NHÌN LẠI BẢN QUYỀN PHẦN MỀM 2018 Ở VIỆT NAM: MỘT NĂM TÍCH CỰC
Trong bài viết Nhìn lại bản quyền phần mềm 2018 ở Việt Nam, một năm tích cực đăng trên báo Vnrevew có trích dẫn ý kiến của luật sư Phạm Duy Khương, giám đốc SHTT SBLAW.
SBLAW trân trọng giới thiệu nội dung bài báo:
Năm 2018 đã đánh dấu một bước tiến quan trọng về pháp lý bảo vệ và thực thi bản quyền phần mềm. Tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm cũng giảm tới 4% và ý thức tuân thủ sử dụng phần mềm có bản quyền trong cộng đồng doanh nghiệp đã cải thiện đáng kể.
Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi năm 2017 từng bước cụ thể hoá các hành vi xâm phạm quyền Sở hữu trí tuệ (SHTT). Lần đầu tiên, bộ luật này quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân đối với các hành vi xâm phạm quyền SHTT, có hiệu lực từ tháng 1 năm nay. Đây được đánh giá là một cột mốc quan trọng trong việc bảo vệ và thực thi quyền SHTT nói chung, trong đó có bản quyền phần mềm máy tính.
Theo ông Lê Ngọc Lâm, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu Trí tuệ, việc hình sự hóa vi phạm SHTT của các pháp nhân là bước tiến quan trọng, góp phần đưa pháp luật hình sự của nước ta gần hơn với chuẩn mực pháp luật của các nước tiên tiến trên thế giới, qua đó tăng cường tính răn đe của pháp luật hình sự đối với tội phạm.
Cụ thể, Điều 225 của Bộ luật Hình sự năm 2015 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017 và có hiệu lực được gần một năm (từ tháng 1/2018) quy định tội xâm phạm quyền tác giả và quyền liên quan, trong đó có bản quyền phần mềm máy tính phải đối mặt với phạt tiền tối đa lên tới 1 tỷ đồng hoặc phạt tù tối đa lên tới 3 năm. Đặc biệt, pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại điều này có thể đối mặt với mức phạt lên tới 3 tỷ đồng hoặc đình chỉ hoạt động doanh nghiệp lên đến 2 năm.
Sau gần 1 năm Bộ luật 2015 sửa đổi năm 2017 có hiệu lực, Thanh tra Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch - đơn vị chủ trì các hoạt động thanh tra bản quyền phần mềm đánh giá các doanh nghiệp đã có sự chủ động trong việc sử dụng các phần mềm hợp pháp, khuyến cáo tới người lao động không được phép cài đặt, đồng thời có phần mềm quản lý chặt chẽ, để hạn chế tối đa vi phạm.
Theo công bố của Liên minh Phần mềm Doanh nghiệp (BSA) vào tháng 6, tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm của Việt Nam giảm 4 điểm %.
Năm 2018 cũng đánh dấu một bước tiến mới trong việc giảm tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm của Việt Nam. Theo kết quả khảo sát phần mềm toàn cầu 2018 của Liên minh Phần mềm Doanh nghiệp (BSA) công bố vào tháng 6, tỷ lệ phần mềm không bản quyền được cài đặt trong máy tính cá nhân của Việt Nam là 74%, giảm 4% so với kết quả được tổ chức này công bố năm 2016. Đây cũng là tỷ lệ giảm cao trong khu vực cho thấy nỗ lực giảm tỷ lệ vi phạm bản quyền của Việt Nam trong hai năm qua đã đạt hiệu quả khả quan, và ý thức tuân thủ pháp luật về sử dụng phần mềm máy tính có bản quyền của người dùng đã tăng đáng kể.
Tuy ý thức tuân thủ pháp luật trong cộng đồng doanh nghiệp ngày càng nâng cao, nhưng kết quả thanh tra trong năm nay cho thấy có tình trạng một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với quy mô lớn, am hiểu luật pháp nhưng vẫn tìm cách lách luật để sử dụng cả phần mềm bản quyền và phần mềm không bản quyền trong kinh doanh. Trong đợt thanh tra mới đây tại một số công ty như công ty Rehab Italian Design và công ty nội thất gỗ Phú Đỉnh, đoàn thanh tra liên ngành đã phát hiện nhiều phần mềm không bản quyền của Microsoft và Autodesk với giá trị ước tính thiệt hại lên tới gần 5 tỷ đồng.
Thanh tra vi phạm sở hữu trí tuệ về phần mềm tại các doanh nghiệp.
Trao đổi về thực trạng này, luật sư Phạm Duy Khương, Giám đốc công ty Luật SB Law cho rằng việc nhiều công ty nước ngoài tại Việt Nam đến từ các nước có hệ thống luật sở hữu trí tuệ thực thi tốt nhưng khi sang Việt Nam lại vướng phải vấn đề xâm phạm về sở hữu trí tuệ là một tín hiệu đáng buồn. Điều này thể hiện sự bất cân bằng trong thực thi đúng pháp luật của những doanh nghiệp như vậy.
Theo luật sư Khương, giải pháp căn cơ nhất để xử lý hành vi xâm phạm phần mềm nói riêng và quyền tác giả, quyền liên quan nói chung chính là giải pháp về kinh tế, đảm bảo nguyên tắc khi thực hiện hành vi xâm phạm quyền tác giả và quyền liên quan thì chủ thể thực hiện hành vi vi phạm sẽ phải chịu các thiệt hại về mặt kinh tế lớn hơn những giá trị về mặt kinh tế thu được từ hành vi xâm phạm. Để xử lý được vấn đề này, trước tiên cần phải thay đổi mức xử phạt vi phạm hành chính và thay đổi quy định về việc xác định thiệt hại theo hướng dễ dàng hơn cho chủ thể quyền.
Đây là những điều rất quan trọng để chủ sở hữu quyền có thể tiến hành các biện pháp bảo vệ quyền lợi dễ dàng cũng như ra tăng tính răn đe với những bên đang, đã và sẽ có hành vi xâm phạm về bản quyền. Ngoài ra, luật sư Khương cho rằng, trong thời gian tới cần tiến hành xử điểm hình sự những vụ có tính chất vi phạm nghiêm trọng hoặc mang vụ việc ra trước toà để nhằm nâng cao nhận thực của doanh nghiệp trong nước.
Là một trong những lĩnh vực bị xâm phạm nhiều nhất, thanh tra Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cho biết, trong năm tới sẽ tiếp tục thúc đẩy các hoạt động thanh tra, rà soát việc sử dụng phần mềm máy tính tại các doanh nghiệp trên toàn quốc.
DH