Trong bài viết Doanh nghiệp khởi nghiệp và bài học kinh nghiệm về sở hữu trí tuệ đăng trên báo công thương có trích dẫn ý kiến của luật sư Nguyễn Thanh Hà từ SBLAW về 5 lời khuyên cho doanh nghiệp khởi nghiệp.
Khoảng chục năm trở lại đây, phong trào khởi nghiệp (startup) nổi lên và rất nhiều doanh nghiệp (DN) non trẻ cũng đã gặt hái thành công. Tuy nhiên, có một vấn đề đặt ra là nhiều DN chỉ quan tâm đến phát triển sản phẩm, gọi vốn đầu tư, lập kế hoạch marketing, bán hàng mà quên mất vấn đề sở hữu trí tuệ (SHTT), bảo vệ ý tưởng, bảo hộ thương hiệu vốn là quyền pháp lý rất quan trọng của người khởi nghiệp.
Startup Việt chưa chú trọng nhiều đến sở hữu trí tuệ
Theo thống kê của tạp chí Echelon, Singapore – tạp chí online lớn nhất về khởi nghiệp Đông Nam Á, Việt Nam hiện có khoảng 3.000 DN khởi nghiệp, tăng gần gấp đôi so với số liệu cuối năm 2015.
Kinh nghiệm khởi nghiệp quốc tế và cả ở Việt Nam cho thấy, nhiều tổ chức đã tiến lên vị trí dẫn đầu chỉ bằng việc đầu tư phát triển các tài sản trí tuệ và ứng dụng nó trong kinh doanh.
Theo báo cáo phân tích của Tổ chức AIAF năm 2005, tỷ lệ tài sản vô hình (chủ yếu là tài sản trí tuệ) trên tổng giá trị tài sản của một số DN hàng đầu chiếm từ 69-89%, riêng phần giá trị của nhãn hiệu từ 29,97-69,64 tỷ đôla.
Ví dụ, để được quyền bán gà rán KFC, mỗi cửa hàng phải trả cho Công ty KFC 85.000 USD/năm. Hiện, KFC có hơn 13.000 cửa hàng trên toàn cầu, số tiền mà thương hiệu mang lại rất lớn. Một ví dụ khác, Công ty Cổ phần Diana Unicharm hiện có tổng giá trị 185 triệu USD, trong đó tài sản hữu hình chỉ chiếm 20 triệu USD, số còn lại là tài sản vô hình.
Tại những nền kinh tế lớn trên thế giới như Mỹ, châu Âu, Úc, Nhật,..., vấn đề SHTT rất được các DN quan tâm, mỗi ý tưởng, sản phẩm, thương hiệu đều được bảo hộ độc quyền trước khi xuất hiện trên thị trường.
Tuy nhiên, ở Việt Nam, các startup lại không để ý nhiều về vấn đề này. Sau khi sản phẩm thành công (1, 2 năm), hoặc khi xảy ra tranh chấp, xuất hiện hàng nhái trên thị trường, họ mới quay lại tìm hiểu thì có khi đã bị mất bản quyền. Chính vì vậy, những người khởi nghiệp thông thái, ngay từ khi có ý tưởng kinh doanh họ đã lên kế hoạch để bảo vệ tài sản trí tuệ của mình.
Trao đổi về vấn đề này, tiến sỹ Trần Lê Hồng, Chánh văn phòng Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cho hay, quyền SHTT là nền tảng pháp lý cho tài sản trí tuệ của startup.
Thế nhưng, có một thực tế là việc xác định quyền sở hữu và tranh chấp liên quan tới tài sản trí tuệ ngày càng phức tạp, các startup rất dễ bị tổn thương khi sớm phải đương đầu với các vấn đề vi phạm pháp luật, tranh chấp, kiện tụng.
Tuy nhiên, theo ông Trần Lê Hồng, hiện có một số nhận thức không phù hợp về quyền SHTT. Có tình trạng startup không đầu tư thời gian, tiền và tư duy cho tài sản trí tuệ của mình khi chậm trễ xác lập quyền; không tra cứu đầy đủ để đảm bảo quyền của mình và không xâm phạm quyền đối với tài sản trí tuệ của người khác; không có đánh giá mang tính chuyên nghiệp về tài sản SHTT của mình.
Ngoài ra, lại có một số startup xác định không đúng thời điểm để xác lập quyền SHTT; không làm rõ về sản phẩm, dịch vụ của mình trong chuỗi giá trị liên quan tới quyền SHTT; không chú trọng tới việc đăng ký nhãn hiệu ngay từ đầu để phát triển thương hiệu.
5 lời khuyên về SHTT cho các doanh nghiệp startup
Trước tình trạng “dễ tổn thương” của các startup với vấn đề bảo hộ quyền SHTT, luật sư Nguyễn Thanh Hà - Công ty Luật SBLAW đã đưa ra 5 lời khuyên cho các DN startup trong vấn đề bảo hộ quyền SHTT.
Thứ nhất, tránh xâm phạm quyền SHTT của người khác và tránh bị người khác xâm phạm quyền SHTT của mình. Luật sư Nguyễn Thanh Hà phân tích, một lỗi điển hình mà các DN khởi nghiệp hay gặp phải là chọn tên gọi (nhãn hiệu) thuộc quyền của người khác. Ví dụ khi các bạn trẻ muốn khởi nghiệp một dự án nông sản hữu cơ chẳng hạn, thì một trong những việc đầu tiên họ thường làm là lựa chọn một cái tên để xưng danh gọi và giới thiệu cho người khác biết.
Nếu họ không có kiến thức về SHTT thì có thể họ sẽ chọn phải một cái tên mà đã thuộc sở hữu của người khác rồi. Việc này sẽ gây rắc rối không đáng có, thậm chí có thể bị dính vào kiện tụng.
Thứ hai là nên tiết kiệm nguồn lực khi có tranh chấp. Cụ thể, khi kiện tụng xảy ra, cái giá phải trả không chỉ là tiền, mà còn là sức lực, tâm trí. Chính vì vậy, hãy tránh xa những tranh chấp mà mình có thể dự liệu và kiểm soát được, khi mà chúng ta là những nhà khởi nghiệp đang luôn ở thế thiếu thốn nguồn lực cho dự án của mình.
Thứ ba, các startup nên đăng ký quyền SHTT giúp DN quảng bá sản phẩm. Mỗi DN cần phải xây dựng cho mình một chiến lược quảng bá sản phẩm cụ thể, mà một trong những điều cần phải làm đầu tiên để lấy lòng tin của khách hàng là đăng ký nhãn hiệu sản phẩm.
Thứ tư, phải đăng ký quyền SHTT để tránh nhầm lẫn. Thực tế trên thị trường, việc nhầm lẫn giữa nhãn hiệu của DN này với nhãn hiệu của DN khác là chuyện bình thường. Vì vậy, việc đăng ký quyền SHTT là vô cùng quan trọng, giúp khách hàng phân biệt được các nhãn hiệu với nhau. Khi nhãn hiệu sản phẩm đã được đăng ký tức là đã được Cục SHTT công nhận, thì trong mọi trường hợp, nếu có nhãn hiệu nào trùng hoặc gần giống sẽ bị coi là vi phạm quyền SHTT.
Thứ năm, cần đăng ký quyền SHTT giúp kích thích sự phát triển của DN. Luật sư Nguyễn Thanh Hà phân tích, khi nhãn hiệu của DN được pháp luật bảo hộ, khách hàng sẽ có lòng tin vào chất lượng của sản phẩm cũng như uy tín của DN đó, khi đó lượng tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm của DN sẽ tăng cao, cung tăng thì DN sẽ thúc đẩy phát triển, nâng cao sản xuất để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Nguyễn Duyên