SBLAW đánh giá: Mối quan hệ giữa nhãn hiệu và luật thương mại theo quy định của Luật doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành
Với tư cách là yếu tố dùng để phân biệt chủ thể kinh doanh này với chủ thể kinh doanh khác, tên doanh nghiệp được coi là một trong số những tên thương mại phổ biến hiện nay.
Theo quy định của Luật doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành thì tên doanh nghiệp có thể gồm các yếu tố như loại hình công ty (cổ phần, trách nhiệm hữu hạn, doanh nghiệp tư nhân, …), lĩnh vực hoạt động hoặc ngành nghề kinh doanh chẳng hạn như thương mại, dịch vụ, sản xuất và tên riêng của doanh nghiệp.
Theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ thì có thể coi tên riêng của doanh nghiệp thuộc phạm vi bảo hộ Tên thương mại. Do đó việc đặt tên riêng của doanh nghiệp cũng phải đảm bảo không trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với Tên thương mại hay nhãn hiệu đang được bảo hộ tại Việt Nam.
Theo quy định của Luật doanh nghiệp thì việc đặt tên doanh nghiệp chỉ cần không vi phạm các điều cấm trong việc đặt tên doanh nghiệp gồm không trùng với tên doanh nghiệp đã đăng ký, sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc và tên doanh nghiệp không được trùng với tên của các cơ quan nhà nước, lực lượng vũ trang nhân dân, tên tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp để làm toàn bộ hoặc một phần tên riêng của doanh nghiệp, trừ trường hợp có sự chấp thuận của cơ quan, đơn vị hoặc tổ chức đó (Điều 32 Luật doanh nghiệp 2005).
Ở đây cần lưu ý rằng Luật doanh nghiệp không hề quy định rõ phạm vi địa lý hay lĩnh vực kinh doanh của doanh nghiệp để xác định khả năng được đăng ký của tên doanh nghiệp, điều này cũng đồng nghĩa với việc sẽ không thể đồng thời tồn tại hai doanh nghiệp trùng tên với nhau bất kể ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh cũng như khu vực kinh doanh. Nếu hiểu theo nghĩa này thì có thể thấy Luật doanh nghiệp đã quy định rộng hơn cả luật sở hữu trí tuệ về Tên thương mại như đã nêu ở trên bởi vì nếu hai tên thương mại trùng hoặc tương tự với nhau nhưng khác lĩnh vực kinh doanh hay không cùng khu vực kinh doanh thì vẫn có khả năng được bảo hộ dưới dạng tên thương mại.
Ngoài ra, theo quy định tại điều 17 của Nghị định số 43/2010/NĐ-CP của chính phủ về đăng ký kinh doanh thì khi đăng ký kinh doanh doanh nghiệp “Không được sử dụng tên thương mại, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý của tổ chức, cá nhân đã được bảo hộ để cấu thành tên riêng của doanh nghiệp, trừ trường hợp được sự chấp thuận của chủ sở hữu tên thương mại, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đó”.
Như vậy, theo quy định của Luật doanh nghiệp thì có thể thấy tên doanh nghiệp (một loại tên thương mại) cũng sẽ bì từ chối đăng ký trong trường hợp tên doanh nghiệp này sử dụng nhãn hiệu đã được bảo hộ để cấu thành tên riêng của doanh nghiệp trừ trường hợp được chủ sở hữu hợp pháp của nhãn hiệu này. Tuy nhiên, ở nếu hiểu theo đúng quy định trên thì những trường hợp tên doanh nghiệp tương tự với nhãn hiệu đang được bảo hộ sẽ không nằm trong phạm vi điều chỉnh của Luật doanh nghiệp.