Luật sư Nguyễn Thanh Hà (chủ tịch SBLAW) có phần trả lời báo Đầu tư về những trò lừa đảo trên mạng, mời các bạn xem nội dung bài phỏng vấn:
Chúng tôi được phản ảnh về một case có liên quan tới vấn đề lừa đảo người dùng trên mạng như sau: người dùng được gợi ý về việc xem các video của Netflix trên một trang website trung gian là Workmines.com và hứa hẹn sẽ được trả thù lao cho mỗi video đã xem sau khi chi một số tiền không nhỏ (các mức 5tr - 21tr - 42tr) để mua một account tham gia xem.
Do tin tưởng vào tên tuổi của kênh truyền hình Netflix, không ít người đã không ngần ngại bỏ ra những số tiền lớn để được tham gia công việc xem video như trên. Với mỗi video của Netflix với độ dài vài phút, sau khi xem xong người dùng sẽ được trả số tiền $0.4 (tương đương 9.400 đ). Như vậy, theo tính toán của nhiều người và cam kết từ công ty trung gian là Workmines là mỗi tuần Workmines sẽ 'trả công' cho người xem video vào một ngày thứ năm, họ sẽ thu lại được phần vốn bỏ ra trong vòng khoảng 1 tháng.
Tuy nhiên, thực tế không suôn sẻ như vậy, trang web này đã biến mất hoàn toàn ngay sau khi được một lượng lớn người tham gia đăng ký ồ ạt trong vòng vài tuần.
Có thể thấy rằng đây là một chiêu thức lừa đảo công nghệ cao khá mới, và mức độ thiệt hại của người tham gia cũng không hề nhỏ, nhẹ thì mất vài triệu, nặng thì mất vài chục, thậm chí vài trăm triệu.
1. Ông đánh giá thế nào về chiêu thức này? Việt Nam đã có khung khổ pháp lý thế nào để xử phạt những kẻ lừa đảo công nghệ cao trong trường hợp này chưa?
Trả lời:
Hình thức lừa đảo công nghệ cao không phải là thủ đoạn mới nhưng dường như, trò này ngày càng được “diễn” tinh vi hơn.
Đối tượng lừa đảo sẽ có thể bị xử phạt như sau tùy theo tính chất, căn cứ chứng minh được các dấu hiệu của hành vi mà hành vi của họ sẽ phải chịu một trong các hình thức xử phạt sau:
Mức độ nhẹ sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, cụ thể là:
Điều 15. Vi phạm quy định về gây thiệt hại đến tài sản của người khác (Nghị định 167/2013/NĐ-CP)
1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Trộm cắp tài sản;
b) Công nhiên chiếm đoạt tài sản của người khác;
c) Dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản của người khác;
d) Sử dụng trái phép tài sản của người khác.
Mức độ nghiêm trọng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự như sau:
Điều 175. Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản
1. Người nào thực hiện một trong những hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 4.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 4.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 174 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại hoặc tài sản có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;
b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.
Điều 174. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại
Nói chung, Việt Nam đã có các chế tài hành chính và hình sự để xử phạt những hành vi vi phạm nêu trên.
2. Ông đánh giá thế nào về vai trò của Netflix trong trường hợp này? Liệu có thật là Netflix thuê một cty trung gian để tuyển người xem video tăng lượng views cho sản phẩm của họ, và có khả năng cty trung gian này đã lừa đảo bùng tiền của người dùng không?
Trả lời:
Theo quan điểm của tôi, Netflix là một công ty công nghệ hang đầu thế giới, họ sẽ không bao giờ thuê một công ty trung gian để có thể tăng lượng view lên, mà họ sẽ dung các cánh marketing khác để bán sản phẩm và dịch vụ của mình đến người tiêu dung.
Trong trường hợp này, các đối tượng lừa đảo đã lợi dụng thương hiệu Netflix để kiếm tiền bất chính, gây thiệt hại cho người tiêu dung.
Người tiêu dùng nên cảnh giác với những chiêu trò này và nếu có nghi ngờ, nên phản ánh với cơ quan chức năng Việt Nam và tới hang Netflix.
3. Ông có tư vấn gì đối với các nạn nhân bị thiệt hại trong trường hợp này và khả năng tìm lại số tiền gần như đã mất?
Trả lời:
Khi phát hiện dấu hiệu lừa đảo, người dân có thể tố cáo hành vi này đến cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận, huyện nơi mình cư trú.
Trong đơn tố cáo, người dân cần trình bày rõ nội dung sự việc và gửi kèm các bằng chứng chứng minh nội dung tố cáo là có cơ sở (nội dung tin nhắn trên điện thoại, thông tin chuyển khoản, …).
Tuy nhiên, với hành vi lừa đảo công nghệ cao, rất khó để người dân có đảm bảo được quyền lợi của mình vì công nghệ ngày càng phát triển, có rất nhiều trường hợp như thế này đã xảy ra do đó người dân nên xem xét kỹ trước khi thực hiện bất kỳ một giao dịch nào đó.