Hiện tình trạng đăng ký về sáng chế của các doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ chiếm 10% tổng số đăng ký (sáng chế nước ngoài đăng ký bảo hộ tại VN chiếm 90%).
Sản phẩm sáng chế, phát minh được khuyến cáo đăng ký bảo hộ trí tuệ nhằm tránh tranh chấp.
Đối với đăng nhãn hàng tỉ lệ này là 60% của VN và 40% của nước ngoài. Đăng ký bảo hộ kiểu dáng là 70% của Việt Nam và 30 của nước ngoài. Đa số các doanh nghiệp chưa đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ hiện do chưa thấy lợi ích thiết thực do lĩnh vực này ở VN còn tương đối mới. Trao đổi về vấn đề này, ông Phạm Phi Anh
- Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ - cho biết:
- Mục tiêu của chương trình phát triển sản phẩm ở hữu trí tuệ tại các doanh nghiệp là nâng cao nhận thức, hỗ trợ doanh nghiệp trong việc bảo vệ tài sản trí tuệ, thông tin sáng chế. Kinh phí chúng ta có thể kiến nghị xin ngân sách nhà nước. Còn đối với còn nhân lực, khó khăn bắt nguồn từ phía đối tượng được hưởng thụ có nhân lực để thực hiện không.
|
Ông Phạm Phi Anh - Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ. |
Ví dụ như vấn đề sản phẩm chỉ dẫn địa lý. Hàng hoá loại sản phẩm này phải có thị trường lớn, không chỉ trong nước mà còn mở rộng ra thị trường nước ngoài và được các thị trường này chấp nhận.
Điều quan trọng nữa là việc sử dụng thông tin sáng chế và bảo vệ tài sản thương mại hoá. Thực ra, các doanh nghiệp chưa đề xuất điều gì để các hội đồng phê duyệt cấp kinh phí. Vấn đề kinh phí, ngân sách nhà nước sẵn sàng cấp nhưng các doanh nghiệp phải đảm bảo rằng nó mang lại lợi ích thiết thực cho những người thụ hưởng và lợi ích cho xã hội. Trong trong thời gian tới, Cục sẽ tiến hành xây dựng mô hình mẫu, để từ đó nhân rộng ra.
- Như vậy có gây khó khăn cho thương hiệu tập thể như nhãn lồng, nước mắm không?
- Ở một số nước, người ta bảo hộ cả nhãn hiệu tập thể cũng như nhãn hiệu chứng nhận cá nhân. Ở Việt Nam cũng như thế. Chúng ta có tiêu chí riêng để bảo hộ nhãn hiệu tập thể. Đối với nhãn hiệu chỉ dẫn địa lý, chúng ta cũng có tiêu chí bảo hộ. Vấn đề không phải chúng ta không có tiêu chí mà là nên vận dụng sao cho hợp lý.
Lấy ví dụ bưởi Đoan Hùng. Hiện đang có vấn đề ở việc xác định chất lượng của sản phẩm này hiện nay như nào và việc nâng cao chất lượng sản phẩm ra sao để chúng ta có tiêu chí xây dựng thương hiệu và bảo vệ nó. Điều này lại nằm ở trách nhiệm của địa phương.
- Ngày càng có tranh chấp phạm vi quốc tế liên quan tới VN, phía Cục có những hỗ trợ nào giúp các doanh nghiệp nếu họ gặp phải những vấn đề tranh chấp liên quan tới bảo hộ tại nước ngoài?
- Theo luật quốc tế thì vụ vi phạm thuộc địa giới quốc gia nào thì xử lý theo luật của quốc gia đó. Tuy nhiên, nếu các vụ vi phạm có liên quan tới đối tượng VN, doanh nghiệp cũng có thể kiến nghị Cục Sở hữu trí tuệ cùng với các cơ quan hữu quan của nước bạn đưa ra những cơ sở pháp lý hợp lý đề họ cân nhắc và hỗ trợ mình. Đổi lại, các cơ quan sở hữu trí tuệ nước bạn cũng có thể đưa ra đề nghị như trên. Điều quan trọng là các doanh nghiệp của chúng ta phải am hiểu và làm theo luật, đồng thời phải có kinh nghiệm trong các vụ kiện liên quan tới sở hữu trí tuệ.
|
Các sản phẩm sáng chế, phát minh được khuyến cáo đăng ký bảo hộ trí tuệ nhằm tránh tranh chấp.
|
Hiện rất nhiều nước đã tiến tới công nhận lẫn nhau trong vấn đề bảo hộ. Nhưng những quy định này cũng rất linh họat. Ví dụ, nhiều nước yêu cầu bảo hộ cả phương pháp kinh doanh và phương pháp chữa bệnh. Nhưng với chúng ta thì không vì phương pháp kinh doanh hiện rất khó kiểm soát và không phù hợp với sáng chế là tạo ra sản phẩm vật chất theo quy định của chúng ta. Còn với phương pháp chữa bệnh thì do khả năng áp dụng và liên quan tới vấn đề nhân đạo.
Trong việc nhập khẩu song song, chúng ta cũng áp dụng tiêu chí theo các nước đang phát triển chứ không phải theo các nước đang phát triển. Hoặc như quy định về tính mới của các công bố thì ở Việt Nam và các nước cũng có sự khác nhau...
- Việt Nam gia nhập toàn cầu hoá ngày càng sâu, rộng. Số vụ vi phạm ngày càng tăng. Đơn vị quản lý sở hữu trí tuệ của nước ta hiện cần tăng cường những gì?
- Hiện Cục Sở hữu trí tuệ đang thiếu rất nhiều cả về người và trang thiết bị. Việc thu hút người giỏi vào làm việc hiện đang rất khó do các cơ chế liên quan tới chế độ lương thưởng và những đãi ngộ khác. Điều này dẫn tới những người trẻ, người giỏi không mặn mà. Việc đào tạo hỗ trợ từ nước ngoài cũng như kinh phí hỗ trợ của các nước cũng hạn chế do tình trạng suy thoái kinh tế. Do đó, để nâng cao chất lượng, cần có một cơ chế về đãi ngộ và thu hút cũng như đào tạo nhân lực nhằm nâng cao năng lực của cơ quan quản lý về sở hữu trí tuệ ở Việt Nam.
- Xin cảm ơn ông!
Cao Sơn thực hiện - Báo Lao Động