Khai thác Thương mại đối với tri thức truyền thống - tiếp cận từ quyền Sở hữu trí tuệ
KHAI THÁC THƯƠNG MẠI ĐỐI VỚI TRI THỨC TRUYỀN THỐNG - TIẾP CẬN TỪ QUYỀN SỞ HỮU TRÍ TUỆ
(Tạp chí Hoạt động khoa học số tháng 03.2012 (633), trang 54-59. ISSN 1859-4794)
Trần Văn Hải
Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn
Đại học Quốc gia Hà Nội
Khi những hạn chế của khoa học hiện đại bắt đầu bộc lộ thì người ta lại có xu hướng quay trở lại tôn trọng các tri thức truyền thống, lợi ích do tri thức truyền thống mang lại đã góp phần không nhỏ đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của nhiều quốc gia. Theo thống kê của Tổ chức y tế thế giới (WHO), chỉ tính riêng trong lĩnh vực y học cổ truyền, năm 1999 Trung Quốc đã thu được 6 tỷ USD, châu Âu thu được 11,9 tỷ USD (trong đó Đức chiếm 38%, Pháp chiếm 21% và Anh chiếm 12%). Ở Việt Nam, riêng năm 2003 đã tập hợp được 39.381 bài thuốc cổ truyền của 54 dân tộc, sản lượng xuất khẩu dược liệu cổ truyền đạt khoảng 10.000 tấn, đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu 10-20 triệu USD1.
Vậy làm thế nào để gìn giữ và khai thác thương mại các tri thức truyền thống? Bài viết này sẽ lý giải một phần câu hỏi này.
Về thuật ngữ tri thức truyền thống
Năm 1978, Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) đã tiến hành nghiên cứu và đưa ra khái niệm tri thức truyền thống, khái niệm này chỉ giới hạn ở một loại tri thức là các hình thức thể hiện của văn hóa dân gian (Expressions of Folklore). Vào năm 1982, Các quy định mẫu dành cho luật quốc gia về bảo hộ các hình thức thể hiện văn hóa dân gian chống lại việc khai thác trái phép và những hành vi xâm phạm khác đã được WIPO phối hợp với Tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) soạn thảo và công bố, trong đó có định nghĩa về các hình thức thể hiện văn hóa dân gian. Đến nay thuật ngữ tri thức truyền thống không chỉ giới hạn ở các hình thức thể hiện văn hóa dân gian mà còn bao gồm các đối tượng khác như tri thức bản địa, kiến thức cổ truyền, kinh nghiệm dân gian...
Trong thực tế, ngoài thuật ngữ tri thức truyền thống (Traditional Knowledge) thì còn xuất hiện thuật ngữ tri thức bản địa (Indigenous Knowledge), trong một số nghiên cứu chúng được dùng chung một nghĩa, có thể dẫn chứng: các khái niệm “kiến thức bản địa” (Indigenouse Knowledge), “tri thức địa phương” (Local Knowledge), “tri thức truyền thống” (Traditional Knowledge) và “tri thức dân gian” (Folklore Knowledge) được quan niệm gần như đồng nghĩa và thường được sử dụng hoán đổi cho nhau mà không gây nên sự hiểu lầm2. Chúng tôi có cách tiếp cận khác với quan điểm này, xin lấy trường hợp y học truyền thống để chứng minh.
Theo WIPO, thì thuật ngữ y học bản địa (Indigenous Medicine) và thuật ngữ y học truyền thống - tiếng Việt còn dùng y học cổ truyền (Traditional Medicine) là có sự phân biệt, trong đó y học truyền thống là một hệ thống tri thức về y học đã được biên soạn, hệ thống hóa thành văn, còn y học bản địa chỉ gồm những bí quyết y học, không được hệ thống hóa thành văn3.
Sở dĩ phải nêu vấn đề này vì nguyên tắc quan trọng nhất trong bảo hộ quyền tác giả là: chỉ bảo hộ hình thức thể hiện (mà thành văn là một trong những hình thức thể hiện) của ý tưởng. Bởi vậy, trong bài viết này chúng tôi sử dụng thuật ngữ tri thức truyền thống mà không dùng thuật ngữ tri thức bản địa với quy ước tri thức truyền thống phải được tồn tại dưới một hình thức vật chất nhất định. Mặt khác, tri thức truyền thống trong bài viết này chỉ dừng lại ở việc khảo sát trong lĩnh vực y học truyền thống. Do khuôn khổ có hạn, bài viết chưa bàn tới tri thức bản địa vì tính phức tạp của việc nghiên cứu các tri thức chỉ lưu truyền trong dân gian mà không được hệ thống hóa thành văn.
Chúng tôi sử dụng định nghĩa của WIPO về tri thức truyền thống. Trong Báo cáo về các cuộc khảo sát về sở hữu trí tuệ (SHTT) và tri thức truyền thống (1998-1999), WIPO đã định nghĩa “tri thức truyền thống” là các sản phẩm văn học, nghệ thuật hoặc khoa học dựa trên truyền thống; sự biểu diễn; các sáng chế; các phát minh khoa học; các kiểu dáng; các nhãn hiệu, tên và biểu tượng; các thông tin bí mật; và tất cả các sáng kiến hoặc sản phẩm sáng tạo khác là thành quả của hoạt động trí tuệ dựa trên truyền thống trong các lĩnh vực công nghiệp, khoa học, văn học hoặc nghệ thuật4.
Quy định của pháp luật về bảo hộ tri thức truyền thống
Pháp luật quốc tế
Giữa thập niên 90 của thế kỷ XX, với đề xuất của Mỹ và kết quả của chiến dịch vận động hành lang của các công ty dược lớn, Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền SHTT (Hiệp định TRIPS) đã được ban hành. Hiệp định này thiết lập tiêu chuẩn bảo hộ SHTT tối thiểu cho các thành viên của Tổ chức thương mại thế giới (WTO). TRIPS cho phép mở rộng việc cấp bằng độc quyền sáng chế cho các sáng chế ở mọi lĩnh vực công nghệ, bao gồm cả những sáng chế nằm ngoài lĩnh vực khoa học thông thường, mà không đòi hỏi một điều chỉnh đặc biệt nào. Mặt khác, Hiệp định TRIPS không công nhận những tri thức truyền thống. Như vậy, SHTT với tư cách là một trong 3 trụ cột của WTO chưa có quy định về bảo hộ tri thức truyền thống. Chính WIPO cũng thừa nhận điểm này vào năm 20014.
Phiên họp lần thứ 19 của Ủy ban liên chính phủ về SHTT và nguồn gen, tri thức truyền thống và văn hóa dân gian của WIPO (IGC) đã được tổ chức tại Geneva (Thụy Sỹ), từ ngày 18 đến 22.7.2011 để tiếp tục đàm phán các Văn kiện về bảo hộ nguồn gen, tri thức truyền thống và văn hóa dân gian. Phiên họp đã lần lượt xem xét, thảo luận các vấn đề, trong đó có xem xét từng điều khoản của Dự thảo văn kiện bảo hộ tri thức truyền thống được đưa ra tại Phiên họp lần thứ 18 của IGC gồm: định nghĩa về tri thức truyền thống, điều kiện bảo hộ, đối tượng hưởng lợi từ việc bảo hộ, phạm vi bảo hộ, chế tài đối với hành vi xâm phạm quyền đối với tri thức truyền thống, quản lý quyền được cấp, một số hạn chế và ngoại lệ đối với việc bảo hộ tri thức truyền thống, thời hạn bảo hộ và mối quan hệ giữa văn kiện bảo hộ tri thức truyền thống với các điều ước quốc tế liên quan khác. Phiên họp tiếp theo (thứ 20) của IGC dự kiến sẽ diễn ra vào tháng (2.2012 tại Geneva Thụy Sỹ)5.
Hy vọng rằng, pháp luật quốc tế về SHTT sẽ dành vị trí cho việc bảo hộ các tri thức truyền thống.
Pháp luật Việt Nam
Điều 23 Luật SHTT quy định quyền tác giả đối với tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian, nêu rõ: 1. Tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian là sáng tạo tập thể trên nền tảng truyền thống của một nhóm hoặc các cá nhân nhằm phản ánh khát vọng của cộng đồng, thể hiện tương xứng đặc điểm văn hoá và xã hội của họ, các tiêu chuẩn và giá trị được lưu truyền bằng cách mô phỏng hoặc bằng cách khác; 2. Tổ chức, cá nhân khi sử dụng tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian phải dẫn chiếu xuất xứ của loại hình tác phẩm đó và bảo đảm giữ gìn giá trị đích thực của tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian.
Như vậy, khái niệm tri thức truyền thống trong Luật SHTT chỉ thu hẹp trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật dân gian. Nhưng mở rộng ra, cần phải thấy rằng những nghiên cứu về y học truyền thống được hệ thống hóa thành văn là tác phẩm khoa học, thuộc đối tượng được bảo hộ quyền tác giả theo quy định tại điều 14.1.a. Luật SHTT.
Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN về Hướng dẫn thi hành Nghị định số 103/2006/NĐ-CP ngày 22.9.2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật SHTT về sở hữu công nghiệp có quy định tại điều 23 yêu cầu đối với đơn đăng ký sáng chế và điều 23.11 Quy định bổ sung đối với đơn đăng ký sáng chế liên quan đến nguồn gen hoặc tri thức truyền thống.
Như vậy, pháp luật Việt Nam có quy định về bảo hộ quyền SHTT đối với tri thức truyền thống.
Các hình thức thương mại hóa tri thức truyền thống
Như đã nêu, giới hạn của thuật ngữ tri thức truyền thống, trong mục này chúng tôi xin lấy trường hợp y học truyền thống để minh họa. Cũng xin nói thêm là mục này chỉ đề cập đến thương mại hóa mà không đề cập đến quyền nhân thân (ví dụ quyền được nêu tên khi sử dụng tri thức truyền thống) của cá nhân/cộng đồng nắm giữ tri thức truyền thống.
Bảo hộ quyền tác giả đối với kết quả nghiên cứu tri thức truyền thống
Việc nghiên cứu các lợi thế của tri thức mà y học truyền thống mang lại là cần thiết. Kết quả nghiên cứu này được thể hiện trong báo cáo khoa học mà pháp luật về SHTT coi là tác phẩm khoa học, nó được bảo hộ quyền tác giả, bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản.
Trong nhiều trường hợp, cá nhân/cộng đồng nắm giữ tri thức truyền thống không có điều kiện và khả năng nghiên cứu mà phải nhờ các nhà khoa học nghiên cứu, đến lượt các nhà khoa học phải dùng kinh phí do các tổ chức trong nước hoặc nước ngoài tài trợ để nghiên cứu. Như vậy đã xuất hiện 3 chủ thể: Cá nhân/cộng đồng nắm giữ tri thức truyền thống; nhà khoa học làm nhiệm vụ nghiên cứu; tổ chức trong nước hoặc nước ngoài tài trợ kinh phí để nghiên cứu.
Vậy ai là chủ sở hữu kết quả nghiên cứu?6 Theo điều 39 Luật SHTT thì người đầu tư kinh phí cho nhà khoa học nghiên cứu là chủ sở hữu của kết quả nghiên cứu, nếu không có thỏa thuận khác. Bởi vậy, nếu không nhấn mạnh những chữ vừa gạch chân thì đương nhiên tổ chức đã tài trợ kinh phí trở thành chủ sở hữu của kết quả nghiên cứu, dẫn đến bất công: cá nhân/cộng đồng nắm giữ tri thức truyền thống lại không được độc quyền thương mại hóa tri thức truyền thống do mình nắm giữ. Vấn đề trở nên phức tạp hơn, nếu tổ chức này lại đến từ nước ngoài. Khi đó, họ có thể thương mại hóa kết quả nghiên cứu bằng cách chuyển giao kết quả nghiên cứu cho một công ty dược của nước ngoài.
Giải pháp: trong hợp đồng tài trợ nghiên cứu phải có điều khoản quy định rõ quyền về kinh tế của cá nhân/cộng đồng nắm giữ tri thức truyền thống, đảm bảo cho họ được quyền khai thác/chia sẻ quyền khai thác thương mại đối với tri thức truyền thống mà họ nắm giữ.
Ví dụ trong thực tiễn, Quỹ Rockerfeller đã tài trợ kinh phí để các nhà khoa học của Đại học Nông nghiệp I Hà Nội, Đại học Dược Hà Nội và Trung tâm Nghiên cứu cây thuốc dân tộc cổ truyền - CREDEP tiến hành nghiên cứu, phát triển thử nghiệm một số loại sản phẩm địa phương như gạo tàu bay (của người Giáy), thuốc tắm và món đìa nhặn (một món ăn bổ dưỡng với nhiều loại thuốc khác nhau) của người Dao Đỏ ở Sa Pa. Kết quả nghiên cứu do đại diện cộng đồng nắm giữ tri thức truyền thống là Công ty Cổ phần kinh doanh các sản phẩm bản địa Sa Pa.
Bảo hộ nhãn hiệu đối với sản phẩm tri thức truyền thống
Trong mục này, chúng tôi xin lấy trường hợp thuốc tắm của người Dao Đỏ ở Sa Pa và bài thuốc Ama Kong để minh họa.
Như trên đã nêu, Quỹ Rockerfeller đã tài trợ kinh phí để các nhà khoa học của Đại học Nông nghiệp I Hà Nội và Đại học Dược Hà Nội tiến hành nghiên cứu, phát triển thuốc tắm của người Dao Đỏ ở Sa Pa.
Để thương mại hóa bài thuốc tắm này, ngày 16.5.2007 Công ty Cổ phần kinh doanh các sản phẩm bản địa Sa Pa đã nộp đơn yêu cầu Cục SHTT bảo hộ nhãn hiệu Dao`Spa, ngày 17.11.2008 đã được Cục SHTT cấp Đăng bạ Quốc gia nhãn hiệu hàng hóa số 114012 bảo hộ nhãn hiệu Dao`Spa cho nhóm sản phẩm số 5: chế phẩm dùng để tắm trị liệu y học. Có thể nói, đây là một trong số rất ít nhãn hiệu được bảo hộ cho tri thức truyền thống.
Nhưng đối với bài thuốc Ama Kong lại khác, những thông tin cập nhật đến ngày 12.01.2012 cho thấy có đến 3 chủ thể đã nộp đơn yêu cầu bảo hộ AMAKONG hoặc tương tự AMAKONG là nhãn hiệu cho bài thuốc chữa trị đau lưng nhức mỏi, bồi bổ cơ thể, bổ thận tráng dương của “Vua” săn voi Ama Kong, đó là: Ông Khăm Phết Lào, con trai và là người thừa kế hợp pháp của “Vua” săn voi Ama Kong (nộp các đơn số 4-2008-22765; 4-2009-03126; 4-2009-03127; 4-2009-03129; 4-2009-03163, các đơn này đều đã được chấp nhận hợp lệ); Công ty TNHH dược phẩm Tây Nguyên, số 67 Trần Hưng Đạo, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk (nộp các đơn số 4-2007-23640; 4-2008-18257); Công ty TNHH dược phẩm An Long, số 266/66 Tô Hiến Thành, phường 15, Quận 10, TP Hồ Chí Minh (nộp đơn số 4-2008-14735).
Ngày 24.6.2010, Cục SHTT đã ra công văn số 33489/SHTT-NH2 từ chối đơn yêu cầu bảo hộ nhãn hiệu AMAKONG do Công ty TNHH dược phẩm Tây Nguyên, số 67 Trần Hưng Đạo, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk nộp với lý do nhãn hiệu yêu cầu đã tương tự tới mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu AMAKONG được sử dụng rộng rãi và tương tự với các nhãn hiêu trong đơn do Ông Khăm Phét Lào, con trai và là người thừa kế hợp pháp của “Vua” săn voi Ama Kong nộp. Lý do từ chối là: Điều 74.2.g. Luật SHTT quy định: Nhãn hiệu bị coi là không có khả năng phân biệt nếu nhãn hiệu đó là dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của người khác đã được sử dụng và thừa nhận rộng rãi cho hàng hoá, dịch vụ trùng hoặc tương tự từ trước ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên trong trường hợp đơn được hưởng quyền ưu tiên.
Điều 90.1. Luật SHTT quy định:Trong trường hợp có nhiều đơn của nhiều người khác nhau đăng ký cùng một sáng chế hoặc đăng ký các kiểu dáng công nghiệp trùng hoặc không khác biệt đáng kể với nhau hoặc đăng ký các nhãn hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhau cho các sản phẩm, dịch vụ trùng nhau hoặc tương tự với nhau thì văn bằng bảo hộ chỉ có thể được cấp cho đơn hợp lệ có ngày ưu tiên hoặc ngày nộp đơn sớm nhất trong số những đơn đáp ứng các điều kiện để được cấp văn bằng bảo hộ.
Cho đến thời điểm hiện tại, Cục SHTT vẫn chưa ra quyết định bảo hộ bất kỳ nhãn hiệu nào có liên quan đến AMAKONG. Nếu nhãn hiệu này được bảo hộ thì chủ sở hữu của nó có quyền ngăn cấm tất cả mọi chủ thể khác sử dụng chữ AMAKONG làm nhãn hiệu cho bài thuốc.
Nhưng trong thực tế, người ta thấy:
Một là, khi nhãn hiệu AMAKONG chưa được bảo hộ, hiện tượng bán thuốc chữa trị đau lưng nhức mỏi, bồi bổ cơ thể, bổ thận tráng dương của “Vua” săn voi Ama Kong tại các cửa hàng không do người đại diện hợp pháp của “Vua” săn voi Ama Kong làm chủ sở hữu đương nhiên tồn tại. Điểm đáng lưu ý là các cửa hàng này bán loại thuốc trên vẫn mang nhãn hiệu AMAKONG. Các cơ quan chức năng có xử lý được không? Rất khó, vì nhãn hiệu AMAKONG chưa được bảo hộ.
Hai là, mặc dù nhãn hiệu Dao`Spa đang có hiệu lực bảo hộ, nhưng hiện tượng bán thuốc tắm của người Dao Đỏ ở Sa Pa tại các cửa hàng không do đại diện cộng đồng nắm giữ tri thức truyền thống làm chủ sở hữu vẫn tồn tại. Vậy các cơ quan chức năng có thể xử lý được trường hợp này không? Cũng rất khó, khi các cửa hàng này không gắn nhãn hiệu Dao`Spa lên vỏ bao bì sản phẩm thuốc tắm (của người Dao Đỏ).
Như vậy, để có thể thương mại hóa được các sản phẩm mang tri thức truyền thống thì đòi hỏi phải có biện pháp ở khâu thực thi quyền SHTT, việc cấp nhãn hiệu sẽ vô nghĩa nếu không có biện pháp xử lý các hành vi xâm phạm quyền SHTT.
Cấp bằng độc quyền sáng chế đối với sản phẩm tri thức truyền thống
Cho đến thời điểm này, tác giả bài viết này chưa ghi nhận được bất kỳ thông tin nào liên quan đến việc cấp bằng độc quyền sáng chế đối với sản phẩm tri thức truyền thống. Điều kiện tiên quyết để một sản phẩm tri thức truyền thống được cấp bằng độc quyền sáng chế là phải có tính mới, nhưng trong thực tế thì tính mới bị mất nếu công thức về sản phẩm này đã được bộc lộ.
Như trên đã đã lưu ý, nếu một tổ chức nước ngoài tài trợ kinh phí cho các nhà khoa học nghiên cứu sản phẩm tri thức truyền thống, sau đó họ trở thành chủ sở hữu của kết quả nghiên cứu. Tổ chức này có thể đăng ký yêu cầu cấp bằng độc quyền sáng chế tại nước ngoài, vì một lý do nào đó (trong thực tế đôi khi rất khó giải thích sự tồn tại của các lý do dạng này) mà cơ quan sáng chế của quốc gia đó không thẩm định được tính mới và cấp bằng độc quyền sáng chế cho họ. Trong trường hợp này, bất lợi về phía chúng ta, khi đó chúng ta không thể xuất khẩu sản phẩm sang thị trường quốc gia/những quốc gia cấp bằng độc quyền sáng chế cho họ.
Cũng cần nói thêm là theo nguyên tắc bảo hộ độc lập do Công ước Paris về bảo hộ sở hữu công nghiệp quy định: nếu Việt Nam không/chưa cấp bằng độc quyền sáng chế bảo hộ một loại tri thức truyền thống nào đó thì việc đó không có giá trị ngăn cản quốc gia/những quốc gia khác cấp bằng độc quyền sáng chế cho chính tri thức truyền thống đó.
Bảo hộ thông qua các đối tượng khác của quyền SHTT
Ngoài các hình thức bảo hộ nêu trên, còn một số hình thức bảo hộ khác đối với sản phẩm tri thức truyền thống, đó là bí quyết công nghệ và các chỉ dẫn thương mại như tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, quyền chống cạnh tranh không lành mạnh.
Những vấn đề mà pháp luật về SHTT chưa thể giải quyết
Quyền tác giả đối với tri thức truyền thống
Khái niệm tri thức truyền thống trong Luật SHTT chỉ thu hẹp trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật dân gian, bởi vậy rất cần mở rộng khái niệm này ra các lĩnh vực khác, trước hết là lĩnh vực nông nghiệp, y học vì khả năng khai thác thương mại của hai lĩnh vực này rất cao.
Mặt khác, Luật SHTT chỉ giải quyết mối quan hệ giữa tác giả (nhà khoa học, người nghiên cứu tri thức truyền thống) và chủ sở hữu tác phẩm (cá nhân/tổ chức tài trợ kinh phí cho nhà khoa học nghiên cứu tri thức truyền thống) mà chưa có quy định điều chỉnh đối với cá nhân/cộng đồng nắm giữ tri thức truyền thống. Thậm chí, điều 8.2. Nghị định 100/2006/NĐ-CP quy định: tổ chức, cá nhân làm công việc hỗ trợ, góp ý kiến hoặc cung cấp tư liệu cho người khác sáng tạo ra tác phẩm không được công nhận là tác giả. Như vậy, theo quy định hiện hành của pháp luật về SHTT thì cá nhân/cộng đồng nắm giữ tri thức truyền thống có thể gặp khó khăn nếu xảy ra tranh chấp để phân định người nắm giữ kết quả nghiên cứu về tri thức truyền thống.
Quyền sở hữu công nghiệp đối với tri thức truyền thống
Do nguyên tắc các đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp như sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh là độc lập với nhau. Bởi vậy, trong thực tế khó có thể giải quyết được trường hợp có xung đột giữa các đối tượng này.
Xin lấy một trường hợp giả định: đã biết Công ty Cổ phần kinh doanh các sản phẩm bản địa Sa Pa là chủ sở hữu nhãn hiệu Dao`Spa cho nhóm sản phẩm số 5 chế phẩm dùng để tắm trị liệu y học, cơ quan chức năng chỉ có thể xử lý chủ thể X bán chế phẩm dùng để tắm trị liệu y học mang nhãn hiệu Dao`Spa mà không thể xử lý khi chủ thể Y bán chế phẩm dùng để tắm trị liệu y học mang nhãn hiệu ABC, mặc dù Y đã lấy chính bài thuốc chế phẩm dùng để tắm trị liệu y học của người Dao Dỏ để bán.
Nguyên nhân không thể xử lý Y như vừa nêu là kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Đại học Nông nghiệp I Hà Nội, Đại học Dược Hà Nội và Trung tâm Nghiên cứu cây thuốc dân tộc cổ truyền - CREDEP về bài thuốc tắm của người Dao Đỏ chưa được cấp bằng độc quyền sáng chế. Mặt khác, kết quả này cũng không còn là bí mật (nếu nó đã được các nhà nghiên cứu công bố).
Những vấn đề đặt ra đối với việc hoàn thiện pháp luật bảo hộ quyền SHTT đối với tri thức truyền thống
Một số nhà nghiên cứu đã đề xuất hướng sử dụng hệ thống bảo hộ riêng (sui generis) đối với tri thức truyền thống nhằm tạo ra cơ chế bảo hộ thực sự phù hợp và đầy đủ đối với tri thức truyền thống, dưới hình thức quy định riêng về nghĩa vụ bộc lộ, về việc nộp lưu mẫu, xin phép chủ thể nắm giữ tri thức truyền thống...1 Chúng tôi đồng ý với quan điểm này vì khi khảo sát các quy định hiện hành về SHTT, chúng ta thấy thiếu quá nhiều điểm để có thể bảo hộ tri thức truyền thống, trước hết những điểm cốt yếu cần phải nêu là:
- Đưa khái niệm tri thức truyền thống trong lĩnh vực nông nghiệp, y học và các lĩnh vực khác mà Luật SHTT hiện hành chưa đề cập vào phạm vi bảo hộ;
- Giải quyết mối quan hệ giữa tác giả (nhà khoa học, người nghiên cứu tri thức truyền thống), chủ sở hữu tác phẩm (cá nhân/tổ chức tài trợ kinh phí cho nhà khoa học nghiên cứu tri thức truyền thống) và cá nhân/cộng đồng nắm giữ tri thức truyền thống theo hướng bảo đảm lợi ích về kinh tế cho cá nhân/cộng đồng nắm giữ tri thức truyền thống;
- Giải quyết mối quan hệ giữa các đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp đối với tri thức truyền thống.
Những vấn đề đặt ra cần được các cơ quan có trách nhiệm hoạch định chính sách về SHTT lưu tâm giải quyết. Những vấn đề này là quá lớn, mỗi vấn đề cần phải có một đề tài nghiên cứu. Bởi vậy, chúng tôi rất mong được các nhà khoa học, nhà quản lý trao đổi thêm, trước hết nhằm có thể khai thác thương mại đối với sản phẩm tri thức truyền thống, sau nữa để duy trì và phát huy các lợi thế khác của tri thức truyền thống.
Tài liệu tham khảo
1 Phạm Phi Anh (2005), Bảo hộ tri thức truyền thống, Tạp chí Hoạt động Khoa học số 9.2005.
2 Mai Thanh Sơn (2007), Dự án bước đầu tổng kết các phương pháp phát triển và tìm kiếm các cơ chế nhằm nâng cao tiếng nói của cộng đồng dân tộc thiểu số trong quá trình ra quyết định, Nhóm công tác dân tộc thiểu số (EMWG), Hà Nội, tr.19.
3 WIPO (2001), Intellectual Property: Policy, Law and Use, Geneva.Trích mục số 2.270, có ghi …the codified systems of “traditional medicine” on the one hand and non-codified medicinal know-how on the other, which includes tribal and “indigenous medicine”.
4 Xin tham khảo thêm: WIPO (2001), Intellectual Property: Policy, Law and Use, Geneva.Mục số 2.273.
5 http://www.noip.gov.vn/web/noip/home/vn?proxyUrl=/noip/cms_vn.nsf/(agntDisplayContent)?
6 Xin tham khảo thêm: Trần Văn Hải, Xác định chủ sở hữu của kết quả nghiên cứu, Tạp chí Hoạt động khoa học, số 598 tháng 3.2009.
Trần Văn Hải
Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn
Đại học Quốc gia Hà Nội