Chịu thiệt vì bảo hộ sáng chế còn.. bỏ ngỏ

Chịu thiệt vì bảo hộ sáng chế còn.. bỏ ngỏ

Chịu thiệt vì bảo hộ sáng chế còn.. bỏ ngỏ

Tại Chợ công nghệ và thiết bị quốc tế Việt Nam 2012 (Techmart 2012), không ít khách tham quan ngỡ ngàng bởi hàng trăm máy móc, thiết bị do người nông dân ở các vùng miền trong cả nước tự chế tạo.

Tuy nhiên, các chủ nhân của những sáng kiến này đều có một điểm chung là chế tạo phục vụ yêu cầu sản xuất chứ không nghĩ đến chuyện đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ.

Nhiều “sáng chế” của nông dân được giới thiệu tại Techmart 2012

Chế tạo theo nhu cầu

Từ phường Xuân An, Thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, ông Nguyễn Văn Hai mang đến Techmart 2012 nhiều sản phẩm do ông tự tay chế tạo, trong đó nổi bật là Hệ thống tưới nước nhỏ giọt tích hợp bộ điều áp. Theo ông Hai, với diện tích hàng chục hecta đất trồng thanh long, người nông dân phải bỏ hàng trăm triệu đề mua máy bơm nước bố trí ở nhiều nơi nhưng hiệu quả không cao vì máy bơm không tự động điều áp được nước, phải cần nhiều lao động để thao tác máy. Với hệ thống nước nhỏ giọt tích hợp bộ điều áp của ông Hai, nước được tưới đồng đều, không bị tình trạng chỗ chảy mạnh, chỗ chảy yếu nên tiết kiệm nước, đồng thời rửa được sương muối và bụi bẩn cho cây. Người nông dân có thể lắp đặt dễ dàng áp dụng trên các loại cây như thanh long, cà phê, ngô, cây rau màu…

Hay ông Phạm An Hiên (thôn An Phú, xã Đức Chính, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương) chủ nhân của chiếc máy gieo hạt cà rốt bởi ông thấy bàn tay người gieo hạt không đều, năng suất không cao, hạt chậm nảy mầm. Chỉ bằng hai bánh xe đạp cũ, một xích đẩy càng, một hệ thống giàn gieo và các gờ rạch luống, ông Hiên đã chế tạo chiếc máy gieo hạt cà rốt bảo đảm năng suất đạt 2 mẫu/ngày, hạt cà rốt được gieo đều, tỷ lệ hạt nảy mầm đạt gần như 100%. Không chỉ gieo hạt cà rốt, máy cũng có thể gieo được nhiều loại hạt khác nhau như thóc, cải, vừng…

Đáng chú ý là chiếc máy thái hành tỏi tự động được ông Nguyễn Văn Sành (thôn Thượng Dương, xã Nam Trung, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương) chế tạo từ năm 2002, có khả năng bóc và thái hành, tỏi với công suất từ 6 - 8 tạ/giờ, thay thế hàng trăm lao động thủ công. Đặc biệt, những củ hành, tỏi được chiếc máy thái với lát cắt đều tăm tắp, không dập nát, không hao hụt. Ông Sành cho biết, quê ông từ lâu đã phát triển trồng hành tỏi, thấy bà con nông dân hàng ngày phải cặm cụi bóc, thái, sấy hành tỏi, nước mắt nước mũi giàn giụa vì hơi cay, lưng gối mỏi nhừ mà năng suất chẳng đáng là bao. Một người làm cật lực cũng chỉ bóc được từ 15-17kg hành tỏi/giờ và thái được 10kg. Thương bà con vất vả, ông đã nảy ra ý tưởng làm chiếc máy thái hành tỏi tự động. Đến nay, chiếc máy không những thái được hành, tỏi thành nhiều hình thù khác nhau như: hình hoa, hình trái tim, hình răng cưa mà còn thái được nhiều loại hoa quả khác như su hào, bí đao, bí đỏ, cà rốt, khoai lang, sắn thậm chí cả hoa chuối.

Những sáng chế trên chỉ là một phần nhỏ trong "bức tranh" về hoạt động sáng chế của nông dân Việt Nam. Theo TS Tạ Bá Hưng, Cục trưởng Cục Thông tin khoa học công nghệ quốc gia, Bộ Khoa học-Công nghệ thì hầu hết nông dân sáng tạo đều không được đào tạo qua các lớp chuyên môn kỹ thuật, giải quyết vướng mắc trong quá trình sản xuất nông nghiệp của chính cá nhân nông dân chứ không phải vì mục tiêu thương mại nên hầu hết các sáng chế, giải pháp này mới chỉ được áp dụng trong phạm vi hộ gia đình và địa phương nơi họ sinh sống.



Thiệt thòi lớn...



Do không đủ kiến thức chuyên môn lại không có điều kiện nghiên cứu các tài liệu kỹ thuật nên các giải pháp sáng kiến của nông dân chủ yếu được tạo ra trên cơ sở mày mò, vừa làm vừa sửa cho phù hợp với yêu cầu việc. Cục trưởng Tạ Bá Hưng cho rằng, mặc dù các sáng tạo của nông dân chủ yếu mang tính đơn giản, hàm lượng khoa học, kỹ thuật không nhiều, khả năng khai thác thương mại đối với các sáng kiến, sáng chế của nông dân là không cao nhưng cũng rất đáng được biểu dương, khích lệ và có cơ chế hỗ trợ kịp thời.

Tuy đã có một vài sáng kiến của nông dân được khai thác ở quy mô thương mại, được chuyển giao cho số tổ chức, cá nhân sử dụng và triển khai nhân rộng thành hàng hóa, đem lại lợi nhuận cho chủ sở hữu nhưng con số này không đáng bao nhiêu, bởi phần lớn vẫn những sáng kiến của nông dân chưa được cấp văn bằng bảo hộ tài sản trí tuệ. Nhắc đến việc xác lập quyền SHTT đối với sản phẩm do mình tự chế tạo ra, ông Nguyễn Văn Sành cho rằng, ông không biết bảo hộ tài sản trí tuệ là gì vì ông chỉ làm theo sự đam mê và nhu cầu có máy móc để thay thế lao động thủ công, giúp tăng năng suất, hiệu quả làm việc cho bà con. Còn ông Nguyễn Văn Hai thì cho biết, ông có thể dễ dàng mô tả bằng lời giải pháp của cho người nông dân nghe và áp dụng nhưng rất khó khăn khi phải “chuyển thể” việc mô tả đó thành văn bản theo một khuôn mẫu quy định vì trình độ văn hóa hạn chế.

Thừa nhận thực tế trên, ông Phan Ngân Sơn, Trưởng phòng Sáng chế số 1, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học-Công nghệ cho biết, trong rất nhiều trường hợp, thẩm định viên đã hướng dẫn tận tình nhưng các tác giả sáng chế vẫn không thể trình bày được bản mô tả và dường như việc viết bản mô tả còn khó hơn cả việc tạo ra chính giải pháp của mình. Chính vì vậy, một số giải pháp đã bị từ chối ngay ở giai đoạn thẩm định hình thức đơn. Điều đó là sự thiệt thòi rất lớn cho những nhà sáng chế.

Theo xaluan.com

» Thủ tục đăng ký sáng chế

SBLAW tư vấn về bảo hộ thương hiệu và các tài sản trí tuệ khác một cách nhanh chóng, chính xác và hiệu quả:
Quý khách cần sử dụng dịch vụ bảo hộ tài sản trí tuệ, vui lòng liên hệ trực tiếp đến.
  • Điện thoại - Chat Zalo
  • Email address
Tin tức liên quan