĩa là chỉ được sử dụng nhãn hiệu đúng như mẫu đã đăng ký. Trong khi đó, nhãn hiệu đen-trắng lại có ưu thế giúp chủ nhãn hiệu có thể linh hoạt sử dụng nhãn hiệu một cách rộng hơn, theo các phương án màu khác nhau phù hợp với các điều kiện thực tế. Do đó, nếu có đủ điều kiện, chủ nhãn hiệu nên tiến hành đăng ký nhãn hiệu cả trong dạng đen trắng lẫn màu sắc để đạt được sự bảo hộ hiệu quả nhất.

Về câu hỏi thứ hai, các vấn đề chính thường được đặt ra về sự liên quan về pháp lý giữa một nhãn hiệu đen-trắng và cùng nhãn hiệu đó ở dạng màu sắc là:

(i) Quyền ưu tiên:

Liệu một nhãn hiệu đen-trắng có trước có thể làm cơ sở xin quyền ưu tiên cho cùng nhãn hiệu đó được xin đăng ký trong dạng màu sắc?

(ii) Sử dụng làm cơ sở cho việc từ chối đăng ký:

Liệu một nhãn hiệu đen-trắng có trước có thể lấy làm cơ sở để từ chối một nhãn hiệu trùng với nhãn hiệu đó nhưng trong dạng màu?

(iii) Làm chứng cứ cho việc sử dụng:

Liệu việc sử dụng một phiên bản màu của một nhãn hiệu được đăng ký trong dạng đen-trắng có được chấp nhận là chứng cứ sử dụng của nhãn hiệu đen – trắng đó hay không?

Ba vấn đề trên không có một lời đáp thống nhất cho mọi quốc gia do có sự khác nhau trong luật pháp của từng quốc gia thậm chí cả các quốc gia phát triển hoặc trong khối liên minh chặt chẽ như EU. Do đó, sự hài hòa trong luật pháp quốc tế về phạm vi bảo hộ của nhãn hiệu đen-trắng và nhãn hiệu màu, ít nhất cho từng nhóm nước hay cho từng khu vực, là điều cần thiết. Chúng ta hãy xem cách giải quyết của của EU liên quan đến vấn đề trên như thế nào.

Ngày 15.04.2014 các nước EU đã ban hành “Thông cáo chung về việc thực hành chung phạm vi bảo hộ của nhãn hiệu đen-trắng” (The Common Communication on the common practice of the scope of protection of black& white marks) đây là kết quả của sự hợp tác giữa các cơ quan sở hữu trí tuệ trong EU nhằm hài hòa hóa thực tiễn bảo hộ nhãn hiệu đen-trắng trong phạm vi các quốc gia của Liên minh này.

Thông cáo chứa quy định chung về cách áp dụng luật cho ba vấn đề được nêu trên liên quan đến bảo hộ nhãn hiệu đen-trắng:

• Về quyền ưu tiên

Theo quy định một nhãn hiệu muốn được hưởng quyền ưu tiên phải dựa trên cùng nhãn hiệu đã được nộp đơn đăng ký trước đó nên mọi sự khác biệt giữa các nhãn hiệu liên quan sẽ vấp phải sự phản đối. Do đó, một nhãn hiệu đã được đăng ký ở dạng đen-trắng sẽ không được coi là cơ sở để xin quyền ưu tiên cho cùng nhãn hiệu xin đăng ký ở dạng màu. Tuy nhiên, nếu sự khác biệt về màu nhỏ đến mức người tiêu dùng trung bình không nhận biết được thì các nhãn hiệu đó có thể coi là trùng nhau để có thể xin hưởng quyền ưu tiên.

• Về khả năng dùng làm cơ sở để từ chối đăng ký nhãn hiệu:

Sự khác biệt giữa nhãn hiệu đen-trắng và màu, tuy có cùng hình dạng và đường nét, nhưng nói chung người tiêu dùng trung bình đều có thể nhận biết được nên không thể coi là trùng nhau để làm cơ sở cho việc từ chối đăng ký nhãn hiệu. Chỉ trong trường hợp ngoại lệ, khi sự khác biệt không đáng kể và người tiêu dùng trung bình không dễ nhận biết được thì các nhãn hiệu đó mới được coi là trùng nhau.

• Về khả năng dùng làm chứng cứ về sử dụng nhãn hiệu:

Việc sử dụng phiên bản màu của một nhãn hiệu đen-trắng đã đăng ký có được coi là nhãn hiệu đen-trắng đó đã được sử dụng hay không sẽ phụ thuộc vào từng trường hợp cụ thể. Sự sử dụng màu cho một nhãn hiệu đen-trắng đã đăng ký sẽ không bị coi là làm thay đổi nhãn hiệu đó nếu: các thành phần chữ/hình vẫn được giữ nguyên và là các thành phần chính; tương phản tối sáng được giữ nguyên; màu sắc không mang tính phân biệt tự thân và không phải là một đặc điểm phân biệt của nhãn hiệu.

Nhận xét:

Các quy định theo Thông cáo trên bước đầu thống nhất được cách tiếp cận liên quan đến phạm vi bảo hộ của nhãn hiệu đen-trắng trong phạm vi của các nước châu Âu. Tuy nhiên, các quy định này mới chỉ giải quyết được một vế của vấn đề, tức là chỉ mới quy định ảnh hưởng của nhãn hiệu đen-trắng đến các phương án màu của nó. Còn chiều ngược lại: một nhãn hiệu màu có thể coi là trùng lặp để tạo quyền ưu tiên cho nhãn hiệu đen-trắng hay có thể làm cơ sở để từ chối nhãn hiệu đen-trắng hay không thì chưa được đề cập tới.

Sự hài hòa trên không được trọn vẹn vì có đến 6 quốc gia trong EU không tham gia Dự án này. Ý, Pháp, Phần Lan không tham gia vào Dự án và Đan Mạch, Na Uy, Thụy Điển rút lui không áp dụng do có khác biệt hoặc hạn chế bởi luật pháp quốc gia.

Thực tiễn của Việt Nam và đề xuất cho thời gian tới

Quy định về bảo hộ nhãn hiệu ở Việt Nam cũng như các văn bản hướng dẫn cũng không có các quy định cụ thể về phạm vi bảo hộ của nhãn hiệu đen- trắng và nhãn hiệu màu, cũng như tương quan giữa một nhãn hiệu đen-trắng và chính nhãn hiệu đó được thể hiện trong dạng màu.

Tuy nhiên, thực tiễn bảo hộ nhãn hiệu ở Việt Nam cho phép một nhãn hiệu đăng ký ở dạng đen-trắng có thể được sử dụng ở các dạng màu sắc khác nhau, miễn là vẫn giữ nguyên được các nội dung chữ/hình của nhãn hiệu và không xâm phạm quyền đối với một nhãn hiệu đen-trắng hoặc màu của người khác đã được đăng ký.

Theo diễn giải của Luật Sở hữu trí tuệ của Việt Nam và trong thực tế thì việc áp dụng quy định Luật pháp của Việt Nam liên quan đến phạm vi bảo hộ của nhãn hiệu đen – trắng có nhiều điểm tương đồng với quy định trong Thông cáo chung của EU ngày 25/04/2014 nêu trên. Tuy vậy, trong Luật Sở hữu trí tuệ cũng như các văn ban dưới luật chưa có những quy định cụ thể trong việc xác định phạm vi bảo hộ cũng như quyền sử dụng liên quan đến nhãn hiệu đen-trắng và nhãn hiệu màu. Điều đó gây khó khăn cho các chủ thể quyền của nhãn hiệu cũng như những bên liên quan trong việc áp dụng luật.

Do đó, trong nhiệm vụ tiếp tục hoàn thiện Luật Sở hữu trí tuệ và các văn bản hướng dẫn kèm theo trong thời gian tới, cần thiết phải đưa vào những quy định cụ thể về phạm vi bảo hộ của nhãn hiệu đen-trắng và nhãn hiệu màu theo cách tiếp cận linh hoạt như đã nêu trên. Ngoài ra, Thông cáo chung của EU cũng sẽ là một tài liệu tham khảo tốt để phục vụ cho mục đích nêu trên.

VH

SBLAW tư vấn về bảo hộ thương hiệu và các tài sản trí tuệ khác một cách nhanh chóng, chính xác và hiệu quả:
Quý khách cần sử dụng dịch vụ bảo hộ tài sản trí tuệ, vui lòng liên hệ trực tiếp đến.
  • Điện thoại – Chat Zalo
  • Email address
Tin tức liên quan