Xử lý vi phạm kiểu dáng tại Việt Nam

Vi phạm quyền sở hữu KDCN được hiểu là hành vi của các chủ thể không phải là chủ sở hữu KDCN, không được chủ sở hữu cho phép sử dụng KDCN nhằm mục đích thương mại trong thời gian văn bằng bảo hộ độc quyền KDCN còn hiệu lực.

Các dạng hành vi vi phạm

Tại Điều 126 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung 2022) quy định Chủ thể thực hiện một trong các hành vi xâm phạm đối với kiểu dáng công nghiệp như sau:

Sử dụng kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ hoặc kiểu dáng công nghiệp không khác biệt đáng kể với kiểu dáng đó trong thời hạn hiệu lực của văn bằng bảo hộ không không được phép của chủ sở hữu;

Sử dụng kiểu dáng công nghiệp mà không trả tiền đền bù theo quy định về quyền tạm thời quy định tại Điều 131 của luật này

Ngoài ra, theo quy định tại Khoản 2 Điều 124 Luật Sở hữu trí tuệ đã quy định về việc sử dụng kiểu dáng công nghiệp gồm các hành vi sau đây:

Sản xuất (chế tạo, gia công, lắp ráp, chế biến đóng gói) sản phẩm, bộ phận sản phẩm đang được bảo hộ là KDCN;

Đưa vào lưu thông (bán, vận chuyển), quảng cáo (thể hiện trên các phương tiện thông tin, biển hiệu, phương tiện kinh doanh, các sản phẩm hàng hóa khác, phương tiện dịch vụ, chào hàng, khuyến mại, giấy tờ giao dịch kinh doanh) nhằm để bán, chào bán, tàng trữ để bán các sản phẩm, bộ phận sản phẩm có hình dáng bên ngoài được bảo hộ là KDCN hoặc có chứa một hoặc các bộ là thành phần tạo dáng cơ bản của KNCN đang được bảo hộ.

Chủ thể thực hiện hành vi

Người thực hiện hành vi nêu trên không phải là chủ sở hữu KDCN và cũng không phải là người có quyền sử dụng KDCN

Thời gian thực hiện hành vi

Hành vi nêu trên được thực hiện trong thời hạn bảo hộ KDCN được ghi trên bằng độc quyền KDCN. Chỉ có thể coi các hành vi này là hành vi xâm phạm quyền sở hữu KDCN khi nó được thực hiện trong thời hạn bảo hộ KDCN. Bởi lẽ, một trong những khác biệt cơ bản giữa quyền sở hữu tài sản và quyền SHTT là quyền SHTT chỉ tồn tại trong một thời hạn nhất định. Hết thời hạn bảo hộ, quyền SHTT đối với KDCN sẽ chấm dứt, mặc dù đối tượng của quyền SHTT đó vẫn tồn tại. Khi đó, KDCN đó trở thành tài sản chung của toàn xã hội, bất kì người nào muốn đều có thể sử dụng, khai thác KDCN đó. Đây là điểm then chốt để xác định một hành vi sử dụng, khai thác có phải là hành vi xâm phạm quyền sở hữu KDCN hay không.

Các dạng vi phạm quyền sở hữu kiểu dáng công nghiệp

Hàng nhái kiểu dáng công nghiệp

Hàng nhái KDCN thường xuất hiện một số loại sau:

Hàng nhái trùng lặp kiểu dáng hoặc kiểu dáng không khác biệt cơ bản với KDCN được bảo hộ: là loại hàng hóa có sự sao chép, trùng lặp (giống hoàn toàn) giữa kiểu dáng vi phạm với KDCN đã được bảo hộ; hoặc sản phẩm mang KDCN vi phạm và sản phẩm mang KDCN được bảo hộ là trùng lặp nhưng không giống hoàn toàn với KDCN được bảo hộ. Hành vi vi phạm kiểu dáng loại này thường kéo theo các vi phạm về NHHH như nhái nhãn hiệu của sản phẩm được bảo hộ KDCN.

Trên thị trường hiện nay, loại vi phạm này rất phổ biến và đặc biệt thường xảy ra đối với các sản phẩm xe máy, như kiểu dáng xe máy WAVE của HONDA có những kiểu dáng tương tự mang những nhãn hiệu nhái là WELLA, WEVE Spring… do các hãng xe máy của Trung Quốc sản xuất dễ gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.

Hàng nhái cách điệu KDCN: đây là trường hợp sản phẩm vi phạm không sao chép hoàn toàn sản phẩm có KDCN được bảo hộ, mục đích là tiêu thụ được nhiều sản phẩm và tăng thêm thị phần.

Nhái KDCN có cách điệu là giải pháp khá tinh vi và khôn ngoan của những chủ thể thực hiện hành vi vi phạm, không vi phạm trực tiếp quyền của chủ sở hữu mà vẫn có thể khiến cho người tiêu dùng liên tưởng đến các sản phẩm nổi tiếng, đặc biệt là các sản phẩm nhập khẩu.

Các vi phạm KDCN dạng này phổ biến trong lĩnh vực hàng dệt may (nhái thiết kế, kiểu dáng của các hãng may nổi tiếng thế giới của Pháp, Ý, Hồng Kông, Hàn Quốc,..); kiểu dáng bao bì sản phẩm (kiểu dáng các loại sản phẩm là dược phẩm, hóa mỹ phẩm: dầu gội, sữa tắm, nước rửa chén,..), nhãn hiệu, kiểu dáng bao bì của một số loại rượu vang, champagne của Việt Nam tương tự như bao bì các loại rượu nhập khẩu

Hàng giả kiểu dáng công nghiệp

Hàng giả bao gồm:

Hàng giả chất lượng hoặc công dụng;

Hàng giả về nhãn hiệu hàng hóa, KDCN, nguồn gốc xuất xứ, hàng hóa. Trong đó, hàng giả KDCN được coi là hàng hóa, bộ phận của hàng hóa có hình dáng bên ngoài trùng với KDCN đang được bảo hộ mà không được phép của chủ KDCN.

Đối với hành vi vi phạm nhái KDCN, chủ thể thực hiện hành vi vi phạm có thể do vô tình không biết là sản phẩm, hàng hóa đó được bảo hộ nên đã có hành vi xâm phạm quyền của chủ sở hữu. Đối với hành vi làm hàng giả, đây là những trường hợp cố ý sản xuất và tiêu thụ những sản phẩm giả với biểu hiện vi phạm đa dạng, gây nhiều khó khăn  trong việc phát hiện và xử lý những vi phạm về quyền SHCN. Với công nghệ làm giả tinh vi, hàng giả được làm gần như hàng thật, nhiều khi rất khó phân biệt với hàng thật, gây khó khăn trong việc thu thập chứng cứ về nguồn gốc, xuất xứ của hàng giả, vì từ kiểu dáng, mẫu mã cho đến các thông tin trên sản phẩm đều là của nhà sản xuất hàng thật (của chủ sở hữu KDCN).

Hàng nội giả hàng nội

Các sản phẩm do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất hiện nay đã bước đầu đáp ứng được thị hiếu của người tiêu dùng về chất lượng và mẫu mã. Tuy nhiên, chúng đều có chung một nhược điểm là chậm thay đổi về kiểu dáng, mẫu mã, ngay cả đối với những doanh nghiệp đã có uy tín trên thương trường với nhiều sản phẩm được bảo hộ về KDCN cũng không ngoại lệ. Sự nghèo nàn, thiếu đầu tư trong việc sáng tạo ra những kiểu dáng mới của các sản phẩm Việt Nam là một trong những nguyên nhân khiến cho tình trạng vi phạm quyền sở hữu KDCN diễn ra ngày càng nhiều. Các sản phẩm trong nước bị làm giả về KDCN tập trung chủ yếu ở lĩnh vực hàng thực phẩm (bánh, kẹo kinh đô, bột ngọt,…), nước giải khát (bia Hà Nội, nước khoáng Lavie,..) thuốc tân dược, xe đạp,..

Hàng nội giả hàng ngoại

Đây là một trong những dạng vi phạm khá phổ biến, thường thấy ở các sản phẩm thực phẩm, đồ uống (các loại rượu ngoại như Whisky, XO,..), quần áo, giầy dép, phụ tùng xe máy,..

Hàng ngoại giả hàng ngoại

Các loại hàng giả KDCN của các sản phẩm ngoại được đưa vào tiêu thụ ở thị trường Việt Nam chủ yếu là các sản phẩm dệt may, mỹ phẩm… có xuất xứ từ trung quốc (phần lớn là từ các tỉnh giáp biên giới Việt Nam-Trung Quốc). Các sản phẩm đó thường làm giả các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới như Nike, Adidas, Dior; mỹ phẩm, nước hoa của Nhật, Mỹ, Hàn Quốc, Pháp,..Mặc dù, những loại sản phẩm này không trực tiếp xâm phạm quyền sở hữu KDCN được bảo hộ tại Việt Nam nhưng có thể coi đây là những hành vi cạnh tranh không lành mạnh, ảnh hưởng tới thị phần của các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất các mặt hàng cùng loại

Hàng ngoại giả hàng nội

Vào thập kỉ trước, các loại hàng nhái, hàng giả tập trung chủ yếu ở các mặt hàng nhập khẩu, hàng ngoại. Hiện nay, hàng hóa Việt Nam dã có những bước tiến đáng kể về chất lượng và mẫu mã, một số thương hiệu (dép Bitis, sản phẩm dệt may của Việt Tiến, May 10,..) không chỉ nổi tiếng ở thị trường trong nước mà còn khẳng định được vị thế của mình ở thị trường khu vực và một số thị trường lớn trên thế giới. Đây là một nguyên nhân khiến cho các sản phẩm nội bị làm giả ở nước ngoài.

Bên cạnh đó, trên thị trường hiện nay còn có những sản phẩm ngoại làm giả sản phẩm của  các liên doanh trong nước. Các đối tượng sản xuất, kinh doanh hàng giả phổ biến là sản xuất phụ tùng (động cơ và phụ tùng xe máy) vỏ bao bì có in nhãn mác của Honda, Yamaha,.. được đưa từ nước ngoài vào thị trường Việt Nam tiêu thụ với số lượng lớn theo yêu cầu của người kinh doanh. Vi phạm KDCN nhiều nhất trong lĩnh vực này là kiểu dáng của các loại xe Wave, Yamaha, Future.

Xử lý vi phạm quyền sở hữu KDCN

Xử lý hành vi vi phạm quyền sở hữu KDCN là việc thực hiện các biện pháp theo quy định của pháp luật nhằm ngăn chặn, xử lý các hành vi sử dụng, khai thác trái phép KDCN để bảo vệ các quyền của chủ sở hữu KDCN, góp phần thực thi hiệu quả quyền của chủ sở hữu KDCN.

Khi quyền của chủ sở hữu KDCN bị vi phạm thì chủ sở hữu có quyền yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền tiến hành các hoạt động nhằm buộc người vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm và bồi thường thiệt hại. Theo quy định của Khoản 1 Điều 198 Luật sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung 2022), đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quyền sở hữu KDCN của tổ chức, cá nhân khác thì tùy theo tính chất, mức độ xâm phạm có thể bị xử lý bằng biện pháp dân sự, hành chính hoặc hình sự. Trong trường hợp cần thiết, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền có thể áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, biện pháp kiểm soát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu liên quan đến SHTT, biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử phạt hành chính.

Hành vi vi phạm quyền sở hữu KDCN có thể bị xử lý bằng một trong số các biện pháp:

– Biện pháp hành chính;

– Biện pháp dân sự;

– Biện pháp hình sự;

– Biện pháp kiểm soát biên giới (trong trường hợp cần thiết).

 Xử lý thông qua trung gian, hòa giải

Mặc dù không thuộc các biện pháp xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật hiện hành nhưng thực tế, trước khi quyết định yêu cầu các cơ quan chức năng áp dụng các biện pháp thực thư đó, chủ sở hữu thường tham vấn với luật sư hoặc cái Đại diện Sở hữu trí tuệ để tiến hành giải quyết các tranh chấp thông qua hòa giải. Giải quyết tranh chấp thông qua trung gian, hòa giải là biện pháp nhằm đạt được sự thỏa thuận của các bên, buộc bên xâm phạm quyền quyền SHCN chấm dứt hành vi vi phạm mà không tiến hành các thủ tục tố tụng tại tòa án.

Trong trường hợp xâm phạm quyền đối với KDCN, luật sư hoặc người đại diện bên bị vi phạm có thể gửi thư cảnh cáo hoặc tiến hành gặp gỡ bên vi phạm yêu cầu chấm dứt hành vi xâm phạm đó. Biện pháp này khá hiệu quả, vì trên thực tế, do trình độ hiểu biết pháp luật về SHCN còn rất hạn chế của người dân, các nhà sản xuất, người vi phạm thường không ý thức được hành vi vi phạm pháp luật của mình và do vậy, khi được khuyến cáo, họ thường tự nguyện chấm dứt hành vi vi phạm đang tiến hành. Trong trường hợp cần thiết, luật sư SHCN có thể lấy ý kiến chính thức của Cục SHTT kết luận về hành vi vi phạm, trên cơ sở đó thuyết phục các bên đạt được sự thỏa thuận mong muốn.

Biện pháp xử lý hành chính

Biện pháp xử lý hành chính là biện pháp thực thi quyền của chủ sở hữu KDCN thông qua con đường hành chính. Biện pháp này thường được áp dụng đối với các hành vi xâm phạm quyền KDCN chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chủ sở hữu KDCN không muốn giải quyết tranh chấp tại tòa án dân sự.

Chủ thể quyền yêu cầu áp dụng biện pháp xử lý hành chính

Theo pháp luật Việt Nam, các chủ thể có quyền “yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền buộc người có hành vi xâm phạm quyền sở hữu của mình phải chấm dứt hành vi xâm phạm và bồi thường thiệt hại” đó là:

Chủ sở hữu bằng độc quyền KDCN;

Người được ủy quyền của chủ sở hữu bằng độc quyền KDCN: để thực hiện các hành động ủy quyền, người được ủy quyền cần phải có giấy ủy quyền hợp lệ của chủ bằng độc quyền KDCN. Thông thường, người được chủ sở hữu bằng độc quyền KDCN ủy quyền tiến hành yêu cầu xử lý vi phạm hành chính là các đại diện SHCN. Theo quy định của pháp luật, người đại diện SHCN không được là đồng đại diện cho các bên có quyền lợi tranh chấp trong một vụ việc;

Người được chuyển giao quyền sở hữu, thừa kế quyền sở hữu KDCN: người được chuyển giao quyền sở hữu KDCN trên cơ sở hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu KDCN hoặc quyền thừa kế đối với KDCN, khi yêu cầu các cơ quan nhà nước thẩm quyền tiếp hành thực thi quyền cần phải xuất trình tài liệu, khẳng định quyền của mình đối với KDCN bị vi phạm;

Cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm

Khi phát hiện có hành vi vi phạm quyền sở hữu KDCN, chủ sở hữu KDCN có quyền yêu cầu  các cơ quan chức năng sau đây thực thi quyền được bảo hộ:

Ủy ban nhân dân các cấp

Thanh tra chuyên sâu ngành SHCN

Cơ quan cảnh sát

Cơ quan hải quan

Cơ quan quản lý thị trường.

Các cơ quan trên có chức năng xử lý vi phạm xảy ra trong phạm vi địa phương mình quản lý. Thanh tra chuyên ngành SHCN thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ có thẩm quyền xử phạt hành chính đối với các hành vi vi phạm trong phạm vi cả nước.

Các chế tài hành chính

Theo quy định tại Điều 3 Nghị định số 99/2013/NĐ-CP, các chế tài hành chính có thể được áp dụng đối với các hành vi vi phạm, đó là:

Phạt cảnh cáo: phạt cảnh cáo được áp dụng đối với trường hợp vô ý vi phạm, vi phạm nhỏ, vi phạm lần đầu và có tình tiết giảm nhẹ.

Phạt tiền: hình thức phạt tiền được áp dụng là một trong những biện pháp chế tài chính trong xử lý vi phạm hành chính. Mức phạt tiền được quy định tương ứng với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm. Về nguyên tắc, trong trường hợp vi phạm có tình tiết giảm nhẹ thì áp dụng mức phạt tiền thấp hơn nhưng không dưới mức tối thiểu của khung phạt tiền. Trong trường hợp vi phạm có tình tiết tăng nặng thì áp dụng mức phạt cao hơn, nhưng không vượt quá mức tối đa của khung phạt tiền quy định cho các hành vi xâm phạm đó.

Các hình thức xử phạt bổ sung: Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm người vi phạm là tổ chức hoặc cá nhân còn có thể bị áp dụng một hoặc các hình thức xử phạt bổ sung. Hình thức xử phạt bổ sung được áp dụng khi cơ quan chức năng thấy rằng việc áp dụng đó là cần thiết nhằm triệt để xử lý vi phạm, loại trừ nguyên nhân và điều kiện tiếp tục vi phạm hoặc khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm gây ra.

Các hình thức xử phạt bổ sung được áp dụng theo quy định tại Điều 3 Thông tư 11/2015/TT-BKHCN

Biện pháp dân sự

Quyền đối với KDCN được xác lập và bảo hộ thông qua các quy định của pháp luật dân sự. Việc khởi kiện dân sự được chủ sở hữu KDCN lựa chọn khi muốn yêu cầu bên vi phạm bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm quyền KDCN lựa chọn khi muốn yêu cầu bên vi phạm bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm quyền sở hữu KDCN gây ra. Theo quy định của pháp luật, khi yêu cầu bồi thường thiệt hại lên tới hơn một triệu đồng, người yêu cầu bồi thường thiệt hại cần khởi kiện vụ án dân sự.

Chủ thể có quyền khởi kiện

Trong trường hợp vi phạm quyền sở hữu KDCN, chủ thể có quyền khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại là:

Chủ sở hữu bằng độc quyền KDCN

Người được ủy quyền của chủ sở hữu, thừa kế quyền sở hữu KDCN:

Bên nhận li-xăng trong trường hợp bên giao không tiến hành các biện pháp thỏa đáng để bảo vệ quyền lợi cho bên giao theo quy định của pháp luật.

Khi khởi kiện vụ án dân sự, nguyên đơn thường ủy quyền khởi kiện và tham gia tranh tụng tại tòa án cho các luật sư, người có kiến thức chuyên sâu về luật SHTT.

Chế tài

Theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ, tòa án có thẩm quyền áp dụng các biện pháp dân sự sau đây để xử lý tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ:

Buộc chấm dứt hành vi xâm phạm;

Buộc xin lỗi, cải chính công khai;

Buộc thực hiện nghĩa vụ dân sự;

Buộc bồi thường thiệt hại vật chất/tinh thần;

Buộc tiêu hủy hoặc buộc phân phối hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại;

Áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời: thu giữ, kê biên, niêm phong,…

Biện pháp hình sự

Pháp luật Việt Nam quy định: cá nhân thực hiện hành vi xâm phạm quyền SHTT có yếu tố cấu thành tội phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật hình sự

 Các hành vi xâm phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Bộ luật Hình sự nước CHXHCN Việt Nam năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017)  có ghi nhận một số điều khoản liên quan đến hành vi xâm phạm quyền sở hữu KDCN, cụ thể là các hành vi xâm phạm sau đây có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự:

– Sản xuất và buôn bán hàng giả (Điều 192);

– Sản xuất và buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh (Điều 193, Điều 194);

– Sản xuất là buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi (Điều 195);

Các hành vi xâm phạm nêu trên được xem là tội phạm khi các hành vi đó: gây hậu quả nghiêm trọng hoặc rất nghiêm trọng; hoặc người thực hiện hành vi đã bị xử phạt hành chính về hành vi mà chưa hết thời hạn bị coi là chưa xử lý vi phạm hành chính; hoặc người thực hiện hành vi đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích.

Trong đó đã quy định rõ khung giá trị vi phạm để áp dụng hình phạt.

Cơ quan có trách nhiệm khởi tố vụ án hình sự

Khác với vụ án dân sự là tùy thuộc vào quyền tự định đoạt của các đương sự, việc khởi tố vụ án hình sự được tiến hành ngay cả khi không có yêu cầu của người bị hại, trừ một số trường hợp đặc biệt do pháp luật quy định. Khi xác định hành vi xâm phạm quyền đối với KDCN có dấu hiệu cấu thành tội phạm, các cơ quan tố tụng có thẩm quyền ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, bao gồm: cơ quan điều tra, viện kiểm sát nhân dân, tòa án nhân dân. Ngoài ra, đơn vị bộ đội biên phòng, cơ quan hải quan, cơ quan kiểm lâm có quyền ra quyết định khởi tố vụ án hình sự trong một số trường hợp theo quy định của pháp luật.

  1. e) Các biện pháp kiểm soát biên giới

Các biện pháp kiểm soát biên giới được hiểu là các biện pháp nhằm phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi xâm phạm quyền SHCN đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu.

Chủ thể có quyền yêu cầu tiến hành các biện pháp kiểm soát biên giới

Các chủ thể có quyền yêu cầu các cơ quan chức năng tiến hành các biện pháp biên giới, cụ thể là tạm dừng làm thủ tục hải quan cho lô hàng bị nghi ngờ là hàng vi phạm,là:

– Chủ sở hữu KDCN: bao gồm chủ sở hữu bằng độc quyền KDCN, người được chuyển nhượng hoặc thừa kế quyền đối với KDCN;

– Bên nhận li-xăng KDCN trong trường hợp bên giao li-xăng không thực hiện quyền này trong thời hạn ba tháng kể từ ngày bên nhận li-xăng đề nghị điều đó và việc người thứ ba nhập khẩu, xuất khẩu hàng xâm phạm quyền KDCN gây thiệt hại cho bên nhận li-xăng;

– Cá nhân, pháp nhân thực hiện yêu cầu tiến hành các biện pháp biên giới thông qua ủy quyền của chủ sở hữu KDCN.

Cơ quan có thẩm quyền áp dụng các biện pháp kiểm soát biên giới

Đơn yêu cầu áp dụng các biện pháp kiểm soát biên giới được nộp cho cơ quan hải quan có thẩm quyền bao gồm:

– Cục giám sát quản lý về hải quan thuộc Tổng cục Hải quan (đối với việc yêu cầu áp dụng các biện pháp biên giới có liên quan đến nhiều đơn vị hải quan trên phạm vi toàn quốc);

– Cục hải quan tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc hải quan cửa khẩu nơi trực tiếp làm thủ tục hải quan cho lô hàng bị nghi ngờ là vi phạm.

 

 

 

 

SBLAW tư vấn về bảo hộ thương hiệu và các tài sản trí tuệ khác một cách nhanh chóng, chính xác và hiệu quả:
Quý khách cần sử dụng dịch vụ bảo hộ tài sản trí tuệ, vui lòng liên hệ trực tiếp đến.
  • Điện thoại – Chat Zalo
  • Email address
Tin tức liên quan