Xử phạt hơn 8,6 tỷ đồng vi phạm bản quyền phần mềm máy tính
Bộ VH-TT-DL cho biết, từ 2006 – 2015, đơn vị này đã ban hành 499 quyết định xử phạt đối với các doanh nghiệp vi phạm hành chính trong lĩnh vự phần mềm máy tính và nộp ngân sách 8,6 tỷ đồng.
Dữ liệu được ông Trần Văn Minh, Phó Chánh Thanh tra Bộ VH-TT-DL đưa ra trong buổi tọa đàm doanh nghiệp Việt Nam và một số vấn đề thực thi quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) trong TPP vừa được tổ chức.
Trong nhiều năm qua, Việt Nam còn tồn tại rất nhiều sai phạm về quyền SHTT trong lĩnh vự phần mềm máy tính. Theo báo cáo, từ 2006 – 2015, qua kiểm tra đột xuất 541 doanh nghiệp và tổng số 27.602 máy tính, Bộ VH-TT-DL đã phát hiện hành vi sao chép tác phẩm phần mềm máy tính mà không được phép của chủ sở hữu và lập biên bản vi phạm hành chính và ban hành 499 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 8,613 tỷ đồng. Như vậy, trong 10 năm, chỉ có 41 doanh nghiệp chấp hành đúng quy định pháp luật về SHTT trong lĩnh vực phần mềm máy tính.
Sau 10 năm thực hiện Luật SHTT, Thanh tra Bộ VHTTDL đã tích cực thực hiện và đạt được nhiều kết quả quan trọng trong công tác thực thi cũng như Công tác tuyên truyền, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và Công tác tập huấn và tuyên truyền pháp luật. Thanh tra Bộ đã phối hợp với Bộ Công an, xử lý và giải quyết 100% đơn yêu cầu xử lý hành vi xâm phạm quyền tác giả đối với chủ sở hữu chương trình phần mềm máy tính.
Ông Minh cũng cho hay, qua công tác thanh tra, ý thức chấp hành của các doanh nghiệp ngày càng tăng lên. Sau kiểm tra, hành vi vi phạm được chấm dứt. Các doanh nghiệp, tổ chức có các hành vi vi phạm tự giác gỡ bỏ chương trình phần mềm ra khỏi máy tính, chủ động làm việc với chủ sở hữu để giải quyết trách nhiệm dân sự của mình.
Về phía mình, Liên minh phần mềm doanh nghiệp (BSA) cho biết dù tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm máy tính ở Việt Nam đã giảm rõ rệt, từ 92% năm 2004 xuống còn 81% trong năm 2014. Thế nhưng, đây vẫn còn là một tỷ lệ quá cao.
Trong tọa đàm, ông Roland Chan, Giám đốc cấp cao phụ trách Chương trình Tuân thủ, khu vực châu Á-Thái Bình Dương của BSA nhận định: 81% máy tính sử dụng phần mềm vi phạm bản quyền là một tỷ lệ cao và đặt ra những thách thức lớn cho các doanh nghiệp Việt khi tham gia TPP bởi khi thực thi TPP đặt nặng vấn đề pháp lý hơn so với các hiệp định khác. Ông Roland Chan cũng cảnh báo không chỉ về vấn đề vi phạm pháp luật, việc sử dụng phần mềm không bản quyền cũng dẫn đến những hậu quả khó lường về nguy cơ mất an toàn an ninh thông tin đặc biệt là khi an ninh mạng là vấn đề ngày càng gia tăng trong thời đại IoT khi phần mềm và các thiết bị cầm tay ở khắp mọi nơi. Doanh nghiệp phải đối mặt với các rủi ro từ các cuộc tấn công, dữ liệu bị đánh cắp. Đây cũng là điều doanh nghiệp cần phải tính tới để tránh những thiệt hại về lợi ích cho doanh nghiệp do hacker gây ra.
Trở lại vấn đề SHTT trong TPP, ông Minh cho biết, Việt Nam đã ký kết văn kiện trở thành thành viên chính thức của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) bao gồm 12 nước thành viên. Một lĩnh vực mà TPP đặc biệt quan tâm là bảo hộ quyền SHTT trong đó là thực thi quyền sở hữu trí tuệ được đặc biệt chú trọng. Điều này đặt ra những thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam buộc phải tuân thủ nghiêm ngặt hơn các điều luật về SHTT. Trong lĩnh vực phần mềm máy tính, trong những năm gần đây, mặc dù đã có nhiều cải thiện đáng kể, nhưng tình trạng xâm phạm bản quyền phần mềm máy tính vẫn còn tương đối phổ biến. Vì vậy, các doanh nghiệp cũng cần quan tâm hơn tới vấn đề sở hữu trí tuệ, có những bước chuẩn bị về tài chính, về nhân lực và về kỹ thuật để khi hội nhập TPP, chúng ta tránh được các rắc rối khiếu kiện có thể xảy ra.
theo ictnews.vn
»