Cú hích cho sở hữu trí tuệ Việt Nam

Cú hích cho sở hữu trí tuệ Việt Nam

" Ngay cả một số nhà khoa học khi đến gặp chúng tôi cũng phản đối việc đăng ký bảo hộ và cho rằng họ có sáng chế, họ bỏ tiền bỏ của ra làm sáng chế, tại sao nhà nước lại bắt họ phải đóng thêm tiền...

Đôi khi họ nghi ngại nếu đem nộp sáng chế cho Cục Sở hữu trí tuệ thì sẽ bị lộ ra ngoài và bị đánh cắp ..."

Chia sẻ của TS. Luật sư Lê Xuân Thảo - Chủ tịch HĐQT, Uỷ viên Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Hà Nội - cho thấy vẫn còn nhiều nhà khoa học, người dân và doanh nghiệp chưa hiểu hết về tầm quan trọng của sở hữu trí tuệ (SHTT).

 

Từ luật đến thực tiễn vẫn còn khó khăn



Ngành sở hữu trí tuệ (SHTT) Việt Nam mới phát triển hơn 20 năm trong khi các nước trên thế giới đã phát triển 200-300 năm. Tuy nhiên, theo nhận định của EU và một số quốc gia như Nhật Bản, Mỹ... thì Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc xây dựng luật SHTT, về căn bản là phù hợp với các chuẩn mực quốc tế.

Hệ thống SHTT của Việt Nam không khác biệt nhiều lắm so với các hệ thống hiện có tại các nước phát triển. Việt Nam đã ký kết các hiệp định song phương liên quan đến quyền tác giả như: Hiệp định Thiết lập quan hệ quyền tác giả Việt Nam - Hoa Kỳ; Hiệp định giữa Việt Nam và Thụy Sỹ về bảo hộ quyền SHTT ... Chúng ta cũng đã nộp đơn gia nhập Công ước Bern, Công ước Giơnevơ, Công ước Brussels cũng như tuân thủ các quy định của Hiệp định TRIPS.

Theo TS. Luật sư Lê Xuân Thảo - Chủ tịch HĐQT, Uỷ viên ban chủ nhiệm Đoàn Luật sư Hà Nội - đánh giá: "Trong hơn 20 năm, ta có một bộ luật SHTT hoàn chỉnh và tương đối phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế đó là một nỗ lực lớn của chúng ta".

Từ năm 2005 đế nay, việc đăng ký và cấp chứng nhận bảo hộ tăng bình quân hằng năm 20%. Về quyền sở hữu công nghiệp, đăng ký nhãn hiệu hàng hoá tăng 25%-30%, đăng ký bảo hộ các sáng chế tăng 10%-15%. Như vậy, tình hình thực thi Luật SHTT của Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực.

Nhưng bên cạnh đó số lượng đơn đăng ký sáng chế của người nộp đơn Việt Nam vẫn chưa vượt quá con số 300 đơn sáng chế mỗi năm và số lượng đơn sáng chế đăng ký cấp Bằng độc quyền giải pháp hữu ích là 120. Tình trạng vi phạm luật và xâm phạm quyền SHTT đang biểu hiện phức tạp, phổ biến và ngày càng gia tăng.

Ông Trần Việt Hùng - Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ - cho biết tổng số vi phạm SHTT năm 2008 là hơn 2.750 vụ, tăng gần 300 vụ so với năm 2007 với tổng số tiền phạt lên đến gần 8 tỉ đồng. Các vi phạm về chỉ dẫn địa lý, tên gọi xuất xứ là 7 vụ trong năm 2008, trong khi năm 2007 con số vi phạm này là 0 vụ... Đến nay, mới chỉ có 100.000 số lượng nhãn hiệu được đăng ký sáng chế. Con số này còn nhỏ nếu đem so sánh với 300.000 doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam.

 





Một số sản phẩm đăng ký bảo hộ SHTT được trưng bày tại Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện chương trình.

Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về SHTT

Để nâng cao hiệu quả thực thi Luật SHTT ngoài việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, đẩy mạnh hợp tác quốc tế về SHTT để đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế... việc nâng cao nhận thức cho xã hội về SHTT đóng vai trò quan trọng.

Năm 2005, nhận thấy các doanh nghiệp vừa và nhỏ không biết nhiều về quyền SHTT, Mỹ đã tiến hành hội thảo toàn quốc để tuyên truyền cho các doanh nghiệp hiểu cách bảo vệ quyền SHTT và đã đạt hiệu quả cao. Ngày nay, ở Mỹ, 47% trị giá của công ty là giá trị của SHTT.

Một trong 4 chính sách quốc gia về bảo hộ quyền SHTT của Nhật Bản là "xúc tiến sự sáng tạo ra tài sản trí tuệ: tăng cường sự sáng tạo tài sản trí tuệ ở các công ty và trường đại học. Tuyên truyền, khuyến khích việc bồi dưỡng những sáng tạo và giúp đỡ các chuyên gia nghiên cứu".

TS. Luật sư Lê Xuân Thảo chia sẻ: "Nâng cao nhận thức cho nhà khoa học, người dân, doanh nghiệp là điều cần thiết hiện nay. Chúng ta nên có một dự án nâng cao nhận thức cho các nhà khoa học và người dân về SHTT. Ngay cả một số nhà khoa học khi đến gặp chúng tôi cũng phản đối việc đăng ký bảo hộ và cho rằng họ có sáng chế, họ bỏ tiền bỏ của ra làm sáng chế, tại sao Nhà nước lại bắt họ phải đóng thêm tiền. Nhưng họ đâu biết rằng nếu đóng một đồng hôm nay sau này chuyển giao công nghệ sẽ thu được nghìn đồng. Đôi khi họ còn nghi ngại nếu đem nộp sáng chế cho Cục Sở hữu trí tuệ thì sẽ bị lộ ra ngoài và bị đánh cắp".

Nhận xét về Chương trình Hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Quốc Thắng cho rằng: "Hiệu quả đầu tiên nhìn thấy rõ ràng khi triển khai chương trình này là nhận thức của xã hội, của các doanh nghiệp, bà con nông dân, của các địa phương từ vùng sâu vùng xa, bà con dân tộc thiểu số về SHTT được nâng lên".

Để tình hình thực thi Luật SHTT ở Việt Nam hiệu quả hơn cần phải đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục và đạo tạo về SHTT. Theo Thứ trưởng Trần Quốc Thắng: "Công tác tuyên truyền, giáo dục về SHTT của chúng ta còn thiếu vắng việc đào tạo có tính chất chuyên sâu. Đa dạng hoá các loại hình tuyên truyền, trên các phương tiện truyền thông đại chúng là chưa đủ, chúng ta cần tổ chức các cuộc thi, những phong trào để mở rộng diện tuyên truyền để mỗi người dân đều biết, đều hiểu, biết cách làm thế nào để xác lập quyền SHTT và huy quyền đó.

Phải có những lực lượng chủ chốt, được đào tạo chuyên sâu để tuyên truyền, hướng dẫn, tham mưu, hỗ trợ việc xác lập quyền và bảo vệ quyền SHTT. Cũng cần phải nhấn mạnh rằng các trường đại học, các sở KH&CN đóng vai trò quan trọng trong công tác tuyên truyền".

Theo Báo Lao Động

SBLAW tư vấn về bảo hộ thương hiệu và các tài sản trí tuệ khác một cách nhanh chóng, chính xác và hiệu quả:
Quý khách cần sử dụng dịch vụ bảo hộ tài sản trí tuệ, vui lòng liên hệ trực tiếp đến.
  • Điện thoại - Chat Zalo
  • Email address
Tin tức liên quan