Xuất xứ hàng hóa được quy định như thế nào theo pháp luật Việt Nam
Theo Nghị định 31/2018/NĐ-CP qui định chi tiết luật quản lí ngoại thương về xuất xứ hàng hóa, tại Khoản 1 Điều 3 của Nghị định nêu rõ: “Xuất xứ hàng hóa là nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ nơi sản xuất ra toàn bộ hàng hóa hoặc nơi thực hiện công đoạn chế biến cơ bản cuối cùng đối với hàng hóa trong trường hợp có nhiều nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ tham gia vào quá trình sản xuất ra hàng hóa đó”.
Khái niệm hàng hóa Việt Nam có thể được hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau như: hàng hóa có xuất xứ Việt Nam để hưởng ưu đãi thuế quan theo cam kết hội nhập kinh tế quốc tế; hoặc hàng hóa có công đoạn sản xuất tại Việt Nam; hoặc hàng hóa có thương hiệu của Việt Nam.
Điều 9 Nghị định 31/2018/NĐ-CP qui định quy định về công đoạn gia công, chế biến đơn giản là Công đoạn gia công, chế biến sau đây khi được thực hiện riêng rẽ hoặc kết hợp với nhau, được xem là đơn giản và không được xét đến khi xác định xuất xứ hàng hóa tại một nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ:
“1. Các công việc bảo quản hàng hóa trong quá trình vận chuyển và lưu kho (thông gió, trải ra, sấy khô, làm lạnh, ngâm trong muối, xông lưu huỳnh hoặc thêm các phụ gia khác, loại bỏ các bộ phận bị hư hỏng và các công việc tương tự).
2. Các công việc như lau bụi, sàng lọc, chọn lựa, phân loại (bao gồm cả việc xếp thành bộ) lau chùi, sơn, chia cắt ra từng Phần.
3. Thay đổi bao bì đóng gói và tháo dỡ hay lắp ghép các lô hàng; đóng chai, lọ, đóng gói, bao, hộp và các công việc đóng gói bao bì đơn giản khác.
4. Dán lên sản phẩm hoặc bao gói của sản phẩm các nhãn hiệu, nhãn, mác hay các dấu hiệu phân biệt tương tự.
5. Trộn đơn giản các sản phẩm, dù cùng loại hay khác loại.
6. Lắp ráp đơn giản các bộ phận của sản phẩm để tạo nên một sản phẩm hoàn chỉnh …”.
Đối với hàng hóa đối có thương hiệu của Việt Nam, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 984/QĐ-BCT về Quy chế xây dựng và thực hiện Chương trình Thương hiệu quốc gia, với tiêu chí để hàng hóa được gắn mác Giá trị Việt Nam (Vietnam Value) nhằm quảng bá tên thương mại, chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu hàng hóa của Việt Nam trên thị trường trong và ngoài nước.
Cụ thể, Điều 4 Quyết định 984/QĐ-BCT đưa ra các tiêu chí chủ yếu để sản phẩm tham gia Chương trình được bình chọn mang Biểu trưng Thương hiệu quốc gia:
“1. Là kết quả của quy trình sản xuất và quản trị kinh doanh hiện đại, đáp ứng các yêu cầu, quy định của các cơ quan chức năng có thẩm quyền trong từng thời kỳ.
2. Được sản xuất và cung ứng bằng công nghệ tiên tiến, thân thiện môi trường, sử dụng nguyên vật liệu trong nước và có khả năng xuất khẩu và thay thế sản phẩm nhập khẩu.
3. Chất lượng sản phẩm được đảm bảo bằng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến và được công nhận theo các quy định của pháp luật hiện hành.
4. Thiết kế và công năng sử dụng có tính ưu việt và sáng tạo.
5. Thương hiệu sản phẩm được đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam và được sở hữu bởi các doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh thành lập tại Việt Nam.
6. Có chiến lược xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu; có bộ máy chuyên trách quản trị thương hiệu.
7. Chiếm tỷ trọng lớn trên thị trường nội địa và trong kim ngạch xuất khẩu.
8. Được người tiêu dùng bình chọn”.
Mặc dù vậy, các văn bản nêu trên tập trung vào quy định về yêu cầu ghi nhãn hàng hóa, bảo hộ chỉ dẫn địa lý và xây dựng thương hiệu Việt Nam.
Hiện chưa có quy định về bộ tiêu chí, cũng như tỉ lệ nội địa hóa để xác định như thế nào là hàng hóa được ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam.