SBLAW thông tin về nhãn hiệu tập thể “Gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ”.
Ngày 12/9/212, Hiệp hội sản xuất kinh doanh gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ tổ chức Lễ đón nhận và công bố nhãn hiệu tập thể “Gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ”.
Ông Ngô Xuân Tạo, Chủ tịch UBND phường Đồng Kỵ, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, cho biết, toàn phường có khoảng 149 hợp tác xã, hơn 150 doanh nghiệp và 3.134 hộ tham gia kinh doanh sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ (chiếm 95% số hộ).
Sản phẩm của các doanh nghiệp này đã có mặt ở khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước và vươn ra nhiều thị trường quốc tế. Nghề sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ truyền thống đã góp phần không nhỏ làm thay đổi diện mạo nơi đây, đem lại thu nhập bình quân khoảng 50 triệu đồng/người/năm.
Ông Vũ Quốc Vương, Chủ tịch Hiệp hội sản xuất kinh doanh gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ, cho biết trước áp lực cạnh tranh hiện nay thì việc xây dựng thương hiệu và quảng bá sản phẩm cho làng nghề cần phải được quan tâm, chú trọng hơn lúc nào hết. Nhận thức rõ được sự cấp thiết đó, nên các thành viên trong Hiệp hội đã đề xuất các cấp, ngành của tỉnh Bắc Ninh hướng dẫn và hỗ trợ Hội xây dựng nhãn hiệu tập thể “Gỗ Đồng Kỵ”.
Ông Vương cho biết, cùng với việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhãn hiệu tập thể thì hiện nay Hội đang nghiên cứu Quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu, mục tiêu là giữ gìn uy tín, danh tiếng cho sản phẩm có nguồn gốc từ Đồng Kỵ; bảo vệ hiệu quả quyền sở hữu trí tuệ; gia tăng giá trị sản phẩm… Các hội viên đều cam kết cố gắng góp phần xây dựng thành công nhãn hiệu tập thể “Gỗ Đồng Kỵ”, đồng thời chủ động xây dựng kế hoạch gìn giữ và phát triển nhãn hiệu bằng cách chủ động thiết kế để tạo ra các sản phẩm ngày càng đa dạng về chủng loại, phù hợp với yêu cầu của thị trường, nâng cao khả năng tiếp thị để ứng phó với biến động thị trường.
Bên cạnh đó, sẽ quan tâm áp dụng công nghệ sản xuất sạch, bảo vệ môi trường, sử dụng tối đa nguồn năng lượng sạch để tiết kiệm chi phí sản xuất.
Nguồn Chính phủ