SBLAW đưa ra một số điểm khác nhau giữa Nhãn hiệu tập thể và Nhãn hiệu chứng nhận.
Không phải là hàng hoá nhưng nhãn hiệu lại có ý nghĩa rất lớn trong thương mại. Nhãn hiệu là một trong những đối tượng cơ bản của quyền sở hữu trí tuệ.
Việc phân biệt Nhãn hiệu tập thể, Nhãn hiệu chứng nhận còn có sự nhầm lẫn dẫn đến hiểu sai những quy định trong luật sở hữu trí tuệ.
Để giúp các bạn phân biệt các loại nhãn hiệu trong luật sở hữu trí tuệ Thuonghieu24h.com.vn đã có cuộc trao đổi với Thạc sỹ, luật sư Phạm Duy Khương giám đốc công ty luật SBLAW. Với góc nhìn và phân tích của chuyên gia sẽ giúp các bạn hiểu hơn về điểm khác nhau giữa Nhãn hiệu tập thể và Nhãn hiệu chứng nhận.
Luật sư Phạm Duy Khương giám đốc công ty luật S&BLAW - Baohothuonghieu.com
PV:- Thưa ông thế nào là Nhãn hiệu tập thể, Nhãn hiệu chứng nhận?
Thạc sỹ, luật sư Phạm Duy Khương:- Trong luật sở hữu trí tuệ của hầu hết các nước đều có những điều khoản quy định về việc bảo hộ nhãn hiệu tập thể. Nhãn hiệu tập thể thường được định nghĩa là các dấu hiệu phân biệt nguồn gốc địa lý, nguyên vật liệu, mô hình sản xuất hoặc các đặc tính chung khác của hàng hóa hoặc dịch vụ của các doanh nghiệp khác nhau cùng sử dụng nhãn hiệu tập thể.
Chủ sở hữu có thể là hiệp hội mà các doanh nghiệp là thành viên hoặc chủ thể khác là một tổ chức công hoặc một hợp tác xã. Chủ sở hữu nhãn hiệu tập thể có trách nhiệm đảm bảo sự tuân thủ các yêu cầu nhất định của các thành viên (thường được quy định trong quy chế liên quan đến việc sử dụng nhãn hiệu tập thể).
Do đó, chức năng của nhãn hiệu tập thể là chỉ dẫn cho công chúng về những đặc tính cụ thể nhất định của sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể. Hầu hết các nước yêu cầu rằng đơn yêu cầu đăng ký nhãn hiệu tập thể nộp kèm theo bản sao quy chế điều chỉnh việc sử dụng nhãn hiệu tập thể đó.
Đối với Nhãn hiệu chứng nhận là nhãn hiệu mà chủ sở hữu nhãn hiệu cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng trên hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân đó để chứng nhận các đặc tính về xuất xứ, nguyên liệu, vật liệu, cách thức sản xuất hàng hoá, cách thức cung cấp dịch vụ, chất lượng, độ chính xác, độ an toàn hoặc các đặc tính khác của hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu.
PV:- Giữa Nhãn hiệu tập thể và Nhãn hiệu chứng nhận có điểm gì giống và khác nhau thưa ông?
Thạc sỹ, luật sư Phạm Duy Khương:- Thứ nhất về điểm giống nhau có thể thấy cơ bản đây đều là nhãn hiệu cả, dùng để phân biệt đây là hàng hóa của A hay hàng hóa của B. Thứ hai là giống nhau về thời hiệu bảo hộ là 10 năm và không giới hạn thời gian gia hạn.
Về điểm khác nhau ta nhận thấy đầu tiên đó là chủ thể đăng ký. Nhãn hiệu tập thể là do tập thể làm chủ, còn Nhãn hiệu chứng nhận lại do một tổ chức nhất định đứng ra đăng ký và có thể được sử dụng cho bất kỳ chủ thể nào đáp ứng các tiêu chuẩn xác định của chủ sở hữu nhãn hiệu chứng nhận.
Điểm khác nhau thứ hai đó là chủ thể nộp đơn, bởi vì khi nộp đơn đăng ký Nhãn hiệu tập thể ở Cục sở hữu trí tuệ, thì danh sách kèm phải là những thành viên trong tập thể đó cùng sở hữu. Nhãn hiệu chứng nhận thì lại chỉ có một tổ chức đứng ra nộp mà thôi. Sau khi nộp đơn đối với nhãn hiệu chứng nhận là chủ thể nộp đơn đăng ký phải được xem là “có thẩm quyền chứng nhận” hàng hóa có liên quan. Nhãn hiệu chứng nhận cũng có thể được sử dụng cùng với các nhãn hiệu riêng của nhà sản xuất hàng hóa nhất định. Nhãn hàng hóa sử dụng như nhãn hiệu chứng nhận là bằng chứng chứng tỏ rằng sản phẩm của doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chuẩn cụ thể được đặt ra khi sử dụng nhãn hiệu chứng nhận.
PV:- Điều kiện gì để đăng ký xác lập quyền đối với nhãn hiệu tập thể thưa ông?
Thạc sỹ, luật sư Phạm Duy Khương:- Nhãn hiệu được bảo hộ nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:
+ Nhìn thấy được: Được thể hiện dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc;
+ Có khả năng phân biệt: Có thể dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu với hàng hoá, dịch vụ của chủ thể khác.
Quyền nộp đơn đăng ký nhãn hiệu tập thể thuộc về tổ chức tập thể được thành lập hợp pháp. Trường hợp nhãn hiệu chứa chỉ dẫn nguồn gốc địa lý của hàng hoá, dịch vụ thì tổ chức tập thể của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ tại địa phương tương ứng với chỉ dẫn nguồn gốc địa lý đó có quyền nộp đơn (Điều 87 – Luật SHTT).
PV:- Ông có thể nêu một số thiếu sót thường gặp trong quá trình đăng ký nhãn hiệu tập thể?
Thạc sỹ, luật sư Phạm Duy Khương:- Thực tiễn áp dụng Luật Sở hữu trí tuệ trong quá trình thẩm định đơn đăng ký nhãn hiệu tập thể cho thấy người nộp đơn thường gặp một số thiếu sót chủ yếu sau:
+ Thiếu giấy phép hoặc quyết định thành lập, điều lệ hoạt động của tổ chức xác nhận chức năng thẩm quyền quản lý nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận chất lượng, nhãn hiệu chứng nhận nguồn gốc địa lý hàng hoá dịch vụ. (Vì trong trường hợp đăng ký nhãn hiệu thông thường thì không phải bổ sung tài liệu này).
+ Thiếu quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể hoặc quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận trong hồ sơ yêu cầu đăng ký nhãn hiệu.
+ Người nộp đơn đăng ký nhãn hiệu tập thể hoặc nhãn hiệu chứng nhận chưa hiểu rõ quyền nộp đơn do đó có những người nộp đơn không có quyền nhưng vẫn nộp đơn đối với các loại nhãn hiệu này. Ví dụ: Cơ sở sản xuất, cá nhân…
+ Người nộp đơn nhầm lẫn trong quá trình hoàn thiện hồ sơ đơn, mặc dù không có nhu cầu đăng ký loại nhãn hiệu này nhưng lại đánh dấu trong hồ sơ đơn là có yêu cầu, hoặc có nhu cầu đăng ký và gửi kèm trong hồ sơ nhưng lại không đánh dấu trong tờ khai.
+ Trong quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể thường không đưa ra tiêu chuẩn để trở thành thành viên của tổ chức tập thể; các điều kiện sử dụng nhãn hiệu; biện pháp xử lý hành vi vi phạm quy chế sử dụng nhãn hiệu. Danh sách các tổ chức, cá nhân được phép sử dụng nhãn hiệu không được xác nhận bởi chính các tổ chức và cá nhân đó (thiếu chữ ký và dấu xác nhận).
+ Quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể thường không được xác nhận của cấp chủ quản nhãn hiệu hoặc cấp trên của chủ sở hữu nhãn hiệu.
+ Trong hồ sơ đơn thường thiếu giấy cho phép đăng ký của cấp hành chính (cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) đối với các đăng ký nhãn hiệu là các dấu hiệu chỉ nguồn gốc địa lý của hàng hoá và dịch vụ mà yêu cầu đăng ký dưới dạng nhãn hiệu tập thể, hoặc nhãn hiệu chứng nhận, hoặc có nhưng chỉ cho phép sử dụng chứ không phải cho phép đăng ký.
+ Người nộp đơn thường không chỉ ra trong tờ khai mục đích, nội dung và phương thức của việc chứng nhận (chứng nhận chất lượng, xuất xứ, nguồn gốc địa lý hay kết hợp giữa các mục đích đó), chứng nhận như thế nào: Trình tự, thủ tục cấp phép chứng nhận các cách thức kiểm tra, duy trì mục đích và nội dung chứng nhận.
Xin cảm ơn luật sư về cuộc trao đổi này !
Hồng Tiệp thuonghieu24h.com.vn