Chuyên gia "mách nước" minh bạch xuất xứ hàng hóa

 SBLAW giới thiệu bài trả lời phỏng vấn của luật sư Nguyễn Tiến Hoà từ SBLAW trên báo Diễn đàn doanh nghiệp.

Trong bối cảnh Việt Nam tham gia vào hàng loạt các FTA thế hệ mới thì câu chuyện làm thế nào để minh bạch xuất xứ hàng hóa lại được dấy lên.

Ông Nguyễn Phi Hùng, Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan tại hội nghị mới đây đã cho biết, hiện tại, trên thị trường nhiều hàng hóa Trung Quốc được “biến hóa” thành hàng Việt Nam đã và đang là thực trạng thách thức đối với cơ quan chức năng, trong đó có lực lượng hải quan và gây bức xúc với người tiêu dùng. 

Trước vấn đề này, nhiều chuyên gia bày tỏ sự lo ngại về một đợt sóng phòng vệ thương mại nữa sẽ tiếp tục giáng lên hàng hóa Việt. Vì thế, trong bối cảnh hiện nay, câu chuyện minh bạch xuất xứ hàng hóa trở nên vô cùng quan trọng. Diễn đàn Doanh nghiệp có cuộc trò chuyện với luật sư Nguyễn Tiến Hòa, Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh.

-Ông có đánh giá như thế nào về tình trạng nhập nhằng xuất xứ hàng hóa trong bối cảnh Việt Nam gia nhập vào hàng loạt các FTA thế hệ mới?

Hiện nay trên thị trường tồn tại khá phổ biến hiện tượng gắn mác "made in Vietnam" nhưng không sản xuất ở Việt Nam. 

Điều này không chỉ gây thua thiệt với từng doanh nghiệp, ngành hàng cụ thể, mà dài lâu còn ảnh hưởng tới sức cạnh tranh của cả nền kinh tế.

Dù đã có hệ thống cảnh báo phòng vệ thương mại cùng với việc quản lý nguồn gốc qua chứng nhận xuất xứ... nhưng vẫn còn tình trạng lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, thậm chí có gian lận về xuất xứ, do có tới 70 - 80% hàng hóa được hưởng ưu đãi thuế 0%, sau khi các FTA được thực thi. 

Một số ngành có nhiều nguy cơ bị lợi dụng ưu đãi xuất xứ có thể kể đến là gỗ, gỗ dán, điện tử, da giày...

Điều này tiềm ẩn nguy cơ nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam trở thành đối tượng của hoạt động trừng phạt thương mại hoặc áp đặt thuế quan các biện pháp phòng vệ thương mại.

-Nhiều người lo ngại, Việt Nam sẽ trở thành "bãi đáp" của hàng hóa gian lận xuất xứ, thưa ông?

Thực tế, việc gian lận xuất xứ hàng hóa đang là mối lo lớn đối với doanh nghiệp Việt. Nhiều ngành hàng của Việt Nam hiện đã và đang lọt vào “tầm ngắm” của các nước trên thế giới do lo ngại vấn đề xuất xứ. 

Việc xác định rõ ràng sản phẩm sản xuất tại Việt Nam (Made in Vietnam) đặc biệt quan trọng trong bối cảnh hiện nay khi chúng ta đã tham gia vào CPTPP cũng như hàng loạt các FTA thế hệ mới.

Nếu làm không đúng, Việt Nam sẽ bị đánh giá là để cho các doanh nghiệp lạm dụng nguồn gốc của quốc gia trong khi nguồn gốc Việt Nam đang được hưởng ưu đãi thuế trong nội khối CPTPP.

Khi thị trường Việt Nam bị đánh giá là “có vấn đề” thì bất cứ một lô hàng nào xuất đi sẽ đều bị kiểm soát hay đi vào luồng đỏ.

Điều này không chỉ tổn hại đến doanh nghiệp mà còn tổn hại đến uy tín quốc gia.

Việt Nam không nên được coi là một nơi mà bị một số quốc gia lợi dụng làm nơi xuất khẩu hàng hoá của họ qua việc gian lận nguồn gốc xuất xứ.

Luật sư Nguyễn Tiến Hòa, Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh.

Luật sư Nguyễn Tiến Hòa, Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh.

-Dưới góc nhìn của một người làm nghề luật, theo ông, Việt Nam nên thế nào để ngăn chặn tình trạng này, thưa ông?

Việc gian lận ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam không những gây hậu quả trực tiếp đến sản phẩm cụ thể, ảnh hưởng đến người tiêu dùng mà còn có tác động không nhỏ đến ngành hàng trong nước, làm giảm uy tín và tính cạnh tranh của hàng sản xuất tại Việt Nam.

Do đó, thiết nghĩ, cần tạo hành lang pháp lý với mục tiêu phòng chống gian lận thương mại về xuất xứ hàng hóa và bảo vệ người tiêu dùng.

Việc hoàn thiện thể chế pháp lý về ghi nhãn sản xuất “Made in Vietnam” cũng là một nhu cầu cấp bách trong thời gian tới đây.

Bên cạnh đó, cần tăng cường quản lý, giám sát các hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, đầu tư nước ngoài; nâng cao nhận thức, hiệu quả thực thi các quy định pháp luật về phòng vệ thương mại, xuất xứ, hải quan, chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại. 

Ngoài ra, cần rà soát, xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ; các cơ quan chức năng liên quan xử lý nghiêm các hành vi lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ hàng hóa.

-Nhiều người lo ngại tình trạng nhập nhằng xuất xứ sẽ khiến doanh nghiệp chân chính bị thiệt hại. Vậy, ông có lời khuyên gì cho doanh nghiệp trong bối cảnh này?

Trước tình trạng này, doanh nghiệp Việt Nam cần đẩy mạnh xây dựng, phát triển thương hiệu, nhãn hiệu để đủ sức giữ vững thị trường và tăng trưởng bền vững.

Đồng thời, các doanh nghiệp cần phải tuân thủ chặt chẽ các quy định về chứng nhận xuất xứ, không tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ.

Bên cạnh đó, phối hợp theo dõi sát thị trường để có thể kịp thời cung cấp thông tin cho các cơ quan quản lý khi thấy có dấu hiệu bất thường, tránh để các ngành sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam bị liên lụy và bị ảnh hưởng bởi các biện pháp chống lẩn tránh và phòng vệ thương mại tại một số thị trường nhập khẩu.

-Xin cảm ơn ông!

Huyền Trang thực hiện

SBLAW tư vấn về bảo hộ thương hiệu và các tài sản trí tuệ khác một cách nhanh chóng, chính xác và hiệu quả:
Quý khách cần sử dụng dịch vụ bảo hộ tài sản trí tuệ, vui lòng liên hệ trực tiếp đến.
  • Điện thoại - Chat Zalo
  • Email address
Tin tức liên quan

Sở hữu trí tuệ trong CPTPP

 Sở hữu trí tuệ trong CPTPP là chương trình với sự tham gia của luật sư sở hữu trí tuệ từ SBLAW. CPTPP  chính thức có