Khi khán giả livestream phim, kịch vi phạm bản quyền.
Công nghệ phát triển, việc vi phạm bản quyền ngày càng diễn ra nhiều hơn.
Đây không chỉ là câu chuyện ý thức của những khán giả mà còn là vấn nạn khiến nhiều nhà sản xuất, nghệ sĩ đau đầu lo lắng.
Ảnh Phim “Chạy đi rồi tính” sau khi ra rạp liên tục phát hiện nhiều trường hợp livestream trên facebook hoặc ghi hình phát tán trên mạng.
Kịch bị livestream
Trong một buổi biểu diễn bán vé tại Cung Văn hóa hữu nghị Việt Xô tối 4/2 (mùng 8 Tết Đinh Dậu), nghệ sĩ Xuân Bắc đã tỏ thái độ bức xúc khi một số khán giả vẫn livestream (phát trực tiếp), quay hình chương trình, dù đã được ban tổ chức thông báo và nhắc nhở. Đứng trên sân khấu, anh thẳng thắn lên tiếng nhắc nhở: “Nếu ai còn tiếp tục ghi hình, chúng tôi sẽ mời người đó ra khỏi khán phòng”.
Sự việc này đã khiến nhiều người bức xúc về sự thiếu ý thức của một bộ phận không nhỏ khán giả hiện nay. Thực tế, việc khán giả livestream trong những chương trình nghệ thuật bán vé hay phim ảnh không phải điều mới, nhất là trong lĩnh vực phim điện ảnh. Cuối năm 2016, phim điện ảnh Chạy đi rồi tính của bộ đôi đạo diễn Bảo Nhân - Nam Cito vừa ra rạp đã liên tục bị khán giả phát livestream trên facebook cá nhân. Trước đó, tháng 2/2016, phim Gái già lắm chiêu của hai đạo diễn này cũng bị quay lén trong rạp để phát tán trên mạng. Nhiều bộ phim điện ảnh như: Tấm Cám - chuyện chưa kể, Vòng eo 56, Yêu… cũng khiến nhà sản xuất phải đau đầu với tình trạng quay lén và phim bị phát tán trên mạng.
Phim bị phát tán ngay khi công chiếu
Theo đánh giá tại Hội thảo về bản quyền phim điện ảnh và truyền hình ở Việt Nam 2015, 30 - 40% các bộ phim chiếu rạp bị phát tán ngay khi công chiếu. Đây là điều đáng lo ngại cho các nhà sản xuất, bởi khi các bản ghi hình lén bị phát tán có thể ảnh hưởng nặng tới doanh thu phòng vé. Đạo diễn Nam Cito cho biết, khi Gái già lắm chiêu được đưa ra nước ngoài, lượng khán giả đến rạp xem khá thấp. Nhiều người cho biết, do đã xem một bản lậu trên mạng rồi nên cũng không còn nhiều hào hứng đến xem lại lần nữa.
Có thể nói, sự phát triển của công nghệ thông tin đã khiến công chúng dễ dàng tiếp cận các chương trình, tác phẩm nghệ thuật hơn. Tuy nhiên, đây cũng là nguyên do dẫn tới những tổn thất to lớn cho các nhà sản xuất khi khán giả không ý thức về vấn đề bản quyền. Hành động livestream, ghi hình ở mọi nơi, mọi lúc rồi phát tán trên mạng, kể cả những nơi không được phép có thể gây ra nhiều tổn thất với nhà sản xuất phim hoặc sự kiện. Đặc biệt, dù đã có những luật, tổ chức bảo vệ bản quyền tác phẩm nghệ thuật, bảo vệ quyền nghệ sĩ nhưng cho tới hiện tại, vấn nạn vi phạm bản quyền dường như chưa có dấu hiệu dừng lại mà còn ngày càng tăng.
Nhà sản xuất phải tự bảo vệ mình
Nghệ sĩ Chí Trung - Phó giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ cho biết, sân khấu kịch không giống những chương trình ca nhạc, bởi sân khấu kịch có đặc thù về vấn đề bản quyền. Nhiều năm qua, Nhà hát Tuổi trẻ đã tự bảo vệ những sản phẩm của mình bằng cách phân công trong mỗi vở diễn luôn có bộ phận gồm 6 nhân viên bảo vệ đứng dọc hai bên phía khán đài, đảm bảo không ai được giơ máy quay, máy ảnh quá lâu làm phiền người khác trong lúc diễn, đồng thời cũng để hạn chế tình trạng ghi hình, livestream vở diễn.
“Với những máy chuyên dụng, chúng tôi không cho quay quá lâu, khoảng 5 phút sẽ có người nhắc nhở. Với những khán giả ngồi gần sân khấu thì dễ quản lý, còn ngồi ở xa hoặc trên cao thì khó kiểm soát hơn. Nhưng kể ra khi quay ở xa sẽ không rõ nét, đó cũng là một cách truyền thông hay cho vở diễn. Vì họ quay để khoe nhau, để người khác tò mò là chính, tận dụng điều này để làm truyền thông cũng tốt, nhưng vẫn phải đảm bảo họ không được quay lâu quá”, nghệ sĩ Chí Trung chia sẻ.
Theo luật sư Nguyễn Thanh Hà, Giám đốc Hãng luật SB law, những người livestream các chương trình cấm ghi hình có thể không ý thức được đó là hành vi vi phạm pháp luật. Không chỉ vậy, việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ với những trường hợp này cũng khó vì là cá nhân vi phạm. Nếu hành vi này được thực hiện có tổ chức thì sẽ xử lý dễ dàng hơn. Cũng chính vì điều này, ít tổ chức đứng ra khởi kiện và yêu cầu bồi thường thiệt hại vì mất nhiều thời gian.
Thế nên, điều cần thiết hiện nay vẫn cần nâng cao ý thức chấp hành luật pháp cho khán giả, cần có sự cảnh báo về việc không được quay phim, livestream ở những chương trình, sự kiện cấm ghi hình. Cùng đó, các nhà sản xuất cũng có thể tận dụng công nghệ cao để bảo vệ mình, ví như sử dụng thiết bị phá sóng điện thoại.
Điều 27, Nghị định 131/2013/NĐ-CP quy định, hành vi sao chép bản ghi âm, ghi hình mà không được phép của chủ sở hữu, quyền của nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình sẽ bị phạt từ 15 - 35 triệu đồng. Nếu quay phim lén rồi phát tán gây thiệt hại về kinh tế cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan có thể bị xử lý theo điều 170a, Bộ luật Hình sự. Theo đó, ngoài số tiền phạt cao nhất có thể lên tới 1 tỷ đồng, người phạm tội có thể bị phạt tù 3 năm.
|
Theo baogiaothong.vn