Bên nhận nhượng quyền cũng hưởng lợi từ việc sử dụng thương hiệu đã được kiểm chứng, giảm thiểu rủi ro kinh doanh và tận dụng được mô hình đã được phát triển. Tuy nhiên, họ cũng phải đối mặt với áp lực tuân thủ các điều khoản hợp đồng. Đồng thời có thể gặp khó khăn trong việc điều chỉnh hoạt động kinh doanh để đáp ứng yêu cầu của chủ sở hữu.
Bên nhận nhượng quyền có lợi ích gì?
Lợi ích mà bên nhận nhượng quyền có thể thu được trong việc triển khai kinh doanh theo mô hình nhượng quyền thương mại thường rất lớn. Thay vì phải tốn công sức vào việc thiết lập một dự án kinh doanh mới thường chứa nhiều yếu tố rủi ro khó dự đoán, doanh nghiệp chỉ việc mua lại công nghệ kinh doanh từ bên giao, tiếp tục ý tưởng đã được thử nghiệm và thực hiện thành công của bên giao. Đồng thời, bên nhận nhượng quyền hoàn toàn có thể tận dụng và phát huy những lợi thế kinh doanh từ thương hiệu, công nghệ sản xuất… đã được bên nhượng quyền tạo lập, hoàn thiện trong nhiều năm để nhanh chóng xâm nhập và tạo dựng chỗ đứng vững chắc của mình trên thị trường. Ví dụ về sự thành công của thương hiệu thời trang AN PHƯỚC đặt bên cạnh nhãn hiệu nổi tiếng PIERRE CARDIN là một minh chứng điển hình.
Ngoài ra, kinh doanh theo phương thức nhận nhượng quyền thương mại, bên nhận còn được đào tạo những phương thức và kỹ năng quản lý trong thực tiễn hoạt động kinh doanh từ những nhà đầu tư danh tiếng trên thế giới. Thông qua cơ hội được tiếp xúc và được chia sẻ những bí quyết và kinh nghiệm kinh doanh đã được thử nghiệm và đúc rút trong nhiều năm của bên nhượng quyền thương mại, bên nhận nhượng quyền tự xây dựng và phát triển cho mình những tri thức quản lý riêng, có thể áp dụng cho các chiến lược kinh doanh tương tự khác của mình.
Những khó khăn với bên nhận chuyển nhượng
Tuy nhiên, bên cạnh những điểm thuận lợi có thể khai thác được từ mô hình kinh doanh franchise, doanh nghiệp phía nhận nhượng quyền thương mại cũng buộc phải chịu chấp nhận sự kiểm soát tương đối chặt chẽ của bên nhượng quyền đối với một số vấn đề trong hoạt động kinh doanh của mình, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến quy trình sản xuất, kinh doanh, chất lượng sản phẩm, việc nhập khẩu nguyên liệu… Ngoài ra, bên nhượng quyền thường bảo lưu quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng và yêu cầu bên nhận nhượng quyền ngay lập tức chấm dứt toàn bộ hoạt động kinh doanh dưới nhãn hiệu hoặc mô hình kinh doanh đã được nhượng quyền trước đó nếu bên nhận nhượng quyền không đáp ứng được một số điều kiện nhất định do bên nhượng quyền đưa ra. Trong trường hợp này, rủi ro mà doanh nghiệp nhận nhượng quyền có thể rất lớn, đặc biệt là trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến hàng hoá hoặc các đơn đặt hàng còn đang tồn đọng…
Vì vậy, đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, franchise có thể được coi là một trong những lựa chọn hàng đầu để có thể đứng vững trong điều kiện thị trường có sự cạnh tranh khốc liệt. Tuy nhiên, trước khi chính thức ký kết hợp đồng để trở thành bên nhận nhượng quyền thương mại, các doanh nghiệp cũng cần phải xem xét và nghiên cứu hết sức kỹ lưỡng đối với một số vấn đề và điều khoản quan trọng như: Thế mạnh về thị trường, tài chính và thương hiệu của bên giao tiềm năng, chất lượng đào tạo ban đầu và trong quá trình triển khai mô hình franchise, quy trình kiểm tra, giám sát của bên giao và các quy chuẩn bắt buộc phải tuân thủ, trách nhiệm về các hoạt động quảng cáo và phát triển thương hiệu của bên giao, quyền phân phối sản phẩm, dịch vụ của bên nhận… Ngoài ra để đảm bảo tối đa sự linh hoạt và độc lập trong hoạt động kinh doanh của bên nhận, doanh nghiệp cũng cần phải nghiên cứu một cách kỹ lưỡng hình thức pháp lý của hợp đồng sẽ được ký kết giữa hai bên. Thông thường, trong trường hợp này, các doanh nghiệp nên tìm đến sự hỗ trợ của một bên tư vấn pháp lý độc lập để tránh những bất lợi không đáng có xảy ra.
Tham khảo thêm >> Tư vấn nhượng quyền thương mại