SBLAW tóm tắt sự kiện bảo hộ thương hiệu chè Thái Nguyên tại Mỹ, cánh cửa mới cho người dân trồng chè.
Cơ quan sáng chế và nhãn hiệu Mỹ đã chính thức cấp văn bằng bảo hộ cho nhãn hiệu tập thể "chè Thái Nguyên".
Đây chính là nhãn hiệu tập thể đầu tiên được đăng ký tại nước ngoài của địa phương này và mở ra cánh cửa mới cho người dân trồng chè.
Là một trong những đặc sản nổi tiếng và quen thuộc với mỗi người dân Việt Nam, chè Thái Nguyên được mệnh danh là đệ nhất danh trà và giúp người dân nơi đây ngày càng giàu mạnh. Không quá khi nói rằng hương chè Thái Nguyên tượng trưng cho khí trời còn vị chè lại đại diện cho vị đất bởi hàng ngàn cây chè ở đây vẫn hàng ngày chắt chiu hút từng miếng khoáng chất trong lòng đất, uống từng giọt nước sông Kông để chắt lọc thành vị ngọt bùi đậm đà và sâu lắng.
Để phát triển được đặc sản của tỉnh mình, người dân Thái Nguyên ngày càng mở rộng quy mô, tổ chức sản xuất với mục đích đẩy được thương hiệu chè ra thị trường quốc tế. Tuy nhiên khi xu thế hội nhập quốc tế ngày một sâu rộng, sản phẩm chè Thái Nguyên càng phải đối mặt với không ít khó khăn về sở hữu trí tuệ. Vì vậy vào năm 2014, tỉnh Thái Nguyên đã đầu tư hơn 500 triệu đồng để đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể tại Mỹ - Trung Quốc - Đài Loan nhằm mục đích đảm bảo thương hiệu chè của tỉnh mình.
Và sau 2 năm, đến tháng 2/2016, nhãn hiệu chè tập thể “Chè Thái Nguyên” được cơ quan sáng chế và nhãn hiệu Mỹ cấp văn bằng bảo hộ số 490925. Đây được xem là cơ hội lớn giúp chè Thái Nguyên được nâng tầm trên thị trường quốc tế, mở ra cánh cửa tiêu thụ lớn cho người dân trồng chè nơi đây. Thị trường Mỹ chính là một thị trường tiềm năng cho chè Việt Nam và đây cũng là thị trường đứng thứ 3 thế giới về quy mô nhập khẩu và tiêu thụ. Trung bình hàng năm Mỹ nhập tới 13.000 tấn chè tăng 5-6%.
Tuy nhiên đây cũng là một thách thức lớn bởi Mỹ vốn là thị trường khó tính do yêu cầu về chất lượng cao, đa dạng, nhiều nhà nhập khẩu Mỹ sử dụng tiêu chuẩn (MRLs) của Châu Âu, ngoài ra nhiều doanh nghiệp cam kết tiến đến chỉ mua hàng của nhà cung cấp đạt tiêu chuẩn HACCP. Vì vậy việc cần làm của tỉnh Thái Nguyên đó là tích cực thay đổi tư duy sản xuất của các doanh nghiệp, cá nhân sản xuất chè nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường Mỹ và các nước trên thế giới.
Ngoài thị trường tại Mỹ, thương hiệu Chè Thái Nguyên dự kiến sẽ được bảo hộ tại Trung Quốc và Đài Loan vào cuối năm 2017.
Được biết, diện tích chè Thái Nguyên có khoảng hơn 22 nghìn ha, diện tích cho thu hoạch hơn 18 nghìn ha; năng suất bình quân năm 2016 đạt gần 113 tạ/ ha; sản lượng chè búp tươi đạt hơn 200 nghìn tấn. Hiện có nhiều hộ nông dân có thu nhập từ 600- 900 triệu đồng/ha/năm.
theo tạp chí sở hữu trí tuệ và sáng tạo