Bảo vệ ca sĩ hay nhà đầu tư ?

Bảo vệ ca sĩ hay nhà đầu tư ?

Ở các nước, việc khai thác qua mạng điện thoại di động nhạc chuông/nhạc chờ, hình ảnh ca sĩ... đang mang lại những khoản tiền rất lớn đồng thời những tranh chấp giữa ca sĩ với các công ty sản xuất băng đĩa cũng diễn ra thường xuyên.

Ở Việt Nam rồi cũng sẽ như vậy, nhất là khi cả luật pháp lẫn kinh nghiệm thực tế của chúng ta trong lĩnh vực phức tạp này còn nhiều hạn chế.

Theo báo điện tử Pháp luật TPHCM, mới đây, ca sĩ Mỹ Tâm đã yêu cầu nhiều công ty viễn thông và hàng chục mạng nhạc số không được kinh doanh các bản nhạc chuông, nhạc chờ có sử dụng các bài hát do ca sĩ thể hiện hoặc phải trả ca sĩ tiền về quyền liên quan.

Về yêu cầu này, một số công ty cho rằng họ không phải trả tiền cho người biểu diễn mà chỉ trả cho hãng sản xuất băng đĩa và họ đã trả qua Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam (RIAV).

Mỹ Tâm khẳng định chưa bao giờ ký hợp đồng chuyển giao quyền của người biểu diễn cho bất cứ hãng băng đĩa nào. Vì vậy, việc một số hãng băng đĩa nói rằng họ có quyền sở hữu các cuộc biểu diễn của ca sĩ là sai pháp luật.

Các hãng băng đĩa liên quan trong vụ việc này và RIAV lại cho rằng, căn cứ vào điều 29.1 Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT), toàn bộ các bản ghi âm/ghi hình này thuộc quyền sở hữu của các nhà sản xuất, còn Mỹ Tâm chỉ có các quyền nhân thân, vì các bản ghi âm/ghi hình đều do họ đầu tư, ca sĩ chỉ biểu diễn để ghi âm/ghi hình và đã nhận đủ tiền thù lao.

Ở đây sẽ không bàn đến vấn đề ai đúng ai sai, mà chỉ xin nêu vài ý kiến về một quy định pháp lý quan trọng trong các vụ tranh chấp kiểu này - điều 29.1 Luật SHTT.

***

Để khuyến khích tạo ra các tác phẩm mới và phổ biến các tác phẩm đến công chúng, pháp luật phải bảo vệ không chỉ các quyền của tác giả đối với tác phẩm (quyền tác giả), mà còn phải bảo vệ các quyền của nghệ sĩ biểu diễn đối với cuộc biểu diễn mà anh ta thực hiện, các quyền của hãng sản xuất băng đĩa đối với bản ghi âm họ thu, và các quyền của tổ chức phát sóng đối với chương trình phát sóng do họ sản xuất (các quyền liên quan).

Về quyền liên quan của người biểu diễn, điều 29.1 Luật SHTT của Việt Nam quy định:

Người biểu diễn đồng thời là chủ đầu tư thì có các quyền nhân thân và các quyền tài sản đối với cuộc biểu diễn; trong trường hợp người biểu diễn không đồng thời là chủ đầu tư thì người biểu diễn có các quyền nhân thân và chủ đầu tư có các quyền tài sản đối với cuộc biểu diễn.

Điều 745.1 Bộ luật Dân sự 2005, về nội dung, cũng tương tự như điều 29.1 Luật SHTT.

Rõ ràng, với các quy định này, pháp luật quyền liên quan của Việt Nam đang bảo vệ người đầu tư để thực hiện cuộc biểu diễn mà không phải chính người biểu diễn, vì chỉ người đầu tư mới có các quyền tài sản đối với cuộc biểu diễn, còn người biểu diễn chỉ có các quyền nhân thân (được nêu tên khi biểu diễn và được bảo vệ sự toàn vẹn của hình tượng biểu diễn). Nếu không phải là chủ đầu tư, người ca sĩ sẽ bị tước đi các quyền chính đáng (và đó cũng là các điểm tựa pháp lý quan trọng cho các đàm phán hợp đồng giữa ca sĩ với, ví dụ, các hãng băng đĩa), như các quyền ngăn cấm người khác thu hình hoặc phát sóng cuộc biểu diễn trực tiếp.

Các quy định này của pháp luật Việt Nam là trái với các quy định về quyền của người biểu diễn trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam đang tham gia, cụ thể là điều 7 của Công ước Rome 1961, điều 4.7 chương II Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ, và điều 14.1 TRIPS. Có một điểm quan trọng cần lưu ý rằng: Công ước Rome và điều 14.1 TRIPS đều nhằm bảo hộ các “sáng tạo nghệ thuật” (atistic achievement hay acts of spiritual creation) của nghệ sĩ biểu diễn, mà không phải nhằm bảo vệ “các lợi ích về kỹ thuật và tài chính” (technical and financial interests) như trong trường hợp đối với các nhà sản xuất bản ghi âm và tổ chức phát sóng.

Các quy định này của Việt Nam là trái với các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia; vậy, liệu các ca sĩ có thể vận dụng quy định của điều 5.3 Luật SHTT - nói rằng khi quy định của Luật SHTT khác với điều ước quốc tế thì áp dụng điều ước quốc tế - để đòi lại từ chủ đầu tư các quyền tài sản cho mình?

Thêm nữa, quy định này - hãy tạm không bàn đến sự trái ngược với các điều ước quốc tế của nó - có lợi gì cho Việt Nam, hay có xuất phát từ đặc điểm cụ thể nào của Việt Nam? Vì lý do nào mà các nhà làm luật của ta lại muốn bảo hộ cho “người đầu tư để thực hiện cuộc biểu diễn” khi trong thực tế rất nhiều nhà đầu tư loại này lại chính là các công ty sản xuất băng đĩa đã được bảo hộ bằng các quy định riêng (ví dụ, điều 30 Luật SHTT)?

Có lẽ trước mắt, để tự bảo vệ mình trước khi Việt Nam có một hệ thống pháp luật hoàn thiện, các ca sĩ nên ký các hợp đồng đầy đủ, chi tiết và chặt chẽ (thường đến vài chục trang) với người quản lý, nhà sản xuất và các công ty băng đĩa để tránh những thiệt hại có thể rất lớn về vật chất.

 

Theo thesaigontimes.vn

SBLAW tư vấn về bảo hộ thương hiệu và các tài sản trí tuệ khác một cách nhanh chóng, chính xác và hiệu quả:
Quý khách cần sử dụng dịch vụ bảo hộ tài sản trí tuệ, vui lòng liên hệ trực tiếp đến.
  • Điện thoại - Chat Zalo
  • Email address
Tin tức liên quan