[Baohothuonghieu.com] - SBLAW trân trọng giới thiệu bài viết của luật sư Nguyễn Thanh Hà, chủ tịch SBLAW trên báo diễn đàn doanh nghiệp với chủ đề Bảo vệ thương hiệu cho doanh nghiệp bất động sản. Sau đây là nội dung bài viết:
Ngoài việc ảnh hưởng đến doanh nghiệp, nạn nhái thương hiệu cũng là chướng ngại cản bước phát triển của thị trường bất động sản, khiến khách hàng hoang mang, gây nhiễu loạn thị trường.
Nhiều doanh nghiệp địa ốc lớn như Him Lam Land, Hưng Thịnh Corp, Nam Long, Nova Land… đã hoặc đang dở khóc dở cười với cảnh các doanh nghiệp “vô tình” cùng tên, thậm chí có ý đồ nhái thương hiệu để “làm liều”.
Lúng túng bảo vệ tên thương mại
Câu chuyện về việc xây dựng thương hiệu cho một dự án bất động sản không phải đến bây giờ mới được nhắc đến, nhưng trong khoảng thời gian dài vừa qua, vấn đề này vẫn chưa được nhìn nhận một cách toàn diện và đầy đủ.
Thực tế, trong nhiều doanh nghiệp đầu tư bất động sản trên thị trường hiện nay, chỉ có một số ít xây dựng được thương hiệu của doanh nghiệp nói chung và cho từng dự án nói riêng một cách bài bản, thể hiện được tầm nhìn và hướng phát triển một cách rõ nét.
Một trong những cách đặt tên dự án điển hình được nhiều chủ đầu tư thực hiện là gắn vào các từ như Green, Luxury, Bay, Eco, Park, Garden, Golden… như một cách "Tây hóa" dự án của mình. Cách đặt tên này mang lại một sự mới lạ cho các dự án, với những cảm nhận về một sự sang chảnh, cao cấp, hiện đại… từ phía khách hàng. Tuy nhiên, hệ lụy của nó ngày một bộ lộ rõ.
Thông thường, tên một dự án cùng với bản thiết kế gồm có logo, slogan và tên gọi sẽ cấu thành nên thương hiệu của dự án, theo ngôn ngữ pháp lý là nhãn hiệu. Đối với một số doanh nghiệp bất động sản, việc xây dựng thương hiệu dự án do phòng kinh doanh, marketing của công ty đảm nhận. Tuy nhiên, do bộ phận marketing và truyền thông của dự án chưa am hiểu và quan tâm tới vấn đề sở hữu trí tuệ, dẫn đến bộ nhận diện thương hiệu dễ gặp những rủi ro nêu trên.
Không chỉ hao tiền tốn của khi rủi ro pháp lý xảy ra, việc vướng vào kiện cáo của các chủ đầu tư đã sở hữu thương hiệu sẽ không tốt cho các dự án sau này. Nếu chẳng may đó là các chủ đầu tư lớn, thì họ có thể phải bỏ thêm nhiều tiền để đàm phán với chủ cũ để mua lại nhãn hiệu mà họ mong muốn dùng.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhiều người mua nhà tố việc quảng cáo, giới thiệu hoặc mạo danh nhưng lại ít thấy các chủ đầu tư này lên tiếng hoặc có những hành động kịp thời để loại trừ các hành vi vi phạm. Nguyên nhân của trình trạng này là do:
Thứ nhất, giữa các chủ đầu tư thường có quan hệ với nhau, vì vậy có thể có sự nể nang, không xử lý.
Thứ hai, các chủ đầu tư khi chọn một tên đẹp cho dự án lại quên đăng ký nhãn hiệu tại Cục Sở hữu trí tuệ và nếu không đăng ký, khi một bên khác sử dụng nhãn hiệu đó, họ sẽ không có cơ sở để xử lý.
Thứ ba, khi phát hiện ra vi phạm, các chủ đầu tư cũng không muốn đưa ra xử lý vì ngại đụng đến vấn đề pháp lý, truyền thông biết sẽ khó bán hàng.
Thứ tư, trong thực tế nhiều doanh nghiệp và các cơ quan chức năng không dễ dàng xác định được hành vi xâm phạm quyền. Vì thế nhiều doanh nghiệp còn lúng túng trong việc tự bảo vệ quyền Sở hữu trí tuệ của mình, các cơ quan chức năng ngại hoặc né tránh xử lý xâm phạm. Chỉ khi nào thật cần thiết, nếu cần phải xử lý thì doanh nghiệp lại tiến hành yêu cầu giám định và các cơ quan chức năng trưng cầu giám định quyền Sở hữu trí tuệ để khởi kiện hoặc xử lý xâm phạm quyền.
Giải pháp bắt đầu từ... chuyên nghiệp
Đầu tiên, muốn thành công, bộ phận làm thương hiệu dự án phải tham gia ngay từ đầu, trước cả khâu thiết kế để đưa ra yêu cầu cho thiết kế và xây dựng định vị dự án…
Thứ hai, khi làm việc với các đơn vị tư vấn phát triển thương hiệu có uy tín và có hiểu biết về pháp lý, ngoài việc đưa ra ý tưởng về một tên gọi phù hợp cho dự án, họ sẽ gửi tới các công ty luật và luật sư sở hữu trí tuệ để kiểm tra xem nhãn hiệu đó đã có đơn vị khác đăng ký hay chưa? Nếu có rồi thì ngay lập tức nghĩ phương án khác, còn chưa có thì sẽ tiếp tục hoàn thiện tiếp phương án thiết kế, gồm logo và slogan. Rồi sau đó tiến hành đăng ký sở hữu trí tuệ tại Cục Sở hữu trí tuệ để đảm bảo độc quyền.
Còn ở chiều ngược lại, khi bị các công ty khác vi phạm thương hiệu thì doanh nghiệp có thể lựa chọn các cách xử lý sau: Thứ nhất, lập vi bằng về hành vi vi phạm. Thứ hai, gửi bằng chứng vi phạm và đề nghị cơ quan giám định sở hữu trí tuệ kết luận về khả năng vi phạm. Thứ ba, gửi thư cảnh báo vi phạm đến bên vi phạm, cho họ thời gian khắc phục, nếu họ không khắc phục thì có thể gửi tới các cơ quan chức năng để xử lý.
Tuy nhiên, để thực thi các quy định pháp luật về quyền sở hữu tốt hơn cơ quan quản lý nhà nước cũng cần có văn bản giải thích rõ ràng thế nào là “nhãn hiệu, dấu hiệu khó phân biệt với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ dùng cho chính mặt hàng đó”. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần tăng mức tiền xử phạt hành chính hiện nay. Đặc biệt, yêu cầu về tính minh bạch trong xử lý vi phạm hành chính, nhất thiết các số liệu và thông tin có liên quan phải được công bố công khai.
LS Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật SBLAW