Từ câu chuyện xung quanh những tranh chấp trong thời gian gần đây đối với thương hiệu gạo ST25 - đặc sản của tỉnh Sóc Trăng, tiếp tục đề cập tới một trong những điểm yếu về năng lực cạnh tranh của số đông doanh nghiệp Việt Nam hiện nay, khi chưa dành sự quan tâm, hiểu biết và đầu tư thích đáng cho việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; bảo vệ thành quả, công sức và sự sáng tạo của chính mình.
Theo một báo cáo của Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao tiến hành khảo sát mới đây cho thấy, chỉ 4,2% doanh nghiệp cho rằng thương hiệu là vũ khí trong cạnh tranh; 5,4% doanh nghiệp được hỏi, tin tưởng rằng thương hiệu là tài sản của doanh nghiệp và 30% doanh nghiệp cho rằng thương hiệu sẽ giúp bán hàng được giá cao hơn và đem lại niềm tự hào cho người tiêu dùng.
Trong khi đó, hầu hết những doanh nghiệp khác đều chưa có sự nhận thức đúng đắn về vấn đề thương hiệu; cũng như chưa đánh giá cao sự đóng góp của thương hiệu trong giá trị sản phẩm, nên chỉ mới quan tâm tới việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu trong nước mà chưa chú ý tới đăng ký ở nước ngoài.
Có thể liệt kê một số vụ việc từng được nhắc tới như mất thương hiệu càphê Buôn Ma Thuột của tỉnh Đắk Lắk hay kẹo dừa Bến Tre, nước mắm Phú Quốc... Đó là những bài học đắt giá để mỗi doanh nghiệp sản xuất kinh doanh khi bước ra thương trường đều cần hiểu rằng, phải coi trọng việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu; đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Bởi, thương hiệu không chỉ là cái tên, mà còn là biểu hiện sự thành công của sản phẩm và ẩn sâu trong đó là niềm tin của người tiêu dùng.
Tiến sỹ Võ Hữu Thoại, Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam nhận định, việc bảo vệ thương hiệu hàng hóa Việt Nam; trong đó, bao gồm cả các ngành hàng nông sản không chỉ là vấn đề của riêng mỗi doanh nghiệp. Đây là câu chuyện kinh tế, là hình ảnh của cả một quốc gia. Các doanh nghiệp cần chú trọng và đầu tư hơn nữa cho việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu của doanh nghiệp mình. Bởi thực tế hiện nay, những thương hiệu của Việt Nam mà ở nước ngoài đạt tới độ nhắc tới Việt Nam là khách hàng nghĩ ngay tới sản phẩm đó và ngược lại thì vẫn còn quá ít.
Trong khi đó, tại các địa phương, dù hiện có rất nhiều sản phẩm đặc sản để có thể đưa lên thành thương hiệu đại diện và xuất khẩu rộng ra thị trường nước ngoài nhưng việc bảo hộ thương hiệu vẫn còn quá ít.
Việc hợp tác giữa các ban, ngành và số đông doanh nghiệp trong việc phát triển và bảo hộ thương hiệu cho hàng hóa Việt Nam ngay tại thị trường nội địa cũng rất hạn chế, mạnh ai người nấy làm; chứ chưa nói tới vươn ra thị trường nước ngoài... Đã tới lúc phải thực sự nhìn lại để thay đổi và khẩn trương thay đổi cho sớm, ông Thoại nhấn mạnh.
Qua câu chuyện thương hiệu của gạo ST25, bà Lê Thị Nguyên Hà, Giám đốc Công ty TNHH Nước ép Phúc Hà (tỉnh Bình Thuận) cho hay, mở cửa ra với thế giới mới thấy được cái yếu kém của chính mình. Hy vọng, thêm một bài học đắt giá này để không chỉ doanh nghiệp mà các địa phương cũng nên lấy đó làm gương và nhanh chân lên.
"Đừng để tới lúc khi lại bị các doanh nghiệp nước ngoài đăng ký bảo hộ thương hiệu hết các đặc sản của Việt Nam mới 'lọc cọc' đi tìm luật để kiện cáo. Người Việt Nam có câu 'Trâu chậm uống nước đục.' Nhưng, đôi khi không còn cả nước đục để uống. Đáng suy nghĩ lắm vì người Việt Nam đâu phải không thông minh để không nhận ra điều này. Những điều cần làm tại sao mãi vẫn không làm? và cứ có mãi biết bao nhiêu doanh nghiệp phải trả giá?" - bà Hà tâm tư.
Chia sẻ về những giải pháp giúp doanh nghiệp có thể tự bảo vệ thương hiệu, Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB LAW cho hay, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng với nhiều cam kết thúc đẩy và lành mạnh hóa thị trường; trong đó, có quyền sở hữu trí tuệ thì các doanh nghiệp cần quân tâm hơn nữa tới nhãn hiệu, thương hiệu. Điều này không chỉ góp phần tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng mà còn giúp nâng cao năng lực cạnh tranh và cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài.
Việc xác định đúng đối tượng và đăng ký nhãn hiệu có thể quyết định đến việc thành bại của chính doanh nghiệp. Việc tạo lập một hành lang pháp lý trước khi đưa hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ của mình ra thị trường, đặc biệt là thị trường nước ngoài cũng rất quan trọng.
Theo Luật sư Nguyễn Thanh Hà, hiện nay, các doanh nghiệp chuyên nghiệp hơn trước nhiều nên thường đi theo xu hướng thuê các công ty chuyên tư vấn phát triển thương hiệu tham gia ngay từ đầu, cụ thể là bắt đầu ở giai đoạn thiết kế dự án. Khi làm việc với các đơn vị tư vấn phát triển thương hiệu có uy tín và có hiểu biết về pháp lý, ngoài việc đưa ra ý tưởng về một tên gọi phù hợp cho dự án, họ sẽ gửi tới các công ty luật và luật sư sở hữu trí tuệ để kiểm tra xem nhãn hiệu đó đã có đơn vị khác đăng ký hay chưa? Nếu có rồi thì ngay lập tức nghĩ phương án khác, còn chưa có thì sẽ tiếp tục hoàn thiện tiếp phương án thiết kế, gồm logo và slogan. Rồi sau đó tiến hành đăng ký sở hữu trí tuệ tại Cục Sở hữu trí tuệ để đảm bảo độc quyền. Sau khi đã đăng ký thành công rồi mới tiến hành công bố và triển khai hoạt động marketing và PR...
Các cơ quan quản lý nhà nước cũng cần có những hỗ trợ thiết thực, giúp sức cho doanh nghiệp biết tự bảo vệ và phòng hộ thương mại cho chính mình. Cụ thể như gia tăng các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp về vai trò của thương hiệu trong việc giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, giá trị sản phẩm trên thị trường.
Cùng với đó, tổ chức các khóa đào tạo tập huấn, hỗ trợ kỹ thuật và đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ tại thị trường trong nước và một số thị trường xuất khẩu trọng điểm đối với một số lĩnh vực, mặt hàng.
Hay kết nối và tổ chức các nhóm chuyên gia, luật gia sẵn sàng "trực chiến" khi có tranh chấp thương mại quốc tế để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ./.
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/bao-ve-thuong-hieu-cau-chuyen-khong-chi-cua-rieng-doanh-nghiep/713283.vnp